Di sản văn hóa Huế
Thăm lăng chúa Nguyễn
Ngày cập nhật 03/11/2010 16:08
(TTH) - Một sáng Chủ nhật tháng Mười hiếm hoi trời nắng ráo, tôi có chuyến thăm lăng Trường Hưng của chúa Nguyễn Phúc Tần ở thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà.

Qua khỏi cầu Tuần, từ một địa điểm trên đường phía Tây Huế, gần cầu Khe Thượng Km16+883, chúng tôi bắt đầu đi vào rừng bạch đàn đã lên xanh, phía trong đầy các loại thực bì cản lối. Sau một hồi chệch choạc, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được với lăng chúa Nguyễn Phúc Tần. Một cảm giác bất ngờ và lạ. Bất ngờ là cách không xa đường phía Tây Huế lại có một di tích lịch sử, vậy mà chẳng hề có một lối đi, một biển chỉ dẫn. Bất ngờ cũng là do tôi không hề nghĩ đến cảnh tượng đi viếng lăng chúa lại phải hành trình theo kiểu “đạp rừng ngậm ngãi tìm trầm” như năm xưa. Mà đâu có xa xôi chi lắm, chỉ cách Huế khoảng 7 cây số về phía tây nam.

Cũng tại địa phận làng Hải Cát, còn có lăng Trường Diễn tức lăng của Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng đế Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635), vị chúa thứ hai của xứ Đàng Trong. Còn lại 7 lăng chúa Nguyễn khác ở Hương Thọ là lăng Trường Cơ tức lăng Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế Nguyễn Hoàng (1525- 1613), lăng Trường Thái tức lăng Thế Tôn Hiếu Vũ Hoàng đế Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), lăng Trường Thiệu tức lăng Duệ Tôn Hiếu Định Hoàng đế Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777) ở làng La Khê; lăng Trường Diên tức lăng của Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàng đế Nguyễn Phúc Lan (1601-1648), lăng Trường Mậu tức lăng của Anh Tôn Hiếu Nghĩa Hoàng đế Nguyễn Phúc Thái (1650- 1691), lăng Trường Thanh tức lăng của Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) ở làng Kim Ngọc và lăng Trường Phong tức lăng của Túc Tôn Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Thụ (1697- 1738) ở làng Định Môn.
 
Cổng một cửa thuộc lăng Trường Thanh của chúa Nguyễn Phúc Chu - anh từ internet
 
 
Khó có thể tìm thấy ở lăng của các chúa Nguyễn tại Hương Thọ về những đặc sắc trong kiến trúc khi mà tất cả đều được tái xây dựng và tu bổ trong thời gian sau này. Vậy nhưng, sự hấp dẫn kỳ thú và bí ẩn của các lăng chúa Nguyễn ở Hương Thọ chính là ở vị trí lý tưởng và sự hoàn toàn tuân thủ các nguyên tắc về phong thuỷ địa lý. Chẳng hạn các lăng mộ chúa đều toạ lạc trên đồi cao, có núi dựa lưng, trước mặt đều có hồ nước, khe suối hay đồng ruộng làm “tụ thuỷ”.
 
Tôi nghĩ và tưởng tượng về một hành trình thăm lại lăng chúa Nguyễn xưa sẽ là một hành trình thú vị với nhiều khám phá bất ngờ. Có thể là một chuyến đò ngược dòng Hương Giang huyền thoại, dừng lại thăm lăng Trường Hưng và Trường Mậu bên này Hải Cát, rồi qua bến đò Kim Ngọc để tới những lăng chúa còn lại bên La Khê, Định Môn hay Kim Ngọc. Cũng có thể là một chuyến đi bằng đường bộ như tôi từng vi vu vào một buổi sáng đẹp trời. Cái thiếu của chúng tôi trong hành trình hôm đó là chưa dừng lại gò Long Thọ mà theo khẳng định của Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân là vào thời các chúa Nguyễn, khi các chúa Nguyễn Phúc Trăn (Thái), Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Chú, Nguyễn Phúc Khoát băng hà, quan tài đều đem lên quàng tại gò Khương Thượng Khố (tên gọi khác của gò Long Thọ) trước khi đưa đi táng ở vùng núi phía tây nam Huế là địa phận xã Hương Thọ.
 
Hành trình thăm lại lăng chúa Nguyễn mang dấu ấn lịch sử gợi mở trong mỗi người nhu cầu khám phá, xác minh bằng thực tế những gì được học, được đọc, được xem từ trên ghế nhà trường, trong sách báo và cả phim ảnh tài liệu. Hành trình đó cũng dành cho những nhà lữ hành du lịch để hình thành nên những tour, những tuyến hấp dẫn bao người. Và nữa, tiềm năng du lịch Huế sẽ tăng lên bắt đầu từ việc đánh thức nguồn di sản đang bị bỏ quên này, vậy mà sao ta cứ mãi loay hoay đi tìm cái lạ của xứ người, mà sức ta, trình độ ta sao có thể bì kịp!
 
Đan Duy
Các tin khác
Nhìn từ An Lăng (15/09/2010)
Xem tin theo ngày  
Tin mới
Đặng Văn Hòa (1791 – 1856) là bậc khai khoa triều Nguyễn đất Thừa Thiên Huế, và cũng là vị “tứ triều nguyên lão” (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức). Ông có nhiều đóng góp trong việc hộ trì Phật...
Thực hiện chủ trương của huyện A Lưới về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các đồng bào dân tộc thiểu số, người dân thôn A Năm, xã Hồng Vân (A Lưới) tự đóng góp xây dựng ngôi...
Nhiều năm qua, đa số nhà dài, nhà Gươl và nhà Rông của đồng bào dân tộc Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi trên địa bàn vùng cao huyện A Lưới đã được “bê tông hóa” theo kiểu đại trà....
Sáng 14-8, UBND phường Thủy Châu (Hương Thủy) long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu nghề truyền thống đối với nghề rèn Cầu Vực.
Châu bản - di sản văn hoá thứ 4 của triều Nguyễn vừa được UNESCO vinh danh “Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”. Cùng với niềm tự hào ấy, đối với các nhà làm công tác bảo tồn, việc...
Ghé thăm người Huế di cư lên Tây Nguyên lập nghiệp từ sau ngày giải phóng, sẽ nhận được tình cảm ấm áp của bà con luôn đau đáu nhớ về quê cũ.
Ông Nguyễn Hữu Toàn (59 tuổi, cán bộ Phòng Giáo dục huyện Hương Trà), có thân phụ là ông Nguyễn Đăng Phụng, ông nội là Nguyễn Đăng Thu và ông cố là Nguyễn Đăng Mẫn. Chính ông Nguyễn Đăng Mẫn...