thông tắc cốnghut be phot
Get Adobe Flash player
  • SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC GIANG - SỐ 74. NGUYỄN THỊ LƯU - TP. BẮC GIANG - TỈNH BẮC GIANG
Liên kết

Thông kê truy cập
  • Tổng số lượt: 121546836
  • Số người đang xem: 4
  • Trong ngày: 5
  • Trong tuần: 10413
  • Trong tháng: 116759
  • Trong năm: 14546836
Trang chủ

Ngậm ngùi trước Di tích từ chỉ họ Phùng

( 09:24 | 29/07/2009 ) Bản để inGửi bài này qua Email

            Ở xứ Rừng Má, thôn Trung, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng còn khu di tích lịch sử văn hóa được khởi dựng từ đầu thế kỷ 18, đó là từ chỉ họ Phùng. Tồn tại đã gần ba thế kỷ cùng tuế nguyệt với khí hậu khắc nghiệt, chiến tranh liên miên... công trình kiến trúc xưa không còn nguyên vẹn nhưng với những bảo vật còn lại thật xứng đáng được tôn vinh, bảo vệ. Nhưng “danh phận” của di tích này thật truân chuyên và cứ dần dần xuống cấp, dòng họ muốn trùng tu, tôn tạo nhưng không thực hiện được bởi phần đất di tích đã bị lấn chiếm, chính quyền cấp xã, huyện chưa giải quyết dứt điểm cho nên di tích tiếp tục bị xuống cấp.

            Về ngôi từ chỉ họ Phùng.

            Từ chỉ là di tích có sự tương đồng so với từ vũ và là loại hình di tích khá phổ biến ở các làng xã tỉnh Bắc Giang. Từ chỉ vốn là nơi tôn thờ, tưởng niệm, ghi ơn những người có công lao với cộng đồng làng xã dưới thời phong kiến và thấy xuất hiện ở những năm cuối thế kỷ 17 và thế thế 18. Từ chỉ thường có hai phần kiến trúc, đó là phần từ chỉ và phần lăng mộ. Bình đồ kiến trúc của từ chỉ thường gặp nằm theo trục dọc, phía trước là khu lăng mộ, phía sau là khu từ chỉ.

            Nguyên nghĩa của từ “từ chỉ” là nơi thờ cúng, nhưng việc thờ cúng ở từ chỉ khác với các di tích tưởng niệm danh nhân khác, đó là nơi tôn thờ tiên tổ (thường là bố mẹ, ông bà nội ngoại) người có công là chính và từ chỉ được cộng đồng làng xã xây dựng chứ không phải do chủ nhân người được táng ở lăng xây dựng.

            Từ chỉ họ Phùng cũng là di tích mang đầy đủ các đặc điểm trên. Di tích được nhân dân ba thôn ( Nội Mang,Trung, Triền ) đồng tình  xây dựng để tôn thờ bố, mẹ, ông bà nội ngoại hai bên của quan Tổng Thái giám làm việc trong Phủ chúa Trịnh, họ Phùng, húy là Tra, tự là Đức Nhuận.

            Đương thời, ông được vinh phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, làm quan hầu cận ở cung Đoài (Tây), giữ chức Phó tri Hình phiên, Thị Nội giám, Tư Lễ giám; sau được tặng phong chức Tổng Thái giám, tước Xác Lộc hầu Phùng tướng công, tên huý là Tra, tự là Đức Nhuận, thuỵ là Đoan Trực phủ quân. Là chức quan cai quản quan Thái giám lo việc hầu hạ phục dịch trong Phủ liêu lại trông coi Hình phiên nên Phùng tướng công được nhà Chúa yêu mến ban cho bổng lộc rất hậu hĩnh. Làm quan hầu hạ nơi phủ Chúa nhưng lòng ông lúc nào cũng đau đáu về quê hương... những bổng lộc của triều đình ban thưởng ông không giữ làm của riêng mà chuyển về quê giúp dân xây dựng tu sửa đình, chùa và các công trình phúc lợi khác. Dân ba thôn Nội-Trung- Triền của xã Nội Hoàng cảm công đức của ông đã xây dựng ngôi từ chỉ để ngàn năm tôn thờ cha mẹ và ông bà hai bên nội ngoại đã có công sinh thành, dưỡng dục, dạy bảo để Phùng tướng công trở thành người con tài năng đức độ có nhiều đóng góp cho quê hương.

            Từ chỉ họ Phùng hiện nằm trên phần đất thuộc thôn Trung, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, xưa kia gọi là xứ Rừng Má (nguyên văn chữ Hán là Má Lâm) gồm có hai phần từ chỉ và lăng mộ.

Phần từ chỉ đã bị hư hỏng toàn bộ và chỉ còn dấu tích rất mờ nhạt. Từ chỉ họ Phùng vốn là ngôi nhà gỗ lim 5 gian ở phía sau. Đó là nơi hành lễ và đặt linh vị tổ tiên họ Phùng và Phùng tướng công.

 Phía trước từ chỉ là lăng mộ. Toàn bộ phần kiến trúc lộ thiên của khu lăng mộ được xây dựng bằng chất liệu đá xanh, hiện còn các di vật được tạo tác từ thế kỷ 18 như: Bia đá, sập thờ, tượng vũ sĩ canh hầu, đài hương, đôi linh cẩu và phần mộ hợp chất nằm trong lòng đất.

Việc xây dựng lăng mộ được hoàn thành vào ngày tốt tháng 11 niên hiệu Đức Long nguyên niên (1732), tức là một năm sau ngày mất của Xác Lộc Hầu Phùng tướng công.

 Những đóng góp của Phùng Tướng công với quê hương.

Công lao đóng góp của ông với quê hương được người đời khắc ghi trên bia đá ở một số di tích xã Nội Hoàng, nhưng phần lớn bị mai một nay còn hai tấm “đại thạch bi” dựng ở đầu làng Triền ghi việc Tướng công công đức và hưng công trùng tu, mở mang chùa Phúc Nghiêm và ngôi đình làng. Đây là lời văn ngợi ca công đức của ông trên tấm bia trùng tu chùa Phúc Nghiêm:

“...Xưa chùa Phúc Nghiêm, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng xứng là thắng cảnh ở trời Nam, một danh lam nổi tiếng nơi đất Bắc. Đây thật chẳng khác cõi  Đâu suất nơi tiên cảnh. Tuy cửa Thiền được mở kiến tạo trên dưới khang trang, cho nên phải làm cho nền nhân thật vững chắc như thế mới mong được lâu bền và trở thành nơi cổ tích trong thế gian này. Muốn cho phong tục nơi thôn dã tránh bị phai mờ tất phải giữ nguyên nếp cũ, nhất nhất không được thay mới. Muốn tiếp đãi người có công đức lớn lao, tài giỏi há phải làm sao đây? Nay ở thôn Triền xã nhà có vị quan đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Thị nội giám, Tư lễ giám, Đồng tri giám sự Xác Lộc hầu. Ông là người họ Phùng, người thôn Triền, được vâng mệnh hầu hạ trong cung cấm, lòng luôn suy nghĩ đến làm việc thiện vì mọi người đã đem tiền của ban ơn giúp đỡ cho mọi người. Kinh Dịch có câu rằng: Chăm lo bồi đắp làm việc phúc thiện há chẳng phải để làm gương cho muôn vàn đời sau noi theo sao?

            Thế rồi ông bèn phát gia tài để mời thợ về sửa chữa điện thờ, hành lang chái nhà chùa thêm phần quy mô, luân chuyển từ gỗ thành đá, trong ngoài phép tắc đều được định lập rõ ràng... Đến nay chùa tháp tầng tầng, lớp lớp mọc lên thật uy nghiêm đường bệ, nhìn vào đó lòng ta há chẳng cung kính sao? Nhìn khung cảnh ấy thật như nơi thiền viện nguy nga lộng lẫy mà có thể đủ để xua tan đi những bụi bẩn của cõi trần. Nhìn vào nền móng vững vàng đó con người phải sớm tu chỉnh lòng hiếu, lòng trung, giữ gìn tấm lòng son sắt của mình để mà truyền lại mãi về sau. Cái công lao và cái đạo đức ấy nếu như không đủ thể hiện ra ngoài thì trong lòng cũng cảm thấy không được thư thái khoan dung. Thân mình cảm thấy có lỗi lầm thì lời phát ngôn có thể truyền giáo dạy được ai đây?... Việc Tướng công lấy bản thân mình lo lắng tích chứa làm điều thiện ắt hẳn sẽ được thừa hưởng điều phúc. Cho nên, không phải tranh luận nữa, bậc quân tử hãy vui với đạo mà làm điều thiện giúp người. Cho nên liền chọn loại đá quý ghi chép thật rõ ràng để lưu truyền việc đó đến mãi mãi về sau...”

            Đây là lời người xưa được khắc ghi để ca tụng công lao đức độ của Phùng tướng công trên tấm bia đình làng: Phùng tướng công là viên quan trọng yếu của triều đình nhờ gặp được bậc vua hiền, tựa như cá gặp nước, như rồng gặp mây thả sức thể hiện tài trí mà đức hạnh ngày càng được tôn quý, bổng lộc tốt đẹp ngày càng nhiều thêm kính cẩn phụng thờ Thần, nên đã chuẩn bị lễ nghi phụng thờ như con trẻ đến những người già cả thì miễn trừ công việc, thu thuế nhẹ, trừ bỏ những điều nhũng nhiễu cuộc sống của dân, mang ân ban cho dân. Việc ấy tựa như đem đến sự sống cho những nơi hoang tàn thêm phát triển những người cảm mến công đức của ông thật đông, đức hạnh của ông làm cảm động sâu sắc đến mọi người.

             Nay, xã nhà từ trên xuống dưới không kể trẻ già muốn được báo đền ấn đức mà hội họp cử lễ cùng thề nguyện truy ân tôn thờ hai bên nội ngoại của ông ...Ông lại đem gia tài ban ơn huệ thêm cả tiền bạc, ao, ruộng cho dân. Khi công việc hoàn thành xã nhà thỉnh mời người viết bài văn rồi khắc vào đá để muôn đời con cháu trong xóm làng nhìn vào đó mà suy ngẫm làm gương. Bia còn ghi khắc những lời tốt đẹp để gây dựng rường mối của nền nhân đức trường tồn mãi mãi cùng trời đất làm cho phong tục xã nhà thêm thuần hậu. Không người nào được làm trái những điều đã ghi nên khắc vào bia đá bài minh nhớ về ân đức của Hậu thần cùng phẩm chất, khí tiết, lệ tục của xã nhà vào đá để lưu truyền mãi mãi.

            Bài minh rằng:

                        Lòng bao dung, độ lượng lớn lao thay

                        Ấy là công đức tướng công đây

                        Lòng nhân lưu mãi cùng trời đất

                        Quê nhà ghi tạc nghĩa ân này.

Sự lệ thờ cúng  lời nguyền của người xưa

            Ngay từ khi Phùng tướng công còn tại chức, dân ba thôn xã Nội Hoàng khi ấy đã kính cẩn ra lệ cúng ông bà nội ngoại của Tướng công. Tiền sắm lễ lấy từ hoa lợi ruộng hậu 1 mẫu:

            - Ông nội Phùng Quý công, tự Phúc Độ, giỗ ngày 21 tháng 12. Lễ có: 1 mâm xôi tương đương 10 đấu gạo nếp; rượu giá sử tiền 200; vàng bạc, trầu cau, hương đèn đủ dùng.

            - Bà nội Dương Quý thị, hiệu Từ Lương, giỗ ngày 11 tháng 4. Lễ có: 1 mâm xôi tương đương 10 đấu gạo nếp; thịt lợn giá sử tiền 500; rượu giá sử tiền 200 cùng vàng bạc, trầu cau, hương đèn đủ dùng.

            - Ông ngoại Phùng Quý công, tự Phúc Chính, giỗ ngày mồng 4 tháng 11. Lễ sắm: 1 mâm xôi, tương đương 10 đấu gạo nếp; 1 đôi gà giá sử tiền 300; rượu giá sử tiền 100 cùng vàng bạc, trầu cau, hương đèn đủ dùng.

            - Bà ngoại Thân Quý thị, hiệu Từ Minh, giỗ ngày 28 tháng 3. Lễ sắm: 1 mâm xôi tương đương 10 đấu gạo nếp; gà 1 đôi giá sử tiền 300;rượu giá sử tiền 100, cùng vàng bạc, trầu cau, đèn hương đủ dùng.

            Hàng năm ngày lệ Nhập tịch có xướng ca, quan viên xã nhà từ trên xuống dưới áo mũ chỉnh tề tề tựu tại miếu nghênh rước đại vương ở phía trước, các vị Hậu Thần ở phía sau. Đến các đình, nếu Hậu thần đến đình nào thì đình đó tiếp nhận phụng sự. Nội trong ngày phải có cỗ xôi, gà: Xôi tương đơng 5 đấu gạo nếp, gà giá sử tiền 100...Sau đó phân chia đều ra làm 2 kỳ luân phiên nhau thờ phụng theo như nghi thức...

Hễ giáp nào giao cho người nào chịu trách nhiệm đương cai sẽ được cày cấy (ruộng Hậu) để lo việc thờ cúng, không được bán mua. Nếu như người nào làm trái cứ đem ruộng đất hậu để mua bán làm cho sự lệ của dân bị phế bỏ thì cầu mong Long thần, Thổ địa chứng giám chu diệt kẻ đó.

Như vậy qua các tư liệu Hán-Nôm ở Nội Hoàng cho thấy, Phùng Đức Nhuận là vị quan trọng yếu của triều đình. Ông có những đóng góp trong việc sắp xếp về tổ chức quan lại và theo dõi việc xét xử hình phạt trong phủ Chúa ở những năm đầu thế kỷ XVIII và có nhiều công đóng góp với quê hương bản quán. Ông đã được quê hương tôn vinh và xây dựng từ chỉ phụng thờ cùng tiên tổ.

Vĩ thanh

Trải qua những thăng trầm của lịch sử cùng với khí hậu khắc nghiệt đã làm hư hại ngôi từ chỉ, sự lệ thờ cúng danh nhân đã bị mai một thất truyền, nhưng rất may phần lăng mộ với vật liệu kiến trúc bằng đá xanh vẫn còn tồn tại là những di sản văn hóa quý giá cần được sự quan tâm bảo vệ của toàn xã hội. Song di tích đang bị xâm chiếm. Và thật khó hiểu và khó cảm thông với những người vì chút lợi nhỏ mà cố tình cản trở gây khó khăn cho chính quyền và cơ quan chuyên môn thiết lập hồ sơ khoa học và pháp lý công nhận di tích về nhân vật lịch sử vă hóa Phùng Đức Nhuận.

Chúng ta không muốn lời nguyền của người xưa ứng nghiệm, nhưng lời nguyền rất đáng để người đời trân trọng và suy ngẫm./

Nguyễn Văn Phong