Chuyện ít biết về hậu duệ chúa Trịnh

(Kiến Thức) - Ông Tiến cho biết, bố ông là Trịnh Đình Kính hậu duệ chúa Trịnh, người được Chính phủ Pháp xưa vinh danh có nhiều công trạng với đất nước. 

Ông Trịnh Đình Tiến (77 tuổi ở số 65 phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cho biết: Bố ông là Trịnh Đình Kính (hậu duệ chúa Trịnh) - người được Chính phủ Pháp xưa vinh danh có nhiều công trạng với đất nước, sánh ngang với vua chúa các nước Đông Dương.
Học được bí kíp ngón nghề nấu thủy tinh
Ông Tiến kể, nguyên quán của gia đình ông ở thôn Đôn Thư (xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội). Tuy gia đình thuộc dòng dõi nhà chúa, nhưng con cháu đều nghèo đói, chức sắc cao nhất chỉ làm đến chức trương tuần. Cuộc sống đói khổ, nhiều người trong dòng họ tha phương để kiếm sống. 
Ông nội ông là Trịnh Đình Thành đi theo phong trào Cần Vương do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo ở vùng Hưng Yên. Nhưng ông và thủ lĩnh hy sinh trong trận chiến với kẻ thù. Khi đó, ông nội ông sinh được hai người con (bố ông và bà cô ông). Sau khi ông nội mất, cuộc sống gia đình tan vỡ, bà nội ông ra Hà Nội đi bước nữa, còn bố ông được anh em họ hàng giữ lại ở nhà chăm sóc. 
Chuyen it biet ve hau due chua Trinh
Ông Tiến được bố bế đi chơi. 
Bố ông sống ở quê đến năm 12 tuổi thì bỏ nhà ra Hà Nội tìm mẹ. Cậu bé Kính lang thang khắp phố này đến phố khác, ai thuê gì thì làm nấy cốt lấy miếng ăn sống qua ngày. Ngày đó Hàng Bồ là phố người Hoa sinh sống rất nhiều, họ có nghề nấu thủy tinh làm các sản phẩm như chai lọ, đèn dầu.  
Có một ông chủ tiệm nấu thủy tinh tên là Tài Cống, thấy cậu bé Kính mặt mũi khôi ngô đã nhận vào xưởng làm việc. Cậu bé Kính chịu thương chịu khó, ngoan hiền lại trung thực nên được ông chủ rất mực quý mến.
Ông Tiến kể tiếp: Người Hoa có nguyên tắc đối với người ngoài chỉ dạy họ ăn chứ không dạy làm. Đó cũng chính là lý do mà nhiều năm trước đó, ở Hà Nội chỉ có duy nhất người Hoa độc quyền làm nghề nấu thủy tinh. Phải là con cái trong gia tộc, mới truyền nghề. Thế nhưng, đối với cậu bé Kính là một trường hợp ngoại lệ. Do rất yếu quý cậu bé, ông Tài Cống đã nhận cậu bé làm con nuôi, truyền bí kíp ngón nghề nấu thủy tinh cho cậu học. Ông bảo, ông truyền nghề không chỉ muốn cho cậu bé sau này có cơm ăn, áo mặc mà sẽ là một thương gia lớn.
Năm 20 tuổi cha nuôi ông Kính qua đời, cũng là lúc ông đã chín chắn về nghề nghiệp. Nhờ đó ông quyết định mở xưởng riêng lấy tên là Thanh Đức, đặt tại địa điểm số 69 Hàng Bồ (sau chuyển về số 65 Hàng Bồ).
Chuyen it biet ve hau due chua Trinh-Hinh-2
Ông Trịnh Đình Kính (đầu tiên bên phải) trong cuốn sách vua chúa và những hào kiệt xứ Đông Dương, xuất bản năm 1943. 
Một trong những người hào kiệt xứ Đông Dương
Ông Tiến kể: Ngày đó bố ông không chỉ giỏi về nghề mà ông rất nhanh nhạy trong xu hướng phát triển của thị trường. Ông không sản xuất những mặt hàng truyền thống mà ông nghiên cứu, sản xuất nhiều loại sản phẩm giống hàng nhập khẩu từ Paris (Pháp) sang như cốc, chén, bóng đèn bằng thủy tinh. Tuy chất lượng không bằng hàng chính quốc mang sang, nhưng về kiểu dáng thì không kém, giá thành lại rẻ. Vì thế, nhiều nơi tìm gặp ông để đặt hàng. 
Đại chiến thế giới lần thứ II nổ ra năm 1939, nhiều mặt hàng thủy tinh của Pháp không chuyển được sang Đông Dương. Nhờ đó mà các sản phẩm của ông Kính làm ra càng có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ. Hàng hóa của ông không chỉ phân phối trong nước mà bán sang cả 3 nước Đông Dương. Có thời điểm hàng sản xuất ra không đủ tiêu thụ, thương hiệu thủy tinh Thanh Đức độc quyền trên thị trường.
Ông Tiến bảo, thời huy hoàng nhất của bố ông là những năm 1939 - 1945. Cái tên cửa hàng thủy tinh Thanh Đức nổi tiếng không chỉ ở Đông Dương mà còn vang xa sang tận Paris. Nhiều thương gia bên nước Pháp còn phải sang gặp ông để trao đổi kinh nghiệm làm ăn buôn bán. Họ thán phục tài trí của ông và đặt cho ông biệt danh là ông hoàng thủy tinh Đông Dương.
Chuyen it biet ve hau due chua Trinh-Hinh-3
 Ông Tiến bảo, chiếc bàn thờ có từ thời chúa Trịnh, được bố ông chỉnh sửa lại.
“Các sản phẩm thủy tinh của bố tôi sản xuất ra ngày đó, tham dự nhiều cuộc triển lãm ở Huế, Sài Gòn và được Chính phủ Pháp đánh giá rất cao. Năm 1939, Chính phủ Pháp trao huy chương vì có nhiều sáng kiến trong sản xuất. Đến năm 1941, bố tôi được vua Bảo Đại trao Huân chương Long bội tinh, vì những đóng góp của ông cho sự nghiệp xây dựng đất nước”, ông Tiến kể.
Ông Tiến cho hay, ngày đó những người cầm quyền Pháp rất coi trọng những nhà tư sản như bố ông - những người làm  ra của cải vật chất cho đất nước. Qua quá trình lựa chọn, dựa trên nhiều tiêu chí năm 1943 Phủ toàn quyền Đông Dương đã lựa chọn ông Trịnh Đình Kính là 1 trong 300 người hào kiệt nhất xứ Đông Dương. Tiêu chí đánh giá, lựa chọn dựa trên sự đóng góp của họ đối với đất nước. Ông Kính khi đó được sánh ngang với bậc vua chúa của các nước Đông Dương. Sau đó, Phủ toàn quyền Đông Dương cho người viết một cuốn sách có tên gọi  là Vua chúa và những hào kiệt xứ Đông Dương, xuất bản năm 1943.
Ông Tiến tự hào đưa ra chúng tôi xem cuốn sách và bảo: Cuốn sách này là báu vật đối với gia đình ông, thật tự hào khi bố ông được sánh ngang với vua chúa thời đó.
Chuyen it biet ve hau due chua Trinh-Hinh-4
Ông Tiến rất tự hào vì người cha mình được sánh ngang với vua chúa xưa kia. 
Cứu đói cả làng
Ông Tiến kể, những năm cửa hiệu làm ăn phát đạt, bố ông có trong tay hàng trăm người làm công. Gia đình ông thuộc dạng giàu có đất Hà thành ngày đó. Tuy đã trở thành ông chủ lớn, thân phận quyền quý cao sang, nhưng ông Kính rất thương dân nghèo. “Trước những năm 1945, nhiều người ở quê đói khát, ra Hà Nội tìm bố tôi xin ăn. Dù không biết họ là ai, nhưng thấy họ đói khổ bố tôi giữ lại làm việc và cho ăn uống. Vì thế, trong nhà thường có vài chục miệng ăn. Có khi ăn xong, ông còn phát gạo cho họ mang về nhà”, ông Tiến kể .
Ông Tiến cho biết, năm 1945 khi nạn đói tràn về thôn Đôn Thư – nơi  bố ông sinh ra khiến nhiều người đói khát. Thấy vậy, cụ Kính đã cho người chở thóc gạo về cứu đói cho dân làng. Cụ bảo, đây là nơi cụ sinh ra và lớn lên. Vì thế, cụ không thể nhìn thấy mọi người đói khát mà không cứu, dù có bán cả nhà máy, xí nghiệp sản xuất, cụ cũng phải cứu mọi người. Nhờ tấm lòng đôn hậu của cụ Kính, nhiều người dân thôn Đôn Thư thoát khỏi nạn đói. Họ cảm phục tấm lòng của người con hết lòng vì quê hương.
Theo ông Tiến, đối với anh em họ hàng, bố ông cũng làm hết mình để họ được ấm no. Ông từng bỏ ra một khoản tiền rất lớn, mua hàng chục mẫu ruộng để cho mọi người có đất canh tác sản xuất. Nhiều gia đình nghèo đói, nhờ ông có cơm ăn, áo mặc.
Nếu như Đại chiến thế giới thứ II tạo cho ông cơ hội trở thành ông hoàng thủy tinh thì đến năm 1946 thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, cũng là lúc nghiệp kinh doanh của ông bắt đầu tan vỡ, khép lại sự nghiệp đầy hào hùng. Ông trở về quê nghỉ ngơi và vui hưởng tuổi già.
Ông Tiến cho biết: Bố ông là Trịnh Đình Kính hậu duệ đời thứ 9 của Định Vương Trịnh Căn. Trước đây, khi bố ông còn sống hằng năm đều làm giỗ ông Tài Cống – người đã truyền nghề nấu thủy tinh cho  mình. Ông vẫn nhớ câu đối mà người thầy truyền nghề tặng cho bố ông là: Đại tiểu do nhân lực/Quang minh dụng hỏa công. 
Đức Lợi

Bình luận(0)