[ Tải bài này về (download) trong format PDF] Chùa Phật Tích (Bắc Ninh) - Đông Tác giao lưu

Categories

Trang nhà > Nghệ thuật (Arts) > Kiến trúc (Architecture) > Chùa Phật Tích (Bắc Ninh)

Chùa Phật Tích (Bắc Ninh)

Thứ Tư 13, Tháng Hai 2008, bởi NCC

Chùa Phật Tích, tên chữ là Vạn Phúc tự, nằm ở sườn núi Lạn Kha (Rìu Mục), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Xưa kia nơi đây có nhiều thiền sư tu luyện. Theo sử sách để lại thì Phật Tích là một nơi mà đức Phật đã từng ngự.

Chùa được bắt đầu xây vào khoảng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 10 và hoàn chỉnh vào triều Lý, khi Phật giáo được coi là quốc giáo.

Tượng Phật A Di Đà

Chùa Phật Tích trở thành một đại danh lam với nhiều tòa ngang dọc, cảnh quan đẹp, phía trước là sông Đuống, phía sau là dãy núi Nguyệt Hằng nhấp nhô. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi chép về ngôi chùa này.

Chùa được mở rộng xây dựng hoành tráng và tu bổ khang trang vào năm 1686. Tấm bia đá “Vạn Phúc đại thiền tự bi” đặt trong chùa năm ấy, cho biết: năm 1057 nhà Lý cho dựng ở đây cây tháp cao mười trượng, bên trong có pho tượng Phật mình vàng cao sáu thước (đó chính là pho tượng Phật A Di Đà). Đến đầu thế kỷ 20 chùa vẫn nổi tiếng linh thiêng và to đẹp, là nơi hành hương của nhân dân Kinh Bắc và khách thập phương đổ về hàng năm, nhất là dịp lễ hội Phật Tích ngày 4/1 âm lịch.

Năm 1947, do chiến tranh, chùa bị phá huỷ hoàn toàn. Năm 1958, chùa được dựng lại sơ sài. Năm 1991, chùa được trùng tu đa phần theo qui mô kiến trúc cổ.

Phù điêu nhạc công

Các hiện vật

Trong khuôn viên chùa ngày nay còn có pho tượng A Di Đà ngự tại Thượng Điện chùa, chiếm vị thế vô cùng quan trọng đối với nền mỹ thuật dân gian ở nước ta. Đây là pho tượng cổ nhất miền Bắc, đã được công nhận kỷ lục Phật giáo, đồng thời tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật đều có phiên bản của pho tượng này. Bức tượng ở chùa làm bằng đá năm 1057, tạc Phật A Di Đà ngồi thiền định trên toà sen, cao 1,85m (tính cả bệ đá là cao 3m). Các miếng vá trên tượng này tuy khéo song không che hết dấu vết phá huỷ của chiến tranh. Tượng có đầu nở, tóc xoắn ốc, tai to chảy, khuôn mặt trái xoan đẹp, đôi mắt phượng hiền từ khép hờ nhìn xuống, mũi dọc dừa cao đầy, môi mỉm cười độ lượng. Thân tượng dong dỏng, thanh thoát, hai cánh tay ẩn trong làn áo vẫn toát lên vẻ thon lẳn, các ngón tay búp măng dài quý phái. Tượng mặc áo cà sa có hai lớp: lớp trong để hở ngực tôn vẻ đẹp cổ kiêu ba ngấn, giữa có thắt lưng bằng chiếc nơ xinh xắn. Lớp áo ngoài ôm sát lấy thân mình thon thả của tượng mềm, mỏng, chảy mượt thành nhiều nếp xuống tận đài sen bởi nét chạm khắc tinh xảo, nghệ thuật. Bệ tượng thành hai phần: Đế và đài sen. Đế bát giác năm tầng: Tầng sát đất để trơn; tầng hai và ba chạm nổi các lớp sóng kép; tầng bốn và năm mỗi mặt chạm nổi đôi “rồng giun” bờm tóc dài (đặc trưng rồng thời Lý) nối đuôi nhau, chạy quanh bệ tượng. Đài sen có 15 cánh to nở rộ; mỗi cánh sen được chạm một đôi rồng chầu vào hình Phật ngồi thiền trên đài sen hào quang tỏa sáng hình lá đề.

Tượng linh thú

Ngoài tượng Phật A Di Đà quý hiếm, chùa Phật Tích còn bảo lưu được những di vật quý khác như: Chân cột bằng đá chạm khắc hoa sen (mỗi hoa sen là một đôi rồng chầu), hình dàn nhạc công “thiên thần” đang tấu nhạc dân tộc, nhằm tôn vinh Phật pháp. Tượng đầu người mình chim (chim thần Kinnaras) đánh trống cơm, với ý nghĩa tấu nhạc thiên thần để dẫn chúng sinh vào con đường của đạo pháp. Đặc biệt là hàng thú đá 10 con to lớn phủ quỳ gồm (ngựa, trâu, tê giác, voi, sư tử) đối xứng nhau trước cửa chùa. Những thú đá này được nằm trên bệ đá có những cánh hoa sen (cao trung bình 1,2m, dài 1,5m - 1,8m); trên thân mình sư tử có những lớp vân mây xoắn biểu tượng cho những tinh tú. Những linh vật này đều được tạo trong tư thế chầu phục và ẩn chứa một tinh thần sâu xa quy phục Phật pháp.

Phù điêu rồng ở bệ

Khai quật khuôn viên chùa Phật Tích vào những năm 1949-1951, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều tác phẩm điêu khắc đá cổ, đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia: những mảnh đá chạm rồng và hoa lá; nhiều mảnh lá đề bằng đá kích thước to nhỏ khác nhau, trên mặt chạm rồng; pho tượng Kim cương bảo vệ Phật Pháp (thế kỷ XI); tảng đá chạm hình hoa văn sóng nước (thế kỷ XI); tượng nữ thần chim; mảnh đá chạm đầu tượng tiên nữ...

Tượng nữ thần chim được tạc trong tư thế bán thân, với đôi tay đã được thay bằng đôi cánh mang đầy tính sáng tạo nghệ thuật. Tại Bảo tàng Lịch sử cũng trưng bày một tảng đá kê chân cột của chùa Phật Tích, hình vuông kích thước mỗi chiều 1m, vòng chân cột có đường kính 60cm. Quanh chân cột là vòng cánh sen được chạm nổi vô cùng tinh tế, với 16 cánh sen chính, cùng 16 cánh sen phụ xen kẽ, mỗi cánh sen chính trông giống như những mai rùa.

Cũng cần phải kể đến pho tượng táng của thiền sư Chuyết Chuyết và 32 bảo tháp (thế kỷ XVII - XX) đứng rải rác ven đồi...

Quán Âm Viện chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích có một công trình ao rồng (Long Trì) hình chữ nhật có chiều dài 7m, rộng 5m, sâu 2,2m, bốn bờ được kè đá tảng thẳng đứng dưới đáy ao. Đáy có thềm đá hình bán nguyệt đường kính 3,8m, chỗ nhô cao nhất 1,9m, ở mỗi nửa thềm đá chạm nổi một con rồng khá lớn, giữa thềm đá chạm nổi hình sóng nước nhô cao (thủy ba). Cuối năm 2005, Trung tâm tu tập Phật Tích và Quán Âm Viện đi vào hoạt động.

Trả lời bài này