|
Lược
sử Giáo xứ Cao Mộc
I - VỊ TRÍ
Giáo xứ Cao Mộc nằm kề sông Diêm Hộ. Trước đây Cao Mộc thuộc tổng
Bát Nạo, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Đồng Tiến,
huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình; cách Tòa giám mục khoảng 30 km về
hướng Đông Bắc; phía Nam giáp xứ Phương Mai; phía Bắc giáp xứ Tràng
Lũ, phía Đông Bắc giáp xứ Ninh Cù. Năm thành lập: 1800 Bổn mạng: Đức
Mẹ Hồn Xác Lên Trời Số giáo dân khoảng 1.267 Linh mục chính xứ:
Phêrô Đinh Văn Hùng Địa chỉ: Nhà thờ Cao Mộc, xã Đồng Tiến, huyện
Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363937973
II - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Cao Mộc đón nhận ánh sáng Đức Tin từ cuối thế kỷ XVII, do các
thừa sai dòng Tên từ Kẻ Bái rao giảng. Từ đó hình thành nên họ giáo
Cao Mộc, thuộc xứ Kẻ Bái, nhận Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm quan thầy.
Sau đó, Cao Mộc đã trở thành một giáo xứ, do các cha dòng Tên coi
sóc, trụ sở xứ đặt tại họ Tào Xá. Cha thánh Gia (Jacinto Castennela
1743 - 1773) đã ở Tào Xá để coi vùng Cao Mộc. Khi các Cha dòng Tên
không còn ở Việt Nam, Cao Mộc phải nhập vào xứ Bác Trạch, cha Lý
dòng Đaminh coi sóc.
Năm 1800, Cao Mộc trở thành một giáo xứ biệt lập. Trụ sở xứ được
đặt ở Cao Mộc là vùng toàn tòng, do cha Hàn, một linh mục nổi tiếng
có tài bào chế thuốc nam, làm chánh xứ.
Đầu thế kỷ XX, Cao Mộc có một nhà thương do các nữ tu điều hành
để chăm sóc cho những người già yếu, bệnh tật, neo đơn, không phân
biệt lương giáo.
Năm 1917, cha Sedano Thái đã tu sửa lại ngôi thánh đường và đúc
thêm bộ chuông. Năm 1937, ngài xây nhà xứ hai tầng.
Trải qua hơn một trăm năm, ngôi thánh đường đã xuống cấp. Năm
2009, cha Phêrô Đinh Văn Hùng và giáo xứ đã đại tu lại.
Thời vua Tự Đức cấm đạo, Cao Mộc đã có bốn Hiền phúc tử đạo, đó
là Gioan Thắng, Đaminh Chính, Gioan Thìn và cha Gioan Trác.
Giáo xứ Cao mộc gồm các họ giáo: Rồi Công Tây, Rồi Công Đông,
Thân Thượng và Tào Xá.
Từ khi thành lập đến nay, Cao Mộc có các cha coi sóc: cha Hàn,
cha Trí, cha Thuận, cha Hòa, cha Cẩm, cha Vĩnh, cha Trứ, cha Từ, cha
Vị, cha Lập, cha Năng, cha Thái, cha Sự, cha Cẩm, cha Căn, cha Hiếu,
cha Giang, cha Nghiêm, cha Quang, cha Khiên, cha Sedano Thái, cha
Vĩnh, cha Vinh sơn Vũ Nguyên Sùng, cha Giuse Trần Trọng Hậu, Đức cha
Giuse Đinh Bỉnh, cha Giuse Trần Xuân Chiêu, cha Đaminh Đặng Văn Gia,
hiện nay là cha Phêrô Đinh Văn Hùng.
Trong vườn hoa thiêng liêng của Giáo Hội, Cao Mộc vinh dự dâng
cho Chúa và Giáo Hội người con ưu tú là Đức cha Giuse Vũ Duy Thống,
và nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ đang phục vụ trong ngoài giáo phận.
III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Là một giáo xứ khá đông giáo dân, nhưng năm 1954 giáo dân Cao Mộc
di cư gần hết. Không vì thế mà đời sống đức tin của giáo xứ bị ngưng
trệ, mà vẫn duy trì liên tục qua năm tháng. Hiện nay, giáo xứ vẫn tổ
chức các đoàn hội như: Hội đồng mục vụ, Huynh đoàn giáo dân Đaminh,
hội Gia trưởng, hội Hiền mẫu, Ca đoàn, ban Kèn, ban Trống, ban Trắc.
Các đoàn hội luôn sống tinh thần liên đới, cộng tác với nhau trong
việc tổ chức các đại lễ, đồng thời hướng tới việc truyền giáo bằng
việc sống Tin Mừng giữa đời thường.
Nguồn : Website Giáo Phân
Thái Bình
Chi tiết bổ sung xin gởi về
giaoxugiaohovietnam@Yahoo.com
.....................
Thánh lễ Tạ
ơn tại thánh đường Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời Cao Mộc
VietCatholic News (23 Oct 2010 08:41)
THÁI BÌNH - 9 giờ 30 sáng 21/10/2010, tại thánh đường Đức Maria
hồn xác lên trời giáo xứ Cao Mộc diễn ra thánh lễ tạ ơn hết sức long
trọng, với sự hiện diện của Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục
giáo phận Thái Bình, quý cha trong giáo phận, quý cha quê hương Cao
Mộc miền Nam, quý nam nữ tu sĩ, quý khách xa gần, quý đồng hương
miền Nam và hàng ngàn giáo dân các xứ họ lân cận cùng tham dự.
Đôi dòng tiểu sử giáo xứ
Cao Mộc
Giáo xứ Cao Mộc tọa lạc tại thôn Cao Mộc, xã Đồng Tiến, huyện
Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình; cách Tòa giám mục Thái Bình khoảng 30km
về hướng Đông - Bắc. Cao Mộc được bao quanh bởi con sông Diêm Hộ, từ
xa nhìn lại giáo xứ Cao Mộc như một cù lao màu mỡ, được phù sa bồi
đắp làm xanh tươi những cánh đồng lúa mênh mông bát ngát. Cũng tại
dòng sông này mà những nhà truyền giáo đã để lại cho hậu thế một di
sản Đức Tin không bao giờ phai nhạt được! Vậy thì Tin Mừng được gieo
vào mảnh đất Cao Mộc từ năm nào? Cho tới nay không có một tài liệu
nào ghi lại chính xác, chỉ biết theo truyền khẩu vào cuối thể kỷ 17,
đầu thế kỷ 18, linh mục tên gọi là cha thánh Hàn đang truyền đạo ở
vùng này. Một hôm trên đường đi xức dầu cho bệnh nhân, cha gặp một
lễ hội của làng. Sau khi đi kẻ liệt về cha đã dừng lại tại đó và
ngửa mặt lên trời cầu xin ơn Chúa, cuối cùng bằng mọi lời lẽ khôn
ngoan, cha đã giảng giải và thuyết phục được dân chúng tin vào niềm
tin tươi sáng là Thiên Chúa Duy Nhất. Từ đó dân chúng trong vùng xin
rửa tội và theo đạo gần như toàn tòng. Vào năm Ất Hợi (1815), lúc
cha Quang đang coi xứ Tào Xá (Cao Mộc mới có đạo), Đức cha Định ở
Bùi Chu đổi xứ Tào Xá thành xứ Cao Mộc và cha Quang đã sang Cao Mộc
coi sóc, ngài xây dựng nhà thờ đầu tiên trên làng Cao Mộc và nhận
Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm quan thày. Nhờ hồng ân Thiên Chúa, giáo
xứ Cao Mộc từ khi được thành lập, lúc nào cũng được bề trên giáo
phận ưu ái cử các cha về trông nom coi sóc. Ngôi thánh đường hiện
tại vừa được đại tu là ngôi thánh đường thứ ba, xây dựng năm 1855.
Thành quả Đức Tin
Giáo xứ Cao Mộc là một trong những giáo xứ lớn và có bề dầy lịch
sử trong giáo phận Thái Bình. Theo dòng thời gian, từ giáo xứ mẹ Cao
Mộc sinh ra nhiều giáo xứ khác như:
Giáo xứ Thuần Túy, giáo xứ Phương Xá, giáo xứ Tràng Lũ, giáo xứ
Tân Hưng, giáo xứ Đông Khê, giáo xứ Phương Mai.
Hiện nay giáo xứ Cao Mộc còn lại 5 họ lẻ trực thuộc, đó là: Giáo
họ Tào Xá, Thân Thượng, Rồi Công Tây, Rồi Công Đông và họ nhà xứ Cao
Mộc, với tổng số hơn 1000 tín hữu, được phân bỗ trên hai huyện Đông
Hưng và Quỳnh Phụ.
Từ khó khăn đến thành công
Năm 1954 cha Phê rô Trần Gia Vĩnh, chánh xứ Cao Mộc đã cùng hơn
3000 giáo dân Cao Mộc di cư vào miền Nam. Đoàn chiên bám trụ nơi quê
mẹ còn lại rất ít ỏi, đời sống kinh tế quá khó khăn, ngôi nhà thờ và
các công trình của giáo xứ bị xuống cấp trầm trọng. Trong những thời
khắc này, Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ và các đấng kế vị ngài đều cử
các cha về trông nom, coi sóc giáo xứ Cao Mộc, dù rằng ngôi nhà thờ
của giáo xứ đã xuống cấp, nhưng điều kiện giáo xứ quá khó khăn nên
không có thể đại tu được.
Ngày 25/04/2008, Đức cha F.X. Nguyễn Văn Sang, nguyên
Giám mục giáo phận Thái Bình có bài sai cha Phê rô Đinh Văn Hùng về
nhiệm sở giáo xứ Cao Mộc. Một linh mục trẻ, năng động và nhiệt huyết
với công trình nhà Chúa. Sau hơn một năm về coi sóc giáo xứ, ngày
17/09/2009 cha xứ, hội đồng giáo xứ và giáo dân Cao Mộc đã làm lễ
khởi công đại tu ngôi thánh đường. Cha xứ kêu gọi những người con
của Cao Mộc đang sinh sống khắp nơi từ miền Bắc đến miền Nam và cả
hải ngoại hãy hướng về quê mẹ Cao Mộc thân yêu bằng những lời cầu
nguyện, đồng thời góp công sức, tiền của, chung tay đại tu ngôi
thánh đường cổ kính, rộng lớn và có nhiều ý nghĩa to lớn mà tổ tiên
đã để lại.
Hơn một năm cha xứ Phê rô Hùng và từng người con xứ Cao Mộc, cùng
sự cộng tác trong tình liên đới xóm làng của những bà con lương dân
thôn Cao Mộc, vào đầu tháng 10 – Tháng Mân Côi thì công trình đại tu
ngôi thánh đường được hoàn tất cách tốt đẹp, trong niềm vui mừng của
con dân Cao Mộc hai miền Nam Bắc.
Thánh lễ tạ ơn
Hôm nay, trong niềm vui khôn tả của những người con giáo xứ Cao
Mộc vừa hoàn thành công trình đại tu ngôi thánh đường to lớn và đẹp
đẽ của mình, lại được đón vị chủ chăn giáo phận về thăm và làm mục
vụ. Khi Đức giám mục về tới đầu làng, cha chánh xứ cùng mọi người từ
trẻ em đến các cụ già đều hồ hởi, nô nức ra đón chào vị cha chung
của giáo phận: tay cầm hoa, miệng hô vang khẩu hiệu: “Hoan hoa Đức
cha giáo phận đã về thăm giáo xứ chúng con, hoan hô, hoan hô...”
Ngôi nhà thờ vừa được đại tu rộng lớn là thế, nhưng hôm nay trở
nên chật chội, mọi người ngồi chen chúc khi nghe Đức cha Phê rô chia
sẻ những thông tin của giáo phận trong thời gian qua, nhất là chương
trình mục vụ của giáo phận trong năm phụng vụ mới 2011. Đức cha sẽ
dự định đi thăm viếng gần 400 giáo họ trực thuộc các giáo xứ trong
toàn giáo phận Thái Bình. Trong cuộc gặp gỡ thân thiện tình gia đình
con cái Chúa, hôm nay còn có sự hiện diện của cha Đaminh Nguyễn Văn
Thược và cha Giuse Tự, gốc Cao Mộc, hiện đang coi sóc các giáo xứ
thuộc giáo phận Long Xuyên, các ngài nói lên tấm lòng của người con
xa quê, nay được về thăm nơi đất mẹ, với bao vui mừng đan xen nghẹn
ngào. Nhân đây hai cha quý hương đại diện những người con xa quê cám
ơn sự quan tâm của Đức cha giáo phận, cha chánh xứ và bà con Cao Mộc
quê mẹ. Cha chánh xứ Phê rô Hùng đại diện giáo dân liên xứ, nhất là
khu Nam xứ Cao Mộc nói lên một thao thức lớn nhất là có được một cây
cầu bắc qua sông Diêm Hộ, nối liền nhà xứ Cao Mộc và các họ, các xứ
khu Nam, thuộc xã Đông Cường, Đông Xá...để việc đi lại, giao thương
và tham dự thánh lễ của giáo dân được thuận tiện, không bị cách trở.
9 giờ 30, Đức cha và đoàn đồng tế từ khuôn viên giáo xứ tiến ra
thánh đường, theo một đoàn rước thật dài với nhiều sắc màu, đó là
các em thiếu nhi Thánh Thể, hội các bà mẹ, hội gia trưởng, ca đoàn
liên xứ, đội trống, đội kèn của nhiều giáo xứ cùng về góp thêm phần
long trọng như: Tân Hưng, Đông Khê, Phương Mai, Minh Đức, Rồi Công
Tây, Rồi Công Đông... Đoàn rước tiến bước xung quanh hồ rồi trở về
quảng trường và tiến vào cung thánh.
Mở đầu thánh lễ, Đức cha thay mặt cho toàn giáo phận chúc mừng
cha xứ và giáo xứ Cao Mộc đã hoàn thành tốt đẹp việc đại tu ngôi
thánh đường khang trang và đẹp đẽ này. Đức cha ca ngợi những công
lao và những hi sinh của các bậc tiền nhân, mà lớp cháu con được tận
hưởng một di sản lớn lao như ngày hôm nay. Đó là một kho tàng Đức
Tin vô giá và một công trình kiến trúc đồ sộ, đặc sắc bởi ngôi thánh
đường cổ kính, với những đường nét và hoa văn tinh xảo. Nói đến Cao
Mộc là người ta nghĩ ngay đến một bề dầy lịch sử, và một quá khứ hào
hùng trong việc bảo vệ và giữ gìn kho tàng Đức Tin của các bậc tiền
nhân.
Trong bài giảng Đức cha mời gọi cộng đoàn phụng vụ nói chung và
giáo dân Cao Mộc nói riêng cùng suy niệm một đề tài: “Thiên Chúa và
tổ tiên nói gì với Cao Mộc ?” Hơn hai trăm năm về trước tổ tiên đã
để lại biết bao ngôi đền thờ Đức Tin còn sống động đến ngày hôm nay.
Đồng thời các ngài đã xây dựng một ngôi đền thờ vật chất đồ sộ, mà
cha xứ và giáo dân Cao Mộc vừa mới đại tu xong. Đây là một công
trình như thách thức những người trẻ, thế hệ con cháu của các tiền
nhân anh hùng. Hỏi rằng ngày hôm nay chúng ta là con cháu, chúng ta
đã làm được những gì cho giáo xứ và cho Giáo Hội? Sau vài chục năm
nữa chúng ta làm được những công trình gì để lại cho những thế hệ
sau chúng ta? Đức cha trích dẫn tư tưởng thông điệp của của Đức
Thánh Cha Gioan-Phaolo II, hãy khởi sự lại, bắt đầu từ mỗi gia đình,
từ các bậc cha mẹ... Những gia đình là những hạt nhân tốt thì giáo
xứ mới phát triển tốt, giáo xứ phát triển tốt thì giáo phận mới phát
triển tốt được! Xây dựng ngôi đền thờ vật chất đồ sộ như thế này đã
phải tốn rất nhiều tiền của, nhưng còn dễ hơn xây ngôi đền thờ tâm
hồn. Do vậy, công trình thiêng liêng mà chúng ta chưa xây dựng được
thì ngôi đền thờ vật chất có nguy nga, lộng lẫy đến mấy cũng vô
nghĩa...
Trước khi nhận phép lành trọng thể cuối thánh lễ, cha Phê rô Đinh
Văn Hùng, chánh xứ Cao Mộc đại diện cho những con dân Cao Mộc bày tỏ
lòng biết ơn Đức giám mục Chính Tòa, đã yêu thương, quan tâm giáo xứ
Cao Mộc và chủ tế thánh lễ tạ ơn trọng đại này. Cha xứ cũng bày tỏ
lòng biết ơn Đức cha tiền nhiệm F.X. Nguyễn Văn Sang, ngài đã quan
tâm nhiều đến giáo xứ Cao Mộc; các cha đồng tế, quý khách xa gần,
quý thân nhân, ân nhân hai miền Nam-Bắc và hải ngoại, cùng tất cả
những ai đã góp để làm nên công trình đại tu thánh đường và thánh lễ
tạ ơn hôm nay.
Trường Giang
|
|