LỄ HỘI XUÂN LÀNG CHÂU KHÊ
Trong hai ngày 18-19 tháng Giêng-Giáp Ngọ (tức 17-18/2/2014), tại “Sỹ Công Đại Vương Từ” – Đình làng Châu Khê xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nơi thờ tướng quân Phạm Sĩ, Lễ Hội Xuân truyền thống của làng đã được mở.
Lễ hội năm nay long trọng tưởng niệm 724 năm ngày hóa của “Dực Hổ Hầu, Hải Dương Đạo Bình Nguyên Đại tướng quân Phạm Sĩ hiệu Huyền Du, có công giúp nhà Trần 2 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, Người là “Đức Thánh Thần Thượng Đẳng Châu Khê”; tưởng niệm 824 năm Thống lĩnh cấm binh Chu Tam Sương (thời nhà Lý) có công khai sơn phá thạch lập Chu Xá Trang (nay là làng Châu Khê) và giỗ năm thứ 554 Tổ nghề vàng bạc là Ngài Thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín (đời vua Lê Thánh Tông thế kỷ 15 người có công khởi dựng nghề Kim hoàn). Đó là ba vị được thờ trong đình làng Châu Khê, trong đó Tướng quân Phạm Sỹ được thờ ở giữa, Đức Thánh Chu Tâm Sương thờ bên trái và Thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín thờ bên phải (từ ngoài nhìn vào) (về Tướng quân Phạm Sĩ, mời xem bài đã đăng tại http://www.hophamvietnam.org/?p=4824)
Về với Lễ Hội đầu xuân Châu Khê-2014 có: lãnh đạo TƯ Hội mỹ nghệ kim hoàn – đá quý Việt Nam, Hội MNKH các tỉnh Hà Nội – Hải Phòng – Hải Dương và nhiều tỉnh thành trong cả nước cùng 2 chi hội Châu Khê-Phúc Tân Hoàn Kiếm Hà Nội và Châu Khê Hải Phòng. TƯ Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và nhiều bạn hàng trong cả nước cũng về dự.
Hội xuân năm nay lần đầu tiên BTC đã mời Hội đồng Họ Phạm Việt Nam và tỉnh Hải Dương cùng Hội đồng Lưu tộc Việt Nam về chia vui và vấn Tổ tìm tông.
Đông đủ lãnh đạo chủ chốt Huyện ủy-HĐND-UBND và các Phòng Ban ngành của huyện Bình Giang cùng Lãnh đạo xã Thúc Kháng về trực tiếp chỉ đạo Lễ Hội.
Lễ hội xuân Châu Khê Giáp Ngọ năm nay tiếp theo truyền thống 554 năm và 23 năm từ ngày Nhà nước Công nhận Cụm Di tích cấp Quốc gia.
Lễ Hội có hai phần rõ rệt: phần Lễ và phần Hội.
Ông Phạm Ứng Kiệt, Phó Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng – Trưởng ban QLDT, Trưởng ban Tổ chức đã đọc diễn văn khai Hội. Tiếp theo là thủ tục đánh trống, đánh chiêng mở Hội. Lễ Tế bắt đầu bằng việc dâng và tuyên đọc Chúc văn tri ân công đức tiên Tổ-Đức thành hoàng làng – tướng quân Phạm Sĩ, sau đó là báo cáo những việc lớp hậu duệ đã làm được và chưa làm được năm 2013 trong xây dựng nông thôn mới cùng chương trình hành động năm 2014. Tiếp đến là Lễ dâng hương: đầu tiên là 5 bậc kỳ lão của làng, rồi đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, tiếp theo là các đoàn khách rồi đến các đoàn của các dòng họ, gia đình, cá nhân…Trước đó các ngày 17-18 là Lễ Tế Nam giao, Lễ dâng hương lục phẩm của các lão ông lão bà và TDTT văn nghệ giao lưu góp phần đưa lễ hội thêm vui vẻ náo nức.
Trong phần Hội tiếp sau ngay phần Lễ thì phần quan trọng không thể thiếu và thật thiêng liêng là “Rước Kiệu Long Đình” truyền thống, với đội hình đẹp muôn mầu sắc, sư tử, cờ lọng trống chiêng bát âm. Ba kiệu Tướng quân Phạm Sỹ, đức Thánh Chu Tam Sương và Tổ công vàng bạc Lưu Xuân Tín. Các đội tế nam, tế nữ, và các tầng lớp nhân dân…cùng tham gia lễ hội. Lễ rước thực sự đưa Lễ Hội lên tầm Văn hóa tâm linh ghi dấu ấn đẹp của thời kỳ mới ấm no hạnh phúc, nhà nhà văn hóa văn minh tiến bộ.
Chiều tối ngày 19 Lễ hội đã kết thúc, nhưng ai ai cũng “Về còn nhớ mãi Hội này,
Mong sao cho đến ngày rày sang năm…”
Phạm Minh Tiến
(Châu Khê)
Một số hình ảnh Lễ hội
Toàn cảnh lễ rước 3 vị được thờ ở Đình làng (ảnh bên trái: Rước kiệu Thành hoàng làng - Phạm Sĩ)
Ông Phạm Ngọc Tú- đại diện lãnh đạo Châu Khê đọc Lời chúc mừng
Năm cụ kỳ lão của làng dâng hương (người thứ hai bên phải là ông Phạm Minh Tiến)