Đình Yên Sở

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm

Đình Yên Sở ở làng Yên Sở, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Làng Yên Sở xưa gọi là làng Cổ Sở, còn có tên Nôm là làng Giá Lụa, vì vậy đình còn gọi là đình Giá. Người Yên Sở quen gọi là Quán Giá.

Theo truyền thuyết, đình được xây dựng lần đầu tiên vào thời Lý Thái Tổ (1010 - 1026). Đình thờ Lý Phục Man, người làng Cổ Sở, một vị tướng của vua Lý Nam Đế.

Năm 1947, di tích này đã bị quân Pháp đốt phá, chỉ còn hai tam quan, hai bức tường và hậu cung. Nhân dân địa phương đã tu tạo nhiều lần, lần cuối vào năm 1990 [1].

Lễ hội hằng năm được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch[2] (xem video).

Đình Yên Sở tên địa phương là Quán Giá, thờ tướng quân Lý Phục Man, vị danh tướng đời Vua Lý Nam Đế đã hi sinh vì non sông. Để tưởng nhớ công ơn của ngài, cứ đến ngày 10/03 (âm lịch) hàng năm, nhân dân địa phương (Yên sở, Đắc Sở, Tiền Yên) tổ chức lễ hội Giá. Và đặc biệt là cứ 05 năm 1 lần sẽ tổ chức hội lớn (Tổ chức vào những năm chẵn). "Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày hội giá mùng 10 tháng 3"

Quán Giá xã Yên Sở huyện Hoài Đức Thành phố Hà Nội là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. Quán Giá, nơi tôn thờ Tướng công Lý Phục Man người con ưu tú của quê hưong làng Giá, ngưòi anh hùng dân tộc đã có công giúp Lý Bôn làm nên cuộc khởi nghĩa ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Tuất (542) đánh đuổi quân Lâm ấp ra khỏi bờ cõi dựng nên Nhà nước Vạn Xuân, Nhà nước độc lập đầu tiên của dân tộc ta. Trong trận đánh quyết liệt tại Thành Tô Lịch (Hà Nôi) năm Giáp Tý (544) Người đã anh dũng hy sinh, thi hài của Người được quàn tại khu hồ Mã xã Yên Sở (nay là Quán Giá). Tưởng nhớ công lao to lớn của Người nhân dân làng Giá lập miếu thờ và trồng cây bóng mát. Trải qua 1468 năm với 17 lần xây dựng, trùng tu và tôn tạo Quán Giá được trang nghiêm và lộng lẫy như ngày nay. Cây xanh ngày một lớn tạo thành rừng Giá (Rừng Cấm). Tưởng nhớ công lao của Người, hàng năm nhân dân làng Giá mở hội vào đám theo nghi thức Hội lệ và 5 năm một lần mở hội theo nghi thức Đại đám. Hội Giá đã được lưu truyền trong dân gian "Bơi Đăm, Rước Giá, Hội Thày". Đặc biệt Hội Giá có tích nghiềm quân, diễn tả cuộc chiến tranh nhân dân của Tướng công Lý Phục Man năm Nhâm Tuất (542), là nét đẹp văn hoá phi vật thể của quê hương. Nghiềm quân rước kiệu đã lan toả tinh thần bất diệt của cuộc khởi nghĩa năm 542, truyền thống cách mạng của nhân dân làng Giá đến với quý khách thập phương và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Từ thập niên 80 của thế kỷ XX trở về trước nghiền quân rước kiệu có vài ba trăm người tham gia. Đến nay Yên Sở có 9900 nhân khẩu, Hội Giá xuân Canh Dần (2010) nghiềm quân rước kiệu có gần 600 dân binh từ nam phụ, lão ấu tham gia đội hình. Trình tự đội hình nghiềm quân, rước kiệu:

  • Nghiềm quân:

Nghiềm quân gồm 2 lực lượng: 1/ Hàng kiệu: Gồm có 168 thanh niên, trung niên từ 20 đến 49 tuổi được tuyển chọn từ 9 khu dân cư trong xã, trang phục quân hàng kiệu (áo sa tanh đỏ viền vàng, khăn đầu dìu màu, thắt lưng màu, quần trắng, giày ba ta trắng, chân cuốn sà cạp). 2/ Tổng cờ: 84 cháu học sinh nam Trường THCS Yên Sở,lễ phục áo màu lam, khăn đầu dìu màu, thắt lưng màu, quần trắng, giày ba ta trắng, tay cầm cờ chuối. - Trước khi vào nghiềm quân, tổng cờ tập trung ở sân giữa, hàng kiệu tập trung ở 2 dãy hành lang. Khi có kiệu lện trống cái của 1 cụ thượng điều khiển: tổng cờ, hàng kiệu tập trung về sân trong đứng thành 21 hàng, mỗi hàng 12 người. Hàng biên phía Đông là hàng kiệu do tướng đứng đầu, phó tướng đứng cuối. Tiếp đến là hàng tổng cờ sau đến 2 hàng kiệu theo thứ tự (như vậy có 14 hàng kiệu và 7 hàng tổng cờ). - Khi ổn định đội hình, theo hiệu lệnh trống quân hàng kiệu lên sân rồng (sân tiền đường) nhận đồ tế khí gồm 112 hồng trượng, 56 cờ thần (theo sự bố trí đội hình 1 cờ thần 2 hồng trượng). - Hàng kiệu, tổng cờ lễ 4 lễ chính điện, 1 lễ nhánh theo hiệu lệnh sau đó hàng lẻ quay phía đông, hàng chẵn quay phía tây (12 hàng ngang từ trên xuống, 6 hàng lẻ, 6 hàng chẵn). - Theo hiệu trống thúc Tướng dẫn đầu, cả đội hình tổng cờ hàng hiệu đi thành 1 hàng vòng qua hậu cung, qua tam quan, qua sân giữa ra sân ngoài (Nghiềm quân)đội hình quân nghiềm đi vòng tròn từ ngoài vào trong tạo thành nhiều vòng xoáy trôn ốc vào đến giữa sân, càng vào trong từ đi chuyển sang chạy tốc động ngày càng cao, độ quan đồng thanh hô "hô, hô, hô...hô...) tạo nện âm thanh hùng tráng và vang vọng cả một vùng rộng lớn. Từ tâm của những vòng xoáy (giữa sân)Tướng quân bằng mưu kế của mình dẫn cả đoàn quân thoát ra ngoài (nếu bạn muốn tìm hiểu, bạn hãy đến với Hội Giá 10/3 năm Ất Mùi 2015). - Khi hoàn thành tích nghiềm quân, đội quân tổng cờ hàng kiệu trở lại sân trong và tiếp tục tham gia vào đội hình rước kiệu.

  • Rước kiệu:

Đi đầu là đội múa cờ, múa sư tử gồm 30 thanh niên khoẻ mạnh, lễ phục áo sa tanh đỏ viền xanh, khăn đầu dìu màu, thắt lưng màu, quần trắng, giày ba ta trắng, chân cuốn sà cạp. Tiếp đến là Quốc kỳ cỡ lớn (24m2) do 2 cựu chiến binh đảm nhiệm (2 ca). Sau Quốc kỳ là đội áp đám 16 lão hạ (50 - 60 tuổi) dóng thành 2 hàng, lễ phục áo the thâm, khăn xếp đen, thắt lưng màu, quần trắng, giày ba ta trắng, chân cuốn sà cạp mang 2 Trường, 2 Đòng, 2 Thắt lĩnh, 2 Quắm, 2 Dao chín, 4 Thước tay, 2 Bê và thổi tù và. Tiếp đến là 20 lá cờ thần do 20 lão hạ đảm nhiệm, dóng thành 2 hàng, lễ phục quân hàng kiệu (áo sa tanh đỏ viền vàng, khăn đầu dìu màu, thắt lưng màu, quần trắng, giày ba ta trắng, chân cuốn sà cạp). Tiếp đến là Trống tiền do 2 lão hạ khiêng, trang phục như đội áp đám, 1 cụ trung (60 - 70 tuổi) điều khiển lễ phục áo thụng lam, khăn đầu dìu màu, thắt lưng màu, quần trắng, giày ba ta trắng; Chiêng tiền do 2 lão hạ khiêng, trang phục như đội áp đám, 1 lão hạ điều khiển, lễ phục quân hàng kiệu. Sau 2 hàng cờ thần là 40 cụ trung mang hoa roi, dóng thành 2 hàng, lễ phục áo thụng đỏ, mũ đỏ, thắt lưng màu. Đi giữ 2 hàng hoa roi là 1 tàn do 2 lão hạ thay phiên đảm nhiệm, lễ phục quân hàng kiệu. Sau hoa roi là 20 cụ mang hồng trượng, lễ phục áo thụng lam, thắt lưng màu. Đi giưa 2 hàng hồng trượng là 1 tàn do 2 lão hạ đảm nhiệm, lễ phục quan hàng kiệu. Tiếp đến là 2 tán, 2 tàn, 2 lọng do 10 lão hạ đảm nhiệm, lễ phục quân hàng kiệu (dóng thành 2 hàng). Sau lọng là hương án do 8 lão hạ khiêng, lễ phục quân hàng kiệu. 1 cụ điều khiển hương án, lễ phục áo thụng lam, khăn đầu dìu màu, thắt lưng màu. Đi bên hương án là 1 tàn do 2 lão hạ đảm nhiệm, lễ phục quân hàng kiệu và đội nhạc dân tộc 6 người, lễ phục truyền thống. Tiép đến là 4 biểu, bộ bát bửu do 12 cụ trung đảo nhiệm, lễ phục áo le thâm, khăn xếp đen, Sau bát bửu là đội quân tổng cờ - hàng kiệu: quân hàng kiệu gồm 168 thanh niên, trung niên dóng thành 2 hàng, đi đầu là tướng và phó tướng (tướng và phó tướng là hội viên Hội CCB có lễ phục riêng, mang cờ tướng, phó tướng), quân hàng kiệu mang 112 hồng trượng, 56 cờ thần, lễ phục quân hàng kiệu. Đi trong 2 hàng quân hàng kiệu là 2 hàng tổng cờ 84 cháu (học sinh nam Trường THCS Yên Sở), lễ phục áo màu lam, khăn đầu dìu màu, thắt lưng màu, quần trắng, giày ba ta trắng, tay cầm cờ chuối. Đi giữa 2 hàng tổng cờ là 2 cụ điều khiển bằng thanh la, 3 cụ điều khiển bằng trống khẩu, lễ phục áo thụng lam, ra khẩu lệnh, các cháu hô "a la dé hờ dé" 10 phút một lần. Tiếp đến là 2 tán dài 3 tầng, 2 tán ngắn 2 tầng do 8 lão hạ đảm nhiệm, lễ phục quân hàng kiệu; 4 cờ vía màu vàng, 4 đèn lồng do 8 cụ đảm nhiệm, lễ phục áo the thâm, khăn xếp đen; 2 quạt rồng, 2 quạt cò do 8 lão hạ đảm nhiệm, lễ phục quân hàng kiệu; 2 quạt che hòm văn do 2 cụ trung đảm nhiệm, lễ phục áo the thâm, khăn xếp đen; 2 tán dài 3 tầng do 4 lão hạ đảm nhiệm, lễ phục quân hàng kiệu (tất cả dóng thành 2 hàng). Tiếp đến là 6 cháu múa sinh tiền lễ phục truyền thống, đội bát âm lễ phục truyền thống. Sau đội bát âm là Kiệu văn: khiêng kiệu (2 ca) 16 lão hạ, lễ phục quân hàng kiệu; 1 cụ điều khiển kiệu lễ phục áo thụng lam, khăn đầu dìu màu, thắt lưng màu; Đi bên kiệu là 4 lão hạ mang 4 quạt ban phủ kiệu, lễ phục quân hàng kiệu; Hầu kiệu là 30 cụ tuổi 68, 69, 70 (2 hàng) lễ phục áo thụng lam, đội mũ tế, quần trắng, đi hia; sau các cụ hầu kiệu là 10 lão hạ mang giá kiệu, chiếu cói, lễ phục quân hàng kiệu. Tiếp đến là 5 cờ thần do 5 lão hạ đảm nhiệm, lễ phục quân hàng kiệu (1 hàng). Sau hàng cờ thần là trống hậu (như trống tiền). Nghiềm quân rước kiệu từ Quán Giá lên Văn Chỉ (nơi thờ Đức Khổng Tử) lấy văn sau đó rước về Quán, Ban hành lễ tế lễ theo nghi lễ Cung đình. Hội Giá đã được lưu truyền hàng ngàn năm, người dân làng Giá đã nhắc nhau rằng "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Hội Giá mồng mười tháng ba".

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Giới thiệu về Quán Giá của Sở Du lịch Hà Nội”. Sở Du lịch Hà Nội. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2008. 
  2. ^ “Giới thiệu về Hội Giá của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ”. Armerican Museum of Natural History (AMNH). Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2008. 

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]