Bia ký từ thời Mạc
Dẫn chúng tôi thăm chùa, trưởng thôn Nhân Trai Bùi Duy Dũng giới thiệu: “Toàn bộ hình dáng, kiến trúc gỗ, mái lợp ngôi chùa nguyên vẹn từ những thế kỷ trước. Bởi gạch vồ, to bản để xây chùa, ngói dày có hình đầu rồng đều là những nguyên vật liệu thời xưa”. Năm 1996, nhân dân địa phương chỉ tu sửa nhỏ một vài chỗ dột ở mái ngói, xây dựng một số hạng mục tôn tạo cảnh quan chùa…
Từ xa nhìn lại, chùa Nhân Trai tọa lạc ở khu đất rộng, cách xa khu dân cư, chung quanh là cánh đồng lúa. Chùa đắm trong không khí mát mẻ, tĩnh mịch, cổ kính. Chung quanh chùa, nhiều cây xanh tỏa bóng mát…
Phật điện được bố cục hình chữ đinh, gồm tiền đường 3 gian, chuôi vồ 3 gian. Đây là kiến trúc chùa cổ xưa. Kết cấu nóc mái là khung giá chiêng lớn đứng vững trên bề mặt thân, xà nóc, dui, hoành. Phần chuôi vồ được kết cấu theo các mảng cốn nóc, nối hai đầu cột cái. Từ cột cái với cột quân liên kết qua hệ thống kẻ nách tạo thành nối đi hai bên.
Nơi giáp mối giữa 3 gian bái đường và phần chuôi là sự liên kết giữa hệ thống kẻ góc, kẻ trái và dui gỗ ken dày tạo nên bề dày, độ chắc chắn của công trình. Bên cạnh đó, yếu tố tạo độ bền vững, tính thẩm mỹ của ngôi chùa là bộ khung gỗ gồm: cột cái có đường kính 0,53 m, cột quân có đường kính 0,3m được làm bằng gỗ tứ thiết. Hệ thống xà thượng, xà hạ qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu.
Nhà thờ tổ của chùa ở cạnh gian tam bảo, ngăn cách bằng khoảng sân rộng. Nhà thờ tổ có 5 gian hình chữ nhất, là nơi thờ 3 vị sư từng trụ trì tại chùa, 3 cỗ ngai án và bài vị thờ thành hoàng làng được địa phương quy tập về thờ ở đây. Trong vườn chùa còn có tháp, nơi yên nghỉ của các vị sư trụ trì chùa.
Quang cảnh chùa Phúc Linh
Đáng quý nhất ở chùa Phúc Linh chính là hệ thống di vật còn được bảo tồn. Nhân dân địa phương thường tự hào, chùa làng giống như một bảo tàng thu nhỏ lưu giữ các di vật thời Mạc. Phía trước cổng tam quan là 4 chân tảng đá xanh, trên có chạm khắc mây, rồng. Người dân cho biết, các nhà nghiên cứu lịch sử nhận định các di vật này mang phong cách trang trí đặc trưng của thời nhà Mạc.
Trong chùa còn hệ thống tượng cổ phong phú, trong đó nhiều tượng được các nhà khoa học khẳng định có từ thời Mạc. Nhóm tượng vương gồm 5 pho bằng đá, đặt ở bên trái tiền đường. Đáng chú ý có pho tượng được tác ngồi trên ngai, đầu đội mũ bình thiên, vành mũ hình tròn, đỉnh mũ hình vuông, phía trước có chạm chữ vương, tượng mặc áo choàng rộng, có trang trí nhiều chi tiết.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, bức tượng này có thể là tượng Ứng vương Mạc Đôn Nhượng (con trai út của Mạc Thái Tông, vị vua đời thứ 2 nhà Mạc). Pho tượng chân dung bằng gỗ đặt ở vị trí bên phải của phật điện trong tư thế khoanh chân xếp bằng, dáng thon lẳn, mũi cao tay dài, cổ ba ngấn, hai tay đặt trước bụng, lộ bàn tay phải, áo bào rộng, cổ áo vạt chéo chữ V, trước bụng có chạm hình rồng có thể là tượng của nhà tu hành dựng ngôi chùa này.
Trong chùa còn 2 bia ký thời Mạc và thời Nguyễn với nội dung ghi lại công đức tôn tạo chùa. Đặc biệt, chiếc khánh được treo cạnh quả chuông chùa gắn liền với một giai thoại huyền bí.
Người dân địa phương kể lại, 20 năm trước, khi biết chùa Phúc Linh còn lưu giữ nhiều di vật thời Mạc, trộm thường hay nhòm ngó. Tuy nhiên, những di vật bằng đá khá nặng; một số bức tượng được bảo vệ cẩn thận trong phật điện, nên chúng không có cơ hội lấy đi.
Chiếc khánh đá không quá nặng, nên có lần vào lúc nửa đêm, 4 tên trộm vào chùa đem chiếc khánh đi. Thấy động, người bảo vệ chùa phát hiện chiếc khánh bị mất liền chạy đôn đáo chung quanh để tìm. Đến bờ ruộng, nhìn thấy 4 tên trộm đang khiêng chiếc khánh đá, người bảo vệ khuyên họ không nên lấy di vật của chùa, nhưng chúng bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ, vẫn cố khiêng chiếc khánh đi. Tuy nhiên, như có phép lạ, chiếc khánh cứ trơ ra bên bờ ruộng khiến chúng không thể mang đi tiếp, phải bỏ lại.
Khi dân làng đến khiêng chiếc khánh về, thật kỳ lạ, cả 4 tên trộm khiêng chiếc khánh không nổi, nhưng chỉ 2 người làng cũng dễ dàng khiêng chiếc khánh về chùa.
Trưởng thôn Nhân Trai Nguyễn Duy Dũng cho biết: “Dân làng rất tự hào về ngôi chùa cổ với nhiều di vật lịch sử có niên đại khoảng 500 – 600 năm về trước. Tuy nhiên, để bảo vệ chúng cũng là vấn đề khá nan giải vì chùa hiện chưa chính thức có sư trụ trì. Mọi việc giao cho Ban hộ tự chùa trông coi, bảo vệ chùa”.
Ông Dũng cũng như dân làng mong muốn chùa sớm có sư trụ trì, tiếp tục được đầu tư, tôn tạo để trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh trong tua du lịch Khu tưởng niệm Vương triều Mạc.