Ring ring
(BNTV) Thôn Khúc Toại, xã Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh còn có tên nôm là làng Chọi, nằm soi mình bên sông Ngũ Huỵên Khê, nơi được biết đến với cây cầu Chọi có lối kiến trúc đặc sắc, với chuông chùa Diên Phúc được xếp vào diện cổ nhất Bắc Ninh, với nghề làm mộc truyền thống nổi tiếng từng đi vào câu ca “Mã Đông Hồ, đồ làng Chọi”. Những giai tầng văn hoá được truyền lưu trong dòng chảy cuộc sống vốn đầy gian nan đã phần nào phản ánh sinh động sức sống tiềm tàng của cư dân làng Việt cổ ở mảnh đất này.

cầu làng chọi

cầu làng chọi
Cầu Chọi mới được xây dựng vĩnh cửu đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân

Làng Khúc Toại xưa có 4 giáp, 9 dòng họ, với 4 đơn vị là xóm Chùa, xóm Đông, xóm Tây và xóm Ngõ lẻ. Năm 1954 hoà bình lập lại được đổi thành xóm Quyết Tâm, Xây Dựng, Hoà Bình và xóm Đồng Chương. Ngay trong bản tự tên làng, từ “Khúc” đã cho thấy đặc điểm của một thế đất nằm trên đoạn khúc khuỷu quanh co của sông Ngũ Huỵên Khê, người dân luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn vất vả trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Quá trình đấu tranh sinh tồn thường được mô phỏng, tái hiện lại qua nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng như hội thi chọi trâu, chọi gà, đấu vật, hát quan họ... Bản lĩnh chống chọi với thiên tai, giặc giã đã rèn luyện cho người làng Chọi sự quyết chí bền gan và mỗi thành quả lao động đạt được với họ là cả những niềm vui mừng toại nguyện. Sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục” ghi rõ: Làng Chọi từng có một người được ghi danh vào lịch sử khoa bảng nước Nam. Đó là Đỗ Thượng Nghiêm, sinh năm Canh dần 1470, đỗ Tiến sỹ khoa Bính thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 27 đời vua Lê Thánh Tông (1496), làm quan đến chức Thừa Chánh xứ. Còn theo sách “Quốc triều hương khoa lục”, tại khoa thi năm Kỷ dậu 1909 tại trường thi Hà Nam, làng Chọi có ông Nguyễn Bá Cứ sinh năm 1886 đỗ Cử nhân. Bên dòng sông Thiếp (Ngũ huyện khê), cây cầu Chọi với lối kiến trúc hai tầng “Thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu), bề rộng khoảng 5m nối liền tuyến giao thương từ thành Bắc Ninh lên mạn Yên Phong, Hiệp Hoà. Cầu được xây dựng dưới thời hậu Lê, hai bên hành lang cư dân làng Chọi thường ngồi bán vật phẩm hàng hoá cho khách đường xa. Trên bến dưới thuyền, dòng sông Thiếp khi ấy trở thành tuyến đường thuỷ huyết mạch nối kinh thành Thăng Long với sông Cầu xuôi về Phả Lại- Vạn Kiếp ra vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Chùa Diên Phúc hiện vẫn được bảo tồn với bẩy gian tiền đường, nhà Tổ cùng một quả chuông cổ đúc năm Phúc Thái lục niên 1648. Bài minh đúc chuông còn ghi rõ “Hoàng đồ củng cố quốc thế an cường; An Phong tri huyện Khúc Toại xã hương tự danh Diên Phúc”. Đình làng Chọi được xây dựng lại từ năm 1913 gồm 5 gian 2 dĩ tiền tế và 2 gian hậu cung, hiện vẫn lưu giữ được 17 đạo sắc phong cùng bức hoành phi “Hiển hoá chương linh” với đôi câu đối “Tây bình Thục, bắc bình Phiên, Thánh vũ hậu tiên truyền lịch sử. Giáng tại thiên, giáng tại miếu, thần quan kim tích dực tam thai”.

cầu làng chọi

cầu cổ làng chọi Hình ảnh cầu Chọi cổ xây dựng từ thời hậu Lê



Vốn là miền quê thuần hậu chất phác, cư dân Khúc Toại cần cù chịu khó, khéo tay chăm làm, lo toan thu vén việc đồng áng. Thời phong kiến, kinh tế tự cung tự cấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Sau khi giành được chính quyền năm 1945, ngoài việc phát triển nông nghiệp, địa phương vừa khôi phục nghề mộc truyền thống vừa mở mang thêm nghề phụ như buôn bè gỗ nứa từ miền ngược về. Hoà bình lập lại, Khúc Toại thực hiện chính sách giảm tô, tiến hành cảỉ cách ruộng đất, chia ruộng đất cho nông dân, xây dựng tổ đổi công, giúp nhau trong sản xuất và đời sống. Năm 1958 địa phương thành lập HTX nông nghiệp 19/5 và HTX Quyết tâm, đẩy mạnh cải tạo thuỷ lợi, chống úng chống hạn mở rộng diện tích, áp dụng giống mới tăng năng suất và sản lượng, cải thiện và nâng cao đời sống cho các hộ xã viên. Bước vào thời kỳ đổi mới, được sự quan tâm của cấp uỷ đảng, chính quyền xã và cấp trên, làng Chọi từng bước được đầu tư đồng bộ hệ thống điện đường trường trạm; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp gắn với thay đổi cơ cấu mùa vụ, mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Toàn thôn hiện có 760 hộ, 3.200 nhân khẩu, diện tích canh tác hơn 70 ha. Đất chật người đông, nghề mộc đã từng bước được nâng tầm trở thành ngành nghề cho thu nhập chính bên cạnh sản xuất nông nghiệp với 2/3 số hộ mở xưởng tại gia. Tỷ lệ hộ khá giàu trong thôn chiếm hơn 70%, hộ nghèo hiện giảm còn gần 1%. Cây cầu Chọi cổ kính năm xưa do thời gian, chiến tranh tàn phá giờ đã được thay thế bằng cây cầu bê tông vĩnh cửu, tạo thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Trở lại với “danh xưng” làng Chọi, nhiều bậc cao niên trong làng cho rằng mọi tên gọi dù dân dã hay cao sang đều khởi nguồn từ cuộc sống lao động của dân thôn. Vượt lên những cơ hàn cực nhọc, cư dân làng Chọi đã tạo lập cho mình sự kiên định vững vàng trước mọi gian khó. Ở bất kỳ dịp hội hè đình đám nào quanh vùng nếu có tổ chức các trò chơi dân gian mang tính đấu chọi thi thố, người làng Chọi hầu như đều giành giải cao chung cuộc. Bởi vậy mới có tên Chọi ăn, Chọi nói. ông Phạm Văn Loan năm nay 95 tuổi- đảng viên 60 năm tuổi Đảng vẫn nhớ như in câu chuyện “ăn cỗ thi” ngoài Đình Bảng Từ Sơn mà người làng mình đạt giải Nhất. Ấy là vào thời Pháp thuộc, một người đàn ông làng Chọi chở vôi ra bán ngoài Đình Bảng thấy có hội ăn cỗ thi liền ghé vào xem. Theo thể lệ, người ăn cỗ phải chỉ ra món nào ngon nhất trong mâm để quan chủ khảo chấm giải. Thực khách dự thi đua nhau ăn các món ngon, lạ song đều bị đánh trượt. Thấy vậy người đàn ông làng Chọi liền ngồi vào mâm cỗ gắp miếng thịt mỡ chấm đĩa mật ăn rồi khẳng định đó là món ngon nhất và được nhận giải trước sự ngỡ ngàng của bao quan khách. Thì ra trước nhiều của ngon vật lạ, quan khách ăn cỗ thi đã bỏ qua những thức ăn dân dã của người lao động, quên đi “triết lý” dân gian “Đẹp thì vàng son, ngon thì mật mỡ” mà các vị chủ khảo ngầm ý đưa ra. Qua câu chuyện này, ông Loan cho rằng, dù ở hoàn cảnh nào thì con người ta cũng cần có sự suy xét, nhìn nhận đúng đắn sự vật hiện tượng, bởi đôi khi chân lý chẳng phải điều gì cao siêu xa vời mà nó thân thuộc, ở ngay chính tầm tay mình. Bằng ý chị và nghị lực vượt khó vươn lên tạo lập cuộc sống no ấm đủ đầy, đồng thời là giữ gìn bản sắc văn hoá quê hương, cư dân làng Chọi Khúc Toại đã và đang cập bến những mùa vui trong sự đổi thay, phát triển vững mạnh của làng quê ngày mới./.

làng chọi xã khúc xuyên bắc ninh