VÀI NÉT VỀ ĐÌNH LÀNG Ở HOÀ BÌNH

Đình làng  - một mảnh hồn quê, một nét đẹp của xóm làng Việt Nam, từ lâu đã in vào tâm khảm mỗi con người. Theo nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, đình làng Ở nước ta xuất hiện từ thời Lê Sơ (1428- 1527) và định hình vào thời Nhà Mạc (1527- 1592). Lúc đầu đình xuất hiện chỉ là các quán để nghỉ. Sự phát triển của Nho giáo vào cuối thế kỷ XV đã cấy dần thành hoàng vào đình làng. Sớm nhất có lẽ là Đình Quảng Văn (1489). Nhưng dấu vết có thờ thành hoàng có lẽ chỉ mới gặp ở thế kỷ 16.  

Tại tỉnh Hòa Bình theo số liệu điều tra của đợt điền dã trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh của Bảo tàng tỉnh Hoà Bình “Thống kê, đề xuất, giải pháp bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử: Đình, Đền, Chùa, Miếu ở tỉnh Hòa Bình” vào tháng 5/2011 vừa qua thì loại di tích Đình có 82 điểm chiếm 33% tổng số di tích đình, đền, chùa, miếu trong toàn tỉnh.

Qua khảo sát, ở Hòa Bình có 2 dân tộc có đình làng là người Mường và người Kinh. Các dân tộc còn lại chúng tôi chưa tìm thấy Đình và dấu tích.

Hầu hết các làng, xóm cổ của người Mường đều có Đình, đình thờ thành hoàng vị thánh được người Mường tôn vinh đó là người có công khai phá ruộng nương, chỉ bảo cho người dân làm ăn. Bên cạnh đó người Mường thường thờ Thánh Tản Viên, họ tôn kính coi Thánh Tản Viên là người có thể đi mây về gió, ban phúc trừ tà. Trong 82 di tích đình của tỉnh Hòa Bình có tới 37 đình thờ Tản Viên Sơn Thánh,  33 đình thờ thành hoàng địa phương và  đình số Đình còn lại không rõ tên các vị thần được thờ (do nhiều nguyên nhân). Trong đó có  31các thành hoàng là các thiên thần, nhân thần được các đời vua phong sắc.

Đình làng ở Hòa Bình có thể được chia ra làm 3 loại cơ bản: Đình Mường; Đình Kinh và Đình giao thoa Kinh - Mường

Đình  Kinh: thường phân bố ở các huyện giáp danh với đồng bằng như các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn…với kiến trúc và nội dung sinh hoạt thuần chất như Đình Bá Lam - Cao Thắng, Lương Sơn; Đình Đồng Sương - Thành Lập, Lương Sơn; Đình Vôi - Thanh Nông, Lạc Thủy; Đình Rị - Phú Thành, Lạc Thủy; Đình Trung- Yên Trị, Yên Thủy;Đình Thượng -Yên Trị, Yên Thủy...Các đình này có kiến trúc của đình làng truyền thống dưới xuôi (đồng bằng) thường có kiến trúc khá cầu kỳ trạm trổ tinh vi với các đề tài tứ linh, tứ quý...thành hoàng làng được thờ vọng là các nhân thần hào kiệt, là các vị thiên thần có công cứu nước, cứu dân được muôn phương thờ cúng.

Đình Đồng Sương – xã Thành Lập, huyện Lương Sơn

 Đình Mường:  Trước đây hầu hết các làng Mường đều có đình nhưng đình của người Mường thường được làm khá đơn giản vật liệu không bền chắc đa phần bằng tranh tre, nứa lá nên cứ 1- 2 năm các đình lại phải làm lại. Kiến trúc tạm bợ nên các đồ thờ tự cũng không được coi trọng cókhi chỉ là ống nứa thay bát hương, chén nước...Đặc biệt, những năm 50 - 60 của thế kỷ trước phong trào chống mê tín dị đoan của nước ta đã làm mai một và mất dần những ngôi đình Mường vốn đã không chắc chắn gì. Đình Mường là những ngôi đình thờ nhân thần người địa phương có công với làng với xóm đó khi họ mất được nhân dân địa phương thờ cúng. Kiến trúc theo kiểu nhà sàn truyền thống của địa phương kết cấu vì kèo đơn giản, không trang trí hoa văn cầu kỳ và thường là các ngôi nhà sàn nhỏ, mục đích để thờ cúng không nhằm mục đích sinh hoạt hội họp như đình kinh. Loại đình này xưa có rất nhiều nhưng nay đã mất gần hết. Trong rất nhiều điểm chúng tôi đi khảo sát thì hầu hết các cụ cao tuổi trong các làng đều khẳng định “xưa có đấy nhưng mất lâu rồi” hiện chỉ còn điểm ra  Đình Chợ Nội xã Tân Thành huyện Lương Sơn thờông Lý Nghé, bà Lý Nghé, ông bà vỡ đất, vỡ nước, bà bạch Cao Đẳng; Đình Yên Lịch xã Long Sơn, huyện Lương Sơn; Đình làng Bôi Cả xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi thờ Nàng Thờm, là người địa phương khai thiên lập địa ra vùng đất này; Đình Khênh xã V¨n S¬nhuyện Lạc Sơn thờ Chàng Bồng Hương, Nàng Bồng Thờm và Thủ nhang qua các đời; Đình Làng Đầm Giàn - Sào Báy, Kim Bôi thờ Ông Bạch; Ông Cán; Ông Cháo ( là những người khai lập ra vùng đất này)…

 Đình Cổi xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn (Đình thuần Mường)

Đình giao thoa Kinh – Mường: Đây là dạng đình phổ biến nhất của Hòa Bình chiếm đến 80% trong hệ thống di tích đình của Hòa Bình với các đặc điểm cơ bản kiến trúc nhà kiểu đình dưới đồng bằng: Bờ nóc, bờ giải được trang trí lưỡng long trầu nguyệt, các đầu dư, cốn được trang trí tỉ mỉ, hoa văn trạm thủng bong kênh, chủ đề tứ quý, tứ linh... nhân vật thờ thường là Tản Viên Sơn Thánh (được xem là vị vua tinh thần của người Mường ), Quốc Mẫu Hoàng Bà (mẹ của Tản Viên Sơn Thánh ), Sơn lâm Công Chúa (Con gái của Tản Viên Sơn Thánh và Mỵ Nương)... hoặc các vị nhân thần người địa phương có công giúp nước cứu dân Mường... Những ngôi đình này ở Hòa Bình cũng không còn nhiều nhưng dấu tích vật chất của nó thì vẫn còn tồn tại (sắc phong, thần phả, các đồ thờ tự, nghi lễ lễ hội ...) Phải kể đến Đình Sủ Ngòi, xã Sủ Ngòi, thành phố Hòa Bình; Đình Sàm, xã Phú Lai, huyện Yên Thủy, Đình Song Huỳnh - Cao Thắng, Lương Sơn; Đình Cời - Tân Vinh, Lương Sơn.....

Đình Sủ Ngòi, xã Sủ Ngòi, thành phố Hòa Bình (Đình giao thoa Kinh- Mường)

Loại hình kiến trúc đình được xuất hiện ở tỉnh Hòa Bình từ bao giờ thì cho tới nay chưa có tài liệu nào đề cập và khẳng định. Qua điều tra khảo sát số đình còn lưu lại năm tháng được khởi dựng hầu như rất hiếm. Cả tỉnh chỉ có một vài ngôi đình có năm khởi dựng được ghi trên thượng lương. Nhưng đó cũng chỉ là năm khởi dựng lại, còn ngôi đình xa xưa có từ bao giờ thì cũng không có tài liệu nào đề cập.

Ở hầu hết các ngôi đình ở Hòa Bình các tài liệu chữ viết để khẳng định nguồn gốc, năm khởi dựng của đình cũng không hề có. Khi đi khảo sát chúng tôi có phỏng vấn các cụ già cao tuổi tại các địa phương về niên đại của đình, nhưng hầu như đều nhận được những câu trả lời chung chung: hình như ngôi đình đã có từ rất lâu, hoặc từ bé tôi đã thấy rồi, hoặc từ thời cha ông chúng tôi kể lại là đã có đình... Các cụ mặc dù là cao tuổi nhưng so với tuổi của ngôi đình thì ít hơn rất nhiều nên việc nhớ thời gian xây dựng đình cũng như các tư liệu khác về đình là rất khó. Tất cả các cụ khi được hỏi đều trả lời là được nghe kể lại, hình như ngôi đình được xây dựng vào thời gian này, thời gian kia.

Theo nguyên tắc chung khi xác định  niên đại của di tích loại hình Đình Làng người ta dựa vào các yếu tố như: Tài liệu chữ viết, niên đại thông qua các mảng kiến trúc, niên đại của một số đồ thờ tự và hành lễ (kiệu, bát kích, bát hương…) và đặc biệt xem niên đại trong các bản sắc phong của các triều đại vua Việt Nam phong sắc cho Đình. Qua nghiên cứu 82 ngôi đình ở Hoà Bình thì hiện nay chỉ còn lại 23 ngôi Đình còn sắc phong trong đó 3 Đình có sắc phong có niên đại thời hậu Lê: Sắc phong đình Cây Chim, xã Yên Trị, huyện Yên Thuỷ có 11 bản sắc phong trong đó sắc sớm nhất có niên đại Lê Cảnh Hưng thứ 33 (1772); Đình Sàm xã Phú Lai, huyện Yên Thuỷ có 11 sắc phong,  sắc sớm nhất niên đại Cảnh Hưng thứ 44 (1783); Đình Liêu xã Ngọc Lương cũng huyện Yên Thuỷ có 12 sắc phong, sắc sớm nhất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1873). Còn hầu hết các sắc phong chủ yếu là của thời Nguyễn ở Việt Nam  tập trung nhiều trong giai  đoạn đầu thế kỷ XIX  đến đầu thế kỷ XX)

     Từ những bằng chứng đưa ra có thể khẳng định Đình làng ở Hoà Bình có tuổi sớm nhất vào thời hậu Lê thế kỷ XVIII và phát triển mạnh mẽ ở thời Nguyễn và bị tàn phá nặng nề trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta.

Hiện nay, qua điều tra số lượng đình được khôi phục lại vẫn còn quá ít. Cả tỉnh hiện có 2 Đình được đầu tư có quy mô cơ bản giống như ngôi đình xưa: Đình Xàm xã Phú Lai huyện Yên Thủy;  Đình Ngòi, xã Sủ Ngòi , thành phố Hòa Bình. 12 ngôi đình được khôi phục theo kiến trúc nhà sàn. Số lượng đình chỉ còn lại nền móng đất chiếm khá nhiều.

Đình làng là một biểu trưng tinh thần của làng xã, ở đây lưu giữ tinh hoa văn hoá của nhân dân thuộc từng thời kỳ lịch sử, nhưng tiếc rằng số Đình làng ở Hoà Bình còn tồn tại không nhiều. Hiện nay Đảng và Nhà nước đang tạo những điều kiện thuận lợi nhất đê nhân dân khôi phục lại những ngôi đình đã bị mai một. Hy vọng rằng trong tương lai không xa nhiều những mái đình cong vút sẽ ẩn hiện sau các luỹ tre làng tại các thôn làng ở Hoà Bình để mỗi độ xuân về, đình làng lại là nơi hội tụ những người con quê hương và đón những người conxa xứ trở về.

Lê Quốc Khánh – PGĐ phụ tráchThư viện Tỉnh Hoà Bình

Thời gian hiện tại
THƯ VIỆN TỈNH HÒA BÌNH CHÚC BẠN ĐỌC MỘT NGÀY LÀM VIỆC HIỆU QUẢ!
Bây giờ là:
Hỗ trợ trực tuyến - Thông tin thời tiết

Mr. Công - 0975.569.528 - 0974.958.528

Du bao thoi tiet - tinh Hoa Binh
Thời tiết TP. Hòa Bình
Thời tiết các tỉnh thành khác »
Liên kết web :
Đang online : 2
Hôm nay : 42
Tháng hiện tại : 8970
Tổng lượt truy cập : 143441