Được đăng bởi : Mytour.vn
Đình Thổ Hà nằm giữa thôn Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đình chính thức được Bộ Văn hoá công nhận là di tích cấp quốc gia theo quyết định số 29/VH – QĐ ký ngày 13/01/1964. Từ Hà Nội theo quốc lộ I tới thị xã Bắc Ninh qua nhà thờ thị xã, rẽ trái theo đường Vệ An, theo đê lên tới chợ Vạn qua đò là tới đình Thổ Hà.
Đình Thổ Hà gắn liền với vị Thành hoàng làng là Thái Thượng Lão Quân. Theo Thần tích của làng, ông là người phương Bắc, sống vào thời An Dương Vương, họ Lý, tên Đam (còn gọi là Lão Đam, Lão Tử). Ông có công giết giặc Xích Tỵ quỷ, có công mở trường, dạy học ở làng. Ông được Vua phong là Thượng đẳng thần và Thành hoàng Thái thượng, cho phép làng Thổ Hà lập miếu phụng thờ. Do vậy dân làng đã tôn ông lên làm Thành hoàng, phù trợ cho cuộc sống của dân làng bình an, hạnh phúc.
Đình Thổ Hà là một trong số ít những ngôi đình có ghi niên đại rõ ràng trên thành phần kiến trúc. Theo các văn bia và trên một số cấu kiện của kiến trúc có ghi thì đình Thổ Hà được khởi dựng vào năm 1685.
* Đặc điểm kiến trúc:
Đình Thổ Hà hiện gồm ba nếp nhà là Tiền tế, Đại đình và Hậu cung. Tiền tế nằm song song với Đại đình, cách Đại đình một khoảng nhỏ. Đại đình nối với Hậu cung bằng một gian Ống muống tạo thành hình chữ Công.
Tiền tế làm theo kiểu bốn mái cong, lợp ngói mũi hài, bờ nóc và bờ dải gắn hộp hình hoa chanh. Tiền tế gồm 3 gian 2 chái. Bộ khung kết cấu bởi 4 hàng cột. Thân cột được làm nhỏ mảnh. Hai vì nóc gian giữa làm theo kiểu giá chiêng, hai vì nóc gian bên làm theo kiểu chồng rường. Vì nách gian giữa làm theo kiểu kẻ ngồi, dưới kẻ có bẩy đua ra đỡ mái hiên. Vì nách hai gian chái làm theo kiểu chồng rường.
Đại Đình gồm 5 gian 2 chái, thành phần chịu lực chính là bộ khung gỗ gồm 48 chiếc cột, trong đó có 8 cột cái, 16 cột quân, 24 cột hiên. Liên kết ngang của 3 gian giữa là 4 bộ vì. Vì nóc làm theo kiểu giá chiêng. Vì nách làm theo kiểu cốn chồng rường. Dọc theo lòng nhà có ba hàng xà kép: xà thượng, xà trung và xà hạ. Giữa các hàng xà được bưng ván gió. Để mở rộng lòng công trình các nghệ nhân thời xưa đã đặt hai bộ vì lửng ở hai gian bên. Trên xà đùi nối các cột cái và cột quân gian bên ở hai hồi người ta đặt cột trốn rồi gác bộ vì lên trên cột trốn. Vì này làm theo kiểu chồng rường. Các con rường được xếp chống lên nhau qua các đấu và được chạm trổ.
Hậu cung gồm 3 gian kiến trúc khá đơn giản. Vì nóc làm theo kiểu giá chiêng, cấu tạo bộ vì giống với bộ vì của gian Tiền tế . Trên các cấu kiện của Hậu cung không có hình trang trí. Hậu cung làm theo kiểu “tường hồi bít đốc”, hai hồi đắp hình Hổ phù, bờ dải làm theo kiểu “long đình”. Đây là lối kiến trúc có niên đại muộn, phổ biến vào cuối thế kỷ XIX.
* Nghệ thuật trang trí:
Trong toàn bộ đình Thổ Hà xét dưới góc độ kiến trúc, nghệ thuật trang trí chỉ có toà Đại đình là đáng chú ý. Toà Tiền tế, Hậu cung và Ống muống được làm vào giai đoạn sau, khi tu bổ lại đình vào thế kỷ XVIII – XIX. Trong toà Đại đình, nghệ thuật trang trí điêu khắc thể hiện nét đặc sắc qua các chủ đề khá đa dạng với hình rồng, phượng, nghê, lân, các con thú, các hình hoa lá, mây, tiên nữ . . . Trang trí có đặc điểm chung là đường nét khoẻ, với những khối nổi cao, có độ tương phản giữa nổi và chìm do trình độ điêu luyện của kỹ thuật chạm lộng, bong kênh tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân xưa và được chạm hầu hết ở các thành phần kiến trúc của đình như ở các cấu kiện: các Đấu kê, con Rường, Kẻ, đầu Dư, Ván nong, Câu đầu . . . Chẳng hạn trên các đầu Kẻ được trang trí hình rồng, mây, nghê và được chạm cả hai mặt, nối liền với ván nong. Rồng ở Kẻ hiên xuất hiện khá độc đáo với nửa thân mình như vừa chui từ cột ra. Đầu rồng vươn ra ngoài, ngửa mặt đỡ mái, một chân rồng đạp vào cột, một chân rồng đùa nghịch với các con thú khác. Râu rồng cùng với mây bay ngược về phía sau. Các mặt Kẻ chạm nghê cũng được điểm thêm các con thú nhỏ. Đặc biệt Kẻ đỡ đao ở góc mái đình phía Tây có chạm một con chim mỏ dài
Các vì Nóc cũng được chạm trổ khá tinh vi. Ở hai vì Nóc gian giữa các con Rường được chạm hình rồng, mây, nghê và hoa lá. Trong đó hình nghê được bố trí khá sinh động, nghê cúi khom lưng, một chân giơ lên gãi tai, đầu ngoảnh lại phía sau. Vì Nóc gian bên phải và gian bên trái trên Rường và Đấu đều chạm nổi hình hoa lá. Trên mặt Đấu chạm hình nghê ngồi chống hai chân trước. Các con Rường cũng được chạm hình nghê phục khom lưng đội Hoành. Hình nghê được chạm với nhiều tư thế khác nhau bằng những nét chạm khắc chắc khoẻ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Các cột Trốn thường được trang trí hình hoa, hình thú. Khoảng trống giữa hai cột Trốn được bịt kín bởi một tấm ván chạm rồng. Hình rồng ở đây khác với hình rồng trên Kẻ hiên. Rồng được chạm theo lối uốn lượn toàn thân nhưng đầu lại quay ra nhìn chính diện như kiểu Hổ phù. Có ván thay hình rồng bằng hình mặt trời với nhiều đao lửa xung quanh.
Xà nách được chạm trổ rất công phu.
Ở hai xà nách của gian hồi phía tây, chiếc trong chạm hình rồng, chiếc ngoài chạm hình thú. Những mảng chạm khắc ở đây mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI, với hình khối chắc, đường chạm tinh tế, chạm nổi không cao mà gần như trải dàn trên một mặt phẳng khác với các mảng chạm khắc hình rồng trên các cấu kiện khác mang phong cách thế kỷ XVII. Sự khác biệt giữa hai phong cách này thể hiện rõ nhất ở hình tượng rồng. Đặc điểm của rồng ở đây là đầu nhỏ, mặt dài, mắt tròn, lông mày xếp thành nếp, sợi râu mép mảnh mọc hai bên mép và chạy song song với thân, râu tóc thưa thớt để lộ ra những đoạn thân rồng. Thân rồng uốn khúc ít, độ uốn ở quãng giữa không đáng kể gây cảm giác như lưng rồng võng xuống. Đây là đặc trưng của rồng yên ngựa – rồng phổ biến của thế kỷ XVI.
Ngũ Long Môn ở đền Đô nhưng em đếm mãi chỉ thấy có 4 con rồng.
Hai xà nách ở gian hồi phía đông cũng được chạm lộng hình rồng, hình người, hình thú. Đây thực sự là những tác phẩm nghệ thuật. Xà trong ở giữa chạm hình một bông hoa nằm giữa hai chiếc lá. Phía ngoài chạm một con rồng vẩy đơn, đầu rồng quay ra phía chính diện, đỉnh đầu cài một bông hoa nhiều cánh đang nở. Rồng ở đây có đặc điểm tai to, rộng, cằm nhiều râu hình răng cưa, thân lẳn bị che bởi nhiều râu tóc và tua mây chỉ lộ ra một đoạn thân ngắn. Trước rồng có hình tiên nữ cưỡi phượng và tiên nữ cưỡi mây. Bên cạnh đó còn rất nhiều hình các con thú nhỏ bốn chân. Xà ngoài chạm lộng hình hai con rồng lớn chầu đầu rồng. Cạnh hai hình rồng còn bố trí thêm nhiều hình rồng con và tiên nữ. Các nét chạm khắc ở đây mang phong cách thế kỷ XVII.
Trên hệ thống Ván gió đình Thổ Hà được trang trí bằng nhiều đề tài khác nhau. Ván gió xà hạ chủ yếu chạm hình thú bốn chân, riêng ở gian bên phải kề gian giữa chạm hình hoa dây và một đoạn ở đầu hồi phía tây chạm hình hai người đàn ông ngồi. Hình thú được xếp thành từng đàn nối tiếp nhau, con đang chạy, con nằm, con ngồi, con đứng rất sinh động. Ván gió xà trung được trang trí hình hoa dây, xen kẽ với những cụm đấu ba chạc. Hoa dây được tỉa gọt chi li, mép lá đường gân mềm mại. Ở các con sơn đầu chạc có đấu vuông chạm hình rồng. Ván gió xà thượng chạm hình rồng chầu Mặt trời xen kẽ với hình phượng và tiên nữ. Các nét chạm khắc ở đây đều mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.
Hình hoa lá và hình thú cũng có nhiều hình mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI. Đó là những hình hoa trên cột Trốn của khung giá chiêng. Hoa có kích thước to, nét chạm tinh tế, đều đặn chạy thẳng từ nhuỵ ra đầu cánh. Hình thú ở đây cũng khác so với hình thú ở các Ván gió, với các đặc điểm vóc dáng mảnh, dẹt, hai chân trước gập thấp, hai chân sau đứng cao, lưng võng xuống, tư thế chồm về phía trước. Cùng với những yếu tố nghệ thuật trên thì đình Thổ Hà có nhiều nét giá trị về mặt lịch sử.
Tại đình Thổ Hà ngoài những trang trí trên bộ phận kiến trúc còn có những tác phẩm điêu khắc khác. Đó là bộ cửa võng ở gian giữa phía trước cung thờ. Bộ cửa võng làm vào năm Chính Hòa thứ 13 (1692) được sơn son thếp vàng, đục chạm rất công phu. Phần chính của cửa võng là 3 khám thờ. Khám thờ làm theo kiểu 8 lớp lồng vào nhau, mặt ngoài có khung gờ chạm cánh sen và 6 cột nhỏ chạm rồng. Xen kẽ giữa các khám là 4 bức đố chạm tứ quý. Những trang trí trên bộ cửa võng chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Lê (thế kỷ XVII) nhưng cũng có một số bộ phận mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn như các bức đố, bức hoành.
Với nghệ thuật kiến trúc mang đậm phong cách kiến trúc thế kỷ XVI, sự quy mô, bề thế của công trình cũng thể hiện trình độ xây dựng đình khá cao của những người thợ thời xưa đem lại giá trị kiến trúc độc đáo. Đồng thời những trang trí điêu khắc ở đình Thổ Hà thực sự là những tác phẩm nghệ thuật. Những trang trí này mang hai phong cách khác biệt nhau được thể hiện trên các cấu kiện của đình làng. Với bố cục tuân thủ theo quy luật truyền thống – quy luật về tính đăng đối. Tuy nhiên các nét chạm khắc lại được thể hiện một cách khéo léo, đường nét đẹp, sinh động hơn hẳn giai đoạn trước. Cùng với bố cục kỹ thuật chạm khắc cũng góp phần không nhỏ vào thành công của nghệ thuật trang trí đình Thổ Hà. Đây thực sự được coi là đỉnh cao của nghệ thuật trang trí đình làng thế kỷ XVII.
Trải qua thời gian khắc nghiệt cùng với những biến động của lịch sử, đình Thổ Hà đã bị hư hỏng ở nhiều cấu kiện vì thế trong quá trình tồn tại đình đã được tu sửa nhiều lần vào các năm 1961 và 1979. Đồng thời, do nằm ở vị trí vùng trũng nên mùa mưa hàng năm ngôi đình thường xuyên ở trong tình trạng ngập lụt.
Do vậy có ảnh hưởng không nhỏ tới các thành phần của công trình đặc biệt là nền, các cấu kiện gỗ, các cột hầu hết đều bị mất chân, mái ngói bị xô dạt. Vì vậy rất cần có sự tu bổ kịp thời để có thể lưu giữ được những nét giá trị kiến trúc nghệ thuật của ngôi đình, cho chúng ta một hình ảnh trọn vẹn của một ngôi đình tiêu biểu của thế kỷ XVII.
Một số thông tin về đình Thổ Hà:
- Đình Thổ Hà thuộc thôn Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
- Đình Thổ Hà gắn liền với vị Thành hoàng làng là Thái Thượng Lão Quân
- Đình Thổ Hà được khởi dựng vào năm 1685.
- Đình được Bộ Văn hoá công nhận là di tích cấp quốc gia theo quyết định số 29/VH – QĐ ký ngày 13/01/1964
Đình Thổ Hà thuộc làng Thổ Hà là ngôi đình cổ được dựng vào đời Lê Hy Tông trên khu đất rộng 3.000m2 có nhiều cây cổ thụ xung quanh. Hội làng gốm Thổ Hà tổ chức hàng năm gồm có lễ rước, tế lễ, hát văn ban ngày, diễn tuồng ban đêm… trong một không khí lễ hội thực sự của những người nông dân chân chất. Hội làng gốm Thổ Hà suy tôn ông tổ nghề Đào Trí Tiến, người có công đưa nghề gốm về làng. Năm nay, hội làng càng được tổ chức đặc sắc hơn bởi đình mới xây dựng, trùng tu lại.
Đình được dựng theo kiểu chữ công, toà bái đường dài 27m, rộng 16m, dựng trên nền cao 0,5m xung quanh bó đá tảng xanh chia làm ba cấp, mái đình lợp ngói mũi hài to bản, bốn góc là những đầu đao cong vút. Đầu bờ nóc uốn quanh hình lưỡi liềm, góc mái có gắn nghê, thú nhỏ bằng sành nung già lửa đỏ tía. Có tất cả 22 đầu bẩy lực lưỡng, chạm rồng, mây, nghê, thú rất trau chuốt. Bái đường chia làm 7 gian, 48 cột lim, bộ khung mái chạm trổ tinh vi, nhiều cảnh trí sinh động.
Đặc biệt có khá nhiều hình thiếu nữ mặc váy dài, yếm, tóc búi hoặc chít khăn với nét mặt rạng rỡ trong tư thế cưỡi phượng, đè rồng, hoặc đang nhảy múa giữa các lớp mây bồng bềnh. Lòng bái đường lát đá xanh nhẵn bóng. Bức cửa võng thếp vàng chạm trổ lộng lẫy làm cho bái đường càng thêm trang nghiêm cổ kính. Theo tấm bia cổ để lại, đình Thổ Hà là kết quả công sức đóng góp của toàn thể dân làng Thổ Hà. Ngôi đình là công trình thể hiện niềm tự hào của các thế hệ người dân Thổ Hà.
Bình luận