rao vat mien phi

TRẮC NGHIỆM LỊCH SỬ


Đếm lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Từ nhà chú Hỏa đến Bảo tàng Mỹ thuật In
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Được thành lập từ tháng 9-1987, sau 20 năm hình thành và phát triển, đến nay Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã trở thành một trung tâm mỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam (chỉ sau Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội), nơi hiện lưu giữ hơn 20.000 tác phẩm mỹ thuật và mỹ nghệ dân gian qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Trong số các tác phẩm và cổ vật được coi là báu vật quốc gia hiện thuộc sở hữu của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, có bức sơn mài khổ lớn Vườn xuân Bắc Trung Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí, tác phẩm có hồi đã gây nên một cuộc tranh luận trên báo chí khi nó được thành phố mua với giá 100.000 USD vào năm 1991. Đã có nhiều lập luận ấu trĩ, ngây ngô kịch liệt chống lại việc mua tranh lúc ấy (còn bây giờ, theo bà Nguyễn Thị Đức, giám đốc bảo tàng, đã có một nhà sưu tập người Bỉ trả với giá 1 triệu USD để mua lại bức sơn mài này).

Vườn xuân Bắc Trung Nam có lẽ cũng là tác phẩm quan trọng nhất tại bảo tàng hiện nay, dù rằng để nơi đây thật sự trở thành một điểm đến không thể thiếu với du khách trong và ngoài nước khi tham quan Sài Gòn - TP.HCM, bảo tàng cần có nhiều hơn những hiện vật nghệ thuật có giá trị lịch sử và thẩm mỹ thật sự, đa dạng, và đi cùng các dịch vụ hỗ trợ mà bất kỳ bảo tàng nào cũng không thể thiếu.

Tọa lạc tại số 97 đường Phó Đức Chính (Q.1), Bảo tàng Mỹ thuật thành phố hiện nay nguyên là một phần của công trình kiến trúc cổ kính và hoành tráng nằm ở khu tứ giác với bốn mặt đường Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Nguyễn Thái Bình, một trong những “khu đất vàng” của quận 1 trung tâm. Dinh thự nổi tiếng này gắn liền với các huyền thoại cũng như tên tuổi một doanh nhân người Hoa hồi đầu thế kỷ XX. Đó là chú Hỏa, người giàu nhất Sài Gòn vào nửa đầu thế kỷ XX.

 

Cất cánh - Tạ Tỵ Thăm Văn Miếu - Bùi Xuân Phái

Chú Hỏa, tương truyền rằng từ gánh ve chai trên vai dần dà tạo nên cơ nghiệp lớn, là chủ Công ty Hui Bon Hoa từng sở hữu rất nhiều căn nhà phố khắp khu vực Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, đã đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng thành phố Sài Gòn.

Tuy giàu nứt đố đổ vách, song chú Hỏa được coi là người có tấm lòng hướng tới cộng đồng chứ không chỉ biết vun vén cá nhân, như lời cụ Vương Hồng Sển: “Tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam” (trích trong Sài Gòn năm xưa).

Ngoài các dinh thự của gia đình, chú Hỏa còn xây nhiều công trình dân dụng như bệnh viện, chùa chiền... Trong số những công trình được chú Hỏa xây dựng đến nay vẫn đang được sử dụng có Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn (đường Lê Lợi), khu nhà khách Chính phủ (đường Lý Thái Tổ) và nhiều ngân hàng, trụ sở kinh doanh trên địa bàn quận 5, chùa Kỳ Viên...

Giống như Khách sạn Majestic, Bảo tàng Mỹ thuật được kiến trúc sư người Pháp thiết kế theo phong cách Baroque rất được ưa chuộng thời bấy giờ và việc thi công được hoàn tất vào năm 1925. Sau gần một thế kỷ đã đi qua, dấu thời gian cũng đã hằn nhiều lên công trình kiến trúc này và có lẽ đã đến lúc nó cần được bảo trì, chăm chút hơn để không xuống cấp.

Bảo tàng Mỹ thuật thành phố được thành lập từ năm 1987 nhưng vì thiếu hiện vật nên đến năm 1992 mới chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, dù số hiện vật tại đây được coi là khá lớn song nhìn chung, toàn bộ các gian trưng bày của ba tầng nhà chưa đủ sức lôi cuốn khách tham quan.

 

Mùa gặt - Nguyễn Siên

Về hội họa cũng như về điêu khắc, chưa thấy được ở đây sự đa dạng tác giả, tác phẩm của một thành phố lớn nhất nước, nơi tiếp nhận nhiều nguồn văn hóa, thẩm mỹ đến từ các châu lục khác nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử, nơi từng có một trung tâm đào tạo mỹ thuật quan trọng của miền Nam trước đây là trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (nay là trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM), nơi đang có một lực lượng dồi dào nghệ sĩ tạo hình thuộc nhiều thế hệ, và cũng là nơi đang diễn ra các giao lưu mỹ thuật khu vực và quốc tế trong thời hội nhập. Đó là chưa nói đến các hình thức nghệ thuật đương đại hoàn toàn không có mặt tại bảo tàng.

Tất nhiên, yếu tố kinh phí hoạt động hạn hẹp cũng là một nguyên nhân để bảo tàng chưa đảm đương được vai trò quan trọng của mình, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Dễ có cảm giác đây chỉ là một nơi lưu trữ tranh tượng và cổ vật; khách tham quan nhất là du khách nước ngoài khó tìm được thông tin gì ngoài vài dòng giới thiệu tác phẩm gắn trên tường, trong khi chỉ cần đến với Bảo tàng Mỹ thuật của trường đại học Chiang Mai cũng có thể có một so sánh về chất lượng phục vụ khách tham quan.

Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập (5-9-1987 - 5-9-2007), Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã tổ chức trưng bày mới gần 700 hiện vật mỹ thuật cổ và đương đại, có nhiều tác phẩm lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng thưởng ngoạn. Đáng chú ý trong lần trưng bày này là có một số tác phẩm mỹ thuật Sài Gòn trước 1975, chẳng hạn tranh của Tạ Tỵ, Văn Đen... Qua các gian trưng bày, có thể thấy những chi tiết thật đáng tiếc, ví dụ sự không đồng bộ về khung tranh, thậm chí có khi là những nẹp gỗ xấu xí cho dù đó là khung tranh Bùi Xuân Phái! Có lẽ vẫn lại là câu chuyện về kinh phí...

Theo DIÊN VỸ
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

 

: : HÌNH ẢNH LỊCH SỬ

: : TÌM KIẾM

: : NHÀ TÀI TRỢ CHÍNH


Đại học Quốc Gia TP.HCM
Thư Viện Trung Tâm
Nhà cung cấp dữ liệu


Sở văn hóa thông tin TP.HCM
Tổ Chức Cấp Phép


Bộ thông tin và truyền thông
Tổ Chức Cấp Phép