.

Hệ thống lăng mộ nhà Trần ở Đông Triều

Cập nhật lúc 05:20, Thứ Bảy, 22/09/2012 (GMT+7)

Trong lịch sử tồn tại 175 năm của mình, nhà Trần (1225-1400) đã xây dựng hai khu sơn lăng ở Tam Đường (Hưng Hà - Thái Bình) và An Sinh (Đông Triều - Quảng Ninh). Khu sơn lăng ở Tam Đường, đất phát tích của nhà Trần được xây dựng từ năm 1234 có 4 lăng (Thọ lăng, Chiêu lăng, Dụ lăng và Đức lăng) với lăng đầu tiên là Thọ Lăng của Trần Thái Tổ (Trần Thừa) và lăng cuối cùng được xây dựng tại đây năm 1308 là Đức Lăng của vua Trần Nhân Tông. Các vua nhà Trần từ Trần Anh Tông trở về sau đều chọn An Sinh, quê gốc của nhà Trần làm nơi xây dựng lăng mộ của mình. Năm 1381, để tránh nạn quấy phá của giặc Chiêm Thành, nhà Trần đã cho chuyển thần vị từ Chiêu Lăng (lăng vua Trần Thái Tông) và Dụ Lăng (lăng vua Trần Thánh Tông) về lăng Tư Phúc ở An Sinh, từ đó An Sinh trở thành khu sơn lăng tập trung của nhà Trần.

Các hiện vật bằng đá của Ngải Sơn lăng được sưu tầm và trưng bày trong khuôn viên lăng vua Trần Hiến Tông hiện nay.
Các hiện vật bằng đá của Ngải Sơn lăng được sưu tầm và trưng bày trong khuôn viên lăng vua Trần Hiến Tông hiện nay.

Nếu như khu sơn lăng ở Tam Đường chúng ta chưa xác định được chính xác đâu là Thọ lăng, Dụ lăng và Chiêu lăng mà chỉ là giả đoán thì khu sơn lăng ở An Sinh chúng ta biết tương đối đầy đủ về vị trí, tên gọi và chủ nhân của từng lăng.

Khu sơn lăng nhà Trần ở An Sinh có 6 lăng, trong đó Thái Lăng (lăng Đồng Thái) là lăng đầu tiên được xây dựng ở An Sinh vào năm 1320. Thái Lăng là lăng của vua Trần Anh Tông, vị vua thứ 4 của nhà Trần táng cùng hoàng hậu của ông. Cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ hai mươi, khu vực di tích đã bị biến đổi bởi việc xây dựng đập Trại Lốc, biến khu vực này thành một hồ thuỷ lợi lớn phục vụ cho nông nghiệp; khu đồi Táng Quỷ nổi lên trở thành hòn đảo giữa hồ nên người dân địa phương còn gọi là Đảo Vua. Cùng nằm trong khu vực hồ Trại Lốc nhưng có số phận rủi ro hơn là Mục Lăng (Đồng Mục lăng), lăng của vua Trần Minh Tông (1300-1357) được xây dựng năm 1357. Theo các mô tả trước đây thì Mục lăng được xây dựng trên một quả đồi thấp, lăng có quy mô tương đối lớn. Sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ mô tả, lăng có 3 cấp nền, ngày nay lăng nằm trong khu vực hồ Trại Lốc. Tuy nhiên, chúng ta không còn cơ hội để nghiên cứu khu lăng này nữa, toàn bộ khu lăng đã bị phá huỷ khi đào đất đắp đập xây hồ Trại Lốc đã nói trên, hiện nay một phần của khu lăng đã bị đập chính của hồ đè lên.

An lăng (lăng Ngải Sơn) là lăng vua Trần Hiến Tông (1319-1341). Liên quan đến An Lăng hiện cũng còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, trong đó có tên gọi cũng như lịch sử xây dựng lăng. Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư thì lăng của vua Hiến Tông có tên là Xương Lăng hoặc là An Lăng và vị trí xây lăng là ở Kiến Xương (Thái Bình) chứ không phải ở Yên Sinh. Vậy có thể lăng Hiến Tông sau này mới được chuyển về An Sinh và đổi tên thành Ngải Sơn lăng. Các tài liệu khác chỉ ghi lăng của Hiến Tông ở An Sinh, không chép về việc trước đó lăng ở Kiến Xương hoặc chuyện di chuyển tương tự như trường hợp của lăng Tư Phúc. Theo các nghiên cứu trước đây, lăng Ngải Sơn có quy mô rất rộng, ghi chép của Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ cho biết xung quanh có tường bao quanh, phần “mộ” được vây quanh bằng gạch, mỗi mặt dài 14,85m, dày 1m. Năm 2002, lăng được xây lại như hình dáng hiện nay, việc tôn tạo đã không tuân thủ những quy định về bảo tồn di tích, đặc biệt không tiến hành nghiên cứu nên hậu quả đã làm phá đi kết cấu ban đầu của khu lăng này. Bên cạnh các hiện vật còn lại thì lăng Ngải Sơn cũng là lăng còn lại nhiều di vật, trong đó đáng kể nhất là hệ thống các tượng đá như tượng người, tượng trâu, chó, rùa đá…Đây cũng là lăng duy nhất hiện còn tìm thấy tượng thú, tượng người và dấu vết bia đá thời Trần trong hệ thống các lăng thời Trần ở An Sinh.

Phụ Sơn lăng là lăng của vua Trần Dụ Tông (1336-1369), so với các lăng khác thì lăng này được xây dựng trên khu vực có địa hình thấp, là một gò đất cao hơn xung quanh khoảng 2-3m. Lăng này hiện đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn. Nguyên Lăng là lăng vua Trần Nghệ Tông (1321-1394), được dựng trên sườn phía Nam của một ngọn núi nay thuộc khu Khe Nghệ, thôn Bãi Dài, xã An Sinh. Dấu vết của Nguyên lăng rất mờ nhạt, khu vực trung tâm của tẩm đã bị kẻ gian đào phá vào giai đoạn những năm 80 của thế kỷ 20. Hai lăng này vừa qua đã được thăm dò khảo cổ, trong đó xác định việc phục dựng đối với Nguyên Lăng là thuận lợi nhất trong hệ thống các lăng nơi đây. Cuối cùng là Hi lăng của vua Trần Duệ Tông (1337-1377), nằm khá riêng biệt ở khu vực xã Thuỷ An.

Các khu lăng mộ của nhà Trần nay phần lớn đều đã trở thành phế tích. Sau khi tiến hành khai quật tổng thể Thái lăng, di tích này đã được đầu tư phục dựng lại trên nền cũ vào năm 2011, dự kiến sẽ khánh thành sớm trong thời gian tới đây. Nhiều khu lăng mộ khác cũng đã và đang được tiến hành khai quật khảo cổ, là cơ sở quan trọng để trùng tu, tôn tạo lại các di tích của tiền nhân sau này.

Ngọc Mai


(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện KHXH Việt Nam)

,
.
.
.
.
.