Di tích lịch sử phường Phương Liệt

Đình Phương Liệt, chùa Linh Quang, miếu ông Trạng là cụm di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của làng Phương Liệt được Bộ văn hóa và thông tin công nhận ngày 18/1/1993. Đây là một trong những di tích bảo tàng cấp quốc gia được xây dựng trên mảnh đất linh thiêng.

ĐÌNH PHƯƠNG LIỆT

Đình làng Phương Liệt được gọi theo tên làng là đình Phương Liệt. Ngoài ra, đình còn được gọi là Giáp Cửu hoặc gọi theo tên nôm là đình Vọng Đình được xây dựng trong quần thể di tích gồm đình, chùa, miếu. Đình nằm liền kề khu dân cư, nhìn theo hướng Đông - Nam.

Trước kia, làng Phương Liệt (làng Vọng) nằm ở phái Nam kinh thành Thăng Long, thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín,trấn Sơn Nam Thượng. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đổi thành tỉnh Hà Nội. Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) địa bàn này thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Nội, sau thuộc phường Phương Liệt, quận Đống Đa. Từ năm 1997 di tích thuộc phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Đình Phương Liệt là công trình kiến trúc tín ngưỡng được xây dựng từ lâu đời, thờ Thành hoàng làng là Cao Sơn Đại Vương và Tích Lịch Hỏa Quang (Hỏa Quang tôn thần). Đa số truyền thuyết hiện còn lưu giữ được đều cho rằng thần |Cao Sơn có tên là Nguyễn Hiền (Hiền công), cùng với em ruột là Nguyễn Sùng (Sùng công) là vị thần thứ 2 trong Tam vị Tản Viên Sơn Thành, đã có nhiều công lao giúp dân, giúp nước chống lại kẻ thù và khắc phục thiên tai.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, đình Phương Liệt từ xưa đến nay vẫn quay hướng Nam, trước cửa đình có giếng lớn và ao tụ thủy, là nới cầu mong hạnh phúc, trường tồn cùng với nghi môn trụ biểu to lớn, mặt trụ đắp các đôi câu đối bằng vôi vữa rất đẹp, nhưng đến nay đã mất.

Hiện nay, quy mô của đình Phương Liệt gồm nhiều hạng mục công trình: Nghi môn trụ biểu, Tả mạc, Đại đình kết cấu hình chữ “nhất” và một số công trình kiến trúc phụ trợ phía sau cùng với hệ thống sân, vườn bao quanh khu di tích.

Nghi môn đình Phương Liệt được xây dựng rất đơn giản, chỉ có 2 trụ biểu bằng vôi vữa tạo lối đi vào đình. Tiếp đến là tòa Đại đình được xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc 5 gian, 2 mái chảy lợp ngói ri. Bên trong, kiến trúc gỗ được kết cấu thống nhất kiểu thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ bầy trên mặt bằng 4 hàng chân cột. Hoa văn trang trí ở đây đơn giản, chủ yếu là bào trơn đóng bén, soi gờ chạy chỉ tạo sự bền chắc cho bộ khung đỡ mái. Ở gian giữa phía trong Đại đình là nơi thâm nghiêm nhất, tại đây có bài trí một nhang án, bên trên đặt đồ thờ tự và bài vị của Thành hoàng làng.

Bên trái đình là nhà Tả mạc làm kiểu nhà dọc với 3 gian, 2 mái chảy lợp ngói ri là nơi chuẩn bị đồ lễ lên Thành hoàng.

Ngoài những giá trị lịch sử tiêu biểu, đình Phương Liệt còn là cơ sở cách mạng trong uộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối năm 1944, đình và chùa Phương Liệt là nơi hoạt động bí mật và phát triển được một tổ Việt Minh. Đình là trạm thông tin liên lạc, nhận tài liệu phục vụ tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đây là nơi học tập bí mật, tập trung lực lượng vạch kế hoạch giành chính quyền ở làng cũng như trong vùng. Ngày 19/8/1945, tại sân đình tổ Việt Minh đã tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân tổ chức mít tinh, tuyên bố giành chính quyền. |Hai nhà Tả Hữu mạc của đình lúc đó được sử dụng làm trụ sở làm việc của Ủy ban cách mạng lâm thời, sau này là trụ sở của Ủy ban kháng chiến lâm thời.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình và chùa là nơi đi lại, cất giấu vũ khí, tài liệu của các chiến sĩ biệt động. Có lần quân Pháp bắt được chiến sĩ biệt động của ta, chúng đã lừa dân chúng ra sân đình để ép nhận mặt cán bộ. Mặc dù bị uy hiếp, đàn áp nhưng không ai chỉ điểm khai báo.

Với những giá trị về lịch sử và giá trị  lịch sử cách mạng kháng chiến, đình Phương Liệt đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1993. Di tích luôn được các tổ chức chính trị xã hội, Hội Người cao tuổi, bà con nhân dânvà chính quyền các cấp quan tâm bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo.

Năm 2001, quận Thanh Xuân đã đầu tư kinh phí để phục hồi lại Hậu cung đình – nơi bị bom Mỹ đánh sập trong những năm kháng chiến chống Mỹ (1965-1972). Đình Phương Liệt đang Đình đã được gắn biển Di tích cách mạng - kháng chiến nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010).

Đình Phương Liệt

CHÙA LINH QUANG - PHƯƠNG LIỆT

Từ xưa tới nay, Chùa Linh Quang - Phương Liệt được gọi theo tên làng hay còn có gọi là chùa Vọng, tên chữ là Linh Quang Tự.

Chùa nhìn theo hướng Nam. Từ Trug tâm HN đi theo đường GP đến đầu cầu vượt Ngã Tư Vọng rẽ trái vào ngõ 377 đi khoảng 200m là đến di tích. Ngôi chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782) nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo thờ Phật của nhân dân.

Di tích xây dựng gồm nhiều hạnh mục công trình : Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, Lầu chúa và hệ thống sân vườn. Đi qua cổng Tam quan được xây dựng với 2 tầng mái là tới chùa chính, gồm Tiền đường và Thượng điện kết cấu theo kiểu chữ “Đinh”. Tiền đường gồm 5 gian, tường hồi bít đốc, 2 mái chảy lợp ngói ri.Thượng điện là tòa nhà nằm dọc, nối với gian giữa tiền đường Phía sau có xây dựng một dãy nhà làm nơi thờ Tổ, thờ Mẫu, bên phải được xây dựng một công trình để thờ các cô. Nhân dân trong vùng gọi là Lầu chúa các công trình trên đều đã được trùng tu, sửa chữa lớn hai lần vào năm 1954 và 1990.

Bên trong di tích còn bảo lưu được rất nhiều di vật cổ, quý hiếm như hệ thống tượng tròn làm bằng đất luyện có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hệ thống bia hậu ghi công đức có niên đại cuối thế kỷ XVIII…

Trong lịch sử tồn tại, chùa đã có những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Khoảng cuối năm 1944, tại làng Phương Liệt đã hình thành và phát triển tổ Việt Minh hoạt động bí mật tại chùa. Những nhà sư trông nom chùa như sư cụ Đàm Chỉnh, sư thầy Đàm Khánh làm công tác giữa tổ Việt Minh phương Liệt với các tổ Việt Minh khác trong thành phố và các cơ quan cấp trên, đông thời nhận và chuyển tài liệu tuyên truyền của các cơ quan cấp trên. Sau này chùa còn chứng kiến sự kiện ngày Nhật đảo chính Pháp, các đồng chí trong tổ Việt Minh đã sử dụng chùa là nơi học tập bí mật và tập trung lực lượng cách mạng để vạch ra kế hoạch giành chính quyền ở làng và các địa phương lân cận.

Bên cạnh những hoạt động cách mạng như trên, chùa còn là nơi đi lại, cất giấu tài liệu, vũ khí, nuôi dưỡng các chiến sĩ biệt động cách mạng từ hậu phương vào và từ nội thành ra.

Với những giá trị lịch sử kháng chiến của ngôi chùa, và đặc biệt là cống hiến của 2 nhà sư Đàm Chỉnh và Đàm Khánh, nên sư trụ trì chùa đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến. Di tích đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1993.

Chùa Linh Quang

MIẾU ÔNG TRẠNG

Miếu được xây gần ngôi chùa cổ ở khu bãi đá trong làng (khu ruộng chùa). Ngày nay miếu ông Trạng đặt tại khu vườn cuội (Công ty cơ điện Trần Phú quản lý). Ngôi miếu ông Trạng qua biến cố lịch sử đã không còn như xưa, nhân dân đã xây dựng miếu làm nơi thờ cúng để tưởng nhớ Ông trên nền đất cũ. Miếu đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử năm 1993.

Trạng nguyên Lưu Danh Công (1644-1676) người làng Phương Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay thuộc phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội). Ông đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670), đời vua Lê Huyền Tông. Làm quan đến Hàn lâm Học sĩ.

Tại Bia ghi tên các Tiến sĩ đỗ  khoa Canh Tuất (năm Cảnh Trị thứ 8 -1670) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trạng Nguyên Lưu Danh Công, người xã Phương Liệt, huyện Thanh Trì đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, làm quan chức Thị giảng Hàn lâm viện Thị độc.

Miếu ông Trạng

Ngoài các cụm di tích lịch sử trên thì địa điểm Đài quan sát Phòng không của Nhà máy Cơ khí Quang Trung (nay là Công ty TNHHNNMTV cơ khí Quang Trung) cũng là một trong bốn địa điểm di tích lịch sử của phường.

Trong thời kỳ chống Mỹ, Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và Quận đôi Đống Đa quyết định củng cố và biên chế lại Tiểu đoàn tự vệ, khi đó là Nhà máy cơ khí Quang Trung, tăng cường và thành lập một trung đội súng máy phòng không 12,7mm; sau đó là đội súng 14,5mm. Trận địa tại cánh đồng xã Định Công phái Tây Nam của Nhà máy. Trong thời gian này, Tiểu đoàn đã xây dựng một Đài quan sát đặt trên sân thượng Nhà máy tại khu nhà 3 tầng ở đầu phía Nam để theo dõi các tốp máy bay có thể từ hướng Nam đánh vào Thủ đô Hà Nội.

Do có sự chuẩn bị chu đáo, với kinh nghiệm của 7 năm chiến đấu liên tục từ 1965 đến 1972, với lòng dũng cảm kiên cường, khắc phục mọi khó khăn, Đài quan sát Phòng không của Tiểu đoàn tự vệ Nhà máy cơ khí Quang Trung đã được Ban chỉ huy quân sự của Thành phố Hà Nội và quận Đóng Đa đánh giá là “Mắt thần tại cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với những báo cáo chính xác về hoạt động của máy bay địch trên bầu trời Thủ đô. Đài quan sát Phòng không đã giúp Ban chỉ đạo quân sự của Thành phố Hà Nội và quận Đống Đa có các phương án tác chiến kịp thời, hiệu quả.

Năm 2002, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, Công ty cơ khí Quang Trung, UBND quận Thanh Xuân đã long trọng tổ chức lễ đón Quyết định và gắn biển ghi dấu chiến thắng B52 cho Đài quan sát Phòng không ngay tại Công ty cơ khí Quang Trung.

Những nghi lễ tại các cụm di tích lịch sử trên của phường hàng năm là những dấu ấn về tinh thần và vật chất trong buổi bình minh của dân tộc, in đậm trong tâm linh và thể hiện sinh động trong cuộc sống của nhân dân Phương Liệt./.

 

 

 

Ban quản lý di tích lịch sử phường Phương Liệt