Kiên Giang
Kiên Giang
|
||||
---|---|---|---|---|
Tỉnh | ||||
Bến cá Ba Hòn, Kiên Lương |
||||
Địa lý | ||||
Tọa độ: 9°50′11″N 105°07′32″E / 9.836273°B 105.125427°Đ | ||||
Diện tích | 6.348,5 km²[1] | |||
Dân số 2011 | ||||
Tổng cộng | 1.714.100 người[1] | |||
Thành thị | 27.2% | |||
Nông thôn | 72.8% | |||
Mật độ | 270 người/km² | |||
Dân tộc | Việt, Khmer, Hoa | |||
|
||||
Hành chính | ||||
Quốc gia | Việt Nam | |||
Vùng | Đồng bằng sông Cửu Long | |||
Tỉnh lỵ | Thành phố Rạch Giá | |||
Thành lập | 2005 | |||
Chính quyền | ||||
Chủ tịch UBND | Lê Văn Thi | |||
Chủ tịch HĐND | Nguyễn Thanh Sơn | |||
Bí thư Tỉnh ủy | Nguyễn Thanh Sơn | |||
Đại biểu quốc hội | 9 | |||
Phân chia hành chính | 1 thành phố, 1 thị xã, 13 huyện | |||
Mã hành chính | VN-47 | |||
Mã bưu chính | 92xxxx | |||
Mã điện thoại | 77 | |||
Biển số xe | 68 | |||
Web: Tỉnh Kiên Giang |
Tọa độ: 9°50′11″N 105°07′32″E / 9.836273°B 105.125427°Đ
Kiên Giang là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam. Trung tâm tỉnh là thành phố Rạch Giá, cách thành phố Hồ Chí Minh 250 km về phía Tây. Kiên Giang tiếp giáp Campuchia ở phía Bắc với đường biên giới dài 54 km và vịnh Thái Lan ở phía Tây có đường bờ biển dài hơn 200 km. Ngoài ra Kiên Giang có hơn 100 đảo lớn nhỏ ngoài biển.
Kiên Giang nằm ven biển thuộc phía Tây Nam của Việt Nam, là vùng đất thuộc trấn Hà Tiên cũ do Mạc Cửu khai phá vào thế kỷ XVII[2]. Đầu thế kỷ XVIII, Mạc Cửu được chúa Nguyễn thuần phục. Thời vua Minh Mạng, Hà Tiên là 1 trong 6 tỉnh Nam Kỳ. Sau năm 1975 thành lập tỉnh Kiên Giang cho đến ngày nay[2].
Kiên Giang được nhiều người biết đến là vùng đất văn hoá và du lịch nổi tiếng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là quê hương của thi sĩ Đông Hồ, là nơi phát tích của Tao Đàn Chiêu Anh Các vang bóng một thời. Cảnh đẹp của Kiên Giang ngày xưa từng được ca ngợi qua "Hà Tiên thập vịnh"[3]. Đến ngày nai Kiên Giang được nhiều người biết đến qua danh thắng du lịch nổi tiếng là Hòn Phụ Tử và đảo Phú Quốc. Ngoài ra, Kiên Giang còn có tiềm năng kinh tế với nguồn lợi vô cùng to lớn về thuỷ sản. Tỉnh lỵ của Kiên Giang là Thành phố Rạch Giá, một thành phố biển duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Kiên Giang có vị trí chiến lược quan trong, nằm trong vùng vịnh Thái Lan, gần với các nước thuộc Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapo, Chính vì vậy Kiên Giang có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, đồng thời đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với bên ngoài[4].
Mục lục |
[sửa] Vị trí địa lý
Kiên Giang nằm tận cùng phía tây nam của Việt Nam, trong đó lãnh thổ bao gồm đất liền và hải đảo. Phần đất liền nằm trong tọa độ từ 9°23'50 - 10°32'30 vĩ Bắc và từ 104°26'40 - 105°32'40 kinh Đông. Phía Bắc giáp Campuchia, đường biên giới dài 56,8 km[5], phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, phía Tây giáp vịnh Thái Lan với đường bờ biển dài 200 km, phía Đông lần lượt tiếp giáp với các tỉnh là An Giang, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Phần hải đảo nằm trong vịnh Thái Lan bao gồm hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc và xa nhất là quần đảo Thổ Chu, tập trung thành 5 quần đảo là quần đảo Hải Tặc, quần đảo Bà Lụa, quần đảo An Thới, quần đảo Nam Du và quần đảo Thổ Chu. Điểm cực Bắc thuộc địa phận xã Tân Khánh Hoà, huyện Giang Thành. Cực Nam nằm ở xã Vinh Phong, huyện Vĩnh Thuận. Cực Tây tại xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên và điểm cực Đông nằm ở xã Hoà Lợi thuộc địa phận huyện Giồng Riềng[5].
[sửa] Điều kiện tự nhiên
Kiên Giang có đủ các dạng địa hình từ đồng bằng, núi rừng và biển đảo. Trong đó, phần đất liền có địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ đông bắc xuống tây nam. Do nằm ở vĩ độ thấp và giáp biển nên Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm nhiệt độ trung bình hàng tháng từ 27 – 27,50C. Kiên Giang không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lượng nước mưa do bão chiếm một tỷ trọng đáng kể, nhất là vào cuối mùa mưa. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.600 – 2.000 mm ở đất liền và 2.400 – 2.800 mm ở vùng đảo Phú Quốc[6]. Khí hậu Kiên Giang rất ít thiên tai, không rét, không có bão đổ bộ trực tiếp, ánh sáng và nhiệt lượng dồi dào, nên rất thuận lợi cho nhiều loại cây trồng và vật nuôi sinh trưởng[7].
Kiên Giang có 4 vùng đất đai chính là vùng phù sa ngọt thuộc tây sông Hậu, vùng phèn ngập lũ thuộc tứ giác Long Xuyên, vùng nhiễm mặn thuộc bán đảo Cà Mau và vùng đồi núi, hải đảo ở hai huyện Phú Quốc và Kiên Hải. Trong đó, Đất nông nghiệp, chiếm 64,2% diện tích tự nhiên, đất rừng chiếm 122,8 nghìn ha, đất chuyên dùng 35,4 nghìn ha, đất ở 10,1 nghìn ha. Ngoài ra tỉnh còn có trên 70 nghìn ha đất hoang hoá và sản xuất chưa ổn định với hơn 25 nghìn ha vườn tạp. Rừng tại Kiên Giang rất ít, chủ yếu là rừng phòng hộ[4]. Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng khoáng sản tương đối lớn mặc dù đang ở mức thăm dò, nghiên cứu nhưng bước đầu đã xác định được 152 điểm quặng và 23 mỏ khoáng sản các loại khác. Trữ lượng đá vôi toàn tỉnh hiện có 440 triệu tấn, có khả năng khai thác 342 triệu tấn, trong đó trữ lượng khai thác công nghiệp là 235 triệu tấn, đủ nguyên liệu để sản xuất 4,6 triệu tấn clinker/năm trong suốt 40 năm. Than bùn, ước tính còn khoảng 150 triệu tấn[4].
Nền nông nghiệp của Kiên Giang là nông nghiệp trồng lúa nước. Đất canh tác không tập trung nhưng phần lớn phân bố ở ven các trung tâm huyện. Trên Quốc lộ 61 có một vùng trồng lúa ven nội ô huyện Giồng Riềng ngoài ra còn có đất canh tác của các gia đình nằm sâu trong những xóm nhỏ. Xen kẽ với việc trồng lúa nước là các loại hoa màu và một số cây có giá trị công nghiệp cao như dừa, khóm...
Kiên Giang là tỉnh có nghề đánh bắt hải sản phát triển. Với bờ biển dài trên 200 km, có diện tích biển khoảng 63.000 km2, Kiên Giang tiềm năng rất phong phú để phát triển kinh tế biển. Đây là một lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế hơn hẳn so với nhiều tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nước mắm Phú Quốc là một thương hiệu nước mắm nổi tiếng không những trong phạm vi cả nước mà còn trên bình diện quốc tế.
[sửa] Lịch sử
Năm 1757, Kiên Giang được biết là một đạo ở vùng Rạch Giá thuộc Trấn Hà Tiên do Mạc Thiên Tích thành lập. Đến năm 1808, đạo Kiên Giang được đổi thành huyện Kiên Giang. Triều Minh Mạng, Kiên Giang thuộc phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên. Từ ngày 15 tháng 6 năm 1867, đổi thành hạt Thanh tra Kiên Giang. Ngày 16 tháng 8 năm 1967, đổi tên thành hạt Kiên Giang, thuộc tỉnh Rạch Giá[8].
Năm 1956, theo Sắc lệnh số 143-NV, tỉnh Hà Tiên bị bãi bỏ và 4 quận là Châu Thành, Hòn Chông, Giang Thành, Phú Quốc được sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá để thành lập tỉnh Kiên Giang. Đến tháng 5 năm 1965, tỉnh Hà Tiên được tái lập lại.
Năm 1957, theo Nghị định số 281-BNV/HC/NĐ, tỉnh Kiên Giang gồm 6 quận là Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Hà Tiên, Phú Quốc. Ngày 27 tháng 12 năm 1957, Nghị định số 368-BNV/HC/NĐ bổ túc Nghị định số 281-BNV/HC/NĐ ấn định các đơn vị hành chánh tỉnh Kiên Giang. Quận Kiên An gồm thêm xã Vĩnh Tuy.
Ngày 13 tháng 6 năm 1958, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành ban hành Nghị định 314-BNV/HC/NĐ về việc sửa đổi đơn vị hành chính tỉnh Kiên Giang. Trong đó quận Kiên Bình được tách thành quận Kiên Bình và Kiên Hưng. Năm 1958, tỉnh Kiên Giang có 7 quận và 7 tổng, theo niên giám Hành chính 1971 của Việt Nam Cộng hòa thì tỉnh Kiên Giang gồm 7 quận là Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Kiên Lưng, Hà Tiên, Phú Quốc gồm 42 xã và 247 ấp. Năm 1973, tỉnh Kiên Giang có 8 quận là Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Kiên Lương, Hà Tiên, Phú Quốc, Hiếu Lễ. Tháng 1 năm 1964 chính quyền Sài Gòn lập huyện Vĩnh Thuận, thuộc tỉnh Kiên Giang.
Ngày 20 tháng 11 năm 1970, chính quyền Sài Gòn tái lập thị xã Rạch Giá, là tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang. Sau 30 tháng 04 năm 1975, thị xã Rạch Giá giữ vai trò là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang gồm có 4 phường và 6 xã.
Sau 30 tháng 04 năm 1975, Huyện Phú Quốc, Hà Tiên, Giồng Riềng, Tân Hiệp[9], Gò Quao và Châu Thành trở thành huyện tỉnh Kiên Giang. Ngày 03 tháng 06 năm 1978, tách 3 xã Nam Thái Hoà, Mỹ Lâm, Sóc Sơn hợp với xã Bình Sơn tách từ huyện Hà Tiên để thành lập huyện Hòn Đất. Ngày 14 tháng 1 năm 1983, Hội đồng Bộ Trưởng ban hành Quyết định 4-HĐBT[10], Thành lập huyện Kiên Hải.
Ngày 13 tháng 1 năm 1986, Hội đồng Bộ Trưởng đưa Quyết định số 7/HĐBT, chia huyện An Biên thuộc tỉnh Kiên Giang thành hai huyện lấy tên là huyện An Biên và huyện An Minh[11]. Ngày 26 tháng 07 năm 2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 97/2005/NĐ-CP[12], nâng cấp thị xã Rạch Giá lên thành phố Rạch Giá, thuộc tỉnh Kiên Giang. Ngày 21 tháng 04 năm 1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 28/1999/NĐ - CP[13], đổi tên huyện Hà Tiên thành huyện Kiên Lương thuộc tỉnh Kiên Giang.
Ngày 06 tháng 04 năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2007/NĐ-CP[14] về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện, trong đó thành lập huyện U Minh Thượng và thành lập xã thuộc các huyện Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang
Ngày 29 tháng 06 năm 2009, Chính phù ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP, Điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường, thuộc các huyện, Kiên Lương, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, thành lập xã thuộc thị xã Hà Tiên, đồng thời điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kiên Lương để thành lập huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang[15].
[sửa] Các đơn vị hành chính
Kiên Giang được chia thành 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện, tổng cộng có 145 đơn vị cấp xã gồm 12 thị trấn, 15 phường và 118 xã trực thuộc[16]:
Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc Tỉnh Kiên Giang | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
|
[sửa] Kinh tế
Năm 2012 Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,81%, mục tiêu đề ra là 12,5% xếp hạng thứ 3 trong các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau Hậu Giang với 14,13%, Bạc Liêu đạt 12,57%, GDP bình quân đầu người năm 2012 là 2026 USD/người/năm, sản lượng lương thực của tỉnh đạt 4,28 triệu tấn cao nhất từ trước đến nay và là năm thứ 2 đứng đầu cả nước về sản lượng lương thực[17], trong đó sản lượng lúa đạt 4.287.175 tấn, tăng 366.026 tấn so cùng kỳ, đây là năm sản lượng lương thực đạt cao nhất từ trước đến nay[18]. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước 548.182 tấn, đạt 100,95% kế hoạch, tăng 8,24%, trong đó sản lượng khai thác 421.201 tấn, đạt 100,29% kế hoạch và tăng 6,11%, sản lượng nuôi trồng thủy sản 126.981 tấn, đạt 103,24% kế hoạch và tăng 15,96% so với năm 2011[18].
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 ước đạt 16.055,3 tỷ đồng, đạt 99,11% kế hoạch, tăng 10,01% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước 41.710 tỷ đồng, tăng 18,02% cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 620 triệu USD. Trong đó, hàng nông sản 438 triệu USD và hàng hải sản đạt 157 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu ước 35 triệu USD. Tình hình đầu tư và hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được đẩy mạnh thực hiện, thu hút có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển của tỉnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước 24.406,9 tỷ đồng, Vốn ngân sách do địa phương quản lý giá trị khối lượng hoàn thành ước thực hiện 3.269 tỷ đồng, giải ngân 3.214 tỷ đồng[18].
Tổng thu ngân sách nhà nước ước 4.406 tỷ đồng, đạt 97,9% dự toán điều chỉnh. Tổng chi ngân sách ước 8.357 tỷ đồng, đạt 105,4% dự toán điều chỉnh, trong đó chi đầu tư phát triển 2.742 tỷ đồng chưa kể nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, chi thường xuyên 4.558,8 tỷ đồng. Hoạt động ngân hàng, nguồn vốn hoạt động tiếp tục tăng trưởng 14,28%, huy động vốn tại địa phương tăng 20,59% so với năm 2011, đảm bảo vốn tín dụng cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương. Doanh số cho vay ước đạt 49.950 tỷ đồng tăng 8,8% so năm trước, dư nợ cho vay là 25.650 tỷ đồng tăng 6,39% so năm trước, tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng tăng 6,3% so với tháng 12 năm 2011, ước CPI tháng 12 năm 2012 so với tháng 12 năm 2011 tăng 6,5-7,5%, thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước (8%)[18].
[sửa] Giao thông
Lịch sử phát triển dân số |
||||||||||||||||
Năm | Dân số | |||||||||||||||
1995 | 1.392.000 | |||||||||||||||
1996 | 1.422.300 | |||||||||||||||
1997 | 1.452.900 | |||||||||||||||
1998 | 1.480.300 | |||||||||||||||
1999 | 1.504.200 | |||||||||||||||
2000 | 1.522.700 | |||||||||||||||
2001 | 1.540.900 | |||||||||||||||
2002 | 1.559.600 | |||||||||||||||
2003 | 1.578.900 | |||||||||||||||
2004 | 1.599.100 | |||||||||||||||
2005 | 1.619.800 | |||||||||||||||
2006 | 1.637.800 | |||||||||||||||
2007 | 1.654.900 | |||||||||||||||
2008 | 1.672.300 | |||||||||||||||
2009 | 1.688.500 | |||||||||||||||
2010 | 1.699.700 | |||||||||||||||
2011 | 1.714.100 | |||||||||||||||
Nguồn:[19] |
Kiên Giang nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km đường bộ về phía tây nam, hệ thống giao thông ở tỉnh tương đối thuận tiện, bao gồm đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không. Trong đó, Hệ thống giao thông đường bộ không ngừng phát triển. Giao thông nội bộ các thành phố, thị xã được nâng cấp và tráng nhựa. Các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh là Quốc lộ 80, Quốc lộ 61, Quốc lộ 63 và Tỉnh lộ 11...Mạng lưới giao thông đường thuỷ của tỉnh cũng tương đối hoàn chỉnh. Về giao thông vận tải theo đường hàng không thì Kiên Giang có Sân bay Rạch Giá và Sân bay Phú Quốc, rất thuận lợi về việc lưu thông trong tỉnh và trong nước.
[sửa] Dân số
Tính đến năm 2011, dân số toàn tỉnh Kiên Giang đạt gần 1.714.100 người, mật độ dân số đạt 270 người/km²[20] Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 466.100 người[21], dân số sống tại nông thông đạt 1.248.000 người[22]. Dân số nam đạt 861.600 người[23], trong khi đó nữ đạt 852.500 người[24]. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 10,8 ‰[25]
Về dân tộc và tôn giáo, Kiên Giang là địa bàn cư trú của hơn 15 dân tộc khác nhau. Trong đó, người Kinh chiếm khoảng 85,5%, Người Khmer chiếm khoảng 12,2% dân số tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Gò Quao. Người Hoa chiếm khoảng 2,2% dân số sinh sống ở thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành. Còn lại là một số dân tộc khác như: Chăm, Tày, Mường, Nùng.... Về tôn giáo, theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, trên địa bàn tỉnh có 489.609 người theo tôn giáo, chiếm khoảng 32,7% tổng số dân, trong đó Phật giáo chiếm 25%, Công giáo chiếm 5,7%, còn lại là các tôn giáo khác như Cao Đài, Hoà Hảo, Hồi giáo.....
[sửa] Văn hóa xã hội
Kiên Giang nằm tận cùng về phía tây nam của Việt Nam, nơi giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền cả nước, bản sắc văn hoá tỉnh nhà cũng vì thế mà rất phong phú, đa dạng, thể hiện qua các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, ẩm thực, lễ hội, làng nghề truyền thống ... Văn hóa ẩm thực ở đây cũng rất phong phú, đa dạng với hàng trăm món ăn các loại với các đặc sản như Cá nhồng, Nước mắm Phú Quốc, Cháo môn, Sò huyết Hà Tiên, Bún cá Kiên Giang...
Hằng năm trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội, nhưng đặc sắc nhất là lễ hội anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực diễn ra vào tháng tháng Tám âm lịch thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia. các làng nghề truyền thống rất đặc sắc như đan đệm bàng, dệt chiếu Tà Niên, nắn nồi Hòn Đất, làm hàng thủ công mỹ nghệ bằng đồi mồi, làm huyền phách ở Hà Tiên…
Du lịch Kiên giang tiềm tàng nhiều tài năng chưa được khai thác hoặc khai thác chưa đúng mức.
- Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu DTSQ Kiên Giang chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái như rừng tràm trên đất ngập nước, rừng trên núi đá, hệ sinh thái biển mà trong đó tiêu biểu là thảm cỏ biển gắn liền với loài động vật quý hiếm là bò biển. Khu DTSQ Kiên Giang trùm lên địa phận các huyện Phú Quốc, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải, có ba vùng lõi thuộc các Vườn quốc gia U Minh Thượng, VQG Phú Quốc, và Rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương - Kiên Hải.
- Thắng cảnh chùa Hang (Kiên Lương) với hòn Phụ Tử nổi tiếng. Tháng 8 năm 2006, một bên của hòn Phụ Tử (hòn Phụ) đã bị đổ xuống biển. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do những tác động tự nhiên của gió, sóng và nước biển. Hiện nay các ngành chức năng ở địa phương đang họp bàn về cách phục dựng.
- Thạch Động: Cách biên giới Campuchia chưa được 3 km đường chim bay, từ xa hình giống như nón của người lính kỵ binh Anh thời xưa. Được hình thành từ đá vôi bị xâm thực, bên trong Thạch Động đủ rộng để du khách có thể viếng chùa, ngắm nhìn biên giới bên tay gió biển thổi lộng vào (xem thêm Hà Tiên thập vịnh).
- Đảo Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam, là hòn đảo ngọc hiện đang được chú ý bởi những ai thích vẻ hoang sơ của nó. Hiện nay tốc độ tăng trưởng du lịch của Phú Quốc được coi như là cao nhất với mức tăng luôn từ 100% trở lên so với năm trước đó.
[sửa] Biển số xe
|
|
[sửa] Chú thích
- ^ a b “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập 30 tháng 9 năm 2012.
- ^ a b Hà Tiên trở thành một trấn lỵ phồn thịnh từ cuối thế kỷ XVII (Mậu Tý-1708), Website Hà Tiên.
- ^ Hà Tiên cảnh sắc huyền thoại, Website Lịch Sử Việt Nam.
- ^ a b c Tài nguyên khoáng sản và Tài nguyên rừng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- ^ a b Vị trí địa lý và điền kiện tự nhiên của tỉnh Kiên Giang, Vietnam Trade Promotion Agency .
- ^ Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- ^ Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm., Vietnam Trade Promotion Agency.
- ^ Kiên Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Trang tin Sở Nội vụ .
- ^ Huyện Tân Hiệp được thành lập sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 trên cơ sở tách ra từ quận Kiên Thành thời Việt Nam Cộng Hoà
- ^ Quyết định 4-HĐBT năm 1983, Văn bản pháp Luật.
- ^ Quyết định 7-HĐBT năm 1986, Thư viện pháp luật.
- ^ Nghị định về việc thành lập thành phố Rạch Giá, Nghị định Chính Phủ.
- ^ Nghị định 28/1999/NĐ-CP,Nghị Định Chính Phủ.
- ^ Nghị định 58/2007/NĐ-CP, Chính Phủ Việt Nam.
- ^ Nghị quyết 29/NQ-CP, Nghị quyết Chính Phủ.
- ^ “Mã số đơn vị hành chính Việt Nam”. Bộ Thông tin & Truyền thông. Truy cập 10 tháng 4 năm 2012.
- ^ Kết thúc Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Kiên Giang khoá VIII, Website thông tin kinh tế xã hội tỉnh Kiên Giang.
- ^ a b c d Năm 2012 tình hình thời tiết cơ bản thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, Website thông tin kinh tế xã hội tỉnh Kiên Giang.
- ^ Dân số trung bình phân theo địa phương qua các năm, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
- ^ Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
- ^ Dân số thành thị trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
- ^ Dân số nông thôn trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
- ^ Dân số nam trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
- ^ Dân số nữ trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
- ^ Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và tài liệu về: Kiên Giang. |
Các đơn vị hành chính cấp huyện thị trực thuộc tỉnh Kiên Giang-Việt Nam | ||
|