Người dân Hà Nội ngày nay vẫn có câu ca:
Nhớ ngày 23 tháng 3
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Kinh quán, cựu quán đề huề
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây.
Câu ca dao đưa chúng ta trở về với truyền thuyết của một làng Việt cổ – làng Lệ Mật liên quan tới cố đô Thăng Long hơn 9 thế kỷ trước.
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 8 km về phía Đông Bắc, Lệ Mật là một làng cổ, xưa có tên là “Trù Mật”, có lẽ vì kỵ húy chúa Trịnh Chù (Trịnh Cương, 1686 – 1729) nên đổi thành tên như hiện nay. Làng Lệ Mật hồi cuối thời Lê đầu thời Nguyễn là một xã thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 trở đi là tỉnh Bắc Ninh). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Lệ Mật cùng các làng : Kim Quan, Tràng Lâm, Ô Cách thành xã Việt Hưng vẫn thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961, xã Việt Hưng cùng các xã, thị trấn trong huyện Gia Lâm được chuyển về thành phố Hà Nội. Năm 1982, thôn Ô Cách được tách ra để nhập vào thị trấn Đức Giang. Tháng 11 – 2003, xã Việt Hưng được chuyển thành một phường của quận Long Biên mới được thành lập.
Vị trí làng Lệ Mật
Làng được mọi người biết đến với hai điều nổi bật:
Một là, vị dũng sĩ họ Hoàng người làng, sống vào thời Lý, có tài bắt rắn, trị các loài thủy tặc, có công tìm được xác công chúa con Vua Lý Nhân Tông (1128) bị đắm thuyền khi đi chơi thuyền trên sông Thiên Đức (một nhánh của sông Đuống). Hai là, làng nghề bắt rắn và chế biến các món ăn từ rắn rất ngon, làm thuốc bổ từ rắn. Tương truyền, nghề này có từ thời Lý và được duy trì cho đến nay. Hầu như nhà nào cũng hành nghề, đem lại hiệu quả kinh tế cao, song cũng rất nguy hiểm đến tính mạng. Ngày nay, từ việc bắt rắn đã chuyển thành nuôi rắn.
Quần thể di tích bao gồm: đình, chùa, miếu, giếng làng gắn liền với truyền thuyết chinh phục loài thủy quái mang hình tuợng rắn khổng lồ của chàng trai họ Hoàng ở làng Lệ Mật:
Truyền thuyết về lịch sử hình thành
Vào đời vua Lý Thái Tông (1028- 1054), có một công chúa cưng của vua thường xuyên du thuyền trên sông Thiên Đức (tức sông Đuống). Một ngày nọ không may thuyền bị đắm, công chúa chết đuối. vua ra lệnh nếu ai vớt được ngọc thể công chúa thì sẽ phong chức và thưởng công rất trọng hậu. Tuy đã có nhiều tướng sĩ triều đình cùng thanh niên trai tráng tham gia tìm kiếm nhưng đều không thành công. Nhờ lòng can đảm, tài bơi lội và giỏi nghề bắt rắn chàng thanh niên họ Hoàng đã kiên nhẫn tìm kiếm và dũng cảm chiến đấu với thủy quái giành lại ngọc thể công chúa. Và chàng đã được nhà vua phong cho chức quan lớn ban thưởng nhiều vàng bạc gấm vóc nhưng chàng không nhận, chỉ xin được vua cho phép đưa dân nghèo ở trong làng và một số làng lân cận sang khai khẩn vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long làm trang trại. Được vua ưng thuận và khuyến khích, chàng đã dẫn dân chúng làng Lệ Mật vượt dòng Nhị Hà (tức sông Hồng) sang khai hoang vùng đất phía tây thành Thăng Long tạo ra vùng đất trù phú, sau này nơi đây được mở rộng thành 13 trại ấp mà sử sách vẫn gọi với cái tên khu: “Thập Tam Trại”: Cống Vị, Giảng Võ, Liễu Giai, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Vĩnh Phúc, Thủ Lệ, Kim Mã, Ngọc Khánh,..(nay thuộc quận Ba Đình)
Sau khi chàng mất, nguời dân làng Lệ Mật lập đình thờ chàng ở phía nam làng bên bờ nam sông Đuống, suy tôn chàng là Đức Thánh Hoàng.
Hằng năm vào ngày 23 tháng 3 âm lịch con cháu 13 trại xưa “dâ kinh quán” (ở nơi kinh đô) lại kéo về làng cũ “cựu quán” dự lễ hội tưởng niệm người đã có công mở làng lập ấp. Lễ hội diễn ra ở 3 địa điểm chính là giếng làng, miếu công chúa và đình làng.
1.Cổng làng:
Trước đây Lệ Mật có các cổng làng: cổng Thượng, cổng Hạ, cổng Trung. Tuy nhiên một đáng tiếc là hiện nay nó đã không còn nữa. Theo các cụ già trong làng thì vào khoảng những năm 1965-1966 thì cổng làng bị tàn phá một phần do bom đạn của chiến tranh, một phần do người dân tự phá bỏ khi mở rộng cải tạo đưòng giao thông. Điều này báo động một thực trạng đáng buồn không chỉ đối với Lệ Mật mà còn đối với các làng quê truyền thống là hình ảnh “cái cổng làng” – nơi lưu giữ rất nhiều kí ức nét văn hóa của một cộng đồng dân cư làng xã, đang dần bị lãng quên.
Vì vậy việc tôn tạo lại cổng làng là cần thiết và cũng phù hợp với nguyện vọng của phần lớn người dân Lệ Mật.
2.Giếng làng:
Giếng làng nằm trong quần thể di tích quy tụ kề cận ngay giữa trung tâm làng, bên cạnh Đình, Chùa Lệ Mật và miếu công chúa. Đây cũng là vị trí ngay cạnh đường chính đi vào làng.
Giếng làng (hay giếng đình): là giếng tự nhiên, có tên gọi Thiên Hồ Lệ (Giếng thiên tạo). Giếng được thầy Tả Ao – một thầy địa lý Trung Hoa nổi tiếng yểm, nên trải qua nhiều đời vần còn nguyên vẹn, hầu như không bị sụt lở. Ngày xưa cả làng gánh nước giếng về ăn. Và một điều đặc biệt là cho dù thời tiết có nắng hạn như thế nào đi chăng nữa thì nước giếng luôn đầy. Giếng đình gắn kết với nhiều giai thoại, truyền thuyết xung quanh vị thành hoàng làng Lệ Mật.
Giếng làng là một trong những địa điểm chính của hội làng. Mở đầu lễ hội là tục rước nước, đám rước từ đình ra giếng làng, nước được lấy đầy chén sứ lớn đặt trang trọng trên kiệu có lọng che. Lấy nước xong theo lệ cũ dân làng lại đem vó ra giếng bắt một con cá chép lớn để dâng cúng.
Hiện nay người dân không còn lấy nước ở giếng về ăn nữa. Tuy nhiên, nó vẫn được gìn giữ, bảo vệ vì trong tâm thức dân gian Lệ Mật, giếng là một trong những “di tích thiêng” và có ý nghĩa quan trọng trong quần thể di tích làng Lệ Mật.
Giếng làng có kích thước hình tròn với đưòng kính rộng khoảng 27m và chố sâu nhất khoảng 7m.
Thành giếng (chụp 2007, chưa cập nhật)
Hình dáng của giếng vẫn được giữ như hình dạng ban đầu cho đến ngày nay, hai bên thân giếng cây cỏ mọc xanh tốt mà không hề có tác động của con người. Cách đây khoảng 4 năm để bảo vệ ngôi miếu công chúa và khu vực đình chùa nằm bên cạnh giếng, dân làng đã đồng ý xây dựng kè thân giếng hình khum bằng gạch có chiều khoảng 1/3 chu vi giếng.
Xung quang khu vực giếng là quần thể di tích đình chùa, miếu và cây cổ thụ trong đó hình ảnh cây đa cổ thụ bám chặt miếu thờ hằng ngày vẫn tỏa bóng mát xuống ao làng luôn để lại những ký ức khó quên đối với du khách khi đến đây dù chỉ một lần.
3.Cây cổ thụ, cảnh quan làng
Đối với mỗi làng quê thì hình ảnh cây đa đã qúa đỗi quen thuộc. Nơi đây đã ghi dấu những kỷ niệm của thời thơ ấu, những ngày hè nóng bức ngồi hóng gió hay những trận mưa bất chợt ngồi trú dưới gốc đa. Đối với Lệ Mật thì cây đa là một phần lịch sử của làng, chứa đựng nhiều “kỳ lạ” mà không giải thích được.
Trong làng có lẽ không ai biết được cây đa làng mình có từ bao giờ nữa. Ngay cả các cụ năm nay đã 80-90 tuổi khi được hỏi thì cũng chỉ trả lời là khi lớn lên cây đa đã cao lớn rồi. Các cụ đoán là khoảng 300 trăm thậm chí có thể lâu hơn nữa vì thời gian sinh trưởng của cây đa là rất chậm. Nhưng chắc chắn là nó đã lớn lên cùng với quá trình phát triển và chứng kiến bao thăng trầm của làng quê cổ Bắc Bộ này.
Cây đa mọc tự nhiên bên cạnh ao làng và nó gắn kết chặt chẽ với miếu công chúa ( miếu thờ con gái vua Lý Thái Tông, được chàng trai họ Hoàng cứu vớt sau trận giao tranh với thủy quái). Một phần mái ăn sâu vào trong thân cây trong khi phần mái còn lại bị rễ cây bao phủ. Trong thời gian tới có lẽ rễ cây đa sẽ bao phủ toàn bộ miếu công chúa.
Cây đa đã che chở, bảo vệ ngôi miếu “thiêng” trước sự xâm hại của thiên nhiên và cả con người. Trên cây đa giữa chạc ba của thân cây mọc lên một cây cọ.
4.Miếu công chúa:
Không ai biết rõ miếu công chúa được dựng lên từ thời nào. Người được thờ trong miếu là con gái vua Lý Thái Tông (được chàng trai họ Hoàng vớt lên sau trận giao tranh với thủy quái).
Miếu công chúa có kích thước nhỏ bé khoảng 6m2 với kết cấu kiến trúc điêu khắc đơn giản. nó bám chặt vào cây đa cổ thụ.
Miếu công chúa rất thiêng, nhiều chuyện truyền rằng có người do sơ ý nói năng hoặc có cử chỉ không phải xúc phạm đến miếu thiêng mà bị mang vạ suốt đời.
Dân làng còn gọi đây là miếu trình hay miếu chúa vì hằng năm vào dịp lễ hội làng thì diễn ra tục đánh cá ở giếng đình, cá trước khi mang vào đình đều phải “trình” (đặt lên bàn thờ rồi thắp hương) qua miếu công chúa.
5.Đình Lệ Mật:
Làng Lệ Mật xưa có hai ngôi đình: đình Thượng và đình Hạ. Đình Thượng được dựng đầu tiên thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng do bị xuống cấp nghiêm trọng nên bị dân làng phá vào năm 1960 rồi chuyển các đồ tế tự, bài vị, bằng sắc về phối tại đình Hạ.
Đình Hạ thờ dũng sĩ họ Hoàng, vốn được dựng cách vị trí hiện tại 200m. Đình Hạ bị di chuyển đến vị trí như hiện nay bởi theo các cụ già làng: Từ khi đình Hạ dựng lên thì trong làng xảy ra nhiều biến cố. các cụ bô lão khẳng định phong thổ của làng có vấn đề nên đi mời thầy địa lý. Họ đã mời được thầy Tả Ao( người Trung Hoa). Ông thầy khẳng định: đình làng bị hỏng hướng nên phải di chuyển sang nơi khác. Sau khi xem xét đất đai, phong thủy cảnh quan làng, thầy Tả Ao đã tìm được vị trí “đắc địa” như hiện nay.
Tuy nhiên nơi này xưa kia là vị trí của chùa Lệ Mật. Hương lão và các vị chức sắc trong làng đã bàn với nhà chùa chuyển chùa sang vị trí bên cạnh để dựng đình Ngôi chùa dời đi nhưng tam quan chùa vẫn giữ nguyên. Chính vì vậy mà nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy kiểu kiến trúc kỳ lạ này: Tam quan chùa cao lớn sừng sững đứng án ngữ trước quần thể di tích đình Hạ.
Kiến trúc cổng tam quan xây dựng 3 tầng, có mái cong lợp hình ống. Bốn cột đòng trụ cao khoảng 10m rất vững chải, các trang trí theo tứ linh rất sống động, uyển chuyển.
Đình Hạ được trùng tu gần đây nhất vào năm 1998. sau nhiều lần trùng tu, đình vẫn giữ được nguyên mậưt bằng tổng thể như khi khởi tạo với lối kết cấu cổ điển của các ngôi đình muộn thời Hậu Lê (thế kỷ XVII, XVIII). Nhà tào mạc mỗi gian rộng 3 gian. Phương đình kết cấu bởi 2 tầng 8 mái. Toàn bộ chính đình có kết cấu kiểu “nội công ngoại quốc” như kiến trúc chùa, gồm 7 gian, 2 dĩ đại, hai bên tả vu, hữu vu, hương án trung đến hậu cung đều được đặt trên chân tảng vũng chắc, có hoa văn chạm nổi tinh vi.
6.Chùa Lệ Mật:
Chùa Lệ Mật có tên chữ là Cổ Giao Tự. Tương truyền chùa được dựng lên từ thời Lý. Tuy nhiên có thể niên đại của chùa có thể gắn bó mật thiết với niên đại của chiếc cổng tam quan( cuối Lê, đầu Nguyễn- thế kỷ XVII-XVIII).
Chùa kiểu “Nội công ngoại quốc” là kiểu chùa có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường (có thể là nhà tổ hay nhà tăng) ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Bố cục mặt bằng chùa có dạng phía trong hình chữ Công, còn phía ngoài có khung bao quanh như chữ khẩu hay như ở chữ Quốc. Đây là các dạng bố cục của các công trình kiến trúc chính. Ngoài ra, trong chùa còn có những ngôi nhà khác như nhà tổ, là nơi thờ các vị sư từng trụ trì ở chùa nay đã tịch, hoặc nhà tăng, nơi ở của các nhà sư và một số kiến trúc khác như gác chuông, tháp và tam quan.
Chùa Lệ Mật đã được tu sữa nhiều tuy nhiên đó là những “vá víu” mang tính chất tạm thời, không được đầu tư một cách cẩn thận. Ngay cả mặt bằng chùa hiện cũng bị cắt xén nhiều: ao chùa bị san lấp làm nhà văn hóa.
Chùa có kết cấu 5 gian, khung và vì kèo đều được làm bằng gỗ. Hiện trạng chùa đang bị xuống cấp: mái chùa thấp, sàn chùa bị “ốp lát” một cách tùy tiện, các cột chống bị mối mọt. Trừ các pho tượng trên Phật điện và mảng cửa võng được sơn thếp, các bộ phận khác hầu như không có trang trí. Di sản của chùa hiện chỉ có một chuông đồng (đã sứt), một tấm bia hậu bằng đá niên đại Tự Đức và một vài câu đối cổ cũng mang niên hiệu Tự Đức.
7.Cổng nhà – tường rào:
Cùng với xu hướng phát triển nhanh của các làng ven đô thì diện mạo làng Lệ Mật cũng thay đổi từng ngày. Nhiều nhà cao tầng được mọc lên làm cho số lượng những ngôi nhà cổ giảm đi rất nhiều. Trong làng hiện còn rất ít những ngôi nhà còn giữ được kiến trúc cổ.
Hầu hết các chủ nhà đều có chung một tâm lý là sẽ xây dựng mới ngôi nhà của mình khi có điều kiện kinh tế. Một số ngôi nhà cổ còn giữ lại được là do họ chưa có điều kiện để làm lại mà họ không biết rằng mình đang sở hữu những giá trị về lịch sử văn hóa của làng quê Việt. Do đó việc bảo tồn cần được thực hiện kịp thời trước khi phải chứng kiến những ngôi nhà có lịch sử lâu đời này bị phá hủy.
Một số cổng nhà cổ ở Lệ Mật