Thứ sáu, 14/09/2012 - 08:17
Báu vật chùa Tĩnh Lự
Chùa Tĩnh Lự có tên chữ là “Tĩnh Lự thiền tự”, còn có tên “Long Khánh tự” thuộc thôn An Quang, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, từng là Đại danh lam cổ tự nổi tiếng xứ Kinh Bắc. Trải biến cố lịch sử, chùa xưa tháp cũ không còn, nhưng còn bảo lưu một tấm bia đá rất lớn, chạm khắc trang trí tinh xảo nghệ thuật, đã cho biết những thông tin quý báu về lịch sử ngôi chùa.

Chùa Tĩnh Lự nằm trên núi Yên Sơn thuộc dãy núi Thiên Thai. Sách “Đại Nam nhất thống chí” đã ghi chép về núi Thiên Thai như sau: “Núi Thiên Thai ở cách huyện Gia Bình 5 dặm về phía tây bắc, một ngọn sừng sững, đất đá lởm chởm, bên cạnh có nhiều ngọn, chân núi sát sông, trên núi có chùa, cũng là nơi thắng cảnh, lại có tên là núi Đông Cứu”.

Chùa Tĩnh Lự được xây dựng vào thế kỷ XVII theo lệnh của chúa Trịnh, giao cho Đô đốc gia Quận công Nguyễn Công Hiệp (người làng Đại Bái) tiến hành việc xây dựng và là một đại danh lam cổ tự nổi tiếng xứ Kinh Bắc. Nhưng ngôi chùa cổ đã bị giặc phá hoại hoàn toàn. Hiện trên nền xưa đất cũ của chùa Tĩnh Lự, năm 1995 nhân dân địa phương đã dựng tạm một chùa nhỏ.

Giá trị nổi bật của chùa Tĩnh Lự chính là tấm bia đá còn bảo lưu được. Tấm bia đá có kích thước rất lớn (cao 1,72m, rộng 1,2m, dày 0,17m), tên bia “Tĩnh Lự thiền tự bi”, niên đại là “Phúc Thái vạn vạn niên chi lục trọng thu tiết cốc nhật” (1648). Nội dung văn bia có đoạn như sau: “Xứ Kinh Bắc, phủ Thuận An, huyện Gia Định, núi Đông Cứu có dấu vết xưa cảnh thắng. Sau có ngài thiền tăng danh tiếng tên là Long Khánh tu hành trải bốn phương, đắc đạo rồi về ở đây trụ trì, tu tạo, bồi bổ thêm mà có chùa này. Từ đó lấy tên chùa là Long Khánh.

Chùa này có mạch lại từ hướng Càn, đột khởi núi cao giữa đất bằng tạo trên đỉnh núi. Hai bên tả hữu núi non liền kề làm nên cái thế Rồng ấp hổ chầu. Có dòng Thiên Đức uốn quanh thành hình Chu tước. Bốn bề đầm hồ ăm ắp làm huyền vũ, thật là một nơi thắng cảnh bậc nhất. Rường cột vững vàng, mái ngói vẩy cá ngoạn mục mầu hồng quỳ hài hòa cùng quang âm tuế nguyệt, dịu dàng cùng gió xuân ấm áp, làm nên vẻ huyền diệu, cửa thiền báo hiệu dấu xưa, đổi thay hưng thịnh. Hình như gặp gỡ hẹn đợi vào thời thanh bình này…

Ngoài những giá trị thông tin về lịch sử ngôi chùa mà nội dung văn bia cho biết, phần trang trí chạm khắc ở trán bia, diềm bia đã khiến văn bia trở thành một tác phẩm điêu khắc đá tuyệt mỹ. Phần trán bia cao 0,24m, được chạm nổi một hình mặt trời tỏa sáng sang hai bên, bay xung quanh là những cụm mây lơ lửng cùng với những nét mác mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Hai bên hồi của bia đá đều được trang trí đề tài theo điển tích, với nét chạm to khỏe, phóng khoáng, song cũng hết sức nhẹ nhàng bay bổng. Bức chạm bên hồi trái của bia có đầu đề là “Y Doãn canh nội sần-Sứ Thần triệu phó quân”. Phía trên là hình ảnh rồng mẹ và rồng con đang trong tư thế bay lượn quấn quýt âu yếm bên nhau trong những đám mây cuồn cuộn bay. Phía dưới là hình ảnh một ông già tóc dài búi tó, râu dài ba chỏm, ngồi xếp bằng trên tảng đá dưới gốc cây tùng, hai tà áo phanh ra để hở cả bụng, quần thụng rộng dài, trên đùi phải có một nậm rượu, tay trái để trên đùi, tay phải gối cao, dưới bệ có một con trâu đang nằm đưa chân trái phía sau lên gãi tai, đằng sau con trâu là chiếc cày. Đằng trước ông già có ba viên quan gồm một người quỳ lạy ông già và hai người đứng đằng sau chầu trực cầu cạnh.

Bức chạm ở hồi bên phải có đầu đề là “Văn Vương cầu hiền-Vũ Cát tiến tửu”: Phần trên cũng chạm rồng mẹ và rồng con quấn quýt âu yếm nhau trong những đám mây cuồn cuộn. Phần dưới là hình ảnh một cụ già cũng ngồi tựa dưới gốc cây tùng, phong thái ung dung nhàn hạ, mình cởi trần bụng phệ, mặc quần dài, tóc chải mượt búi đằng sau, râu ba chỏm dài, chân đi hài, ngồi xếp chân chữ ngũ, tay phải để trước ngực, tay trái để trên đùi. Bên cạnh phía trái có một phụ nữ ngồi hầu đang quạt, mặc yếm hở vai. Bên cạnh phía phải có một viên quan hầu bê một khay nước trên có một bộ chén rượu. Phía trước mặt cụ già là một viên quan mặc áo bố tử, đội mũ cánh chuồn, đang trong tư thế quỳ lạy, hai tay chắp lại lồng trong ống tay áo thụng. Phía ngoài là một tên lính đứng giữ ngựa mặt nghiêm trang, tay trái để trần và kẹp kiếm ở nách, tay phải giơ lọng. Dưới chân ngựa là những lớp đất gập ghềnh và phía sau là những lớp sóng của sông nước.

Mặt sau của bia có tên: “Công đức tín chủ”, niên đại ghi rõ “Tuế thứ Mậu Tý niên bát nguyệt nhị thập bát nhật” (ngày 28 tháng 8 năm Mậu Tý-tức 1648). Nội dung ghi tên những người công đức tiền của để trùng tu chùa. Số người phát tâm công đức rất đông và đủ các tầng lớp như: nhà chúa, cung phi, cung tần, quan to, danh sĩ, sinh đồ, tăng ni, sãi vãi bản chùa và các thiện nam tín nữ với số tiền của lên tới 638 lạng bạc nén, hàng trăm quan tiền, hàng trăm kiện gỗ…

Chùa Tĩnh Lự vốn là đại danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thời Lê-Trịnh. Đến nay dẫu chùa xưa tháp cũ không còn nữa, nhưng tiếng tăm vẫn còn đó qua nội dung của tấm bia đá cổ của chùa còn bảo lưu được. Đây là di sản văn hóa vô giá cần được bảo tồn và phát huy. Chính với những giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật… mà tấm bia chùa Tĩnh Lự đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử-văn hóa Quyết định số 282/QĐ-CT ngày 18-3-2002.

Đỗ Thị Thủy
Top