Ở nơi địa đầu đất nước, thị trấn Phó Bảng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) nằm yên bình giữa muôn trùng đá núi quanh năm mây phủ.
Đã hơn 9 giờ sáng vậy mà cả thị trấn vẫn bình yên, tĩnh lặng đến lạ lùng. Đón chúng tôi là những cụ ông, cụ bà đang ngồi trò chuyện bên bếp lửa. Câu chuyện của họ cũng thật nhỏ nhẹ, kín đáo, chìm trong không gian trầm mặc.
|
Đường phố thị trấn Phó Bảng. (ảnh: báo Ảnh Việt Nam) | Ngồi trong những ngôi nhà trình tường đã nhuốm màu thời gian, chúng tôi có cảm giác như thời gian đang chậm trôi để nhường chỗ cho tâm hồn thư thái, ngắm nghía những hàng rào đá in dấu bàn tay tài hoa, cần mẫn của biết bao thế hệ, những bó ngô vàng khô treo lủng lẳng trên xà nhà, nghe tiếng trò chuyện của người dân địa phương...
Từ Phó Bảng nhìn về phía xa xa, ngọn núi xanh mờ bao quanh thị trấn, dải mây như chiếc khăn quàng vắt ngang đỉnh núi trở thành tấm lá chắn như muốn cách biệt cuộc sống nơi đây và thế giới xung quanh.
Phó Bảng tập trung chủ yếu là người Hoa, người Mông sinh sống với hơn 400 nhân khẩu. Sự cộng cư về mặt văn hóa ấy làm nên một nét rất riêng ở Phó Bảng. Cư dân đều làm nương rẫy, buôn bán lặt vặt, thích lối sống bình yên. Chúng tôi lang thang khắp thị trấn và đếm được gần 100 nóc nhà chạy dọc theo con đường nhựa. Hầu như trước cửa nhà nào cũng có dán đôi câu đối viết bằng chữ Hán đã ngả màu xưa cũ. Hai bên đường chỉ lơ thơ mấy hàng quán, thỉnh thoảng mới bắt gặp vài phụ nữ ngồi trước hiên nhà nhặt rau, chẻ củi hay lúi húi may vá, thêu thùa. Tự may thêu cho mình bộ trang phục cổ truyền là một nét đặc trưng của phụ nữ ở cái thị trấn nhỏ bé này. Các cháu gái từ nhỏ đã được bà, mẹ dạy học may thêu. Lớn lên cũng với tài sắc ấy, về làm dâu nhà chồng rồi truyền lại cho con gái, cứ tiếp nối đời này sang đời khác.
Không ít du khách gọi Phó Bảng là thị trấn ngủ quên, rồi thị trấn bị lãng quên, nhưng kỳ thực, giữa những vách đá tai mèo nhọn hoắt, những cơn mưa mùa chợt đến, chợt đi, thiên nhiên khắc nghiệt đã làm cho cuộc sống người dân nơi đây trở nên tĩnh lặng, gói gọn trên nương ngô, nương lúa, nép mình bên các hốc đá trên triền núi cao.
Phó Bảng cũng có lúc đông vui, nhộn nhịp, đó là những ngày phiên chợ. Ông Lý Sùi Chín, người Hoa, ở khu 2 cho biết, Phó Bảng họp chợ mỗi tuần một lần, phiên chợ được tính theo lịch lùi (nếu tuần này là thứ bảy thì tuần sau là thứ sáu, tuần sau nữa là thứ năm). Phiên chợ là ngày mà Phó Bảng đông vui nhất bởi người dân quanh vùng đem nông thổ sản xuống chợ, người mua, kẻ bán nhộn nhịp, quang cảnh tấp nập kéo dài đến trưa.
Khách phương xa một lần đến Phó Bảng là một lần được tự cho mình sống chậm lại, để tâm hồn mình nhẹ nhàng, thư thái. Chuyến du lịch khám phá thị trấn đậm nét hoang sơ này thực sự là một hành trình thú vị. Để rồi, dư âm của cuộc hành trình ấy sẽ còn theo du khách về tận miền xuôi.../.
|