Thứ tư, 03 Tháng 7 2013 14:27
Đền Mẫu thuộc tổ 4,
phường Lào Cai, thành phố Lào Cai. Tỉnh Lào Cai được toạ lạc tại hợp lưu
giữa hai dòng sông Nậm Thi và sông Hồng chảy vào đất Việt huyền thoại
và thơ mộng. Nơi đây cũng là cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà
Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc) và cũng là điểm cột mốc 102 đã ghi dấu chân
nhiều du khách đến với đền Mẫu và cửa khẩu nơi vùng biên giới Tây Bắc.
Đền
Mẫu là nơi thờ đức Thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa, một nhân thần giàu
lòng nhân ái, trừ tà, diệt ác, cứu giúp dân nghèo, phù giúp cho triều
đình chống giặc ngoại xâm bảo vệ vùng biên ải thiêng liêng của Tổ quốc.
Đồng thời, Bà là người Mẹ linh kiệt trong tiềm thức dân gian của dân tộc
Việt Nam.
Tục
thờ Mẫu ở nước ta đã trải qua trường kỳ lịch sử, đây không những là tục
thờ mang đậm bản sắc dân tộc mà nó còn là nhu cầu chung về tâm linh của
nhân dân ta từ thời kỳ đầu dựng nước, giữ nước cho đến tận ngày nay. Tín
ngưỡng và tục thờ Mẫu khởi nguyên từ ý thức tưởng nhớ tổ tiên, lòng tôn
kính, sự biết ơn, tin tưởng và mang ý nghĩa giáo dục đạo đức sâu sắc
vẫn còn nguyên giá trị đối với các thế hệ chúng ta ngày nay.
Thánh
mẫu Liễu Hạnh trong in sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam nói
chung và tỉnh Lào Cai ta nói riêng từ thế kỷ thứ 16. Trải qua những bước thăm
trầm của lịch sử đến ngày nay, dân Việt ta đã phong Bà là Mẫu Nghi Thiên
Hạ, luôn ước nguyện Thánh Mẫu giúp cho “Thiên hạ Thái bình - Quốc thái
dân an - Phong đăng hoà cốc”. Mẫu Liễu hạnh là một biểu tượng sinh động
trong cuộc sống hàng ngày, nhưng lại rất linh thiêng trong đời sống tâm
thức của người Việt Nam. Trong tiềm thức Bà là Tiên nên có phép Tiên; là
Phật nên mang tư tưởng Phật; là Mẫu nên có phẩm chất của người Mẹ; là
Thánh nên Linh thiêng; là con nhà gia thế cho nên được học hành, thông
kinh sử, giỏi đàn ca và thơ phú. Trong bà có đức hiếu nghĩa của Nho
giáo, có pháp thuật của Đạo giáo. Chính bởi vậy, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là
hình tượng, là một trong Tứ Bất Tử, là Mẫu Nghi Thiên Hạ đã được nhắn nhủ, giáo dục chúng ta từ bao đời: “Tháng Tám giỗ cha - Tháng Ba giỗ Mẹ”.
Tại
tỉnh Lào Cai, Đền Mẫu nằm trong quần thể Di tích Đền Thượng - nơi thờ tự và
ghi nhớ công lao to lớn của Quốc công tiết chế - Hưng Đạo Đại Vương -
Trần Quốc Tuấn. Đền Mẫu cùng với Đền Thượng còn là nơi có vị trí chiến
lược quan trọng, là cột mốc biên cương phía Bắc của Tổ quốc và là địa
chỉ đỏ của cội nguồn lịch sử, văn hóa dân tộc.
Đền
Mẫu được xây dựng từ đầu thế kỷ 18, tọa lạc tại địa phận làng Lão Nhai
(nay là thành Phố Lào Cai). Phía sau ngôi đền tựa vào bức tường cổ do
nghĩa quân Lưu Vĩnh Phúc xây dựng nhằm chống giặc ngoại xâm bảo vệ biên
cương bờ cõi. Bởi vậy, đền Mẫu đã được các vua nhà Nguyễn ban
cho 3 đạo sắc phong: Tự Đức năm thứ sáu (24/9/1853); Tự Đức năm thứ
33 (24/11/1880); Khải Định năm thứ 9 (25/7/1924).
Nằm
ở vị trí cửa khẩu biên giới quốc gia, trên trục đường giao thương quốc tế nên mặc dù đã trải qua hàng trăm năm với biết bao biến cố thăng trầm
của lịch sử, đền Mẫu không những trở thành cột mốc biên giới linh thiêng
được nhân dân, du khách thập phương trong nước, quốc tế tới viếng thăm,
thắp nhang thờ phụng, mà còn là cột mốc văn hóa tâm linh vùng biên giới
phía Bắc của Tổ quốc.
Với
ý nghĩa đó, đền Mẫu và đền Thượng hợp thành một quần thể di tích tâm
linh và là “thương hiệu” du lịch đầu xuân của tỉnh Lào Cai trong tuyến
Du lịch về cội nguồn. Trải qua trên 200 năm tồn tại, đền Mẫu gắn liền
với những giá trị lịch sử của dân tộc, với những nét văn hoá mang đậm
bản sắc và là cột mốc tâm linh nơi địa đầu biên giới nên đền Mẫu được Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp
Quốc gia theo Quyết định số 325/QĐ-BVHTTDL ngày 26/01/2011. Vì vậy, những giá trị
lịch sử và văn hoá đó cần được bảo tồn và phát huy thành tài sản cho
muôn đời con cháu mai sau.
(Cổng TTĐT Lào Cai)
Bình luận