Độc đáo lễ hội rước vua Đền Sái
Cụm di tích lịch sử văn hóa, điểm danh lam thắng cảnh Đền Sái thuộc xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ngoài truyền thuyết là một địa danh linh thiêng, nơi đây còn có phong cảnh hữu tình, là điểm đến hấp dẫn của nhân dân khắp mọi miền tổ quốc.
Từ lâu đời, tiến sĩ Hoa Đường đã nói về Đền Sái: “Đền thiêng mãi rạng đất Xuân Lôi”. Xuân Lôi là tên cổ của thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm ngày nay. Gắn với Đền Sái là truyền thuyết về thần Kim Quy giúp vua An Dương Vương dựng thành Cổ Loa, kinh đô nước Âu Lạc. Cùng với lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa dân gian vào mùa xuân, Đền Sái còn lưu truyền cho đến ngày nay lễ hội rước vua giả độc đáo. Nét đặc sắc của Lễ hội Đền Sái và lễ hội rước vua giả đã thu hút khách đến cầu nguyện, dự lễ, vui hội và thưởng ngoạn cảnh đẹp tự nhiên của trời đất ban tặng.
Đền Sái tọa trên đỉnh Thất Diệu Sơn, dân gian truyền rằng đó là bẩy ngọn núi linh thiêng huyền diệu, tượng trưng của bẩy con rùa mà con đầu đàn là Thất Diệu Sơn. Ngọn núi mọc lên giữa cánh đồng bằng phẳng, phì nhiêu quanh năm lúa mùa tươi tốt. Sách Đại Việt sử kí toàn thư có viết: “Bấy giờ, Thục Vương cho đắp thành rộng nghìn trượng hình con ốc nên gọi Loa Thành. Thành này cứ xây gần xong lại đổ, vua lấy làm lo ngại mới trai giới để khấn trời đất và thần kì sông núi. Vua hỏi về nguyên do thành bị đổ, khi đó Rùa vàng hiện lên và nói rõ: Ấy là do tinh khí núi sông vùng này, nấp ở Thất Diệu Sơn có con gà trống trắng sống nghìn năm đã thành tinh đến quấy phá. Thục Vương được thần Kim Quy (Rùa vàng) dẫn lên núi Thất Diệu Sơn trừ diệt gà trắng (Bạch Kê Tinh) nhờ đó mà nửa tháng sau đã xây đắp xong thành”. Câu chuyện nhuốm màu huyền thoại này đã phản ánh thời kì lịch sử dựng nước của dân tộc. Thời kì mà vua quan đồng lòng, nhân dân cùng chung sức chống lại thiên tai, địch họa. Đền Sái được coi là một đền thờ linh thiêng ứng nghiệm. Dịch giả Ngô Linh Ngọc có dịch đôi câu đối của tiến sĩ Hoa Đường còn ghi trong sử sách rằng: “Thành ốc nửa tháng xong, dấu lạ còn ngang trời Thục sử/Núi Rùa muôn thủa vững, đền thiêng mãi rạng đất Xuân Lôi”. Từ nhiều thời vua, chúa và các quan triều thần đã từng về đây bái yết, đến ngày nay, cứ mùa Xuân đến, hàng vạn lượt nhân dân khắp mọi vùng cũng đến Đền làm lễ cầu lộc, cầu tài, cầu bình yên. Trên núi còn in lại nhiều dấu xưa, trong đó có giếng tiên, ao tiên, dấu tiên chân ngựa và cảnh trí thiên nhiên tuyệt mĩ do trời đất tự sinh. Đền Sái được xây dựng theo kiến trúc cổ tiền thần hậu phật. Trước đền là cổng Tam Quan xưa có 99 bậc đá, nay được tu tạo lại còn 12 bậc lát gạch. Trang trí bài tiết tứ linh: Long-Ly-Quy-Phượng, các họa tiết tinh xảo cân đối. Trong đền có tượng thờ Đức Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần trấn giữ đất Thăng Long. Trong sự tích Kim Thuyết Cung còn lưu lại có ghi: “Thâm cảm công đức của Huyền Thiên Trấn Vũ, vua cho xây đền Sái trên núi Thất Diệu Sơn, đúc tượng đồng đen để thờ ngài. Hàng năm cứ vào mùa xuân lại đích thân xa giá về đây bái yết. Nhưng về sau, thấy sự đi lại làm hao phí tiền của, công sức của nhân dân, nên vua ban chiếu cho dân làng thực hành nghi lễ thiêng tử, xưng quan tước”. Từ đó nơi đây đã có một lễ hội rước vua giả độc đáo.
Lễ hội rước vua giả nơi Đền Sái được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng Âm lịch. Trước đó, từ ngày mùng 5 Tết, nhân dân trong làng lo sửa sang, dọn dẹp vệ sinh làm sạch đẹp đường xá để đón vua. Ngày mùng 6 Tết, dân làng tập trung dựng dinh cho vua, chúa và các quan tại đình làng. Ngày mùng 9 và mùng 10, dân làng gói bánh chưng, giã bánh dày để tiến vua, mổ lợn, trâu bò cho vua khao dân làng. Ngày 11 Tết là chính hội, vua mặc long bào, chúa và các quan Trấn Thủ, Thị Vệ, Tán Lý, Đề Lĩnh, Thanh Giang Sứ, áo mão cân đai lên kiệu được rước về Đền Sái bái yết Đức Huyền Thiên Trấn Vũ. Trong khi vua và các quan lên Đền Sái, kiệu chúa vòng sang Đền Thượng, nơi đây có tảng đá lớn, chúa làm lễ ướm gươm, chém ba nhát vào tảng đá, một dòng phẩm đỏ tóe ra, tượng trưng cho việc chém đầu gà trắng – Bạch Kê Tinh thủa trước. Lễ bái xong các đồ thờ, kiệu vua, chúa và các quan được rước trở lại ngự trong đình một ngày. Ngay sau đó được diễn ra các nghi lễ, các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian, hát nghệ thuật tuồng cổ. Lễ hội rước vua giả diễn ra rất sôi động, náo nhiệt, kiệu của vua, của chúa và các quan đều có tán lọng, ngai vàng, kèn trống, quân lính mặc trang phục binh sĩ triều đình, người rước vừa đi vừa reo hò vang dội. Người được chọn làm vua trong năm phải là người tuổi trên 70, khỏe mạnh, còn đủ song toàn cụ ông, cụ bà. Chúa và các quan đều là những cụ cao niên, có đức độ, có uy tín trong dân chúng. Trong lễ hội rước vua giả, mọi tình tiết, mọi động tác đều nhằm diễn lại đúng theo tích xưa vua về đền bái yết. Vì nét riêng biệt ấy mà lễ hội rước vua giả ở Đền Sái là một lễ hội độc đáo, đặc sắc hiếm có.
Ngày xuân đi lễ Đền Sái là một nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh, văn hóa tín ngưỡng của mọi người dân. Đến nơi đây, du khách còn được thưởng ngoạn cảnh đẹp của thiên nhiên tạo hóa, được cảm nhận nét tinh hoa văn hóa tinh túy đậm đà bản sắc cổ trong lễ hội rước vua giả, được hòa mình trong những trò chơi dân gian và hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đó đều là những hoạt động mang tính giáo dục sâu sắc về truyền thống cần cù trong lao động, anh dũng trong chống giặc ngoại xâm của nhân dân, từ đó để các thế hệ càng thêm yêu quê hương đất nước, càng thêm tôn kính các bậc tiền nhân đã có công với nước, phù trợ nhân dân.
Anh Thuận - TCTHHN số 88