Thứ sáu, 03/10/2014 - 08:49
Dòng họ Võ tướng
Sau khi Báo Bắc Ninh đăng bài “Vẻ vang truyền thống võ học Bắc Ninh-Kinh Bắc” trên số báo 3376 ra ngày 19-9-2014, nhiều độc giả mong muốn tìm hiểu sâu hơn về truyền thống võ học của quê hương, trong đó đặc biệt quan tâm đến những di tích lịch sử văn hóa-nơi tôn vinh thờ phụng những võ quan công thần qua các triều đại đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục cung cấp cho độc giả một số thông tin về truyền thống võ học Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Nguyễn Đức -  dòng họ nối đời làm tướng

Nhắc đến truyền thống võ học của Bắc Ninh không thể không nhắc đến dòng họ Nguyễn Đức. Theo gia phả - gia tộc họ Nguyễn Đức ở Quế Ổ, Chi Lăng (Quế Võ) đây là một dòng họ có nhiều đời nối nhau làm tướng và có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Dòng họ Nguyễn Đức có 18 vị Quận công, có 3 vị được phong vương, 3 tạo sĩ, 76 tước hầu và 5 vị lấy công chúa.

Trong suốt cuộc đời, các võ tướng của dòng họ Nguyễn Đức đều là những anh hùng, võ lược cao cường, oai phong lẫm liệt, một lòng trung quân ái quốc, lấy đạo đức, hiếu đễ, nhân nghĩa làm trọng. Vào thời Lê Trung Hưng, Nguyễn Đức được đánh giá là một dòng họ mạnh nhất Kinh Bắc.

Công lao của các Quận công dòng họ Nguyễn Đức được ghi chép, lưu danh trong chính sử, trong gia phả dòng họ và nhân dân nhiều vùng trong cả nước ngợi ca, truyền tụng. Một minh chứng tiêu biểu là công trạng của Quế Quận công Nguyễn Đức Uyên khi giữ chức Trấn thủ Hải Dương đã xuất tiền riêng của gia đình hiệp sức cùng người dân ven biển Hải Phòng đắp đê Ngải Am bằng đá xanh với chiều dài hơn 3km để trị thủy từ thế kỷ 18. Nhân dân địa phương vô cùng biết ơn công đức của Quế Quận công Nguyễn Đức Uyên nên khi ông mất đã lập miếu thờ và suy tôn ông làm Thành Hoàng làng, hàng năm cúng tế.

Ngày nay, dấu tích đê đá cổ Ngải Am có móng đóng bằng gỗ lim vẫn còn hiện khá rõ trên địa bàn xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Những di tích lịch sử văn hóa như miếu Ụ, đình Ngải Am, hệ thống bia đá và cả những bài vịnh ca ngợi ân nhân Quế Quận công Nguyễn Đức Uyên vẫn được người dân Hải Phòng gìn giữ, lưu truyền.

 

 

Con cháu dòng tộc Nguyễn Đức giới thiệu những linh vật đá cổ ở miếu Đại Trung.

 

 

Hiện nay ở nhà thờ dòng họ vẫn còn lưu đôi câu đối: “Thế thụ quân ân: vương, công hầu, bá, tử/ Thiên xương Nguyễn Đức: phú, quý, thọ, khang, ninh” (nghĩa là: Đời đời nhận ơn vua, được ban các tước: vương, công hầu, bá, tử/ Trời phú cho họ Nguyễn Đức được: phú, quý, thọ, khang, ninh). Như vậy, dòng họ võ tướng Nguyễn Đức không chỉ có đóng góp to lớn vào truyền thống võ học của địa phương mà còn góp phần làm cho Bắc Ninh trở thành vùng đất “địa linh nhân kiệt”.

Những di tích trực tiếp liên quan đến quá trình hình thành, phát triển của dòng họ Nguyễn Đức có ở hơn 40 địa phương trong cả nước. Tại Bắc Ninh, hai di tích được cho là nơi khởi nguồn cho sự hiển hách của dòng họ Nguyễn Đức đều ở Quế Võ là Miếu Đại Trung (thôn Guột, xã Việt Hùng) cùng với Lăng và Nhà thờ 18 vị quận công (thôn Quế Ổ, xã Chi Lăng). Hai di tích này đều được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1992.

Miếu Đại Trung - di sản vô giá về truyền thống võ học

Khởi dựng từ năm 1660 và hoàn thành vào năm 1708, miếu Đại Trung (thôn Guột, xã Việt Hùng, Quế Võ) là một trong những di tích tiêu biểu, có một không hai trong lịch sử từ thời kỳ trung đại đến tận ngày nay. Miếu Đại Trung là nơi thờ phụng các vị võ tướng kiệt xuất của dòng họ Nguyễn Đức là: Hùng Quận Công, hiệu Đức Điện, đời thứ 7; Cẩm Quận Công, hiệu Đức Thiện, đời thứ 8; Ân Quận Công, hiệu Đức Nhuận, được phong tước Đại Vương, đời thứ 9; Quế Quận Công, hiệu Đức Uyên, đời thứ 10; Chiêm Quận Công, hiệu Đức Tự, đời thứ 10 và Giao Quận Công, hiệu là Đức (khuyết tên), đời thứ 11.

Cả 6 Quận công đều là những võ quan cao cấp, khí phách hơn người, tinh thông võ nghệ, uyên thâm mưu lược, giỏi cầm quân, không chỉ lập nhiều chiến công hiển hách với triều đình mà còn giúp nhân dân phòng chống thiên tai… Nhiều câu chuyện cảm động về thân thế, sự nghiệp, khí tiết và những chiến công của các Quận công cũng vẫn được lưu truyền và có sự gắn bó mật thiết với các tài liệu, hiện vật đang được gìn giữ trong di tích.

Trải qua hơn 300 năm với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và những biến động trong lịch sử nhưng giá trị kiến trúc của miếu Đại Trung vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn. Toàn bộ công trình được xây dựng trên tổng diện tích 1.500m2 với kết cấu hình chữ Đinh (J) gồm 5 gian tiền tế và phần hậu cung. Đặc biệt, phần hậu cung có kiến trúc rất độc đáo, phản ánh rõ tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội thế kỷ 17-18 với mái vòm dày 0,7 mét, tường dày từ 1,2-1,35 mét. Vật liệu xây dựng chính là gạch, vôi, mật mía và cát tạo thành một kết cấu vững chắc. Cửa ra vào phần hậu cung đều được làm bằng đá có chạm khắc hình cánh sen khá công phu.

Những hiện vật gốc có giá trị thể hiện rõ tinh thần thượng võ của vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc vẫn được bảo lưu, gìn giữ tại đây như gia phả, các bản gốc sắc phong của các triều đại, hệ thống hoành phi, câu đối và văn tế của dòng họ Nguyễn Đức. Giá trị nhất là những hiện vật bằng đá, niên đại thời hậu Lê và Lê Trung Hưng được bài trí hài hòa, giàu tính văn hóa nghệ thuật nhưng vẫn giữ được nét tôn nghiêm, cổ kính. Trong hậu cung có cây hương đá 8 mặt, hình đài sen-biểu tượng của sự ngát hương đến muôn đời và sự bền vững trường tồn của dân tộc Đại Việt. Trước mặt tiền đường là đôi voi đá, ngựa đá ở tư thế đối diện nhau. Ngoài sân, nhìn từ cổng vào còn thấy 4 con chó đá, bên phải có một cây hương đá, bên trái có một thống đá. Các khối hình, hiện vật bằng đá đều đạt đến trình độ cao về thẩm mỹ, nghệ thuật, được chạm trổ tinh tế, sắc nét, không quá rườm rà nhưng rất sống động và bền vững, thể hiện sức mạnh, sự oai phong lẫm liệt và tính trường tồn, vĩnh cửu. Đó không chỉ là tinh thần võ lược của các danh tướng dòng họ Nguyễn Đức mà còn là văn hóa vật chất và tinh thần tạo nên sức mạnh của cả một dân tộc bách chiến, bách thắng với tinh thần yêu nước nồng nàn. Thăm miếu Đại Trung, đứng giữa sân chầu với hàng cây cổ thụ, trong bầu không khí linh thiêng tĩnh lặng đầy uy nghiêm, vẳng nghe như có tiếng ngựa hí, tiếng gươm khua, tiếng quân reo rung trời chuyển đất cùng hình ảnh dũng mãnh của các võ quan, danh tướng. Đây thực sự là một di sản vô giá về lịch sử văn hóa của vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc và truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc mà hiện vẫn đang được con cháu dòng họ Nguyễn Đức và nhân dân địa phương gìn giữ, phát huy.

Gặp ông Nguyễn Đức Miên, 66 tuổi, đời thứ 19 của dòng họ Nguyễn Đức ở miếu Đại Trung, ông kể rằng: “Trong chiến tranh, rất nhiều công trình đền, đình, chùa ở Quế Võ bị phá hủy nhưng bom đạn dường như không thể phá hủy được ngôi miếu này. Hàng năm, có rất nhiều đoàn du khách quốc tế từ Thụy Điển, Nga, Pháp, Anh cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc… về đây thăm quan và tìm hiểu lịch sử, văn hóa. Với truyền thống trọng văn và thượng võ của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc, con cháu dòng tộc Nguyễn Đức ở Quế Võ và nhân dân địa phương có chung ý nguyện, hy vọng di tích miếu Đại Trung sẽ sớm trở thành Võ Miếu xứng tầm, đăng đối với Văn Miếu Bắc Ninh”.

Tại hội thảo khoa học “Truyền thống võ lược tỉnh Bắc Ninh và công tác giáo dục lịch sử trong xã hội đương đại” do hội Khoa học lịch sử tỉnh tổ chức trong tháng 7 vừa qua, các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, quân sự cũng đề nghị các cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh quan tâm để miếu Đại Trung trở thành Võ Miếu. Nếu được công nhận sẽ rất có ý nghĩa bởi không chỉ tôn vinh các võ tướng người Bắc Ninh-Kinh Bắc đã có công với dân với nước mà còn khẳng định truyền thống thượng võ của quê hương.

Lê Đại-Thuận Cẩm
Top