Thứ 6 - Ngày 24/10/2014
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH THÁI BÌNH
- Di tích lịch sử
Đình làng Mỹ Lạc – Di tích lịch sử quốc gia

26/06/2014

    Thượng Phúc thời phong kiến là một làng quê nghèo, trước cách mạng tháng Tám 1945 thuộc xã Mỹ Lạc, tổng Cao Mại, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, ngày nay thuộc xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

          Đình Thượng Phúc là một ngôi đình quy mô lớn, kiến trúc theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ công, toà bái đường 5 gian, được xây theo kiểu hồi văn năm đấu, khung kiến trúc kiểu lòng thuyền tứ trụ, chất liệu toàn gỗ lim chạm trổ tinh xảo các đề tài Tứ Linh xen với Tứ Quý.

                Trong 2176 di tích lịch sử hiện còn ở Thái Bình, có khoảng gần 18% là di tích kiến trúc nghệ thuật. Trong các di tích đó, có khoảng 20% là di tích kiến trúc nghệ thuật thời Lê, còn lại là di tích thời Nguyễn.. Các di tích kiến trúc nghệ thuật được thể hiện, rất đa dạng đình, chùa, đền, miếu, từ đường… Trong các di tích kiến trúc nghệ thuật phải nhắc tới đình Mỹ Lạc hay còn gọi là đình Thượng phúc. Đình được xây dựng lại vào thời Lê Trung Hưng thế kỷ thứ 17. Hiện tại trong long cốt Đình có ghi năm tháng trùng tu “Thành Thái Quý Tỵ niên” (1893). Cách đây 118 năm được trùng tu lần thứ nhất và đền Hoàng triều Khải Định kỷ mùi 1919 cách đây 92 năm Đình được xây dựng lại to đẹp hơn.
         Trải qua biến đổi nhiều đời, ngôi Đình luôn được tu bổ, tôn tạo to đẹp như ngày hôm nay. Đình Thượng Phúc là một ngôi Đình cổ có kiến trúc văn hóa nghệ thuật, hệ thống 5 gian cửa ô cung khách, báy tiền trạm trổ hoa văn, thông, cúc, trúc, mai, có cấu trúc theo kiểu “Thượng sườn hạ tốn” các đầu lư trạm lộng 3 tầng, cốn trạm hoa văn Triện cài lá dắt, đấu trạm hoa sen, câu đầu trạm dải lụa làm thư, hoa gấm lục lăng.
          Tòa đệ nhị 3 gian cuốn vòm, mái lợp ngói mũi, tòa chính tẩm xây kiểu chồng diêm 3 tầng, cao hơn 10m, nóc đắp gạc long, mái lợp ngói mũi, đao đắp song loan, cổ các phù điêu tứ Linh, với phong cách phong nhã hào hoa và cổ kính rêu phong.
         Ngoài giá trị là một di sản có kiến trúc nghệ thuật, Đình còn là nơi phụng thờ vị Thánh Hoàng “Đông Hải Đại Vương” vị tôn thần, tên húy là Đoàn Thượng.
         Vào thời Vua Lý Anh Tông trị vì ở Trang Hồng Thị, Hồng Châu đạo Hải Dương, có một người họ Đoàn Tên là Trung, thi thư tài giỏi, sử thế hiều đễ làm quan trong bộ lễ thời vua Lý Anh Tông, cùng vợ là Nguyên Thị Phương vốn là người tích đức hành nhân chăm lo tế tự. Lúc này vợ chồng ông họ Đoàn đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có ứng mộng tin mừng, không có chùa, miếu nào là ông không đến để cầu phúc, rồi một ngày vợ chồng ông lên núi Yên Tử để cầu phúc. Bỗng ông mộng thấy ánh hào quang rực rỡ bao quanh chùa, có 1 con giảo long từ dưới nước nổi lên, vợ chồng ông ôm lấy định trở về ông chợt tỉnh mới biết là mình vừa qua cơn giấc mộng, từ ngày đó bà vợ họ Nguyễn hoài thai. Rồi ngày 10 tháng 2 năm Giáp Thìn bà sinh hạ được 1 bé trai mình rồng, mắt phượng, hàm yến mày ngài năm 1 tuổi đã biết nói, 5 tuổi đã hiểu được âm luật. Quả nhiên được cha mẹ rất yêu quý và đặt tên là Đoàn Thượng, 15 tuổi đã tầm sư học đạo vốn tinh thông, 20 tuổi đã tinh thông bác cổ.
 Đến năm 23 tuổi Vua Lý Anh Tông băng hà, Thái tử kế vị lấy tên là Lý Cao Tông. 
          Xứ Hồng Châu ứng chiếu cử ông đến bệ kiến Cao Tông ứng thí,Ông là người văn,võ song toàn, ông được vua phong làm chức quan Thị Tòng, hậu cận bên vua, ông là người am hiểu thời thế, tinh thông mọi việc, từ đó ông được tham dự mọi việc chính sự trong triều.
 Trong cảnh vua tôi đồng lòng, Quộc thái dân an, trăm họ kính phục, Vua Lý Cao Tông xét thấy ngài có công bèn ban tặng ông là “Thiết Việt Hưng Quốc Đồng Hưu
          Lý Cao Tông băng hà, Lý Huệ tông kế nghiệp. Vua Lý Huệ Tông không có con Trai, duy chỉ có 2 người con gái, con gái cả tên là Thiên Thanh Công Chúa, nhà vua gả con gái cả cho Trần Liễn, công Chúa thứ 2 là Phật kim lấy Trần Cảnh. Quyền binh của nhà Lý lúc này không thể làm được gì hơn. Vua Lý Huệ Tông xuất gia đi tu ở chùa Chân Giáo và truyền ngôi vua cho Phật km hiệu là Chiêu Hoàng - Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh niên hiệu là Trần Thái Tông.
          Cuộc đời làm vua của Lý Chiêu Hoàng trị vì thời gian ngắn là 14 tháng: Từ tháng 10 năm Giáp Thân (1224) đến tháng 12 năm Ât Dậu (1225).
Kỷ nguyên Đại Việt tồn tại 8 thế kỷ duy nhất một lần có vua nữ là Lý Chiêu Hoàng.
         Quan thừa tướng Đoàn Thượng không chịu làm tôi cho họ Trần. Vua Trần Thái Tông cho tìm ông, ông không đến nhà Vua ban sắc phong tước vương ông không nhận và ngài cùng cận vệ trở về Hồng Châu chiêu tập nghĩa quân lập thành lũy ở Yên Nhân (Nay là Bân Yên Nhân, thuộc tỉnh Hưng Yên) và tự xưng là “Đông Hải Đại Vương”.
         Thế quân nhà Trần rất mạnh, Trần Thái Tông sai quân đánh 18 trận không phân biệt thắng bại, triều đình nhà Trần đưa sắc phong đến và hứa gả con gái cho ông nhưng ông không nhận. Trần Thái Tông giận lắm liền cùng với Nguyễn Lật trước đây là bộ tướng của Đoàn Thượng sau ăn ở hai lòng ra hàng,nhà Trần đem quân đánh úp. Đoàn Thượng bị đánh bất ngờ nên bị thua ở cửa bể Bình Đầu ông bị mất ngày 12 tháng 7 nơi đấy là địa phận An Phú - An Nhân (Ngài hưởng thọ 56 tuổi).
          Sau này vua Trần Thái Tông Mất, vua Thánh Tông Lên ngôi xây dựng đền thờ Ông ban cho 3 chữ ‘”Tối Linh Từ”
          Đến thời Vua Lê Thánh Tông, triều Lê đã sắc phong cho ông là “Bỉnh Trung Phù Chính Trương Nghĩa Đại Vương” và đến thời Vua Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật 9 Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) phong sắc Ông là" Đông Hải Đại Vương Thượng Đẳng Thần". Khi ông mất các vương triều phong sắc và xuống chiếu cho 7 làng ở Hải Dương phụng thờ. Đến nay đã có 72 làng ở bắc bộ đang phụng thờ ông trong đó có đình làng Thượng Phúc.

Phong trào cách mạng của làng Thượng Phúc có từ rất sớm, năm 1936 do ảnh hưởng từ Lai Vi, Kênh Son (xã Quang Hưng) truyền sang, các đồng chí Trần Xuân Lựu, Lê Huy đã thành lập các tổ chức như hội truyền bá Quốc ngữ, hội Hiếu, Hội bóng đá, bóng chuyền… để giác ngộ cách mạng thanh niên. Đình Thượng Phúc là địa điểm liên lạc, hội họp bí mật và cất giấu tài liệu của Đảng, có thời hậu cung của đình trở thành nơi in ấn tài liệu cách mạng. Tháng 12/ 1941 hội nghị Đảng bộ tỉnh đã họp tại đình nhằm củng cố tổ chức cách mạng, đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân.
          Trong vòng 10 năm từ 1936 đến 1945 đình Thượng Phúc là cơ sở cách mạng đáng tin cậy của Đảng, phong trào cách mạng của làng được duy trì và Thượng Phúc là một trong những làng vinh dự được Nhà nước khen thưởng tặng Kỷ niệm chương và Bằng có công với nước.

          Ngày 6/10/2013Đình làng Thượng Phúc còn được hội Bảo Vệ Thiên Nhiên & Môi Trường Việt Nam gắn bia cây Di Sản Việt Nam cho cây gạo cổ thụ trong khuân viên Đình Thượng Phúc.Đây là danh mộc có tuổi cây hơn 170 năm và cũng là cây cổ thụ đầu tiên của huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình được hội Bảo Vệ Thiên Nhiên & Môi Trường gắn bia cây di sản Việt Nam.

          Năm 1990 Đình làng được đón bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.Đình tổ chức hội làng vào 10 tháng 2 âm lịch hàng năm.Lịch sử Thành Hoàng Làng gắn liền với lịch sử đình làng sẽ không bao giờ phai trong ký ức của mỗi con người thôn quê vì "Cây đa, bến nước, sân đình" thì gắn liền với tuổi thơ và cả lúc tuổi già. Đố ai đã quên lúc nhỏ từng một lầnn trèo lên gác lâu, cưỡi lên con sấu đình làng, khi trưởng thành được dự và làm nhiệm vụ tế lễ Thành Hoàng, được nghe hát ả đào, được hoà vào dòng người đi rước kiệu rực rỡ màu sắc, được xem các trò vui dân gian. Tất cả những việc đó càng làm cho mỗi con người chúng ta sống tốt đẹp hơn.

Nguyễn Lan
 
Bản quyền thuộc Trung tâm xúc tiến du lịch Thái Bình
Địa chỉ: 194 Hai Bà Trưng - Thành phố Thái Bình
Mọi chi tiết xin liên hệ: Tel: 0363.645.806
Email: dulichthaibinhtb@gmail.com