MEGO.com.vn
Bao anh Dat Mui Adv
UBND tỉnh Cà MauBáo ảnh Đất Mũi OnlineThời sựChính trịKinh tế - Xã hộiTin Cà Mau 24 giờ quaThế giớiPháp luậtThủy sảnKhoa họcGiáo dụcNhiếp ảnhDu lịchPhụ nữTruyện kể Bác Ba PhiẨm thực Nam bộBáo Đất Mũi cuối tuần
THÀNH VIÊN
Email
Password
» Đăng ký mới
» Quên mật khẩu?


GIỚI THIỆU

Thống kê website:
Truy cập: 50351101 lượt
Hiện có 273 đang trực tuyến
Trang chủ » Giới thiệu » Hướng dẫn » Liên hệ »
 
Du lịch
(Update: 23:01, 31/01/2007 )

Chợ nổi - Nét đặc trưng của sông nước miền Tây

    Đồng bằng sông Cửu Long chi chít sông ngòi kênh rạch, vùng đất được mệnh danh “chín con rồng” này có con nước lớn tràn bờ, nước ròng phơi bãi; có ghe thuyền sinh hoạt ngày đêm xuôi ngược trên sông... hình ảnh đó tự ngàn xưa, hôm nay vẫn vậy. Người ta nói rằng, sông nước là đặc thù của vùng đất miền Tây, vùng đất của hàng ngàn dòng sông, cửa sông đan xen như mạng nhện. Có sông ngòi, kênh, rạch, có phương tiện vận tải thủy, có người sinh hoạt mua bán trao đổi hàng hóa, tựu trung lại tất cả cảnh mua bán ngộ nghĩnh trên sông, người ta gọi là chợ nổi.


Chợ nổi Cà Mau thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan

    Chợ nổi là nét đẹp riêng của ĐBSCL. Ở Cái Bè Tiền Giang, Cái Răng Cần Thơ, Vàm Láng Phong Điền, Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang), Sông Gành Hào (Cà Mau), Vĩnh Thuận (Kiên Giang)... từ lâu đã hình thành chợ trên sông nổi tiếng. Hàng trăm ghe xuồng ngày đêm tụ họp, bán đủ thứ hàng của miệt vườn như rau, củ, hoa, trái, tôm, cua, rùa, rắn... để người mua nhận biết mặt hàng, thương lái bán gì treo nấy. Cứ nhìn nhánh cây ở đầu ghe buộc treo lủng lẳng thứ gì thì trong ghe bán thứ ấy. Tuy nhiên ở mỗi địa danh khác nhau, thời gian hình thành chợ nổi khác nhau, thì nét đặc trưng của chợ nổi nơi đó cũng khác đôi chút.  


Chợ nổi Cái Răng - TP.Cần Thơ

    Nếu như Cần Thơ thủ phủ của miền Tây Nam bộ đã tròn 131 năm rồi đấy (1876 - 2007), tuy còn trẻ lắm so với 300 năm vùng đất đồng bằng. Khi bỏ “Ngũ trấn” lập nên “Lục tỉnh” (1832) Cần Thơ vẫn nép mình đâu đó. Vậy mà Cần Thơ lại có những bước nhảy vọt, nhanh chóng trở thành thành phố lớn nhất, sung túc nhất châu thổ. Để mà “Ai đến Cần Thơ mà chẳng thương/Ai xa Cần Thơ mà chẳng nhớ?”. Nhớ hạt gạo trắng trong, rồi nhớ cái Ngã ba sông Cái Răng, nhớ cái chợ nổi là kia. Gió vẫn lồng lộng. Xuân này, từ Trấn Giang, Hậu Giang cho tới Cần Thơ hôm nay, điều làm nhiều người ấn tượng,  nhưng cũng trăn trở khi nói đến chợ nổi Cần Thơ, có lẽ, là cụm từ “trung tâm”, trung tâm của cả vùng châu thổ mênh mông, của “văn minh miệt vườn”, “văn minh sông nước” nhưng họp chợ trên sông bây giờ đã giảm rất nhiều. Chợ nổi ở đây đa phần là chợ đầu mối, họ đậu cố định cả chục ngày để buôn bán, hết hàng mới lui ghe. Thương lái họ cân hàng của chủ vườn đem xuống ghe bán sỉ cho các thương lái trung chuyển hàng nông sản miền Tây lên thành phố.


Chợ nổi Vĩnh Thuận, Kiên Giang

    Còn đó chợ nổi Miệt Thứ, Vĩnh Thuận, Kiên Giang lại có nét riêng của nó. Miệt Thứ được tính từ con sông Tắc Cậu, Kiên Giang dọc theo tuyến quốc lộ 63 xuôi về đến huyện Thới Bình, Cà Mau gần 60km. Ở đây có tất cả 11 thứ. Từ thứ 1, 2, 3... thứ 11, mỗi thứ có nhóm chợ mọc lên tại các đầu kênh. Chợ nổi Vĩnh Thuận không rao mời, và cũng không treo hàng lủng lẳng trên mũi ghe. Khách chèo xuồng tự tìm đến mua, bán trao đổi, thuận bán, vừa mua và cách ứng xử rất chan hòa, không có cảnh giành giật hàng hóa. Điều đó đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Chợ  nổi Miệt Thứ họp đông nhất lúc mờ sáng cho đến trưa, buổi chiều tan chợ. Bởi đa số người bán hàng là chủ vườn, chủ rẫy, họ trồng rau thì chở rau, trồng khóm chở khóm... do đặc thù của Miệt Thứ là người dân sống trong những con kênh, rạch nhỏ, vì vậy hàng hóa được vận chuyển bằng xuồng ba lá, xuồng tam bản nhỏ và họ chọn con sông Vĩnh Thuận làm nơi họp chợ để bán hàng cho các bạn hàng bông, từ đây họ đem ngược vào các kênh rạch rao bán, trao đổi sản phẩm, chẳng hạn lấy trái cây đổi cá, lấy rau đổi gà, vịt chứ không nhất thiết người dân chỉ có tiền mới mua được.


Chợ nổi Cái Nước - Cà Mau

    Trong khi chợ nổi Phụng Hiệp, Cái Răng lo cho miếng ăn của người dân thành phố thì chợ nổi Cà Mau lan tỏa khắp ngõ ngách thôn quê, vào vùng sâu, xuống biển. Mỗi chiếc ghe là một gia đình “lưu động” trên sông, trong đó có cả những gia đình hai thế hệ. Họ coi chiếc ghe là nhà, khách hàng là người thân lối xóm. Những năm trước, chợ nổi Cà Mau họp ngay ngã ba Sông Gành Hào rất thuận tiện cho các thương lái tại Cà Mau, vì vậy mà mỗi lần họp chợ không khí rất nhộn nhịp. Cũng chính nơi đây một thời là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Do tụ họp đông không đảm bảo an toàn giao thông, nên chợ nổi dời cách thành phố Cà Mau gần 3km hướng về Gành Hào. Dời chợ thì  phương thức mua bán nơi đây cũng thay đổi. Buôn bán hai chiều, đó là phương thức mua bán phổ biến của người thương hồ trên sông nước Cà Mau. Hàng hóa từ trên miệt vườn vận tải về bằng những chiếc ghe bầu, họ không neo đậu lâu như trước mà họ đi nhỏ lẻ xuống tận các huyện vùng sâu, nhất là vùng nước mặn, chuyên canh tác nuôi trồng thủy sản như Đầm Dơi, Sông Đốc, Năm Căn, Ngọc Hiển... có ghe đến tận Đất Mũi - mới chịu dừng. Hết hàng, dân thương hồ “ăn” lại than đước, củi đước, phân cá, tôm... mang về trao đổi với nhà vườn. Hành trình xuôi ngược như thế đã tạo cho Chợ nổi Cà Mau có nét đặc thù riêng biệt mà không dễ nơi nào có được.

    Có thể nói, với đặc thù là vùng sông nước cũng như cuộc “cách mạng đường thủy” với các con kinh đào ngang dọc, nối thông các điểm chiến lược trong vùng, đã tạo ra đột phá mới cho việc hình thành chợ nổi. Vậy lộ trình tạo bước đột phá cho “trung tâm vùng” phải chăng bắt đầu từ một “Trung tâm lưu chuyển hàng hóa trên sông nước”? Nếu như thủy lợi ĐBSCL được phục hồi và phát triển nhanh chóng trong bối cảnh khai thông “cửa trời, cửa biển, cửa bộ”? Thì hàng hóa ĐBSCL sẽ cất cánh. Bởi lẽ hiện nay cả một vùng ĐBSCL vẫn là một vùng nông nghiệp, giá trị sản xuất của kinh tế cá thể, nông hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, thì việc tập trung xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về giống cây trồng, vật nuôi là việc rất cần thiết; trung tâm công nghiệp tinh chế thủy hải sản, hoa quả các chợ đầu mối nông hải sản... sẽ giúp chợ nổi một thế đứng riêng, độc đáo; là động lực hút thêm bạn bè tụ hội về đây. Càng tạo ra sức mạnh trong việc khai thác chợ nổi làm điểm tham quan du lịch hấp dẫn, một nét văn hóa đặc trưng của vùng trọng điểm Tây Nam bộ. Nếu như sẽ hình thành tua du lịch tam giác Cà Mau - Kiên Giang - Cần Thơ chuyên tham quan Chợ nổi thì đây là một tua thật hấp dẫn, tại sao không?

Thông tin cho bạn
    Tham quan Chợ nổi tại Cà Mau bằng cách: một là đến tại chợ Nông sản, phường 7, hoặc bến tàu B, phường 8, TP.Cà Mau đi bằng xuồng tam bản giá đi về 30 ngàn đồng/chuyến. Hai là đi taxi đến cảng cá Cà Mau, sau đó thuê đò dọc đi khoảng 300m là đến Chợ nổi. Hoặc là từ trung tâm thành phố thuê xe honda ôm chạy qua bến phà (phường 10 cũ) chạy thêm 3km là đến Chợ nổi.

    Tham quan Chợ nổi Miệt Thứ: tại bến xe Cà Mau - Rạch Giá (bến xe tại vành đai 2, P.9, TP.CM) quý khách đi theo hướng quốc lộ 63 về Kiên Giang khoảng 45km (qua địa phận ranh giới Cà Mau – Kiên Giang 6km là đến Chợ nổi Vĩnh Thuận). Vào dịp Tết, chợ nổi nơi đây nhộn nhịp rất đáng để tham quan.


HUỲNH LÂM

sendmail Gởi đi comment Ý kiến bạn đọc [0] comment Lượt xem [16434]
(Update: 23:01, 31/01/2007 )

Orther news:


[ Đầu trang ] [ Quay lại ]

Giới thiệu trang này cho bạn bè
Chúc quý vị một ngày hạnh phúc và vui khỏe!
QUẢNG CÁO

  Bản quyền ® 2006-2012 của Báo ảnh Đất Mũi Online - Việt Nam. Bảo lưu mọi quyền.
Thiết kế và phát triển bởi MEGO phiên bản MegoSource αCMS 2.8 Beta
BÁO ẢNH - CƠ QUAN THUỘC UBND TỈNH - TIẾNG NÓI CỦA NHÂN DÂN CÀ MAU
MEGO.com