Không biết tự bao giờ, những câu thơ trên đã lưu truyền trong dân gian và trở nên vô cùng gần gũi, tự hào đối với những người dân miền quê quan họ. Cách Hà Nội khoảng 30 km, xuôi quốc lộ 5, tới Phú Thị, rồi rẽ theo quốc lộ 182 đi chừng 12 km là về tời chùa Dâu, nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trở về nơi đây, ta không khỏi ngạc nhiên trước vùng đất mang đậm chất trữ tình, thơ mộng, trước không gian thanh tịnh của miền quê yên ả, hiền hòa, hiếu khách. Chùa Dâu cổ kính, rêu phong, ẩn mình giữa những tán lá, lùm cây tạo trong lòng người cảm giác tĩnh tại, thực mà như mơ với bao huyền thoại về một xứ sở của vùng Dâu, Kinh Bắc xưa.
Chùa Dâu còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân hay Cổ Châu, tọa lạc ngay trung tâm của khu di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu và phong phú bậc nhất của quê hương Kinh Bắc. Nơi đây là thủ phủ của quận Giao Chỉ (Giao Châu), trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của nước ta, bao gồm thành cổ Luy Lâu, đền thờ và Lăng mộ Sỹ Nhiếp, hệ thống chùa tháp, đền đài, cung điện, lầu gác, bến bãi, gốm cổ, phố chợ sầm uất của đô thị Luy lâu,... là chứng tích một thời kỳ dài hàng chục thế kỷ trước và sau Công nguyên.
1. Lịch sử
Chùa Dâu là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo, từ Ấn Độ sang và từ phương Bắc xuống, chủ yếu bằng đường thủy theo dòng sông Dâu. Vào buổi đầu Công Nguyên, các tăng sỹ Ấn Độ, tiêu biểu là Khâu-đà-la đã tới đây truyền bá đạo Phật đầu tiên. Cuối thế kỷ VI, nhà sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi từ Trung Quốc đến chùa này và lập nên một phái thiền ở Việt Nam. Chùa Dâu trở thành trung tâm của phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, nơi trụ trì của nhiều cao tăng Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc đến để nghiên cứu, biên soạn, phiên dịch kinh Phật, đào tạo tăng ni.
Chùa được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226, những tài liệu, cổ vật còn lại ở chùa Dâu, đặc biệt là bản khắc “Cổ Châu Pháp vân Phật bản hạnh”, có niên đại 1752 cùng kết quả nghiên cứu về lịch sử Phật Việt Nam của các nhà sử học và Phật học đã khẳng định “Chùa Dâu là tổ đình của Phật giáo Việt Nam”, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử ngày 28/4/1962.
Năm 1913, chùa được xây dựng lại và trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo. Đời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông đã sai Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi về kiến thiết lại chùa Dâu thành “chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp”. Trải qua bao thăng trầm và chiến tranh tàn phá nhưng chùa Dâu với tháp gạch cao sừng sững, với tòa ngang, dãy dọc nguy nga, cổ kính vẫn còn đó.
Chùa Dâu gắn với huyền tích Phật mẫu Man Nương và tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), là biểu hiện sinh động sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tín ngưỡng dân gian của người Việt với Phật giáo khi mới du nhập. Tương truyền, nàng Man Nương, cô gái Kẻ Mèn (nay thuộc xã Hà mãn, Thuận Thành) dốc tâm học đạo Phật, một hôm nằm ngủ quên, sư Khâu –đà –la vô tình bước qua mà bỗng nhiên mang thai. Kết quả đến giờ Ngọ ngày 08 tháng 4 (âm lịch) thì sinh một nữ nhi. Nàng liền đem con đến trả cho sư Khâu-đà-la. Nhà sư mang đứa bé đén gốc cây dung thụ gõ cây đọc kệ. Cây dung thụ bỗng nứt toác ra ôm đúa bé vào lòng. Rồi Khâu-đà-la cho Man Nương cây tích trượng và dặn khi nào có đại hạn cứ cắm xuống đất và phát nguyện thì sẽ có nước để cứu dân. Thế rồi vào năm Giáp Tý, mưa bão đánh đổ cây dung thụ trôi theo dòng sông Dâu về đến thành Luy Lâu thì quẩn không trôi được nữa. Bao nhiêu chàng trai trong vùng được huy động đến kéo cây vào bờ nhưng cây không hề nhúc nhích. Vừa lúc đó, Man Nương vô tình ra sông rửa tay, bỗng dưng cây dập dình như con tìm thấy mẹ. Man Nương ném dải yếm ra thì cây dung thụ trôi ngay vào bờ. Cũng khi ấy Sỹ Nhiếp trong thành Luy Lâu được mộng phải tạc cây dung thụ thành tượng Tứ Pháp để thờ. Sỹ Nhiếp cho ngay thợ xẻ cây dung thụ tạc tượng Tứ Pháp. Khi tượng đã làm xong, làm lễ đặt tên cho pho thứ nhất thì bỗng thấy trời nổi mây ngũ sắc liền đặt tên là Pháp Vân, thờ ở chùa Dâu, dân gian gọi là bà Dâu. Khi đặt tên cho Pho thứ hai thì bỗng thấy trời nổi gió lớn liền đặt tên là Pháp Vũ, thờ ở Chùa Thành Đạo (tức chùa Đậu) dân gian gọi là bà Đậu. Đến khi đặt tên cho pho thứ ba thì bỗng thấy trời nổi sấm ầm ầm thì liền đăt tên là Pháp Lôi thờ ở chùa Phi Tướng (tức chùa Tướng) dân gian gọi là bà Tướng. Đến khi đặt cho pho thứ tư thì bỗng thấy trời nổi chớp, liền đặt tên là Pháp Điện thờ ở chùa Phương Quan (tức chùa Dàn) dân gian gọi là bà Dàn. Nhưng khi làm lễ rước Phật Tứ Pháp về các chùa, chỉ được ba pho, còn pho tượng Pháp Vân không hề chuyển động. Hỏi ra mới biết khi tạc tượng rìu đẽo phải hòn đá trong cây dung thụ đã quẳng xuống sông. Tức thì dân các làng chài quanh đấy được phái đi mò nhưng không hề thấy. khi Man Nương đi dò đến nơi thì bỗng nhiên hòn đá dưới nước nhảy lên vào lòng và phát sáng. Hòn đá đó đặt tên là Phật Thạch Quang được thờ ở chùa Dâu.
Câu chuyện nàng Man Nương được giải thích là sự mầu nhiệm của “nhân thiên hợp khí”. Thực chất đó là cuộc hôn phối giữa đạo phật với tín ngưỡng bản địa, tiền thân của Tứ pháp (Mây, Mưa, Sấm, Chớp) thờ ở vùng Dâu, Luy Lâu rồi lan tỏa ra nhiều vùng khác. Ngày mồng 8 tháng 4 không chỉ là ngày sinh Phật Thích Ca (Ấn Độ) mà là ngày sinh của Phật Tứ Pháp (Việt Nam).
2. Kiến trúc
Chùa Dâu ngày nay là kiến trúc tu sửa của thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18). Cũng giống như nhiều ngôi chùa cổ Việt Nam, chùa được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhất bao quanh ba ngôi nhà chính: tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Tiền đường của chùa Dâu đặt tượng Hộ pháp, tám vị Kim Cương; gian thiêu hương đặt tượng Cửu Long, hai bên có tượng các vị Diêm Vương, Tam Châu Thái tử, Mạc Đĩnh Chi. Thượng Điện để tượng bà Dâu (Pháp Vân), Bà Đậu (Pháp vũ), hai bên tượng bà Dâu là tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ với khuôn mặt sống động trong tư thế của một điệu múa cổ xưa, phía trước là một hộp gỗ trong đặt Thạch Quang Phật là một khối đá. Các pho tượng Bồ tát, Tam thế, Đức ông, Thánh tăng được đặt ở phần hậu điện phía sau chùa chính. Do chùa Đậu (Bắc Ninh) bị phá hủy, nên tượng bà Đậu (Pháp Vũ) được đưa về thờ ở chùa Dâu. Ngoài ra, trong chùa còn có rất nhiều pho tượng như: tượng tổ sư Tỳ- ni-đa-lưu- chi, 18 vị La Hán,…
Tượng Pháp Vân, phía trước là hộp đặt Thạch Quang Phật
Các pho tượng Bồ Tát, Tam Thế, Đức Ông, Thánh Tăng được đặt ở phần hậu điện sau chùa chính
Gian thiêu hương đặt tượng Cửu Long, hai bên có tượng các vị Diêm Vương, Tam Châu Thái tử
Chính giữa sân chùa trước bái đường, có ngôi tháp Hòa Phong, xây bằng gạch trần cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công tới độ có màu sẫm già của vại sành, cao chín tầng, nay chỉ còn ba tầng, cao khoảng 17m. Mặt trước tầng 2 có gắn bảng đá khắc chữ "Hòa Phong tháp". Chân tháp vuông, mỗi cạnh gần 7 m. Tầng dưới có 4 cửa vòm. Trong tháp có treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. Có 4 tượng Thiên Vương - 4 vị thần trong truyền thuyết cai quản 4 phương trời- cao 1,6 m ở bốn góc.
Trước tháp, bên phải có tấm bia vuông dựng năm 1738, bên trái có tượng một con cừu đá dài 1,33 m, cao 0,8 m. Truyền sử kể rằng: vào thời Luy Lâu còn là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của cả nước ta, có vị sư người Tây Thiên sang nước ta tu hành truyền bá đạo Phật. Ông dắt theo 2 con cừu. Một hôm sơ ý để 2 con đi lạc, 1 con lạc đến chùa Dâu, 1 con lạc đến Lăng Sĩ Nhiếp (thái thú Giao Chỉ thời đó), dân ở 2 vùng này đã tạc tượng 2 con cừu bằng đá ở nơi chúng đến để thờ. Do vậy hiện nay chùa Dâu có 1 con, Lăng Sĩ Nhiếp (cách đó 3 km) có 1 con.
3. Lễ hội chùa Dâu
Ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm, các chùa thờ Tứ Pháp tổ chức hội với trung tâm là chùa Dâu. Đây là lễ hội được coi là cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay. Sử sách cho biết các vua chúa thường về đây dự lễ hội, lễ Phật, cầu đảo, thậm chí tượng Pháp Vân nhiều lần được rước về kinh đô Thăng Long để cầu đảo. Lễ hội được tổ chức với những nghi lễ trang nghiêm, trọng thể theo đúng phong tục truyền thống kỷ niệm ngày Phật mẫu Man Nương hạ sinh nữ nhi. Lễ hội có nhiều nghi thức sinh hoạt dân gian và nhiều trò diễn xướng phong phú, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương, tín đồ, tăng, ni phật tử đến cúng lễ, dâng hương, dự hội.
Hội Dâu có 12 làng (xưa là xã) thuộc tổng Dâu (tức tổng Khương Tự) cùng phối hợp tổ chức, 12 làng nay thuộc 3 xã Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn. Hội diễn ra trong 02 ngày mồng tám và mồng chín tháng 4 âm lịch, ngày mồng tám là hội chính.
Một cảnh rước trong lễ hội
Hoạt động chính của hội là các làng tổ chức rước các tượng Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ (bà Đậu), Pháp Lôi (bà Tướng), Pháp Điện (bà Dàn) từ các chùa của làng mình về chùa Dâu “công đồng” (hội tụ các yếu tố Mây+ Sấm +Chớp= Mưa), đám rước gồm ngựa thờ, cờ lọng, cống bát quái,... Điều đặc sắc, ấn tượng nhất là khi tới chùa Dâu thì diễn ra trò “mẹ đuổi con”. Kiệu bà Dâu, bà Đậu, bà Tướng, bà Dàn, mỗi kiệu được rước chạy 03 vòng rồi trở về chỗ cũ. Sau đó diễn ra trò “cướp nước” được đón đợi nhiều nhất, khi có hiệu lệnh, kiệu bà Tướng (bà Sấm, bà Đậu (bà Mưa) đua nhau rước chạy ra tam quan. Kiệu rước bà nào đến trước thì bà đó được nước, là thắng. người dân quan niệm rằng, nếu là bà Đậu thì năm ấy được mùa, nếu là bà Tướng thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở.
Bên cạnh đó, dân xã còn tổ chức rước “Phật Thạch Quang” và “Phật Tứ Pháp” về chùa Mãn Xá (quê mẹ Man Nương để bái tổ), rước “tuần nhiễu”,…
Ý nghĩa quan trọng nhất của hội Dâu là cầu cho mưa thuận gió hòa, ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp, một lễ hội Phật giáo lớn của vùng đồng và Trung du Bắc Bộ. Mỗi dịp lễ hội hàng năm với sự diễn lại sự tích của các vị Tứ Pháp, Man Nương, hội chùa Dâu đã biểu lộ sự sùng bái tín ngưỡng phồn thực cổ sơ của cư dân vùng lúa nước. Trải qua hàng ngàn năm, phần “lễ” của hội đã ít nhiều bị mai một, mặc dù vậy chúng ta vẫn nhận thấy chân nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống phản ánh đời sống tín ngưỡng đa dạng, sự sáng tạo phong phú của người xưa còn được lưu giữ đến ngày nay./.
Bắc Giang