Nằm ở làng Cù Lao thuộc địa phận phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, Tháp Pônaga được xây dựng trên một khoảng đất khá bằng phẳng, rộng rãi của một quả đồi đá hoa cương, cao trên 10m so với mặt nước biển. Quả đồi này nằm ở phía bắc cửa sông Cái (xưa gọi là cửa biển Cù Huân), bên trái có một xóm chài, gọi là xóm Bóng - tương truyền đây là nơi đào tạo các trinh nữ cho múa bóng và những ngày tế lễ trên Tháp Bà.
Xưa quần thể Tháp Bà có 6 ngôi kalan, tháp thờ và một số công trình phù trợ. Tổng thể kiến trúc này, đặc biệt là ngôi tháp lớn lộng lẫy nhất - tháp Pônaga - thường gọi là Tháp Bà - một công trình có quy mô lớn nhất và có vai trò quan trọng trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc tôn giáo Chăm. Cũng như nhiều quốc gia trong khu vực, ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, quốc gia cổ Chămpa cũng chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ - điều này thể hiện rất rõ trong các đền tháp. Đền tháp Chăm là nơi thờ các vị thần theo truyền thuyết Ấn Độ - là nơi ở của các vị thần nên các đền tháp Chăm thường được xây dựng trên đồi cao, tầng trên là sự mô phỏng của tầng dưới - đây chính là biểu tượng của núi và Mê-ru. Điều đáng tiếc là trải qua thời gian và bao biến động của tự nhiên, xã hội và chiến tranh đã tàn phá vẻ đẹp vốn có của quần thể Tháp. Đến nay, quần thể di tích này chỉ còn lại 4 tháp và 2 hàng cột lớn xây bằng gạch ở dưới chân đồi. Ngay cả 4 tháp này cũng không còn nguyên vẹn mà kiến trúc bên ngoài cũng đã bị mất nhiều mảng, nhiều nhất là phần mái của tháp. Bốn ngôi đền tháp đó là tháp chính, tháp Nam, miếu Đông Nam và miếu Tây Bắc - có hình dạng khác nhau và được xây dựng trong những thời gian khác nhau. Về nguyên liệu, tất cả tháp này được xây dựng bằng gạch với những trang trí nghệ thuật bằng các chất liệu đá - gốm, đồng thời nội dung thể hiện cũng được gắn liền với các vị thần được thờ ở đây. Các tác phẩm điêu khắc bằng đá được thể hiện các chủ đề khác nhau theo tôn giáo Bà-la-môn như các pho tượng tròn trong tháp (hiện đang trưng bày tại Viện Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa) là những tác phẩm nghệ thuật gắn liền với khu đền tháp tạo thành một trong những mảng đẹp nhất của nghệ thuật Việt Nam. Cho dù có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng các nghệ nhân Chăm đã có rất nhiều sáng tạo trong cách thể hiện, góp phần đưa nghệ thuật Chăm có một vị trí xứng đáng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Hằng năm, cứ đến ngày 22-3 Âm lịch, lễ hội Tháp Bà lại được tổ chức, thu hút hàng vạn người từ các nơi về dự. Trong những ngày này, cả người Chăm và người Việt cùng tổ chức và tiến hành các nghi lễ truyền thống của dân tộc mình một cách trang trọng, còn phần hội thì cả hai dân tộc cùng chung vui với nhau, cùng nhau khoe tài qua các bài ca điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa tộc người một cách hòa bình, thân ái và đoàn kết.
Bài: NAM ĐÔNG
Ảnh: TẤN ĐIỆP