Đi tìm dấu ấn Đền Lê từ giắc mơ kỳ bí

Với 20 năm không nghỉ - cụ từ Lê Thị Thái một mình viết cả cuộc hành trình, đồng thời khắc vào lịch sử Thái miếu nhà Lê như là một biểu tượng sống về lòng hy sinh vượt qua gian khổ của người Phụ nữ Việt Nam kiên cường bất khuất.

<>Từ một giấc mơ kỳ bí...
 
“Ai về Thanh Hóa anh hùng/Không qua Thái miếu là không biết gì/ Thái miếu mang dáng kinh kỳ/ Tôn nghiêm cao quý so bì Lam Kinh”. Theo lời kể của câu ca dân gian ấy chúng tôi về thăm Thái miếu nhà Lê. Chỉ cách Quốc lộ 1A không đầy một trăm mét, Thái miếu nhà Lê nằm lặng lẽ để mặc cho thời gian và những ồn ào nơi phố thị đi qua. Chính trong những phút giây lắng lòng ngắn ngủi bỏ mặc những lo toan đời thường ấy đã cho tôi được gặp cụ Từ Lê Thị Thái - Quản từ Thái miếu nhà Lê, người phụ nữ với thân hình thấp bé và mái tóc bạc phơ in dấu thời gian.

Hình ảnh Đi tìm dấu ấn Đền Lê từ giắc mơ kỳ bí số 1

Dù đã ngoài 90 tuổi, nhưng cụ Thái vẫn ngày ngày dậy sớm chăm lo hương khói cho Thái Miếu nhà Lê

Đêm tháng giêng năm 1989, trong giấc ngủ, cụ Thái nằm mơ “thấy có một quả núi dài chừng 1km, nhìn xuống chân núi thấy một con sông, dưới bến sông có một cụ già râu tóc bạc phơ đang đứng trên mũi thuyền. Đi xuống 40-50 bậc, cụ gọi với “đò ơi cho tôi sang sông với! Lạ thay, chỉ trong chớp mắt con thuyền đã chở cụ băng qua sông. Vừa qua sông cụ đã thấy một quả núi dài như bên kia sông, ngước lên lại thấy nhiều ông đi giầy, đeo kiếm trông rất uy nghiêm… đi tiếp cụ lại chứng kiến nhiều cảnh tượng lạ mắt khác. Nhiều cung nữ ăn mặc như Hoàng Hậu, Công Chúa.
 
Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, cụ vội vàng vào Đền, gặp ông thầy (Hoàng Văn Tự - người làng Quảng Xá, Phường Đông Vệ) thầy phán: “Bà là con cháu nhà Lê, bà đã già 70 tuổi, Đền nay đã bị phá tan, Ngài bắt bà vô sửa chữa, trông nom”. Sau khi kể lại giấc mơ và lời thầy Tự phán cho người thân nghe, cụ quyết định chuyển vào ở hẳn trong Thái miếu mặc mọi lời can ngăn.
 
Thái Miếu lúc này hoang sơ, đổ nát vì nhiều năm bom đạn chiến tranh và không có người trông nom hương khói, chỉ còn lại 5 pho tượng của các Thái phi (vợ vua Lê Thần Tông) nằm chỏng chơ dưới đất, 4 bài vị bị gãy đầu, nhà cửa dột nát, cây cối rậm rạp um tùm. Cảnh tượng hoang tàn là thế nhưng lòng cụ Thái vẫn không mảy may nao núng. Kể từ đây cụ bắt đầu cuộc hành trình đi tìm lại dấu ấn đền Lê - dấu ấn của một thời vàng son.

<>Đến hành trình đi tìm dấu ấn đền Lê
 
Dù đã 90 tuổi, cái tuổi “gần đất xa trời”, mắt mờ chân chậm nhưng khi tiếp chuyện chúng tôi, giọng nói của cụ Thái vẫn mạnh mẽ, đầu óc vẫn còn rất minh mẫn.  Mỗi sáng, cứ 5 giờ cụ Thái vẫn thức dậy quét dọn, sửa sang áo mũ chỉnh tề làm lễ dâng hương không một ngày sao nhãng...
 
Theo lời kể của cụ Thái, ngày ấy khi vừa chuyển vào trong Thái miếu, cụ bắt đầu kêu gọi đóng góp tùy lòng hảo tâm của dân làng, mỗi người 5 -10 nghìn, riêng cụ dâng 100 nghìn mua gạch về xây bệ để đặt Thánh vị các Vua. Trong đền dột nát, cụ lại đi xin ngói về lợp lại và thuê thợ về chống, kích lên để không sụp đổ và tiến hành sửa chữa. Tiếp đó, cụ lại nhờ người làm đơn xin tiền Nhà nước để xây tường rào bao quanh, tạo sự tôn nghiêm, yên tĩnh cho ngôi Đền. Đền không cửa, không chuông… cụ lại xin tiền làm cửa, đúc chuông…

 Hình ảnh Đi tìm dấu ấn Đền Lê từ giắc mơ kỳ bí số 2
 

Sau khi đền được tu sửa chắc chắn, năm 1992 cụ Thái quyết định thuê xe ôtô mời UBND xã Đông Vệ lên Lam Kinh chụp ảnh Thái Tổ, Lê Lai, Nguyễn Trãi để về đúc tượng thờ. Năm 1994 cụ lại lên đường ra Cát Đằng – Nam Định đặt một Long Cung để dâng Thái Tổ ngự và một bộ kiệu để hàng năm rước kiệu Ngài. Cũng trong năm này cụ lại bàn với chính quyền xã Đông Vệ cho phép đi xin bằng công nhận di tích lịch sử. Được chấp thuận, cụ Thái cùng ông Lê Duy Chữ đến bảo tàng Thanh Hóa. Người phụ trách bảo tàng trả lời “phải tiền mới đi xin được bằng công nhận di tích (!)”. Cụ Thái ra về mà lòng buồn day dứt.  Nhưng không chịu đầu hàng, nghĩ chẳng cần phải “đi tắt, đi ngang”, cụ quyết định xin giấy giới thiệu trực tiếp ra Bộ Văn hóa – Thông tin và chính cụ cũng chẳng ngờ tin vui đến nhanh thế.
 
Ngày 11/10/1995 Bộ Văn hóa – Thông tin đã cấp bằng công nhận di tích Lịch sử Văn hóa cho Thái miếu nhà hậu Lê do Bộ trưởng Trần Hoàn ký. Ngày đón bằng công nhận di tích Lịch sử Văn hóa, lòng cụ mừng vui khôn xiết. Chưa chịu bằng lòng với những gì đã làm được, năm 1996 cảnh Đền đã có tượng thờ Thái Tổ, Nguyễn Trãi, Lê Lai nhưng còn thiếu tới 26 Hoàng Đế (trong Ngọc phả), cụ lại thuê thợ chạm khắc 26 tượng Hoàng Đế và 7 vị Công Vương, xây 12 bệ đá, 3 hương án mới đủ bệ thờ…
 
Kể lại hành trình tìm lại dấu ấn Đền Lê, cụ Thái nói: “20 năm qua, tôi chưa một lần thấy mỏi đôi chân”. Và cứ thế lặng lẽ, cụ đã đi qua “tứ huyện miền núi, ngũ huyện miền biển” để kêu gọi lòng hảo tâm của nhân dân, đặc biệt là con cháu dòng họ Lê. Đi đến đâu cụ đều được chính quyền, nhân dân kính phục và tạo điều kiện đùm bọc, chở che. Nhưng vốn tính cương trực, cụ đều tìm mọi cách trả lễ khi được người khác giúp đỡ. Nguồn kinh phí đi lại cụ Thái hoàn toàn tự túc, nhờ có chút vốn dắt lưng dành dụm được từ ngày còn làm ăn buôn bán trước đây. Tiền quyên góp được bao giờ cụ cũng ghi chép cẩn thận vào sổ sách và có người giám sát công  tâm. Với cụ Thái, việc chăm chút cho ngôi Đền bắt nguồn từ tình yêu với trái tim thành kính dâng tiên tổ, không màng chút lợi danh.
 
Lại kể chuyện cụ quyết định dọn vào ở trong Đền. Trong nhà mọi người đều phản đối, chồng và các con tìm mọi cách không cho cụ đi. Nhưng đã quyết là làm, cụ đã bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ chồng con mà đi. Nay con cháu cụ đều đã trưởng thành, có người là Giáo sư, có người là doanh nhân lớn, muốn cụ về sống sum họp với con cháu nhưng đều nhận được câu trả lời dứt khoát “Tôi sống chết đều vì Đền, không thể về được, tôi sẽ chết tại đây! “Biệt thự” của tôi bây giờ là Đền Lê”.
 
“Không có cụ Thái thì không có Đền Lê - điểm đến du lịch ở trung tâm Tp. Thanh Hoá hôm nay”, nhiều người dân quanh Thái miếu nhà Lê đã khẳng định vậy. Ghi nhận công lao và nỗ lực của cụ, năm 2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin đã ký tặng Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa Thông tin cho cụ Thái.

 

Hoàng Sơn

Nguồn : VnMedia