Giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc của di tích Cầu Ngói và Phủ Bà (Nam Định) | ||
Nguồn: Báo Nam Định | ||
Cập nhật: 23/07/2012, 15:22:57 | ||
Ngày 6/6/2012, Bộ VH, TT và DL đã quyết định cấp Bằng công nhận di tích Lịch sử - Văn hóa cho di tích Cầu Ngói và Phủ Bà, xã Bình Minh (Nam Trực). Di tích Cầu Ngói (còn gọi là Cầu Ngói Thượng Nông) và Phủ Bà nằm trên địa bàn thôn Thượng Nông, xã Bình Minh gắn liền với lịch sử của bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, là con một vị quan dưới triều Lê Trung Hưng, quê ở xã Thượng Nông (Nam Chấn) nay là xã Bình Minh. Bà là cung phi của chúa Trịnh, có nhiều đóng góp cho quê hương như: công đức tiền làm cầu Thượng Gia, mua ruộng cấp cho dân nghèo trong làng, khuyên dân làm việc đức, trừ việc hại. Sau khi bà mất, dân làng Thượng Nông đã lập phủ thờ để tri ân công đức. Cầu Ngói được xây dựng từ thời Hậu Lê theo lối kiến trúc độc đáo “Thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) bắc qua sông Ngọc cạnh chợ Thượng, thôn Thượng Nông. Phần thượng gia được cấu thành bởi bộ khung gỗ tạo thành một mái nhà ở trên. Phía nam và phía bắc cầu được xây bằng gạch, rộng 1,7m, cao 2m, hai hồi đều có đại tự đắp nổi chữ “Thượng gia kiều” bằng chữ Hán. Nhà cầu có 11 gian kết cấu kiểu kèo cầu tứ hàng chân, mỗi gian từ 1,45m đến 1,65m tạo nên một công trình dài 17,35m nối hai bờ sông. Hai hàng cột cái, mỗi hàng có 10 cột cạnh vuông 0,2m, cao 2m đặt sát hai bên lòng xà cầu. Các cột quân lại được làm bằng trụ tròn đường kính 0,17m, cao 1,65m đặt trên các đòn ngang hai bên hông cầu. Bên trên cột là hệ thống 10 bộ vì kèo đỡ mái được làm kiểu kèo cầu đơn giản, các hoành mái nối mộng với vì để tạo khoảng trống tối đa cho lòng cầu. Các bộ vì tạo thành những cánh tay đòn con vuông vươn qua cột cái, cột quân đến tận riềm mái. Phần hạ cầu gồm 3 phần chính là mố cầu, dầm cầu và mặt cầu. Hai mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng các tảng đá to nhỏ khác nhau, tảng lớn cỡ 1,7m x 0,6m x 0,4m; tảng nhỏ cỡ 0,5m x 0,4m x 0,2m, được xếp khéo léo theo thứ tự lớn dưới nhỏ trên. Mố cầu dài 6,5m, hai mố cách nhau 4,5m tạo khoảng trống cho dòng nước lưu thông và thuyền bè qua lại. Dầm cầu được làm bằng hai cây gỗ lim, đường kính 0,4m. Bên trên hai thanh dầm dọc là 4 thanh dầm ngang cũng bằng gỗ lim đường kính 0,2m, có đầu nhô ra ngoài (dùng để đỡ chân cột bên trên). Mặt cầu được tạo bởi đường giữa cầu và hai hành lang. Đường giữa cầu rộng 1,74m và được lát đá tảng xen kẽ nhau. Hai bên hành lang cũng lát đá tảng tạo phần gờ cao hơn phần mặt cầu là 0,15m. Phủ Bà xây dựng cách Cầu Ngói 500m về phía bắc, là công trình kiến trúc được xây dựng bởi chất liệu gạch là chủ yếu. Cổng Phủ mở hướng tây nam kiểu 2 tầng 8 mái, trên đắp đại tự “Từ thiện môn”. Phủ có 3 gian với bình đồ kiến trúc chữ “Nhất” làm theo kiểu cổ đẳng 4 mái. Nền lát gạch đỏ. Bộ cánh cửa gian giữa gia công kiểu thượng song hạ bức bàn. Cả 3 gian nội phủ đều xây bệ thờ chất liệu bằng vữa. Trên ban thờ gian giữa của phủ đặt tượng bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Cạnh tượng của bà là tượng của thân phụ, thân mẫu; gian phía tây thờ mẫu Liễu Hạnh. Tượng tạc bằng gỗ có chiều cao 0,50m ngồi trên ngai, gương mặt nhân từ, phúc hậu, toàn bộ tượng được sơn son thếp vàng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Phủ Bà là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng của địa phương, là nơi nuôi giấu cán bộ và tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của huyện Nam Trực chỉ đạo phong trào kháng chiến tại địa phương. Hằng năm vào tháng 3 âm lịch, nhân dân thôn Thượng Nông tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (20, 21 và 22 âm lịch). Tại lễ hội này, ngoài phần lễ còn diễn ra các trò chơi dân gian, dân vũ độc đáo như bơi chải ở sông Ngọc, hát chèo, đấu vật, chọi gà, tổ tôm điếm./. | ||
| ||
Tin trước | ||
Tin tiếp theo | ||