Thứ năm, 20/02/2014 - 09:28
Nét đặc sắc đình làng Đồng Kỵ
Làng cổ Đồng Kỵ có tên Nôm là Cời (Kẻ Cời), nằm ở hữu ngạn sông Ngũ Huyện Khê, sát đỉnh thứ 2 (Cổ Loa, Đông Anh) của tam giác châu thổ sông Hồng, nay thuộc phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn. Làng cổ Đồng Kỵ vừa mang nét văn hóa chung của vùng châu thổ sông Hồng, vừa mang bản sắc của vùng Kinh Bắc xưa. Các di tích đình, đền, chùa nơi đây với những giá trị nghệ thuật và tâm linh đặc sắc kết hợp lại thành một cụm kiến trúc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1988.

Đình làng Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn) chứa đựng những giá trị văn hóa, kiến trúc và tâm linh đặc sắc.

 
 
Theo như thần phả, thần tích mà làng còn giữ lại, đình Đồng Kỵ là nơi thờ đức thánh Thiên Cương (tức Hùng Huy Vương), một vị tướng giỏi của Vua Hùng thứ 6, có công theo Thánh Gióng đánh giặc Xích Quỷ, giặc Ân xâm lược. Đình làng được xây dựng khá sớm, từ thời nhà Lý, đến thời hậu Lê được xây dựng lại với quy mô lớn hơn và được trùng tu vào thời nhà Nguyễn. Trải qua những lần trùng tu, kiến trúc và điêu khắc của đình hiện nay mang nhiều phong cách nghệ thuật, tuy nhiên nét hài hòa của kiến trúc cũ không hề bị phá vỡ.

Với không gian kiến trúc rộng, khuôn viên đình với những cây đa, cây đề hàng trăm năm tuổi cùng những chiếc cầu đá bắc ngang qua hồ nước tạo nên một vẻ đẹp đặc trưng, bình yên và cổ kính. Mái đình lợp ngói mũi hài, bốn góc có 4 đầu đao cong. Bên trong đình, các cột, mái làm bằng gỗ lim, được trạm trổ tinh vi và có sự tương ứng với nhau một cách hợp lý. Nền đình làm bằng sàn gỗ, cao hơn 1m so với sân đình để tránh úng ngập vào mùa mưa bão. Phía nền gỗ gần sát bên ngoài cửa cao hơn phía trong khoảng 8-10cm để làm chỗ ngồi cho các cụ thượng thọ mỗi khi có việc làng.

Cũng như bao ngôi đình khác, đình làng Đồng Kỵ là ngôi nhà chung để người dân hội họp, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và tế lễ thờ cúng các vị thần đã có công giúp nước hộ dân. Hội làng diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng. Trong những ngày này, ngày mùng 4 được coi là ngày quan trọng và náo nhiệt nhất, vì nó diễn ra lễ hội rước pháo để tưởng niệm công trạng của vị Thành Hoàng làng khi xưa.

Ngoài những ngày hội, một năm cửa đình chỉ mở thêm 2 lần vào các ngày 12-11 (âm lịch) để các bô lão trong làng tổng kết những việc đã làm được trong năm và ngày 10-1 (âm lịch) để bàn bạc những việc cần làm sắp tới, hoặc sửa sang hương ước. Các cụ khi ra đình phải ngồi theo thứ tự “chiếu trên, chiếu dưới” rõ ràng, người tuổi trên thì ngồi chiếu trên, tuổi dưới thì ngồi chiếu dưới. Cụ 100 tuổi thì ngồi với các cụ 100 tuổi, nếu chỉ có duy nhất một cụ 100 tuổi thì một mình cụ sẽ ngồi chiếu trên... Từ những năm 90 của thế kỷ trước, người dân Đồng Kỵ đã thành lập Ban quản lý di tích và Ban khánh tiết chuyên lo việc tế lễ, chăm sóc, tu bổ di tích với nguồn kinh phí phần lớn do người làng công đức.

Hiện nay, Đồng Kỵ là một làng nghề thủ công nghiệp nổi tiếng bậc nhất cả nước, cuộc sống của người dân ngày nay đã khá hơn rất nhiều so với trước kia cũng như so với mặt bằng chung. Xóm làng đã thay đổi không chỉ ở vẻ đẹp bề ngoài, mà cả những nét văn hóa, những hủ tục rườm rà trong ma chay, cưới hỏi... đã được điều chỉnh cho phù hợp. Những nét đẹp mang tính chất truyền thống hay các lễ tiết được thể hiện rõ trong hương ước của làng được người dân gìn giữ, coi trọng.

Có thể nói, đình Đồng Kỵ là một trong những đình làng cổ hiếm hoi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và nghệ thuật độc đáo, là một trong những di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại hiện còn đến ngày nay trên đất Bắc Ninh.

Bài, ảnh: Việt Anh
Top