Gọi là Mơ Cơm vì làng này có nhiều người bán cơm đi rong khắp đường phố, có cơm tẻ, cơm nắm, xôi và xôi lúa. Nhiều người ra mở cửa hàng cơm ở các phố Hà Nội. Trần Khát Chân được vua nhà Trần phong thái ấp ở bốn làng Mai – Mơ kể trên. Trần Khát Chân (1370 – 1399) là một tướng trẻ thời Trần. Theo sử cũ thì quê ông ở làng Hà Lương, nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Nhưng theo thần tích ở đình Tương Mai thì quê ông ở xã Nhuế Dương, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Đời vua Trần Nghệ Tông, năm 1389, ông đã lập một chiến công lừng lẫy là đập tan đạo quân xâm lược của Chămpa. Quân Chămpa đã hai lần đánh ra Thăng Long vào năm 1371 và 1378, lần nào chúng cũng đốt trụi kinh thành trước khi rút lui. Năm 1389, vua Chămpa là Chế Bồng Nga lại đem quân vượt biên giới ra đánh kinh đô nước Đại Việt. Hồ Quý Ly chỉ huy quân chống cự ở vùng Thanh Hóa nhưng thất bại, phải chạy về Thăng Long. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông lo sợ cử đô úy Trần Khát Chân đi cản giặc. Ông cho phục binh ở bờ sông Hải Triều thuộc địa phận huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình bây giờ. Ngày 25 tháng Giêng năm Canh Ngọ (1390), thuyền chiến của Chế Bồng Nga đi qua đây, trúng pháo hỏa của quân ta, thế là quân Chămpa tan tác, Chế Bồng Nga bị chết tại trận. Trần Khát Chân được thăng chức thượng tướng quân, tức Vũ tiết quan nội hầu và được ban thái ấp Cổ Mai (vùng Kẻ Mơ) ở phía nam kinh thành Thăng Long. Sau 10 năm xây dựng, thái ấp trở nên một vùng đất trù phú, dồi dào thóc gạo, tôm cá… không những đủ ăn mà còn cung cấp cho kinh thành. Ngày 20 tháng 8 năm Canh Ngọ (1390), nhân dịp khánh thành thái ấp, trùng với ngày giỗ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (1232 – 1300), tướng trẻ Trần Khát Chân cho lập đền thờ Đức thánh Trần ở Lư Giang (còn gọi là đền Lừ, nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai). Năm Kỷ Mão (1399), thấy thái sư Hồ Quý Ly chuyên quyền muốn chiếm ngôi nhà Trần, Trần Khát Chân cùng một số triều thần bầy mưu ám sát Quý Ly ở hội thần Đốn Sơn (xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) nhưng việc không thành. Ông cùng hơn 370 người can dự vào vụ mưu sát này đều bị xử tử vào ngày 24 tháng 4 năm Kỷ Mão (1399). Sau này có tới 29 làng dưới chân núi Đốn (Đốn Sơn) thờ Trần Khát Chân. Ở Thăng Long cũng có bốn ngôi đình Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi là Bạch Mai) và Mai Động thờ Trần Khát Chân làm thành hoàng. Đình Tương Mai chưa rõ được xây dựng năm nào, chỉ biết qua bức thượng lương là lần trùng tu cuối cùng vào năm 1948 nhưng qui mô đình khi trùng tu nhỏ hơn khi thực dân Pháp đốt phá năm 1946 rất nhiều. Đình có tam quan với những cột trụ lớn, trên đỉnh mỗi trụ đều đắp nghê trang trí, từ tam môn đến sân lát gạch Bát Tràng cổ. Hai bên sân là hai nhà tả vu, hữu vu mới được dựng lại vào năm 1981. Phần chính của ngôi đình là nhà tiền tế và hậu cung. Trên nóc tiền tế đắp hình hổ phù. Dưới đó có một khung hình chữ nhật ghi bốn chữ Hán: “Trần thượng tướng từ”. Trong nhà tiền tế và hậu cung đều có đắp những bệ thờ đặt các đồ thờ, bát bửu. Bệ thờ trong cùng được xây sát tường hậu đặt tượng Trần Khát Chân. Cạnh bệ thờ này còn có bệ thờ Phạm Ngưu Tất, một tùy tướng của Trần Khát Chân. Cả hai pho tượng đều được tạc bằng đá xanh và biểu thị dáng vẻ oai phong uy nghiêm của các vị võ tướng. Tại đình còn lưu giữ một thần phả kể về cuộc đời của Trần Khát Chân và 10 đạo sắc của các vương triều Lê, Nguyễn phong cho hai vị thần. Ngoài ra, đình còn có một quả chuông đồng có niên hiệu Thành Thái thứ 10 (1898). Tại hậu cung có đôi câu đối bằng chữ Hán được dịch như sau: “Phù vua Trần, dẹp quân Chăm, triều đại đổi thay, công lao không mai một/ Thăm làng Mơ, ngóng núi Đốn, nguyên vẹn giang sơn, đền miếu vẫn uy nghi”. Từ lâu, cứ đến ngày 24 tháng 4 âm lịch hằng năm, nhân dân cả bốn làng Mai đều làm lễ tưởng nhớ thượng tướng Trần Khát Chân. Đó là ngày húy kỵ của ông. Mọi người tỏ lòng biết ơn vị tướng tài đã chỉ huy chiến đấu bảo vệ kinh thành Thăng Long và xây dựng, phát triển vùng Kẻ Mơ. Người dân địa phương có tục kiêng đọc từ Chân, mà đọc chệch thành Chơn. Trần Khát Chân được dân gian xem như một bậc thánh, sống anh hùng, chết linh thiêng, luôn phù hộ cho dân tai qua nạn khỏi. Thu Hoa |