MẤY NHẬN XÉT VỀ BIA KÝ LÍ - TRẦN Lê Thị Liên Viện Khảo cổ học Cũng như đối với các giai đoạn khác của lịch sử Việt Nam, bia kí là một nguồn sử liệu quan trọng nhằm góp phần nghiên cứu trên nhiều khía cạnh diện mạo của xã hội thời Lí - Trần, đặc biệt là khi dấu vết vật chất của thời kỳ này đã bị hủy hoại phần lớn do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều bia Lí - Trần không còn giữ nguyên hiện trạng của chúng. Nhiều bia đã bị thời sau sửa chữa, thêm bớt cả nội dung lẫn hình thức (kiểu dáng, hoa văn, chữ khắc). Vì vậy việc nghiên cứu nguồn tư liệu này cần có sự kết hợp nhiều phương pháp khác nhau của các ngành Khảo cổ học, Văn bản học, Ngôn ngữ văn tự, Mĩ thuật học .v.. nhằm đảm bảo tính chân xác của chúng. Cho đến nay, theo thống kê của tác giả, đã có 13 bia thời Lí và 32 bia thời Trần được phát hiện và nghiên cứu, bao gồm cả những thác bản đã được Trường Viễn đông Bác cổ sưu tầm và lưu giữ tại Viện Hán Nôm(1). Bài viết này nhằm đưa ra một số nhận xét khái quát thông qua những tư liệu hiện biét. Về niên đại, ở thời Lý, mặc dù có bài văn bia được soạn trước khá lâu, bia thường chỉ được lập và khắc một lần thành một vật thể hoàn chỉnh, cân đối cả về trang trí và văn khắc trên bia. Trong khi đó, một số bia thời Trần được ghi khắc vào nhiều thời điểm khác nhau ngay trên một tấm bia (bia chùa Đại Bi diên minh, bia chùa Sùng Thiên, một số bia ở núi Non Nước), thậm chí văn bản được khắc lên cả bia thời Lý sẵn có (bia chùa Diên Phúc). Vì thế, việc xác định niên điểm khởi dựng bia là khá phức tạp. Về thể loại, trong khi bia thời Lí phần lớn được lập nhân dịp xây dựng chùa (12/13 bia), sử dụng loại đá xám hoặc xám xanh hạt mịn, chủ yếu được khai thác ở núi Nhồi, Thanh Hóa, thì bia thời Trần được dựng nhằm nhiều mục đích hơn. Nhiều bia chùa chỉ đơn thuần ghi chép việc cúng ruộng. Xuất hiện các loại bia mộ, bia đền, bia đề thơ, bia ngự chế, bia ghi sự tích, hành trạng của vua quan... Ngoài loại đá xanh thường dùng, đá vôi, đá cát hạt mịn cũng được sử dụng. Việc khắc tạc văn bia lên các vách núi đá như ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An trở nên phổ biến. Về kiểu dáng và kích thước, bia thời Lý đều thuộc loại bia dẹt hai mặt, trán hình viên phân, hơi choãi về phía chân, gắn khớp với đế rùa bằng ngõng hình chữ nhật. Toàn bộ phần trang trí và lòng bia đều nằm trên cùng một mặt phẳng, ngăn cách bằng các gờ chìm hoặc nổi mỏng mảnh. Một số bia do tính chất cung đình quy định có kích thước lớn vượt, còn lại đa số có kích thước trung bình với tỉ lệ khoảng 3 rộng/ 5 cao. Nhờ thế khối bia trông thanh thoát, trang nhã. Sang thời Trần, một số bia vẫn bảo lưu hình thức cũ, song kích thước của loại bia này không lớn. Loại bia “ma nhai” được tạo bằng cách bạt vách đá thành khoảng hình vuông hoặc chữ nhật, được san khắc với chất lượng khác nhau, tùy theo tính chất và chủ nhân. Về trang trí, những bia được trang trí thời Lí - Trần thường theo một khuôn mẫu chung với những đề tài gần như cố định. Bia thời Lí thường theo một quy thức như sau: Trán bia chạm hình rồng hoặc phượng chầu vào ô chữ đề tên bia (thường viết kiểu chữ Triện hoặc Lệ); phần diềm trán và diềm bên chạm bằng hoa cúc dây hoặc hoa dây hình sin; diềm đáy trang trí hoa văn sóng nước biến điệu dưới nhiều hình thức, đôi khi có cả những loài cá rùa quẫy lặn sinh động; băng ngăn cách lòng bia và trán bia chạm các lá thiêng xếp cùng chiều hoặc ngược chiều đối xứng qua một hình lá đề ở giữa. Tuy nhiên, có những biệt lệ rất độc đáo như bia tháp Sùng Thiện Diên Linh hay bia chùa Quỳnh Lâm sử dụng các đề tài như rồng đuổi, rồng chầu mặt trăng, hình các em bé nhào lộn v.v.. Nói chung đề tài trang trí bia thời Lí không đa dạng và phức tạp, thủ pháp nghệ thuật chủ yếu là theo lối dàn kín không gian trang trí, dùng các mô típ phụ bổ sung làm nổi bật các mô típ chính một cách hài hòa mà vẫn không rườm rối. Đường nết chạm khắc tinh tế, mềm mại khiến cho bia thời Lí trở thành những tác phẩm nghệ thuật quý. Nhiều bia thời Trần vẫn dùng các đề tài với lối bố cục truyền thống thời Lí, nhưng phong cách đã dần dần biến đổi; đường nét và hình khối đậm khỏe, ít chi tiết vụn vặt, các mô típ chính được chú trọng làm nổi bật trên nền trống, một só mô típ mới xuất hiện; văn mây - sóng nước, sừng tê - ngọc báu, băng chấm tròn. Đại tự (bia chùa Sùng Thiên), phù điêu chân dung (Ngô gia thị bi) cũng bắt đầu có mặt. Xu hướng lược bỏ mọi thành phần trang trí rất phổ biến, đặc biệt là trên loại bia “ma nhai”. Về hình thức văn bia và các đặc điểm văn bản. Cách trình bày bài văn bia thời Lí thường theo một công thức chung khá thống nhất: - Tên bia (viết theo lối chữ Triện hoặc Lệ trong khung chữ nhật giữa trán bia, như một thành phần trang trí). - Tên bài văn bia. - Tên, họ, chức tước của người dựng chùa, lập bia. - Bài tựa. - Bài minh. - Niên đại lập bia. - Tên người soạn, khắc. Tuy nhiên, không phải bia nào cũng có đầy đủ các thành phần này mà phải lần tìm, suy đoán qua nội dung và các nguồn thông tin khác. Văn bia thời Lí thường được trình bày ở cả hai mặt bia. Bài tựa thường được khắc liên tục, đều hàng. Trước các chữ tôn xưng thường để trống một ô. Bài minh gồm nhiều chữ khổ 4 chữ hoặc 7 chữ. Chữ thường viết theo thể chân quy chỉnh, không viết tắt hoặc giản lược, không thấy có lệ viết kiêng húy. Cỡ chữ, khoảng cách giữa hoàng với hàng, chữ với chữ cân đối với kích thước bia. Chữ Nôm ít thấy xuất hiện. Trên bia chùa Linh Xứng (1126) đã thấy xuất hiện một chữ Nôm chỉ tên người. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chứng tích xưa nhất về chữ Nôm là trên bia chùa Báo Ân thiền tự (1209). Song bản dập của bia này cho thấy văn bản trên bia đã được khắc lại. Một số chữ bỏ trống vì người khắc lại không thấy rõ chữ cũ. Vì thế tự dạng của chữ Nôm trên bia này cần xem xét thêm. Văn phong bia thời Lí, như Lê Quý Đôn miêu tả: “... biển ngẫu, bóng bảy, đẹp dẽ, còn giống thể văn nhà Đường...”. Do tuyệt đại đa số là bia chùa, nên văn bia dùng nhiều điển cố Phật giáo. Thủ pháp ước lệ, so sánh được ưa chuộng, lối viết đối từ điệp lý, cấu trúc chặt chẽ trong dùng vần đặt câu khiến cho nội dung được diễn đạt cụ thể chính xác. Đến thời Trần, nhiều văn bia vẫn được trình bày như trên bia thời Lí, nhưng một số cách viết đài mới xuất hiện: bỏ hàng, sang hàng khác, viết nhô cao lên một ô chữ tôn xưng; bỏ trống 3 ô trước chữ tôn xưng chỉ vua, thái thượng hoàng hoặc hoàng hậu; bỏ trống 1 ô chữ tôn xưng chỉ các bậc đại sư, đại nhân hoặc các nhân vật được tôn trọng có liên quan tới nội dung văn bia. Các bia ghi chép vào nhiều thời điểm khác nhau thường bỏ cách một đoạn trước khi chép tiếp. Một đặc điểm nữa của văn bản thời Trần là lối trình bày rất linh hoạt, tùy theo nội dung. Ngoài nội dung chính, bia có thể được ghi chép thêm rất tùy tiện vào các chỗ trống phía dưới, trên các sườn bia (bia nhà họ Ngô, bia chùa Đại Bi, bia chùa Sùng Thiên). Chữ viết thời Trần, ngoài kiểu chữ chân quy chỉnh còn có kiểu chữ hành đá thảo phóng khoáng của nhiều bậc danh nhân như Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh. Phổ biến nhất là kiểu chữ chân giản lược, viết tắt, thiếu quy chỉnh trên các bia chùa làng. Chữ Nôm xuất hiện khá nhiều trên bia thời trần, đặc biệt là các bia ghi chép về ruộng đất. Riêng nhóm bia ở núi Non Nước, Ninh Bình, trừ Bài Kí tháp Linh Tế, đã xuất hiện khoảng hơn 40 tự dạng chữ Nôm, phần lớn là chữ Nom chỉ chữ số. Ngoài ra, chữ Nôm được dùng để chỉ tên đất, tên người. Một đôi chỗ, chữ Nôm được viết theo kết cấu ngữ pháp tiếng Việt. Tuyệt đại đa số chữ Nôm thời kì này là chữ Nôm đơn, mượn âm chữ Hán, đọc theo âm Hán Việt. Kiểu chữ một thành tố ghi âm, một thành tố ghi ý xuất hiện rất ít, như chữ “thước” (托只) trên bia chùa Sùng Khánh, Hà Tuyên, chữ “tám” (米參) trên bia DTIII, núi Non Nước, Ninh Bình. Đây là đặc điểm chung cho tất cả các bia thời Trần đã phát hiện. Chữ kiêng húy là một đặc điểm cơ bản để nhận biết một văn bản thời Trần. Trong hệ thống chữ kiêng húy mà nhà Trần quy định, chữ “Nguyệt” và chữ “Nam” là những chữ có tần số xuất hiện lớn nhất, hầu như trên tất cả các bia đã phát hiện. Văn phong thời Trần “lưu loát, chỉnh tề, đã giống khẩu khí người nhà Tống...” (Lê Quý Đôn). Tuy một số bia vẫn còn giữ phong cách như của thời Lí, nhưng nhìn chung các bài kí đã chuyển mạnh sang lối tản văn, ngày càng đơn giản, pha trộn cách diễn đạt của ngôn ngữ tiếng Việt, được sử dụng chủ yếu trên các bia làng xã. Điển cố ít được sử dụng và mang màu sắc Nho giáo. Trên đây là một số đặc điểm hình thức và văn bản của bia kí thời Lý - Trần. Chúng được rút ra từ những bia kí đã được phát hiện và nghiên cứu. Đồng thời chúng cũng là những tiêu chí để nhận biết và phát hiện bia kí của thời kỳ này. Ngoài ra, nội dung với những thông tin quý báu mà bia kí Lý - Trần cung cấp cũng góp phần vào việc xác định tính chân xác của loại hình hiện vật này. Xin được đề cập tới vấn đề này trong một dịp khác. Chú thích: 1. Chúng tôi không tính tới 3 thác bản trong kho tư liệu của viện Hán Nôm sau đây: - Bia “Trăn Tân từ tích”, địa danh trong bia và nội dung văn bia cho thấy đây không phải là bia thời Lí. - Bia “A Nậu tự tam bảo điền bi”, về nghệ thuật trang trí, địa danh, cách ghi niên đại đều cho thấy đây không phải là bia thời Trần. Niên đại là giả. - Bia “Sùng Hưng tự bi”, phong cách tráng trí, chữ kiêng húy không có những đặc điểm của thời Trần. Niên địa có thể là giả. TƯ LIỆU THAM KHẢO Đinh Khắc Thuân và Tống Trung Tín, 1991, Về tấm bia đá thời Trần ở chùa Thiệu Long (Hà Nội), Tạp chí Khảo cổ học, số 2, Hà Nội. Lê Quý Đôn Toàn tập, 1977, Hà Nội. Lê Thị Liên, 1989, Những tấm bia đá thời Trần ở núi Non Nước (Ninh Bình), Luận văn tốt nghiệp Khoa sử, trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội. Lê Thị Liên và Tống Trung Tín, 1991, Bia Cổ Việt thôn Diên Phúc Tự bi minh (Hải Hưng), Tạp chí Khảo cổ học, Hà Nội. Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.180-186 )
|