Xem lẹ
Trang nhà > Vườn Thiền > Chùa Báo Ân
Bao An Pagoda
Chùa Báo Ân
Pagode Bao An
Thứ Bảy 6, Tháng Mười Hai 2014
Báo Ân Tự là tên chữ một ngôi chùa lớn thời Trần, nay chỉ mới khôi phục được một phần. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa (ngày 3-9-2003). Lễ hội hàng năm tổ chức vào ngày 14 tháng 4 âm lịch. Địa chỉ: thôn Quang Trung, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tọa độ: 21°00’17"N 105°58’38"E, cách Hồ Gươm chừng 20km về hướng đông. Điểm dừng xe bus gần nhất: đường Nguyễn Bình—quốc lộ QL5, hoặc phố Ỷ Lan—tỉnh lộ TL181 (bus 40, 52).
Nguồn gốc và hiện trạng
Chùa Báo Ân vốn rất lớn, được xây vào giữa thời Trần trên đất chùa Siêu Loại, trước đây thuộc hương Siêu Loại, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc. Trên hai tấm bia đời Lê Thần Tông dựng năm Đức Long nhị niên (1630) và Dương Hoà nhị niên (1636) đều có nội dung ghi về lịch sử và những lần tôn tạo, sửa chữa lớn của ngôi chùa cũ.
Theo các cụ già địa phương kể lại, trước năm 1946, chùa có 36 nóc nhà với 99 gian cùng hai tam quan nội ngoại, dân gian gọi là chùa Cả. Trải qua hai cuộc chiến tranh cùng những biến cố xã hội, chùa bị phá dỡ, nhiều di vật thuộc chùa cũng bị chuyển vào ngôi đền thờ vua Trần Nhân Tông bên cạnh.
Theo truyền thuyết, chùa được xây dựng từ thời Lý, gần nơi có đền thờ Ỷ Lan người hương Thổ Lỗi nên duyên cùng vua Lý Thánh Tông, rồi trở thành Linh Nhân Hoàng Thái Hậu. Đại Việt sử kí toàn thư (Nxb KHXH, Hà Nội 1972, tr. 246) chép rằng sau sự biến năm 1073 bức tử Dương Thái Hậu cùng 76 cung nữ, Linh Nhân đã cho “dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn trăm sở… để sám hối và sửa oan”, trong đó có chùa Báo Ân trên quê hương bà. Hương Thổ Lỗi năm 1068 đổi thành hương Siêu Loại, do đó chùa còn có tên chùa Siêu Loại.
Sân chùa Báo Ân. Panorama ©2015 NCCong
Sau 8 thế kỷ, chùa Báo Ân cũ bị quên lãng dần, đến nay chỉ còn các dấu tích khảo cổ học và 3 ngôi tháp mộ. Tháp lớn nhất cao gần 10 m với ba tầng thu nhỏ vút lên được xây bằng gạch nung già, mỗi viên rộng 24 cm x 24 cm, dày 10 cm. Hai tháp mộ khác được tạo từ đá nguyên khối, lòng tháp có ghi “Nam Thiên Quốc lập tàng phù môn, trụ trì Bắc Lập, pháp hiệu Chân Ngôn, tự Thắng Minh”.
Ngôi chùa mới được xây lại nhỏ hơn rất nhiều nhưng cũng ở vị trí đang bị đe dọa bởi quá trình đô thị hóa. Tiền đường 3 gian 2 dĩ và hậu cung có mặt bằng hình chữ “Đinh”. Bên trong chùa vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như bộ tượng Tam thế Phật, Di Đà tam tôn, Quan Âm chuẩn đề, Bồ Đề Đạt Ma sư tổ, A Di Đà, cùng tượng vua Trần Nhân Tông, các pho tượng hậu và tượng khác liên quan đến Phật giáo. Lại có một quả chuông đồng đúc năm Minh Mạng thứ 4 (1824).
Ngoài vườn chùa hiện còn lại một cây hương đá (thiên đài) dựng năm Vĩnh Thịnh thứ tư (1709) và sáu tấm bia, trong đó bia cổ nhất mang niên đại Đức Long (1630) và muộn nhất là Thành Thái năm thứ 11 (1899). Văn bia “Báo Ân đại thiền tự bi kí” trong chùa ghi nhận năm Đức Long thứ hai có Trịnh Ngọc Tử cùng các quận công, đô đốc tướng quân, đô đốc phủ… đã bỏ tiền ra tu sửa chùa để lấy phúc cho dòng họ chúa Trịnh. Bia này khẳng định đây là lần trùng tu lớn của chùa Báo Ân bao gồm sửa chữa tam quan, bái đường, thiêu hương, lầu chuông, gác trống và tô tượng, lập bi kí để truyền lại cho hậu thế.
Văn bia khắc năm Dương Hoà nhị niên (1636) còn ghi rõ: Vương phủ nội đệ nhị cung tần Đào Thị Ngọc Hữu cùng với con là Khuê quận công Trịnh Lựu và quận chúa Ngọc Xuân, Ngọc Niệm cúng cho chùa 26 mẫu ruộng cùng 6 dật bạc tinh để chi dùng việc đèn hương. Bà Thái Thị Ngọc Phi cũng cúng 9 sào ruộng cùng 5 dật bạc tinh cho chùa.
Văn bia “Trùng tu Báo Ân Tự bi kí” cho biết những thế kỷ sau đó, chùa liên tục được trùng tu, sửa chữa tiền đường, Phật điện vào các năm Cảnh Hưng thứ 10 (1750), Thành Thái thứ 4 (1892) và đúc lại chuông vào năm Minh Mạng thứ 4 (1824), v.v…
Dấu tích phát lộ
Trước kia do khuôn viên và quy mô kiến trúc rất lớn nên Báo Ân Tự từng được gọi là chùa Cả. Ngôi chùa cũ được xây dựng trên một gò đất nằm ở phía tây của vị trí hiện nay. Ba cuộc khai quật khu vực gò trong 3 năm 2002—2004 trên tổng diện tích 1000m2 đã được xem là một công trình khảo cổ rộng lớn và tập trung bậc nhất của Hà Nội, chỉ sau cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long.
Các dấu vết xuất lộ qua 3 lần khai quật đã cho phép khẳng định chùa Báo Ân được xây dựng dưới thời Trần, vào khoảng thế kỷ 13—14. Ở độ sâu từ 1,2m đến 1,6m của hố khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích móng chùa, một lượng lớn vật liệu xây dựng và những trang trí kiến trúc thời Trần. Việc phát hiện một số góc của mặt bằng kiến trúc cũng đã cho phép đoán định rằng ngôi chùa xưa hướng quay về phía tây, nhìn ra nhánh sông Dâu mà nay chỉ còn là một cái hồ dài.
Tại lớp đất phía trên các kiến trúc thời Trần đã phát hiện vết tích nền móng của ngôi chùa xây lại vào thế kỷ 17 dưới thời Lê Trung Hưng, nằm ở độ sâu trung bình 1m so với mặt bằng hiện tại. Nền móng của lớp kiến trúc thời Nguyễn vào thế kỷ 18—19 thì bị phá hủy gần như hoàn toàn do người dân đã khai thác tầng đất nông này để làm gạch trong những năm cuối thế kỷ 20.
Qua những dấu tích còn lại của chùa Báo Ân, chúng ta cũng thấy được sự thống nhất trong việc xây dựng hệ thống cống cấp thoát nước của thời Trần mà điển hình đã được tìm thấy ở di tích Côn Sơn—Kiếp Bạc và cả phương pháp gia cố kiến trúc ở cổng Đoan Môn (thành cổ Hà Nội) hay trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long mới phát lộ gần đây.
Những di vật phát hiện trong hố khai quật ở di chỉ này chủ yếu là vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc và những đồ gốm tráng men. Vật liệu và trang trí kiến trúc thời Trần đều được làm bằng đất nung. Gạch lát nền đều có hình vuông, có viên được trang trí hoa cúc dây, một mô típ điển hình của thời Trần. Trên một số gạch thẻ và gạch chữ nhật có ghi các niên hiệu của triều đại nhà Trần như “Hưng Long Thập Nhị Niên” (1304) hay “Vĩnh Ninh Tràng”. Ngói thường có dáng mũi hài đơn, mũi hài kép với trang trí hoa văn hoặc gắn tượng uyên ương, hoặc có dáng lá đề trang trí hình rồng, phượng, hoa sen... được chế tác tinh xảo. Đồ gốm tráng men được phát hiện chủ yếu là bát, đĩa, âu, lư hương, chân đèn; hầu như không còn nguyên vẹn. Những đồ gia dụng này phần lớn được phủ men ngọc, men trắng ngà có trang trí hoa dây. Ngoài ra còn phát hiện một số ít gốm hoa nâu, gốm men nâu và một đồ đựng bằng sành thời Trần...
Qua ghi chép của sử sách cũng như qua việc bóc tách những lớp địa tầng và nghiên cứu di vật tìm thấy trong di chỉ khảo cổ học này, chúng ta có thể khẳng định rằng chùa Báo Ân được xây dựng từ thời Trần vào khoảng cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, sau đó được tu bổ và xây dựng lại trên cơ sở chùa cũ vào thế kỷ 17—18 nhưng có vị trí hướng hơi lệch về phía nam.
Vai trò lịch sử
Chùa Báo Ân nằm trên vùng đất có bề dày truyền thống của đạo Phật từ trước thời Lý với nhiều hệ phái khác nhau: hệ Tứ pháp (chùa Dâu và chùa Keo), thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (chùa Pháp Vân, làng Nành), thiền phái Vô Ngôn Thông (chùa Kiến Sơ, làng Gióng). Các ngôi chùa này chỉ cách nhau dăm bảy dặm đường và đều ở rất gần dòng sông Thiên Đức[1]. Việc sư Trí Thông trụ trì chùa Siêu Loại hiến chùa cho thiền phái Trúc Lâm để biến nơi đây thành trung tâm Phật giáo lớn đã khẳng định sự nhập thế của đạo Phật hoà đồng với tinh thần độc lập dân tộc là nét nổi trội trong lịch sử Phật giáo và văn hoá thời Trần.
Theo tư liệu lịch sử và truyền thuyết dân gian thì chùa Báo Ân có liên quan mật thiết đến thiền phái Trúc Lâm và đặc biệt gắn bó với cuộc đời vua Trần Nhân Tông, tổ đệ nhất của phái này và là một trong những vị vua có công rất lớn cho sự phát triển của dân tộc và Phật giáo, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Sau ngài, chùa Báo Ân đã trở thành trung tâm truyền bá Phật giáo nổi tiếng dưới sự trụ trì của sư Pháp Loa và Huyền Quang. Các sách “Tam tổ thực lục” và “Tam tổ hành trạng”… có ghi chép lại những hoạt động đào tạo tăng ni và truyền bá tư tưởng thiền đã diễn ra sôi nổi ở đây dưới thời Trần.
Năm 1306, nhà sư Pháp Loa được lập làm giảng chủ chùa Báo Ân ở Siêu Loại. Ngày mồng một tết năm 1308, tổ đệ nhất Trúc Lâm chính thức uỷ Pháp Loa trụ trì chùa dưới sự chứng kiến của hoàng gia đứng đầu là vua Trần Anh Tông. Năm đó, triều đình cúng cho chùa 100 mẫu ruộng và cấp người cày cấy để lấy hoa lợi cho chùa. Pháp Loa là người đầu tiên được vua Trần Anh Tông cấp độ điệp sau khi nhận chức trụ trì này trong lúc tổ đệ nhất Trúc Lâm còn sống.
Chùa Báo Ân có vị trí nổi bật trong thời kỳ đầu của thiền phái Trúc Lâm. Chùa từng là cơ sở in ấn Phật giáo lớn nhất lúc bấy giờ. Năm 1314, tại chùa Báo Ân, Pháp Loa đã cho xây tới 33 công trình trong đó có Phật điện tàng kinh và Tăng đường, mời hai vị sư huynh là Tông Cảnh, Bảo Phác mở những lớp giảng Tứ phần luật cho tăng sĩ và in 5.000 bản Tứ phần luật phát cho các tăng sinh. Nhờ có mộc bản tàng trữ ngay tại chùa nên kinh sách được ấn hành kịp thời và cung cấp đầy đủ cho nhu cầu học Phật trong khắp xứ.
Khoá khai giảng năm 1322 ở chùa này có trên nghìn người tham dự. Những buổi thuyết pháp vắng nhất cũng được khoảng 500—600 người đến nghe. Bản thân Pháp Loa đã trực tiếp giảng kinh, luật cho các đệ tử tại nơi mình trụ trì. Báo Ân Tự còn trở thành nơi xuất gia của nhiều người trong hoàng tộc. Sách ghi “Hoàng Thái hậu đã quy y tại chùa… Năm 1323, Văn Huệ Vương và Uy Huệ Vương đến chùa Báo Ân xin thụ Bồ Đề tam giới và Phát Quán đỉnh”.
Chùa cũng từng là một đại danh lam kiêm hành cung của hoàng tộc nhà Trần trên vùng đất Siêu Loại, nằm ven con đường huyết mạch nối giữa Thăng Long và vùng núi Yên Tử, tổ đình trung tâm của thiền phái Trúc Lâm ở phía đông-bắc. Năm 1312, vua Trần cúng dường 5 vạn quan tiền, cúng 500 mẫu ruộng của Niệm Từ Trang vào chùa làm đất hoa lợi… Năm 1313, theo di chiếu của Trần Nhân Tông, vua Anh Tông lấy đồ thờ tam bảo của mẹ mà cung tiến, lại cúng dường vật liệu xây dựng và cung cấp thợ phu để làm thêm chùa tháp. Cùng năm đó Bảo từ Hoàng Thái Hậu cúng vào chùa 300 mẫu gia điền. Năm 1315, Anh Tông lấy 30 mẫu ruộng của người cung nhân cũ họ Phạm cúng vào chùa, v.v…
Với vị trí thuận lợi, chùa Báo Ân từng đóng giữ vai trò trung chuyển giữa hai trung tâm Thăng Long và Yên Tử, hỗ trợ cả trong công việc điều khiển đất nước và Giáo hội Phật giáo theo tinh thần nhập thế mà Trần Nhân Tông hằng mong muốn. Sử cũ có ghi rằng tháng 10 năm 1308 nghe tin công chúa Thụy Thiên bệnh nặng, Trần Nhân Tông chống gậy xuống núi về Thăng Long thăm chị. Đến ngày rằm, ngài lên đường về Yên Tử, dọc đường có nghỉ đêm tại chùa Siêu Loại. Sáng hôm sau lại đi tiếp, qua chùa làng Cổ Châu (chùa Pháp Vân) ghé chơi, có đề một bài thơ có lẽ là tác phẩm cuối cùng:
Số đời một hơi thở
Tình đời hai biển trăng
Cung ma đâu xá kể
Nước Phật một trời xuân
Di tích lân cận
- Chùa Sủi (Đại Dương Tự): phố Ỷ Lan (TL181), xã Phú Thị.
- Đình Trân Tảo: phố Phú Thị, xã Phú Thị.
- Đền Ỷ Lan (Dương Xá): ngã phố Ỷ Lan—QL5, xã Dương Xá.
Bản đồ trực tuyến
Chú thích
[1] Thiên Đức giang là tên chữ của sông Đuống, dài 68 km và nối sông Hồng với sông Thái Bình. Nhánh sông chảy qua chùa Báo Ân sau bị cạn và chia cắt thành nhiều đoạn ngắn.
Đông Tỉnh