Đặng Huấn

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm

Đặng Huấn (?-1583) là đại thần có công giúp nhà Lê trung hưng thời chiến tranh Lê-Mạc trong lịch sử Việt Nam.

Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Đặng Huấn người làng Lương Xá, huyện Chương Đức, nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ông là hậu duệ của Đặng Dung

Đặng Huấn là cháu rể đại thần Lê Bá Ly nhà Mạc. Năm 1550, Lê Bá Ly mâu thuẫn với các đại thần Phạm Dao, Phạm Quỳnh, bỏ nhà Mạc vào Thanh Hóa theo nhà Lê trung hưng. Đặng Huấn trong số các tướng đi theo Lê Bá Ly.

Khi gặp ông, Trịnh Kiểm hỏi đang giữ tước gì. Khi biết ông đang có tước Khổng Lý bá, Trịnh Kiểm thăng luôn ông lên Khổng Lý hầu[1].

Năm 1560, Trịnh Kiểm mang quân ra bắc đánh nhà Mạc, đóng ở Lãm Sơn. Tướng nhà Mạc là Khiêm vương Mạc Kính Điển đóng quân ở Vũ Ninh đối trận. Đặng Huấn đi đường tắt sang sông đánh quân Mạc nhưng bị bại trận, chỉ còn lại vài trăm người. Ông bèn thu tàn quân về đóng ở Cao Bằng. Bị quân Mạc vây tứ phía, Đặng Huấn lệnh cho tướng sĩ không được sao nhãng, phòng bị nghiêm ngặt rồi bất thần thúc quân tiến xuống, cố sức phá vỡ vòng vây chạy về đại bản doanh Lãm Sơn. Trịnh Kiểm khen ngợi ông và thăng làm Nghĩa quận công[2].

Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, anh em Trịnh CốiTrịnh Tùng tranh quyền. Lúc đó Đặng Huấn đóng quân ở ngoài tác chiến với quân Mạc. Ông ngả theo Trịnh Tùng. Khi quân Mạc rút lui, ông cùng Hoàng Đình Ái mang quân đuổi theo một đoạn rồi lui về Thanh Hóa.

Năm 1571, triều đình luận công. Đặng Huấn được thăng làm Thiếu phó. Năm 1579, Mạc Kính Điển mang quân vào đánh Thanh Hóa. Quân Mạc tiến đến Tống Sơn. Đặng Huấn mang quân ra chặn đánh ở Thái Đường, sai tỳ tướng Văn Hải làm tiên phong, khiêu chiến ở Kim Âu, còn mình mang quân lẻn ra sông Bình Hòa đến núi Mục chặn hậu. Cánh quân Nguyễn Hữu Liêu cùng phối hợp, đánh tan quân Mạc, chém hơn 1000 người. Mạc Kính Điển phải rút về bắc. Nhờ lập công trận này ông được phong làm Tả đô đốc thự phủ ở Tây quận, Thái phó, tước Nghĩa quận công.

Năm 1583, Đặng Huấn qua đời, được truy tặng làm Nam quân Hữu đô đốc, Chưởng sự, Thái úy, Nghĩa quận công, đặt tên thụy là Cương Chính.

Dòng họ[sửa | sửa mã nguồn]

Đặng Huấn có con gái lấy chúa Trịnh Tùng, sinh ra thế tử Trịnh Tráng.

Con trai ông là Đặng Tiến Vinh cũng theo giúp nhà Lê trung hưng lập công, được phong tước Hà quận công, Tả tư không. Tiến Vinh sinh được bảy con, trong đó Đặng Thế Tài, Đặng Thế Khoa có tài lược kiêm văn võ.

Đặng Thế Tài được phong làm Doanh quận công, trấn thủ Sơn Tây, còn Đặng Thế Khoa làm tới Bồi tụng.

Con Thế Tài là Đặng Tiến Thự (1630-1697) được phong Yên quận công, thái phó, trấn thủ Nghệ An. Tiến Thự có 17 người con, trong đó Đặng Tiến Sở, Đặng Tiến Luân, Đặng Tiến Lân, Đặng Đình Tướng, Đặng Đình Trứ đều là đại thần nhà Lê trung hưng.

Đặng Tiến Sở được phong Lai quận công, trấn thủ Sơn Tây.

Đặng Tiến Luân trấn thủ Hải Dương và Sơn Tây, tước Bộc quận công.

Đặng Tiến Lân được phong Gia quận công.

Đặng Đình Tướng làm tới chức Bồi tụng. Con Đình Tướng là Đặng Đình Hiển, Đặng Đình Gián, Đặng Đình Quỳnh và cháu là Đặng Đình Mật đều lấy quận chúa trong phủ chúa Trịnh.

Đặng Đình Gián làm Đốc phủ Sơn Nam, Kinh Bắc, được phong Đổng quận công. Đặng Đình Quỳnh làm lưu thủ Thanh Hoa, tước Hiển Trung hầu. Đặng Đình Mật làm thống lĩnh Thanh Hoa.

Nhận định[sửa | sửa mã nguồn]

Đặng Huấn cùng Hoàng Đình Ái, Nguyễn Hữu LiêuPhạm Đốc được đánh giá là các tướng cự phách của Nam triều giúp nhà Lê trung hưng[3]. Sử gia Phan Huy Chú nhận định về ông như sau[3]:

Đặng Huấn tuy chiến công ít, nhưng có tài cầm quân chống giữ, không hổ là tướng giỏi… Hơn 200 năm vinh hoa rực rỡ hơn cả các dòng họ công thần. Tục ngữ có câu: "Đánh giặc họ Hàm[4], làm quan họ Đặng"

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Phan Huy Chú (2008), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục
  • Viện Sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nhà xuất bản Giáo dục
  • Đặng Tộc Đại Tông Phả, Yến Quận công Đặng Tiến Thự viết năm 1683, Tiến sĩ Ứng Quận công Đặng Đình Tướng tục biên năm 1686, Thái Nhạc Quận công Đặng Sĩ Hàn tiếp tục tục biên năm 1745, Nguyễn Văn Thành giới thiệu, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2002

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Phan Huy Chú, sách đã dẫn, tr 410
  2. ^ Phan Huy Chú, sách đã dẫn, tr 411
  3. ^ a ă Phan Huy Chú, sách đã dẫn, tr 412
  4. ^ Hàm tức là dòng họ Đinh Văn Tả ở Hàm Giang (Hải Dương)