Trên đường từ TP. Hồ Chí Minh đi Mỹ Tho, khi đến ngã ba Tân Hiệp, rẽ trái, đi khoảng 5 cây số, sẽ đến Tịnh Hà. Gần chiếc cầu sắt Cai Lộc bắc qua rạch Bảo Định, rẽ trái, đi thêm một đoạn nữa, thì sẽ thấy đình thờ và phần mộ của Thủ Khoa Huân. Trước kia, nơi đây kéo dài ra cầu sắt Cai Lộc là bãi chợ Phú Kiết. Trở ra cầu Cai Lộc cạnh ngã tư (đường xuống Nhựt Tiên, đường ra Phú Kiết, đường về Tân An, đường Lên giồng Tân Hiệp) sẽ thấy một tấm bia mộ kỷ niệm nơi ông thọ án.
( Đền thờ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân)
Mộ và đền Thủ Khoa Huân được xây dựng ngay tại quê nhà của ông. Ban đầu mộ được đấp bằng đất, đầu thế kỷ 20, cháu ngoại của ông là Trần Văn Thông xây lại bằng đá xanh. Trong đền thờ có nhiều hoành phi và câu đối ca ngợi khí tiết của Thủ Khoa Huân.Nhiều tỉnh thành tại Việt Nam, tên Nguyễn Hữu Huân (hay Thủ Khoa Huân) thường được dùng để đặt tên cho trường học, cho đường phố.
Đền thờ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân có diện tích khoảng 0,5ha, tọa lạc ở ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), được xây dựng khá khang trang theo lối kiến trúc truyền thống, cách Ủy ban nhân dân xã 500m về phía bắc và quốc lộ 1A 3,5km về phía đông.
Về ngôi mộ, lúc đầu được đắp bằng đất, đến năm 1927, con cháu ông và người dân địa phương xây dựng lại bằng đá xanh gồm hai phần: núm mộ và bia mộ. Theo các vị bô lão địa phương, mộ được xây theo kiểu "voi phục" vì trông giống con voi đang nằm áp bụng xuống đất. Nhân dịp xây dựng đền thờ, mộ ông cũng được nâng lên, trùng tu những vẫn giữ nguyên trạng như lúc ban đầu.
|
( Đền thờ Thủ Khoa Huân) |
Nền mộ là những phiến đá dày 30cm, rộng 40cm, dài 120cm ghép lại với nhau thành nền để đặt núm mộ với diện tích phần nền bằng đá 4,042m2. Núm mộ gồm hai tảng đá xanh có hình dáng mô hai đầu cao 70cm, phần giữa lõm xuống cong như lưng voi, phía trước có hoa văn khắc ô chữ nhật xoáy vòng, phía sau hoa văn là những vòng gợn và uốn xoáy lại ở cuối đã được ghép bằng ximăng theo chiều dài. Bia mộ nối liền với núm mộ gồm ba phần: chân bia, thân bia và mái bia.
|
( Mộ Thủ Khoa Huân) |
Chân bia là một khối đá hình chữ nhật có chạm hoa văn hình lá. Thân bia để viết chữ dày 40cm, cao 72cm, ngang 100cm. Mái che bằng đá xanh cao 32cm, ngang 38cm. Mái che giả ngói chia làm tám rãnh, cuối đầu mỗi rãnh có chạm hoa sen, hai đầu chạm hai con dơi quay mặt ra ngoài trong tư thế đang bay trông rất sinh động. Ngôi mộ tuy không nguy nga, lộng lẫy nhưng đã nói lên được sự tôn kính của người dân địa phương với vị anh hùng dân tộc.
Tại đây, các ngành chức năng đã thành lập ban bảo vệ đền thờ, hằng ngày có người trông nom, chăm sóc khu di tích và đón tiếp khách tham quan. Hằng năm, tỉnh Tiền Giang đều tổ chức lễ giỗ ông vào trung tuần tháng 4 âm lịch. Tưởng nhớ ông, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã cho xây dựng một tượng đài lớn trong công viên Lạc Hồng cạnh sông Tiền, ngay trung tâm thành phố Mỹ Tho.
|
(Bàn thờ Thủ khoa Huân)
|
Đền thờ và mộ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân có giá trị lịch sử văn hóa. Mười lăm năm chống giặc, ba lần khởi nghĩa, ba lần bị bắt, bị đày tận đảo Réunion nhưng ông không nao núng tinh thần cho đến phút cuối cùng. Đó chính là niềm tự hào dân tộc nói chung, của người dân Tiền Giang nói riêng trong cuộc đấu tranh giữ nước. |