Đình Thông Tây Hội, Quận Gò Vấp
Thế kỷ XVI – XVII là giai đoạn đầy biến động
trong lịch sử của dân tộc, chịu ảnh hưởng bởi xu thế phát triển cũng như nhu
cầu khai hoang mở rộng lãnh thổ đương thời, những lưu dân vùng Thuận – Quảng đã
dong buồm hướng về phương Nam vốn là một vùng đất trù phú còn rất hoang sơ và
ẩn chứa nhiều điều bí ẩn.
Khu
vực Nông Nại (Đồng Nai hiện nay) và vùng đất Gia Định là một trong những nơi ghi
dấu chân rất sớm của những lưu dân đi khai hoang lập ấp. Vượt qua bao nhiêu
sóng gió, khó khăn và thử thách, những lưu dân này đã bắt đầu một cuộc sống mới
tại những vùng đất mà sau này trở thành những khu đô thị lớn như Sài gòn, Đồng
Nai, Mỹ Tho…v…..v…. như ngày nay. Ngay từ khi còn “chân ướt chân ráo” trên vùng
đất phương Nam đầy bí hiểm, một nhu cầu không thể thiếu được đối với những lưu
dân đó chính là nhu cầu về tín ngưỡng tâm linh !
Trước
một vùng đất mới với đầy rẫy những hiểm nguy và bí ẩn thì nhu cầu đó cũng là
điều dễ hiểu, bên cạnh đó do sự kết hợp, kế thừa những truyền thống văn hóa -
tín ngững vốn có của cư dân xứ Thuận – Quảng nên việc hình thành những ngôi
đình, chùa là một hệ quả tất yếu của lịch sử trên mảnh đất mới lắm phù sa và ưu
đãi củathiên nhiên. Mảnh đất Sài Gòn – Gia Định hơn 300 năm tuổi có rất nhiều
những đình, chùa, miếu võ, nhưng có lẽ tiêu biểu hơn cả về mặt thời gian cũng
như về kiến trúc cổ còn được lưu giữ đến tận ngày nay thì phải kể đến đình
Thông Tây Hội quận Gò Vấp .
Đình
Thông Tây Hội tại khu vực quận Gò Vấp hiện nay là một ngôi đình cổ có tiếng
không chỉ ở khu vực Sài Gòn – Gia Định mà còn ở khắp khu vực Nam Bộ về thời
gian cũng như những nét kiến trúc cổ còn được lưu giữ lại đến tận ngày nay dù
rằng thời gian cũng đã làm cho ngôi cổ đình ít nhiều gặp phải những hư hại
khách quan. Đình tọa lạc tại khu vực quận Gò Vấp, xưa là một vùng đồi gò khá
cao (đất gò triền chiếm 80% diện tích) đây là vùng có địa thế khá thuận lợi nằm
bên hữu ngạn sông Sài gòn, thuận lợi cho việc giao thông bằng đường thủy lại
thêm không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nhiễm mặn và có lượng nước ngầm dự trữ
lớn. Đất phù sa nhiều, không cần tốn nhiều công sức để cải tạo đất. Chính những
yếu tố thuận lợi đó nên từ rất sớm vùng đất này đã là nơi hôi tụ của những người
dân đến khai hoang lập ấp. Từ trước khi quan kinh lược Nguyễn Hữu Cảnh đến
thiết lập bộ máy hành chính đầu tiên tại khu vực Nam Bộ (1698) thì Gò Vấp đã có
khá nhiều những thôn, xóm, làng, ấp…….. của những lưu dân quần cư cạnh nhau.
Theo những nguồn tư liệu xưa mà người viết có được xã Hạnh Thông là xã đầu tiên
được ra đời tại khu vực Gò Vấp. Theo thời gian, dân số tăng lên nên tách ra
thêm là Hạnh Thông Tây, về sau Hạnh Thông Tây sát nhập với làng An Hội thành xã
Thông Tây Hội. Ngoài ra khu vực Gò Vấp xưa còn có thêm xã An Nhơn, xét trên địa
vực hành chính xưa thì Gò Vấp thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân
Bình, trấn Phiên An (cơ cấu hành chính hoàn chỉnh như trên ra đời từ năm Gia
Long thứ 6 “1807”). Khu vực Gò Vấp thời bấy giờ rộng lớn hơn nhiều so với diện
tích hành chính hiện nay. Như vậy là từ rất sớm, tại khu vực Gò Vấp cư dân đã
tụ tập hình thành nên những làng xóm đông đúc và nhộn nhịp. Theo lệ truyền
thống của văn hóa Việt Nam
hễ cứ có làng, xã là sẽ có đình, chùa. Ngôi đình Thông Tây Hội được xây dựng
cũng trong hoàn cảnh ấy .
Đình
Thông Tây Hội được xây dựng vào khoảng năm 1679 trên một vùng đất gò cao. Trước
năm 1944 đình còn được gọi là đình làng Hạnh Thông Tây. Theo một số tài liệu
xưa thì đã từng có hai nơi được chọn để xây dựng đình, theo đó ngôi đình đầu
tiên không phải ở vị trí hiện nay mà được xây dựng tại khu vực phía nam chợ
Hạnh Thông Tây. Ngôi đình này có kết cấu đơn giản tuy nhiên theo thời gian cộng
với sự bùng nổ của việc phát triển dân cư, ngôi đình đầu tiên hiện nay đã không
còn tìm thấy được vết tích gì. Ngôi đình hiện nay được xây dựng ở vào vị trí
phía Bắc chợ Hạnh Thông Tây và cách chợ khoảng 700m. Đình Thông Tây Hội cũng
như các đình khác tại Việt Nam
được xây dựng với mục đích thờ thần Thành Hoàng vị thần vốn được xem như người
bảo vệ cố hữu trong văn hóa làng xã của Việt Nam .
Đình Thông Tây Hội có diện tích
nguyên thủy khoảng hơn 5000m2 diện tích xây dựng là “761m2”[1]
tuy nhiên do sự lấn chiếm của người dân xung quanh nên hiện tại khuôn viên của
đình chỉ còn lại khoảng 1500m2. Cổng đình nằm trên đường Thống Nhất
hiện nay được xây dựng theo kiểu Tam Quan bằng tường gạch quét vôi màu vàng.
Phía trên cổng có cặp lưỡng long tranh châu bằng gốm xanh, được tạo tác tỉ mỷ
đem lại giá trị mỹ thuật cao. Hai bên
cổng đình có khắc nổi cặp câu đối bằng chữ hán. Sau cổng đình là một khoảng sân
đình rộng lớn với những cây cổ thụ lâu năm tỏa bóng mát làm cho khuôn viên đình
có được sự trầm mặc, cổ kính và uy nghiêm của một ngôi cổ đình.
Khu
vực sân đình bao quanh khu vực kiến trúc làm cho đình luôn thoáng mát và có độ
hòa hợp cao với thiên nhiên. Khu vực sân đình còn có các công trình kiến trúc
nhỏ khác như miếu ngũ hành và bia ông hổ. Đình Thông Tây Hội có bốn sân bao gồm sân
trước, sân sau, sân hông phải và sân hông trái. Với kết cấu như vậy đình Thông
Tây có được sự hòa hợp giữa phần kiến trúc xây dựng và cảnh trí xung quanh.
Trong phần kiến trúc xây dựng của đình, đầu tiên phía trước chính điện là nhà
Võ Ca[2].
Xét về quy mô kiến trúc thì nhà Võ Ca có kiến trúc nhỏ hơn chánh điện và nhà
Hội Sở, được kết cấu bằng những cột gỗ sao với hệ thống vì kèo cũng được làm
bằng gỗ, bên dưới các cột được tấn đá. Võ Ca có chiều ngang 14m sâu 17,5m và
cao 4m. Nhà Võ Ca bao gồm 7 nếp nhà với những chức năng cụ thể của từng gian
bao gồm : buồng hát, sàn diễn, nhà chầu, nhà chiêng, nhà mõ….là nơi diễn ra các
hoạt động văn nghệ trong các dịp lễ hội của đình.
Sau
Võ Ca là Chính Điện, đây là phần quan trọng nhất của đình. Chính điện được dựng
lên bằng hệ thống cột gỗ với đường kính khá lớn từ 25cm đến 50cm, những vì kèo
với chức năng kết cấu chịu lực cũng được làm bằng gỗ với những đường nét trạm
trổ tinh xảo, môtip tạo hình uyển chuyển giữa rồng và mai tạo nên giá trị thẩm
mỹ cao. Phần mái chính điện gồm hai mái nhà được dựng lên hình thành nên vẻ uy
nghi, to lớn và được lợp bằng ngói âm dương phía trên có tượng lưỡng long tranh
châu bằng sứ xanh. Đây là dạng motip trang trí thường thấy trong các kiến trúc
đình tại Nam Bộ. Chính điện có kích thước chiều ngang là 12m, chiều dài 16,5m
chiều cao 5,1m . Bên trong chính điện
gồm 48 cột gỗ chia làm 8 hàng, mỗi hàng bao gồm 6 cột. Kết cấu của chính điện
theo bình diện hình chữ nhật, chính giữa điện dựng 4 cột lớn theo dạng tứ trụ,
toàn bộ hệ thống cột và vì kèo được làm bằng loại gỗ sao, vốn là loại gỗ khá
phổ biến tại khu vực Nam Bộ trong thời kỳ đấy. Loại gỗ này rất bền và thực tế
đã chứng minh, những cột gỗ tại đình Thông Tây Hội tuy có xuống cấp sau thời
gian mấy trăm năm tồn tại nhưng khả năng chống đỡ và chịu lực cũng vẫn rất tốt.
Phía dưới chân cột được kê bằng những tấm đá tròn tạo sự vững chắc cho toàn bộ
kết cấu. Xung quanh chính điện được xây tường với mục đíc che mưa, nắng và để
giảm lượng ánh sáng lọt vào chính điện bởi nơi thờ thần linh ngự cần hạn chế
ánh sáng để tạo vẻ uy nghi .
Bên
trong chính điện tại nơi nghiêm nhất có đặt bàn thờ của thần Thành Hoàng. Thần
Thành Hoàng được thờ trong đình là Đông Chiêu Vương và Dực Thánh Vương vốn là
hai người con trai của Vua Lý Thái Tổ có nhiều công lao trong việc mở mang và
giữ vững bờ cõi được nhân dân tôn làm thần Thành Hoàng. Trên bàn thờ là khám
thờ thần thành hoàng. Khám thờ này tại đình Thông Tây Hội được làm bằng gỗ chạm
khắc rất tinh xảo với các đồ hình như lưỡng long tranh châu và các hình hoa lá,
chim muông được tạo tác sống động với phong cách tả thực, mộc mạc nhưng không
kém phần đẹp đẽ, sinh động, tất cả đều được sơn son thiết vàng thể hiện sự tôn
kính của hậu thế đối với các tiền nhân “Sinh vi tướng tử vi thần”. Phía trên
khám thờ thần là bức hoàng phi có ba chữ hán “Kính Như Tại”. Hai bên khám thờ
thần Thành Hoàng là hai khám thờ thần nhỏ khác đó là Tả Ban và Hữu ban được
quan niệm là làm công việc phụ giúp cho thần, hai ban thờ này cũng được chạm
khắc và trang trí tinh xảo trong từng đường nét thể hiện. Phía trước ba ban thờ
đều có ba hương án, phía trên bày bộ tam sự gồm có một lư đồng và hai chân đèn,
mỗi bộ đều có thêm một bát nhang. Phía trước ban thờ còn có một cặp hạc được
làm bằng gỗ cao 1m6 dáng hình thanh mảnh đường nét rất tinh tế được đứng trên
một cặp rùa tạo nên sự uy phong, vững chắc, với ý nghĩa trường tồn cho chính
điện.
Bên
trong chính điện tăng thêm phần rực rỡ vì còn được trang trí bởi những câu đối
được làm bằng thân cây dừa được sơn son và viết theo lối chữ Hán phồn thể với mầu mực đen làm nổi bật tính
trang trí trong điện. Hai bên chính điện còn có sáu bệ thờ khác ở vị trí đối
diện nhau. Những bệ thờ này là bệ thờ của các “Tiền Hiền, Hậu Hiền” là những
người có công gây dựng và mở mang nên vùng đất trù phú này. Ngoài ra còn có các
bàn thờ của những anh hùng liệt sỹ đã hi sinh cho quê hương đất nước và còn cả
bàn thờ Bạch Mã . Chính điện gồm có một cửa chính và bốn cửa phụ, thường thì
cửa chính chỉ mở vào những dịp lễ hội còn cửa phụ thì mở thường nhật cho người
dân vào viếng. Phía bên trái nhà chính điện là nhà Hội Sở, hiện là nơi làm việc
của ban quản trị đình. Một điểm khá đặt biệt của nhà Hội Sở ở đình Thông Tây
Hội là nhà Hội Sở lớn hơn chính điện, tuy nhiên nhà hội sở ở phía bên trái
chánh điện và có kết cấu không công phu, cầu kỳ như chính điện. Bình diện Hội
Sở của đình Thông Tây Hội có dạng hình chữ nhật với kích thước chiều ngang 12m,
chiều dài 19m, chiều cao 4,2m (chiều cao thấp hơn chính điện). Nhà Hội Sở được
lợp bằng ngói âm dương theo kiểu mái “Trùng thiềm điệp ốc” có 3 mái (chính điện
có 2 mái) số cột gỗ trong nhà Hội sở là 56 cột cũng được kê trên những tảng đá
xanh, diện tích xây dựng là 228 m2 .
Phía bên phải của chính điện là miếu Bà Chúa Xứ . Miếu bà chúa xứ có kích thước
chiều ngang 9,3m x dài 9,6m x cao 4,2m . Ngoài ra chung quanh khu vực kiến trúc
chính của đình còn có một số công trình kiến trúc phụ và tương đối nhỏ gồm có
bình phong Ông Hổ vốn rất thường thấy trong các kiến trúc đình ở Nam bộ. Bia Ông
Hổ tại đình được đắp nổi với những đường nét tả thực hình thiên nhiên sông núi
rất bình dị và quen thuộc trong những ngôi đình miền nam . Hai bên bia Ông Hổ là
Miếu Bạch Hổ và miếu Ngũ Hành nhìn chung kích thước miếu cũng khá nhỏ .
Đình
Thông Tây Hội là một ngôi đình được xếp vào dạng cổ xưa của khu vực Sài Gòn –
Gia Định nói riêng cũng như ở khu vực Nam bộ nói chung . Kiến trúc của
đình còn giữ được khá nguyên vẹn nét kiến trúc truyền thống của khu vực Nam Bộ
trong những giai đoạn đầu của công cuộc khai phá miền đất mới. Chính vì thế
việc bảo tồn những nét kiến trúc của đình Thông Tây Hội là một việc quan trọng,
sự hủy hoại của thời gian cũng như quá trình đô thị hóa một cách nhanh chóng đã
ít nhiều ảnh hưởng tới kiến trúc và cảnh quan của đình. Chính vì lẽ đó việc
nghiên cứu và bảo tồn những ngôi đình trên địa bàn tp.HCM nói riêng cũng như
trong phạm vi cả nước nói chung có một vai trò rất quan trọng và cần được quan
tâm đầu tư, nghiên cứu và xúc tiến một cách khẩn trương, toàn diện .
Tài
Liệu Tham Khảo
Lê
Sơn, Hội Đình Thông Tây Hội Gò Vấp Trong Bối Cảnh Hội Đình Nam Bộ, Luận Án Phó Tiến Sĩ Khoa
Học Lịch Sử, TP. Hồ Chí Minh 1996
Nguyễn
Đức Hiếu, Tìm Hiểu Văn Hóa Tâm Linh Nam Bộ, NXB Trẻ 2004
đọc nhiều bài trong blog của bác thấy thông tin về các di tích rất đầy đủ nhưng nếu bác có hình minh họa về các di tích khi bác đi tìm hiểu thì bài viết sẽ hay hơn nhiều.
Trả lờiXóa:)
oh, cám ơn bạn đã đóng góp, mình có để hình ảnh trong cuốn sách mình xuất bản, nếu bạn cảm thấy cần mình có thể tặng bạn một cuốn
Trả lờiXóa