Vùng đất lạ dưới chân Tam Đảo:

Huyền bí núi Văn núi Võ

nguyên Huân   -Thứ Tư, 06/06/2012, 10:43 (GMT+7)

Đứng trên đỉnh dãy núi Tam Đảo sẽ thấy hai ngọn núi Văn, núi Võ sừng sững giữa cánh đồng xã Ký Phú và Văn Yên. Được biết, đây là quê hương của anh hùng dân tộc Lưu Nhân Chú, một trong 18 người dự Hội thề Lũng Nhai khi xưa.

>> Xứ sở kỳ thạch

QUÊ HƯƠNG LƯU NHÂN CHÚ

Lưu Nhân Chú quê xã Thuận Thượng (nay là 2 xã Ký Phú và Văn Yên thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên), một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1416 Lưu Nhân Chú nghe danh tiếng của Lê Lợi đã tụ họp tại thánh địa Lam Sơn, Thanh Hoá dự Hội thề Lũng Nhai ngay từ những ngày đầu, quyết cùng nhau đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giải phóng đất nước. Năm 1427, ông và Lê Sát đã mưu trí, dũng cảm chém được đầu Liễu Thăng tại Ải Chi Lăng lịch sử. Cuộc kháng chiến chống nhà Minh kết thúc, Lê Lợi lên ngôi vua đã phong Lưu Nhân Chú chức Á thượng hầu, coi quản việc quân.


Lễ hội núi Văn, núi Võ tưởng nhớ anh hùng Lưu Nhân Chú mùng 4 Tết hàng năm

Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông lên ngôi khi mới 11 tuổi, Tư đồ Lê Sát ghen ghét nên sai người giết hại Lưu Nhân Chú. Đến khi vua Lê Thái Tông khôn lớn, tự mình cầm quyền, biết được nỗi oan của Lưu Nhân Chú bèn trị tội Lê Sát. Năm 1484, Lê Thánh Tông truy tặng Lưu Nhân Chú là Thái phó Vinh quốc công (Thái phó là một trong ba phụ chính đại thần tối cao của quốc gia). Để tưởng nhớ đến công lao to lớn của Lưu Nhân Chú, người dân hai xã Văn Yên, Ký Phú xây đền thờ ông dưới chân hai ngọn núi Văn, núi Võ, lễ hội diễn ra quy mô, hoành tráng vào mùng 4 Tết âm lịch hàng năm. Đến Năm 1981, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) quyết định công nhận Khu di tích núi Văn, núi Võ và đền thờ Lưu Nhân Chú là Di tích cấp Quốc gia.

Cùng chúng tôi tham quan Khu di tích Lưu Nhân Chú, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Yên Đỗ Năng Lý cho biết, quần thể khu di tích gồm hai ngọn núi Văn, núi Võ biểu tượng sự trí dũng song toàn của người anh hùng năm xưa. Trong núi Văn, núi Võ có hệ thống hang động tự nhiên huyền bí dài hàng trăm mét. Tiếp đến là núi Quần Ngựa với bạt ngàn rừng thông và các chiến hào, đây là nơi Lưu Nhân Chú cùng nghĩa quân luyện binh, mãi mã, chuẩn bị lương thực cho các trận đánh của vua Lê Lợi. Bên cạnh núi Quần Ngựa là hồ Tắm Ngựa, tương truyền khi xưa mỗi khi tập trận xong nghĩa quân của Lưu Nhân Chú thường cho ngựa xuống uống nước tắm mát ở hồ nước này nên người dân đặt tên là hồ Tắm Ngựa.

Ông Lưu Sỹ Phiến, hậu duệ đời thứ 19 của tướng Lưu Nhân Chú, hiện đang trông coi khu di tích cho biết, hiện dòng họ Lưu tại xã Văn Yên và Ký Phú vẫn còn lưu giữ được gia phả của cha ông.


Danh tướng Lưu Nhân Chú

“Ngày trước đền thờ Lưu Nhân Chú chỉ là những bát hương, căn đền nhỏ dựng sơ sài trong hang đá dưới chân hai ngọn núi. Mãi đến năm 2009, Sở VH-TT-DL Thái Nguyên bỏ kinh phí xây dựng, tôn tạo mới được khang trang như ngày hôm nay. Nói thật, ngày trước dòng họ, người dân chúng tôi thấy tủi thân vô cùng vì một danh tướng công lao như ông Lưu Nhân Chú bị lãng quên suốt một thời gian dài. Nay chức tước, vai trò của ông được Nhà nước phục dựng, bản thân gia đình tôi thấy ấm lòng hơn", ông Phiến tâm sự.

HANG ĐỘNG KỲ BÍ

Dẫn chúng tôi tham quan khu hang động trong lòng núi Võ, ông Lưu Sỹ Phiến cho biết, do nằm cách khá xa khu dân cư nên ít người lui tới, bản thân người dân xã Văn Yên chưa ai đi tận cùng hệ thống hang động trong núi Võ. Chính vì vậy, hang động lưu giữ hiện vật, dấu tích gì vẫn còn là điều bí ẩn. Đối diện với núi Võ là quần thể núi Quần Ngựa, hiện vẫn còn chứng tích những hầm hào luyện tập, đánh trận của danh tướng Lưu Nhân Chú khi xưa, nhờ có rừng thông che chở nên ngọn núi được giữ lại nguyên vẹn.


Đường vào hàng động trên núi Văn

Không chỉ núi Võ, người dân nơi đây cho biết, ngọn núi Văn thuộc xã Ký Phú còn sở hữu hệ thống hang động hoành tráng hơn. Đi bộ qua cánh đồng nằm xen giữa hai dãy núi, chúng tôi đến được chân được ngọn núi Văn. Trụ sở xã Ký Phú nằm ngay chân ngọn núi nên tôi có dịp được ông Lỗ Văn Đường, Phó Chủ tịch xã Ký Phú, kể cho nghe câu chuyện về hang động trên núi Văn.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận thêm một loạt các xã ATK thuộc huyện Đại Từ, trong đó có hai xã Ký Phú và Văn Yên. Được biết, trong thời kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ từng có thời lưu trú tại khu Gò Đình, xã Ký Phú. Khu vực này cũng chính là tuyến đường huyết mạch được Bác Hồ bí mật đi lại trong những lần từ Chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội.

Ông Đường xác nhận, giữa núi Văn có một hang động, người dân gọi là hang dơi, song rất ít người lên đó, chỉ dịp mùng 4 Tết Nguyên Đán hàng năm, diễn ra Lễ hội núi Văn, núi Võ tưởng nhớ anh hùng dân tộc Lưu Nhân Chú mới có người vào hang tham quan. Tuy nhiên, mọi người cũng chỉ đến vòng ngoài cửa chứ ít đi sâu vào trong hang.

“Nghe một số người từng vào hang kể lại thì trong đó có một ao nước ngọt không bao giờ cạn với hệ thống nhũ thạch rất đẹp. Ngày trước, tại đây có đàn khỉ sinh sống, chúng vẫn thường từ trên núi xuống ngắt lúa của bà con. Nhưng do cây cối trên rừng thưa dần nên lũ khỉ đã bỏ đi nơi khác.

Hiện, xã chúng tôi đang di chuyển trụ sở sang địa điểm mới để trả lại đất cho khu di tích. Hy vọng, sau khi hoàn thành, nơi đây kết hợp với hồ Gò Miếu sẽ trở thành điểm tham quan du lịch quan trọng của huyện Đại Từ bên cạnh hồ Núi Cốc và di tích 27/7", ông Đường bộc bạch.

Theo sự hướng dẫn của ông Phó Chủ tịch xã Ký Phú, chúng tôi vạch những cây dại lần tìm tới khu hang động. Sau hơn 10 phút lần mò, hiện ra giữa lưng chừng ngọn núi đá vôi là một cửa hang hình tam giác rộng với những trầm tích nhũ vôi khá đẹp. Nhưng do hang tối, lối đi vào nguy hiểm nên chúng tôi đành phải chiêm ngưỡng hang động từ phía bên ngoài. Thiết nghĩ, việc khu quần thể hang động trên núi Văn và núi Võ chưa được nghiên cứu, khảo sát là điều đáng tiếc. (Hết)

In      Xem phản hồi