Vị sư tổ đa tình

Thứ Tư, 09/03/2016 08:30:00 | CHUYÊN ĐỀ
Trong dòng thiền rừng trúc Yên Tử, Tam tổ Huyền Quang để lại cho hậu thế nhiều sự luận bàn. Đó là về hành trạng của ngài, về sự giúp hay được Nhị tổ Pháp Loa giúp đắc pháp, và nhất là nỗi oan vướng vòng trần tục với cung phi Điểm Bích…

Tác giả tại vườn bia và tháp tổ Huyền Quang trong chùa Đại Bi xã Thái Bảo,
huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Hữu Nguyên).

 

Đỗ Trạng nguyên và làm quan

Về cuộc đời của thiền sư Huyền Quang, đến nay vẫn có nhiều ý tranh cãi. Vì sử sách không lưu lại tên tuổi của Trạng nguyên Lý Đạo Tái (tên tục của thiền sư Huyền Quang) đỗ kỳ thi năm nào nên có người băn khoăn về việc ông có đỗ Trạng nguyên. Tại chùa Đại Bi (còn gọi là chùa Tổ) làng Vạn Tải, xã Thái Bảo huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh, nơi xưa kia chính Tam tổ Huyền Quang dựng chùa trên mảnh đất nhà mình hiện còn bức đại tự “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Vậy theo suy tôn, ngoài trạng nguyên nước Đại Việt, ông còn là Trạng nguyên của nước khác. Đó là Trạng nguyên của nhà Nguyên. Tương truyền, sau khi thi đỗ Tiến sĩ (trạng nguyên) vào niên hiệu Bảo Phù thứ hai (1274) đời vua Trần Thánh Tông, ngài được bổ dụng làm quan và chuyên tiếp đón sứ thần phương Bắc. Chính vì nổi tiếng ngoại giao, tài văn thơ nên có thể ông đã được sứ thần phương Bắc suy tôn là Trạng nguyên. Tuy vậy, trong sử sách chép ngài đỗ khoa thi Hương năm 20 tuổi và năm sau (1275) đậu thủ khoa kỳ thi Hội, được cử vào viện Hàn Lâm. 

Ông Nguyễn Năng – Nguyên Phó thư huyện uỷ Gia Bình tỉnh Bắc Ninh là người con của quê hương Thái Bảo, nơi xuất thân của thiền sư cho biết: Ngài Lý Đạo Tái sinh năm Giáp Dần (1254), niên hiệu Nguyên Phong thứ IV đời vua Trần Thái Tông, Thân phụ là Lý Tuệ Tổ, từng có đánh giặc Chiêm Thành. Thân mẫu họ Lê là người hiền đức. Tương truyền, ngài có tướng mạo của bậc siêu nhân, bản tính thông minh, thuộc loại “sinh ra đã biết”. 

Thầy hay trò giúp nhau đốn ngộ?

Tương truyền câu ca lưu truyền trong dân gian vùng Kinh Bắc: “Khó khăn thì chẳng ai nhìn; Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em” là câu tự thán của ngài. Đó là việc lúc trẻ, ngài bị từ hôn hai ba bận, nhưng đến khi đỗ đật thì vua còn muốn gả công chúa cho nhưng ngài đều chối từ.

Vào thời Trần, thường những vị đỗ đạt sớm và làm quan từ năm 20 tuổi thì đến 50 tuổi đã cáo lão về vui thú điền viên. Làm quan ngót 30 năm, vậy mà, bất ngờ duyên Phật tới với ngài Lý Đạo Tái vào một ngày theo hầu vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm (ở huyện làng Đức La xã Trí Yên huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh. Hốt nhiên, ngài tự than: “Làm quan được lên đảo Bồng, đắc đạo thì đến Phổ Đà, đảo trên nhân gian là bậc tiên, cảnh giới Tây thiên là cõi Phật. Sự giàu sang phú quí như lá vàng mùa thu, mây trắng mùa hạ, đâu nên mến luyến?”.

Về triều, vị quan Lý Đạo Tái phải nhiều lần dâng biểu xin từ chức vua mới chấp thuận. Đến niên hiệu Hưng Long thứ mười ba (1305), ngài xuất gia thọ giới tại chùa Vũ Ninh do Thiền sư Bảo Phác trụ trì. Rồi ngay sau đó, về chùa Vĩnh Nghiêm, theo làm Thị giả Điều Ngự, được pháp hiệu là Huyền Quang. Sau hơn 2 năm theo học phật pháp với Điều Ngự Giác Hoàng, đến năm Hưng Long thứ mười bảy (1309), sư theo hầu Nhị tổ Pháp Loa theo lời phó chúc của Điều Ngự. 

Mặc dù về tuổi đời sư Huyền Quang hơn Nhị tổ Pháp Loa ba chục tuổi (Nhị tổ Pháp Loa sinh 1284), nhưng sư luôn tôn kính thầy, và suốt 21 năm luôn bên thầy để thọ pháp.

Thời thọ pháp với Điều Ngự Giác Hoàng, sư Huyền Quang giúp Phật Hoàng soạn các sách để truyền bá trong giáo hội trúc lâm như: Chư Phẩm Kinh (tuyển tập của những phẩm kinh thiết yếu và thực dụng) ; Công Văn Tập (tuyển tập những bài văn sớ, điệp dùng trong các nghi lễ Phật Giáo); Thích Khoa Giáo (tập sách giáo khoa và Đạo Phật). Sách Tổ Gia Thực lục chép: “Trúc lâm rất bằng lòng bản thảo Thích Khoa Giáo, vua ngự bút phê như sau: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn hiệu khảo rồi thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa”. Trúc Lâm liền bảo thợ cho khắc chữ in những sách ấy. Các sách này hẳn cũng đã được đưa vào Đại Tạng Đời Trần. Huyền Quang cũng đã được Trúc Lâm cho đi vân du khắp nước thăm danh lam và thỉnh thoảng đăng đàn thuyết pháp. Có lần Huyền Quang được Trúc Lâm cho ngồi trên pháp tòa làm bằng trầm hương của mình để giảng kinh. 

Chính vì uyên thâm kinh phật như vậy, hơn nữa lại lệ vào độ tuổi giữa thầy và trò mà có ý kiến cho rằng chính Tam tổ Huyền Quang đã giúp Nhị Tổ đốn ngộ lúc sắp viên tịch. Kỳ thực, chính lúc sắp viên tịch, Nhị tổ Pháp Loa đã giúp Huyền Quang đốn ngộ. Chuyện được chép trong Tam tổ thực lục: Nửa đêm 11 tháng Giêng năm Canh Ngọ (1330), Huyền Quang đến thăm Pháp Loa đang ngã bệnh nặng, nằm ngủ mà rên hừ hừ và nói mê. Huyền Quang hỏi: “Thức với ngủ đã là một chưa?”. Ý Huyền Quang nghĩ thầy mình đã đạt tự tại, sao lại bị cơn đau hành hạ đến nỗi phải rên rỉ trong giấc ngủ? Như vậy là cái trí tuệ cái tâm trong suốt vắng lặng đã bị lu mờ. Pháp Loa đáp: “Thức với ngủ là một, cũng như không có bệnh”. Huyền Quang hỏi: “Bệnh với không bệnh đã là một chưa?”. Pháp Loa đáp: “Bệnh cũng chẳng liên can đến kẻ ấy, không bệnh cũng thẳng liên can đến kẻ ấy”. Ý chữ “kẻ ấy” là cái Tâm tuyệt đối, Phật tính, hay cái “bản lai diện mục”. Huyền Quang băn khoăn: “Thế nhưng tại sao lại có tiếng nói thốt ra?”. “Tiếng nói” ở đây nhằm chỉ tiếng rên, lời nói mê của Pháp Loa. Đã rên rỉ kêu đau thì sao lại bảo ông chẳng liên can gì đến cái Tâm tuyệt đối?. Pháp Loa đáp: “Tiếng gió qua cây có gì mà phải động tâm?”. Nhị tổ giải rằng tiếng rên, lời nói mê của Ngài cũng như tiếng gió thổi qua cây, đó là sự tự nhiên, bệnh thì rên, đói thì ăn, khát thì uống, chứ có can hệ gì đến cái tâm. Huyền Quang vẫn còn kẹt với tiếng rên của Thầy nên hỏi tiếp: “Tiếng gió qua cây thì người ta không bị mê lầm, nhưng tiếng nói mê trong giấc ngủ thì có thể khiến người ta mê lầm”. Nhị tổ nói: “Người si muội cũng bị mê lầm vì tiếng cây rung (khi gió thổi qua)”. Câu nói này của Nhị tổ nhằm nhắc nhở rằng Tam tổ vẫn còn si muội nên nghi ngờ, hiểu sai tiếng rên rỉ, tiếng nói mê của thấy mình. Đến đây Huyền Quang mới hiểu ra thể tính của cái tâm tuyệt đối, tự tại, cho nên ca ngợi cảm ơn thầy mình theo ngôn ngữ của Thiền gia: “Chỉ một cái tật đó mà  đến chết vẫn không chừa!”. Pháp Loa cũng hoan hỷ khi thấy học trò mình đã hiểu nên khen ngợi theo cách của thiền môn: Sư bèn đạp Huyền Quang một đạp”.

Khuôn viên chùa Đại Bi.

Vu vướng lưới tình

Tam tổ Huyền Quang là thi sĩ lớn thời Trần. Ngài để lại hậu thế Ngọc liên tập. Trong những bài thơ đặc sắc còn lưu lại, dư luận bàn tán nhiều về bài thơ Xuân nhật tức sự: “Nhị bát giai nhân thích tú trì; Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly; Khả liên vô hạn thương xuân ý; Tận tại đình châm bất ngữ thì”. Dịch nghĩa: Người con gái đẹp tuổi đôi tám chầm chậm thêu; Dưới bóng hoa tử kinh, chim hoàng ly nhảy nhót; Đáng yêu là cái ý thương xuân vô hạn; Đọng lại tất cả ở lúc dừng kim, không nói năng.

Chả nói thời xưa, mà có lẽ ngay cả thời nay một nhà sư làm thơ ca ngợi vẻ đẹp của người thiếu nữ tuổi trăng rằm cũng dễ khiến bị dư luận dị nghị. Nhưng chính cái dị nghị, cái e ngại đó khi bị vị Tam tổ phá vỡ mọi rào cản sắc dục, đạt đến cảnh giới không phân biệt đạo đời đã để lại một áng thơ bất hủ cho thi ca Việt Nam. 

Và chính sự phá mọi rào cản của Tam tổ để hoằng dương Phật pháp đã khiến ngài lâm vào vòng thị phi. Chuyện rằng: vua Trần Anh Tông băn khoăn về sự đắc đạo, rũ bỏ dục tính của Tam tổ Huyền Quang nên nghe lời tâu của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi sai Điểm Bích - một cung phi có tài thơ văn đến Yên Tử thử. Vua truyền Điểm Bích phải lấy được một nén vàng mà vua đã ban  tặng Huyền Quang làm chứng. Điểm Bích liền giả dạng thôn nữ bị cướp giữa đường nương nhờ cửa phật. Mặc dù, lả lơi, vận dụng đủ các chiêu trò sắc dục mê hoặc thiền sư, nhưng Điểm Bích đều thất bại. Cuối cùng, Điểm Bích bịa ra một câu chuyện gia đình bi thảm, đã lợi dụng lòng cứu nhân độ thế của Huyền Quang... để lấy được số vàng. Trở về cung, Điểm Bích tiếp tục dựng lên câu chuyện Huyền Quang phá giới, bằng việc xuyên tạc bài thơ mà trong đêm thanh vắng Tam tổ ngâm: “Vằng vặc giăng soi ánh nước; Hiu hiu gió trúc khua sênh; Người hoà tươi tốt cảnh hoà lạ; Mâu Thích Ca nào thủa hữu tình”. 

Vua Trần Anh Tông tức giận, liền sai mở hội Vô Già ở phía Tây đô thành và sai sứ đi Yên Tử mời Huyền Quang về làm án pháp. Huyền Quang tới, thấy bày biện vàng lụa, các món mặn, liền biết mình đã bị thử thách. Nhà sư thở dài, lên xuống đàn 3 lần rồi bái vọng ra mười phương, khấn. Ngay lúc ấy, một đám mây đen xuất hiện, gió nổi lên, các tạp vật bay đi hết, chỉ còn lại đèn nhang và đồ cúng chay. Vua biết mình đã lầm, sai người tra khảo Điểm Bích cho rõ mọi sự rồi xin lỗi Tam Tổ.

Tam tổ Huyền Quang là vị thiền sư có duyên phật từ khi còn hàn huyên. Tương truyền câu ca lưu truyền trong dân gian vùng Kinh Bắc: “Khó khăn thì chẳng ai nhìn; Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em” là câu tự thán của ngài. Đó là việc lúc trẻ, ngài bị từ hôn hai ba bận, nhưng đến khi đỗ đạt thì vua còn muốn gả công chúa cho nhưng ngài đều chối từ.

Con người thi sĩ, tài hoa và đa tình với cuộc đời như thế, lại thêm sự đắc pháp cao siêu với Phật Hoàng, Nhị Tổ Pháp Loa thì hẳn sẽ để lại nhiều câu chuyện gây tranh cãi. Nhưng chính cái còn nghi ngờ với Tam tổ lại càng bồi đắp thêm cái danh thơm của ngài. 

Từ Khôi

 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới