Mùa xuân về trên cù lao Ông Hổ

Thứ Tư, 10/02/2010 08:11

Về cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên-An Giang), chiếc phà Ô Môi vừa cập bến, hình ảnh một cù lao xanh biếc, những con đường nhựa thẳng tắp hiện ra trước mắt. Cù lao Ông Hổ - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng hiện giờ đang khoác lên mình chiếc áo mới, thể hiện sự thịnh vượng, sung túc của xứ cù lao nằm giữa sông Hậu.

 Đền thờ Bác Tôn trong khu lưu niệm ở Mỹ Hòa Hưng.

Truyền thuyết về cù lao Ông Hổ

Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, từ những thế kỷ đầu Công nguyên, những con người ở đây đã sáng tạo ra nền văn minh Ốc Eo - Ba Thê. vùng đất này là một khu rừng rậm rạp, nhiều muông thú. Vào thời khẩn hoang, những đoàn người đi mở đất từ phía Long Xuyên đã chặt cây rừng kết bè vượt sông Hậu sang khai phá rừng hoang làm ăn. Họ vào rừng đốn củi, săn bắt, xuống sông đánh cá, dựng nhà, lấn rừng lập làng. Một năm kia, nước sông Hậu dâng lên cuồn cuộn gây lũ lớn, nhấn chìm dải cù lao. Con người và muông thú phải vật lộn trong dòng lũ để bảo toàn mạng sống. Một gia đình nông dân trong lúc chống xuồng tránh lũ đã phát hiện một chú hổ con bị kiệt sức, sắp chết đuối. Họ vớt hổ con lên xuồng đưa về nhà chăm sóc, cho ăn ở cùng với người. Trong tình thương yêu của con người, loài mãnh thú cũng trở nên hiền hòa, thân thiện. Gia đình nông dân ấy có một cô con gái mù. Đáp lại ơn cứu mạng, nuôi dưỡng, hổ thường vào rừng săn bắt muông thú về cho gia chủ. Hằng ngày, khi bố mẹ vào rừng làm rẫy, hổ cho cô bé mù cưỡi lên lưng đưa cô đi theo. Người và hổ thân thiết như đôi bạn tri kỷ. Đến khi vợ chồng bác nông dân mất đi, hổ bỏ nhà và chuyển vào mé rừng rậm trên cù lao để sống. Cứ mỗi lần giỗ vợ chồng anh nông dân, hổ lại tha khi thì con heo rừng, lúc là con hoẵng về đặt trước phần mộ của ông bà chủ rồi bỏ đi.

Dân làng thấy hổ ăn ở có tình có nghĩa chẳng khác gì con người, khi hổ chết đã lập miếu thờ, gọi là miếu thờ Ông Hổ. Cái tên cù lao Ông Hổ cũng ra đời từ đó. Truyền thuyết ấy truyền một thông điệp cho thế hệ mai sau về tinh thần lao động, ý chí vượt khó của cha ông, đề cao cái tình, cái nghĩa ở đời. Tình nghĩa là gốc tạo nên sức mạnh đoàn kết, nhân ái.

Sức sống mới

Để chứng minh lời mình, chú Đỗ Văn Trư (Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Mỹ Hòa Hưng) đưa chúng tôi về ấp Mỹ An 2 trung tâm cù lao Ông Hổ. Nơi đây, ngày xưa sản xuất kém phát triển, đời sống khó khăn, nhưng giờ đã xuất hiện những mô hình sản xuất hiệu quả: vườn cây ăn trái, rau an toàn, nuôi cá tra basa đăng quằng xuất khẩu... cho thu nhập rất cao. Chính sự phát triển kinh tế hộ gia đình đã làm cho bộ mặt nông thôn ở đây thay đổi toàn diện. Giờ đây, chuyện nông dân thu nhập 100 triệu đồng/năm không còn là chuyện hiếm. Toàn ấp có 804 hộ thì đã có 80% hộ được công nhận gia đình văn hóa. Anh Lê Văn Lắm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng phấn khởi cho biết thêm: "Trong 2 năm qua, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, toàn xã đã thực hiện 21 công trình xây dựng cơ bản trị giá trên 18 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 857 triệu đồng. Những công trình này giúp cho cơ sở hạ tầng cù lao ngày một hoàn thiện hơn, tạo điều kiện phát triển mọi mặt đời sống của nhân dân, tạo động lực để xây dựng quê hương". Còn chú Đỗ Văn Trư nhớ lại: "Chỉ 15 năm trước, khi lên khỏi bến phà Ô Môi là đụng phải những con đường sinh lầy, đi lại khó khăn. Đêm đến cả cù lao tối om vì không có điện. Còn giờ đường nhựa thẳng tắp, xe 4 bánh có thể đi về các ấp. Bà con hăng hái lao động giúp nhau thoát nghèo làm cho vùng đất này ngày một trù phú". Ngoài ra, bà con Mỹ Hòa Hưng còn biết, khai thác tiềm năng du lịch để kinh doanh du lịch "khách cùng ở với chủ nhà" (homestay). Khách có nhu cầu tham quan quê hương Bác Tôn, cứ đặt tour du lịch sẽ được công ty du lịch đưa đến các nhà đã ký hợp đồng với công ty trên cù lao để cùng sinh hoạt và tham quan với giá tour homestay rẻ nhất thế giới, chỉ có 20.000 đồng cho một ngày đêm. Đến nay, toàn xã có một nhà du lịch cộng đồng, 3 ngôi nhà do công ty du lịch lữ hành An Giang đầu tư và 11 ngôi nhà sàn của bà con sẵn sàng phục vụ du lịch nghỉ dưỡng cùng nhiều vườn trái cây sinh thái.

 Ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được xây dựng vào năm 1887.

Chung tay xây dựng cù lao

Người dân sống trên quê hương Bác Tôn ai cũng tự hào và ý thức được trách nhiệm cùng xây dựng quê hương. Khi đời sống kinh tế ổn định, bà con đã chăm lo phát triển các mặt văn hóa khác. Trong đó việc xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa được xem là một phần trong việc xây dựng quê hương Bác Tôn. Sau nhiều năm, phát động xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, đến nay Mỹ Hòa Hưng có 3.522 gia đình văn hóa, 8 ấp văn hóa và 1 ấp tiên tiến, đồng thời nhiều năm liền Mỹ Hòa Hưng giữ vững danh hiệu xã văn hóa. Kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, người dân tại cù lao Ông Hổ tích cực đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Trong đó, việc giúp nhau thoát nghèo, tương trợ nhau trong hoàn cảnh khó khăn luôn được bà con trên cù lao thực hiện rất tốt. Như mô hình bồ lúa tình thương do chú Nguyễn Văn Thương (ấp Mỹ An 2) và nhiều bậc cao niên khác trong xã vận động hình thành để giúp người nghèo. Mô hình này đã được duy trì 10 năm nay là hình ảnh tiêu biểu cho tình người trên cù lao Ông Hổ. Chú Lê Minh Đức ở ấp Mỹ An 1 cho biết: "Bồ lúa lúc nào cũng được các mạnh thường quân đóng góp duy trì từ 200 - 300 giạ lúa để giúp những hộ nghèo trong vùng. Nhờ đó mà nhiều hộ bị mất mùa, thiếu ăn qua khỏi giai đoạn khó khăn".

Hằng năm, trung tuần tháng tám, người dân Mỹ Hòa Hưng tổ chức kỷ niệm ngày sinh Bác Tôn. Mỗi người dân trên cù lao Ông Hổ đều tự hào và có cách riêng để tri ân công lao của Bác Tôn đóng góp cho quê hương, đất nước. Chú Nguyễn Văn Thương, ấp Mỹ An 2 cho biết: "Bà con trên đất cù lao này rất vinh dự là những người con của quê hương Bác Tôn. Chúng tôi phải sống thế nào cho xứng đáng với vinh dự đó. Hằng năm, gia đình tôi đều tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Người thật trang trọng và tiết kiệm như lời dạy của Người như làm cổng hoa, treo cờ, để cùng chính quyền tổ chức ngày sinh Người thật ý nghĩa". Còn anh Tôn Thiện Tâm (cháu đời thứ tư của Bác Tôn) Phó trưởng BQL Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng cho biết: "Năm ngoái, kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Tôn, tỉnh An Giang đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để thực hiện 20 hạng mục công trình trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trong đó có mô hình nhà làm việc của Bác Tôn tại chiến khu Việt Bắc, mang chiếc chuyên cơ YAK-40 đã chở Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn để chủ trì đại lễ mừng chiến thắng Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, từ sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) về cù lao Ông Hổ, phục chế chiếc canô và xe hơi của Bác Tôn, trùng tu sửa chữa nhà trưng bày, xây dựng nhà nghỉ mát phục vụ khách tham quan, xây dựng hàng rào... Các công trình này đã giúp người dân khi đến tham quan khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng sẽ hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người. Đồng thời, nơi đây sẽ trở thành một điểm tham quan du lịch và giáo dục truyền thống hết sức ý nghĩa đối với thế hệ mai sau".

Bài, ảnh: Phương Nghi

Chia sẻ:
Xem theo ngày