Những ngôi đình ở Ba Vì kêu cứu

Nhiều ngôi đình ở Ba Vì đã được xếp hạng bảo vệ cấp quốc gia, có những ngôi đình được xếp hạng di tích đặc biệt quan trọng, nhưng tiếc thay còn nhiều ngôi đình dù rất có giá trị nhưng vẫn chưa được xếp hạng, bảo vệ, hay có những ngôi đình đã xuống cấp một cách nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được đầu tư tu bổ...

Ðình Ðoài - câu tổng kết của người xưa đã nói lên tính đặc trưng của một loại hình di tích độc đáo trên vùng đất Ba Vì (Hà Tây). Tập trung với một mật độ dầy đặc, những ngôi đình làng có giá trị về nhiều mặt, cùng với sự bảo tồn khá tốt các nhân tố gốc (Cam Ðà, Chu Quyến, Phương Châu, Viên Châu, Quang Húc,...), đình làng thế kỷ 17 ở địa danh này đã trở thành một bảo tàng kiến trúc, điêu khắc dân gian, minh họa cho một giai đoạn dài của loại hình di tích này...

14 ngôi đình cổ ít được biết đến

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng đình làng với tư cách là một thực thể văn hóa của làng xã đã xuất hiện từ thế kỷ 15 (dưới thời Lê sơ) nhưng dấu vết vật chất tồn tại tới ngày nay của đình làng mới chỉ được tìm thấy từ thế kỷ 16, dưới thời Mạc.

Trong khoảng một thế kỷ nay, bên cạnh các loại hình di tích khác (đền, chùa, lăng tẩm, thành lũy...), đình làng Việt cũng đã được các học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau (lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật...), tạo nên một bức tranh nhiều mặt về loại hình di tích độc đáo này.

Và những ngôi đình làng cổ kính ở huyện Ba Vì (xứ Ðoài) cũng là một đối tượng hấp dẫn thu hút nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Trong số sáu ngôi đình thời Mạc hiện còn ở nước ta thì Ba Vì đã chiếm ba (50%) và ngôi đình có niên đại cổ nhất cũng nằm ở đất này (đình làng Thụy Phiêu với niên đại Ðại Chính nhị niên (1531), khắc trên cột cái trước, bên trái gian giữa).

Ngoài ra còn có đình làng Tây Ðằng (ngôi đình bảo lưu được nhiều yếu tố nguyên gốc từ thế kỷ 16 nhất) và đình làng Thanh Lũng. Bên cạnh đó, Ba Vì còn sở hữu 14 ngôi đình có niên đại thế kỷ 17 và ngoài những đặc điểm chung của ngôi đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ, đình làng vùng Ba Vì còn có nhiều nét riêng, rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, nếu ba ngôi đình có niên đại thế kỷ 16 hiện còn nói trên đã được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu rất kỹ thì 14 ngôi đình niên đại thế kỷ 17 còn lại rất ít được đề cập, hoặc chỉ điểm qua một cách sơ lược, riêng lẻ.

Cũng như nhiều vùng quê khác, các ngôi đình làng thuộc Ba Vì đều được gọi theo tên làng (đình làng Viên Châu, Phú Xuyên...) tức đình của làng. Có những làng ngoài tên chữ còn có tên Nôm, do vậy đình cũng có tên Nôm (đình làng Phong Châu có tên nôm là đình Séo...). Một số đình còn có tên là đình Cả - ngôi đình lớn, chung của nhiều làng... Ngoại trừ đình làng Viên Châu thờ một vị tướng của vua Hùng, 13 ngôi đình thế kỷ 17 còn lại đều thờ Tản Viên sơn Thánh là vị thần chủ, được dân làng coi như một vị Phúc thần và đều được phong là Thượng Ðẳng Thần.

Liên quan thờ Thành hoàng là vấn đề cúng tế và lễ hội. Xuân - Thu nhị kỳ, năm nào cũng vậy, các làng đều tổ chức lễ hội ở đình.

Những nét kiến trúc và điêu khắc đặc sắc

Ðình thường được dựng trên một thế đất cao, thoáng. Cửa đình thường hướng về một nguồn nước - yếu tố trọng thủy nổi trội (đình thường hướng về dòng sông: sông Hồng, sông Ðà, sông Tích..., hoặc hướng về lạch nước chảy ngang qua...). Mặt bằng phổ biến: nguyên thủy đình chỉ là một tòa nhà chữ Nhất (ba hoặc năm gian), trong quá trình tồn tại, nhiều công trình được bổ sung thêm: Nghi môn, Tả Hữu mạc, Hậu cung... cùng với nó là hệ thống tường bao bảo vệ, tạo cho công trình một khuôn viên riêng biệt, khép kín... (đình Cam Ðà có tòa Ðại đình xây dựng từ giữa thế kỷ 17 nhưng Hậu cung mới được làm dưới thời Tự Ðức, Nghi môn mới được xây dựng đầu thế kỷ 20).

Hầu hết các ngôi đình thế kỷ 17 nguyên gốc đều có sàn nhưng ngày nay chỉ duy nhất đình Chu Quyến (Chu Minh) còn sàn với đầy đủ ba cấp, cùng hệ thống lan can bao quanh...

Ðề tài rồng là đề tài chủ đạo, xuyên suốt. Không một ngôi đình nào không lấy hình tượng con rồng làm đề tài trang trí trên kiến trúc. Rồng được chạm với nhiều kiểu dáng khác nhau: độc long, hồi long, rồng ổ, rồng với tiên nữ, với người...

Những đề tài trang trí hình rồng tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 17 ở đình làng vùng Ba Vì phải kể tới đình làng Chu Quyến, Cam Ðà, Phương Châu, Ðông Viên, Viên Châu, Quang Húc... Cùng với rồng, đề tài con người (bao gồm cả tiên nữ và người thường) đã xuất hiện trong những ngôi đình làng từ thế kỷ 16 và trở nên rất phổ biến ở giai đoạn này.

Các đề tài cũng khá đa dạng: đánh hổ, cày voi, đánh cờ (Phú Hữu); chèo thuyền (Cam Ðà); Bà Banh (Vật Lại); người cưỡi voi (Phú Hữu, Viên Châu) hoặc những cảnh mang tính ước lệ như tiên cưới rồng, cưỡi phượng (đình Phú Hữu, Phú Xuyên), hay như cảnh một người cưỡi hổ, một tay túm đầu hổ, một tay túm một người khác nhét vào miệng con hổ đang há rộng như (đình Phương Châu)...

Với làng quê Việt Nam, đình làng là cả một công trình kiến trúc lớn nhất, được dựng ở vị thế trang trọng nhất làng, luôn là niềm tự hào của mỗi thành viên cư ngụ tại đây và là hình ảnh đầu tiên khi những người đi xa nhớ về quê hương...

Nhiều ngôi đình ở Ba Vì đã được xếp hạng bảo vệ cấp quốc gia, có những ngôi đình được xếp hạng di tích đặc biệt quan trọng, được quan tâm đầu tư tu bổ (đình Phương Châu, Chu Quyến,...). Nhưng tiếc thay còn nhiều ngôi đình dù rất có giá trị nhưng vẫn chưa được xếp hạng, bảo vệ (Cam Ðà, Thái Hòa,...), hay có những ngôi đình đã xuống cấp một cách nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được đầu tư tu bổ (như đình làng Phú Hữu)...

(Theo ND)