Thứ năm, 02/10/2014
Thống kê truy cập

Trong ngày  :

20940

Đã truy cập :

19553685
Tin tức sự kiện - Nét văn hóa kinh bắc

Làng Phù Lưu 04/05/2013 2:00:44 CH

(BNP) - Phù Lưu (còn có tên là Chợ giầu), nay thuộc xã Tân Hồng, Thị xã Từ Sơn vốn xưa là một trong “tam Cổ, ngũ Phù” (Cổ Loa, Cổ Bì, Cổ Pháp; Phù Lưu, Phù Chẩn, Phù Khê, Phù Đổng, Phù Dực) – những làng nổi tiếng của đất Đông Ngàn – Kinh Bắc, trong số đó Phù Lưu là một làng buôn điển hình.

Đình làng Phù Lưu
Phù lưu: Một làng buôn nổi tiếng của Bắc Ninh – Kinh Bắc xưa
         
Làng nằm sát ngay thị trấn Từ Sơn và quốc lộ 1A, cách thủ đô Hà Nội 18km. Từ xa xưa, cư dân đã cư trú, lập nên làng Phù Lưu bên bờ đầm lớn (đầm – Phù Lưu) – nơi phát nguyên của dòng Tiêu Tương cổ - một tuyến đường nước có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - văn hóa của người dân xứ Bắc, con sông gắn liền với thiên tình sử Mị Nương – Trương Chi và đã đi vào truyền thuyết, lời ca của Quan họ. Ngoài đường thủy, các đường bộ (đường thiên lý, đường 179 ngày nay …) đều chạy qua Phù Lưu, nối với các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước ta qua các thời kỳ lịch sử, như Cổ Loa, Luy Lâu, Long Biên, Đình Bảng, Thăng Long – Hà Nội 36 phố phường … Nói tóm lại, từ xưa Phù Lưu đã ở vào vị trí trung tâm, nơi giao hội của các đường giao thông thủy bộ, đất đai cao thoáng, màu mỡ, giàu nguồn nước … Vì vậy nơi đây có nhiều lợi thế và hội đủ các yếu tố: Cận thị, cận giang, cận lộ (câu ca dân gian: nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ), để sớm trở thành một trung tâm buôn bán.
 
Truyền thuyết dân gian và quan niệm phong thủy ở đây kể rằng: Đầm Phù Lưu như một cái đẫy lớn, mà làng Phù Lưu ở vào đáy đẫy, nên dân Phù Lưu có nghề buôn bán từ xưa. Vào những thế kỷ XV, XVI, XVII, Phù Lưu đã là một làng chợ lớn mang tên chữ Thị Thôn, (làng chợ). Nhiều tài liệu văn tự ở đây cho thấy vào cuối thế kỷ XV, chợ chùa Phù Lưu đã là một chợ nổi tiếng.
 
Vào thế kỷ XVIII, chợ Phù Lưu càng to lớn, sầm uất, những người họp chợ, mua bán tràn cả vào đình. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi nhận “Chợ Giàu ở huyện Đông Ngàn buôn bán đông đúc là một chợ lớn trong tỉnh “và dân Phù Lưu chuyên sống bằng nghề buôn bán. Sách Phong thổ Kinh Bắc, đời Lê cho biết: “Buôn the lụa, có người Phù Lưu buôn bán khắp nơi”. Vào thế kỷ XIX, làng Giàu có 180 hộ, trong đó có 80% hộ không có ruộng, sống bằng nghề buôn bán. Chợ Giàu từ chỗ chợ làng, trở thành làng chợ - nơi trung tâm buôn bán của huyện Đông Ngàn và của tỉnh Bắc Ninh, mà câu đối chữ Hán đắp ở cổng làng, đã cho thấy:
 
“Đông Ngàn vật hoa kiêm thủ ấp
Bắc Ninh thương thị, cứ trung tâm”
 
(Đây là ấp hàng đầu về sản vật quý của huyện Đông Ngàn.
Đây là nơi trung tâm buôn bán của tỉnh Bắc Ninh).
 
Cả làng Phù Lưu là một chợ lớn, gồm nhiều tổ hợp tỏa ra khắp phía, trong đó có các khu chính:
 
- Chợ tơ lụa: gồm có phố chợ trên bán cày bừa gỗ lạt, phố chợ giữa bán lụa, tơ, gầm vóc, phố chợ dưới bán đồ kim khí, đồ gỗ, đồ sành…
 
- Trung tâm chợ là khu vực đình Phù Lưu ngày nay, có các khu bán vải vóc, tơ lụa, khu bán thóc gạo, trầu cau, hoa quả, bánh trái …
 
- Chợ gia súc (hay còn gọi là chợ trâu bò) họp trên bãi đất rộng khoảng 2 mẫu (khu vực nhà văn hóa thị trấn Từ Sơn ngày nay). Các mặt hàng bán trong chợ thật phong phú và được sắp xếp theo từng cầu hàng: Vải lụa trắng, vải thâm Đình Bảng, lụa Xuân Ổ, Nội Duệ, sứ Bát tràng, vại, chĩnh Thổ Hà, cày bừa Đông Xuất, đồng Trang Liệt, tơ tằm Tam Sơn … Có cả lái buôn miền ngược như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn đem trâu bò măng, mộc nhĩ, nấm hương về bán rồi mua các thứ lụa, đồ sứ, cày bừa, mắm muối mang đi… Chợ Giàu, với ngày 4, ngày 9 hàng tháng trở thành nổi tiếng và hấp dẫn khách hàng các nơi, với những câu ca đầy sức quyến rũ:
 
“Chợ Giàu một tháng sáu phiên
Ai ơi nên nhớ đừng quên Chợ Giàu”.
“Ai lên quán Dốc chợ Giàu
Để thương để nhớ để sầu cho khách đường xa”…
         
Nhưng dưới chế độ phong kiến, do chính sách trọng nông ức thương, cho dù Phù Lưu là một trung tâm buôn bán lớn nhưng rốt cục cũng chỉ là một làng chợ (thị thôn) chứ không thể trở thành một đô thị. Việc họp chợ diễn ra theo phiên (ngày 4, ngày 9), hết phiên lại yên ả, tĩnh lặng, làng xóm vẫn giữ nếp sinh hoạt văn hóa của một làng quê nông nghiệp, đồng thời, do những biến động xã hội, làng Phù Lưu đã nhanh chóng chấm dứt vai trò là một làng chợ nổi tiếng của Kinh Bắc xưa.
 
Truyền thống văn hóa làng Phù Lưu và vấn đề kế thừa
 
Phù Lưu không chỉ là một làng buôn, làng chợ điển hình mà còn là một làng văn hóa khá tiêu biểu, phản ánh những nét đặc trưng của một làng chợ, vừa có sắc thái của nền văn minh nông nghiệp, vừa có bóng dáng, đường nét của văn minh đô thị - thị dân.
 
Cư trú trong làng bao gồm nhiều dòng họ. Những người trong một họ quan hệ theo huyết thống, thân tộc khá chặt chẽ với những quy định cụ thể, như quy định về việc ban thưởng cho những người đỗ đạt, việc cúng giỗ tại các nhà thờ họ… Các họ ở Phù Lưu hầu hết có nhà thờ và có tổ chức giỗ họ rất trọng thể.
 
Ngoài mối liên kết theo họ, người dân ở đây còn có liên kết theo giáp. Làng Phù Lưu xưa có 4 giáp là: An Ninh, Khang Thọ, Thuận Hậu, Văn Vật. Những trai đinh trong giáp có trách nhiệm đóng góp và tham gia các công việc trong giáp, trong làng điều động và cắt cử. Như mọi làng quê khác, nếp sống văn hóa bao trùm của làng Phù Lưu xưa là nếp sống cộng đồng làng xóm, trong họ ngoài làng. Mọi người góp công sức, tiền của xây dựng các công trình tín ngưỡng, tôn giáo như: Đình, đền, chùa đáp ứng các nhu cầu văn hóa và tinh thần của nhân dân.
 
Đình Phù Lưu: Thờ Thánh Tam Giang, là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, được khởi dựng từ thế kỷ XVII và liên tục được dân làng tu sửa vào thế kỷ XVIII, XIX nay là di tích văn hóa nghệ thuật độc đáo.
 
Chùa Phù Lưu (Pháp Quang Tự): nơi thờ Phật, trung tâm sinh hoạt tôn giáo của toàn dân, được xây dựng khá quy mô vào thời Nguyễn và cũng liên tiếp được trùng tu mở rộng.
 
Lễ hội ở đình, ở chùa vừa là sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, vừa là sinh hoạt văn hóa phản ánh nếp sống cộng đồng của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ với những lệ tục rước nước, lên lão, tế lễ v.v…
 
Ngoài những nét chung của một làng quê, ở Phù Lưu còn có những nét riêng, độc đáo của một làng buôn trong sinh hoạt văn hóa – xã hội. Tổ chức làng xóm ở đây đã có dáng dấp phố xá với các khu mang tên phố Chợ trên, phố Chợ dưới, Cổng Phố dưới…
 
Trong nhận thức, quan niệm, người Phù Lưu từ xưa đã coi nghề đi buôn là nghề làm nên giàu có, thịnh vượng, với câu ca:
 
                                      “Sĩ chăm chỉ quyển vàng đôn đốc
                                      Nông cần cù hòa cốc phong đăng
                                      Công kia khéo léo tài năng
                                      Thương kia vi bản có hàng ức muôn”
 
Chính vì vậy, người Phù Lưu, nhất là người phụ nữ rất chú trọng làm duyên, làm dáng, để giao lưu tiếp xúc với mọi người, nhất là với khách hàng. Biểu hiện cử chỉ lịch thiệp, vui tươi. Câu ngạn ngữ “mặt kẻ Báng, dáng kẻ Giàu” chính là nói về cái duyên dáng, hấp dẫn mang bóng dáng thị dân của người Phù Lưu: Trọng cái nghĩa tình nhưng rất chú ý đến hình thức, đặc biệt rất quý thời gian. Trong giao tiếp quan hệ, người Phù lưu quan hệ rộng mở, thủy chung, mà biểu hiện tập trung ở những buổi chợ phiên, đón tiếp cư xử, chào mời khách hàng, ở mối tình kết nghĩa keo sơn giữa làng Phù Lưu với Trung Quán, mà một bài ca được hát trong ngày đón tiếp nhau hàng năm vào dịp đón xuân đã nói lên sự gắn bó bền chặt nồng thắm giữ hai làng:
 
                                      “Phù Lưu – Trung Quán hai dân
                                      Cùng nhau hiệp ước tình thân muôn đời.
                                      Dẫu trước sau cơ trời vận hội
                                      Vẫn đinh ninh không đổi lời giao”
 
Mặc dù lấy buôn bán làm nguồn sống chính, nhưng người Phù Lưu vẫn rất coi trọng việc học hành, thi cử. Trưởng làng Phù Lưu xa xưa nổi tiếng đông học trò và nhiều người đỗ đạt. Dân làng rất coi trọng thầy đồ và chăm lo việc học hành thi cử của con em. Sĩ tử và việc đèn sách được đề cao. Dòng họ Nguyễn ở đây có những quy định rất cụ thể về lệ mừng những người đỗ đạt nhằm khuyến khích việc học như:
 
- Đỗ đại khoa – mừng 2 đồng
- Đỗ trung khoa – mừng 1 đồng
- Đỗ tiến khoa – mừng 0,5 đồng
 
Chính nhờ sự giỏi giang thành thạo trong việc buôn bán của người phụ nữ Phù Lưu, đã tạo điều kiện thuận lợi cho chồng con ăn học và đỗ đạt. Sách “Đồng Khánh dư địa chí lược” đã cho biết: “Phù Lưu là tổng có nhiều người đỗ đạt nhất huyện”. Theo các nguồn tài liệu trên, làng Phù Lưu có số người đỗ đạt nhiều hơn cả, như Nguyễn Thừa Dụ, Chu Tam Dị, Nguyễn Thế Khanh, Nguyễn Đức Lân, Nguyễn Đắc Hòe… Làng đã dựng hẳn một công trình là “hương hiền từ” để thờ những bậc tiên hiền của làng, trong đó chủ yếu là những bậc khoa bảng. Nhưng đình làng lại được giành để thờ không chỉ đức Thánh Tam Giang, mà cả Nguyễn Lệnh Công – viên quan đã có công dựng đình và mở chợ Phù Lưu từ thế kỷ XVII.
 
Ngôi đền Đầm – công trình tín ngưỡng dựng giữa đầm Phù Lưu rộng lớn quanh năm ngát hương sen, là nơi thờ bà chúa Đầm (thủy trung tiên) – biểu tượng thần linh của những người buôn bán. Đã có ý kiến cho rằng “bà chúa Đầm” là hiện thân của thần hàng hóa. Ở nơi cảnh sắc ngoạn mục và kỳ thú như Đầm Phù Lưu, đã là nguồn cảm hứng cho nhiều thi nhân mặc khách mỗi khi có dịp tới đây thưởng thức, ngâm vịnh. Tập thơ “Loa hồ bách vịnh” của Phó bảng Nguyễn Đức Lân, người Phù Lưu, đã phần nào nói nên cảnh đẹp hiếm có của Đầm Phù Lưu và tâm hồn thi sĩ của ông. Đó là những nét riêng độc đáo trong truyền thống văn hóa của làng chợ Phù Lưu.
 
Năm 1937, thị trấn Từ Sơn được thành lập bằng việc cắt đất của xã Phân Thọ và của Phù Lưu. Do việc chuyển đổi đơn vị hành chính trên, trung tâm buôn bán được chuyển dần ra thị trấn Từ Sơn và Phù Lưu không còn là một làng chợ nữa. Nhưng đa số người dân Phù Lưu vẫn sống bằng nghề đi buôn là chính, kết hợp với làm ruộng và làm thợ.Truyền thống văn hiến của làng buôn Phù Lưu xưa vẫn được kế thừa và phát huy… Nơi đây, chính là mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa có tên tuổi như nhà văn Kim Lân, nghệ sĩ Nguyễn Đăng Bẩy, Hoàng Tích Chỉ, Hoàng Tích Chù… Việc ăn ở, tổ chức làng xóm, quy hoạch nhà cửa, xóm ngõ, xây dựng tu bổ đường xá, các công trình công cộng, đều theo quy hoạch được thiết kế và toàn dân thông qua đồng thời được mọi người thực hiện dưới sự chỉ đạo của trưởng thôn do dân bầu ra. Các tổ chức đoàn thể, các hội được xây dựng và củng cố. Các sinh hoạt văn hóa như tổ chức nói chuyện về thơ văn, về các loại hình nghệ thuật, về văn hóa – thể thao, được tổ chức thường xuyên, mà trung tâm thu hút mọi người vẫn là đình làng. Trong đình là nơi thờ cúng, hội họp, bàn định các công việc của làng, ngoài sân là chốn vui chơi của lứa tuổi nhất là các cụ, các cán bộ về hưu với các hoạt động như cầu lông, bóng bàn… Hiện nay, nhân dân Phù Lưu đang tiến hành thực hiện các kế hoạch nhằm xây dựng một đời sống văn hóa mới như: Xây dựng câu lạc bộ, tu bổ đình, đền, chùa, soạn thảo và xây dựng quy ước về nếp sống văn hóa, biên soạn lịch sử của làng xây dựng bộ phim video nhằm giới thiệu quê hương Phù Lưu… Những công việc có ý nghĩa đó đều nhằm kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa của Phù Lưu để xây dựng một làng văn hóa mới Phù Lưu hôm nay và mai sau./.


Tổng hợp: ST