QĐND - Trước khi lên Pà Cò, một địa bàn “điểm” xây dựng mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng” của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, tôi có buổi làm việc với Ban CHQS huyện để nắm thêm tình hình. Thật may, bữa đó lại có cả ông Hà Công Quý, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Mai Châu cũng sang bàn công chuyện với Thượng tá Hà Văn Du, Chính trị viên Ban CHQS huyện. Thật là đúng người đúng việc, không hẹn mà gặp!

Xe ô tô đã vào tận nương rẫy ở Pà Cò để thu mua ngô. Ảnh: Mai Châu

Pà Cò là một trong hai xã người Mông “toàn tòng” của tỉnh Hòa Bình, nằm chót vót trên đỉnh cụm núi đá ở phía Tây Bắc của huyện Mai Châu, tiếp giáp với hai tỉnh Sơn La và Thanh Hóa. Do điều kiện địa hình và đặc điểm dân cư như vậy, nên từ lâu Pà Cò cùng với Hang Kia vừa là những địa bàn đặc biệt khó khăn, vừa là những "điểm nóng" về ma túy, không chỉ của vùng Tây Bắc mà nổi tiếng cả nước. Bởi vậy, Pà Cò và Hang Kia luôn luôn là địa bàn quan tâm đặc biệt của của tỉnh Hòa Bình và Bộ tư lệnh Quân khu 3. Nhiều dự án xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh đã được đầu tư ở Pà Cò và Hang Kia trong nhiều năm qua.

Cách nay hơn chục năm, lần đầu tiên tôi lên Pà Cò, ấy là dịp khánh thành Trạm Y tế quân-dân do Quân khu 3 đầu tư xây dựng và trang bị. Hôm đó cũng vào dịp cuối năm, mưa phùn gió bấc lất phất, mọi ngả đường dẫn về bãi đất trống trước khuôn viên Trạm Y tế quân-dân ở trung tâm xã lép nhép bùn đất. Dân bản địa thì khỏi phải nói, nhất loạt người lớn trẻ con đều lấm lem bùn đỏ từ quần áo đến… đôi chân trần. Khách gần xa về tham quan và dự lễ khánh thành, nhất loạt xe cộ, giày dép cũng… bê bết bùn đỏ. Ai nấy cứ để nguyên quần áo, tay chân, giày dép như vậy mà đi lại, nói cười, vồn vã bắt tay, nghiêm trang làm lễ… Là bởi vì bấy giờ đang giữa mùa khô. Mà mùa khô ở Pà Cò nước hiếm lắm, đàn bà, trẻ con thường phải thức dậy từ lúc gà gáy để đi xếp hàng gùi nước ở cái mó nước hiếm hoi mãi bên kia chân núi, giáp với xã Loóng Luông của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Nghe tôi nhắc lại ấn tượng cũ, ông Hà Công Quý hồ hởi: "Chà chà, thế thì chuyến này đồng chí phải lên Pà Cò mà rửa chân tay cho thoải mái nhé! Từ năm 2010, giai đoạn 2 của Chương trình 135 đã hoàn thiện một loạt công trình nước sạch ở hai xã Hang Kia và Pà Cò. Cuối năm nay hoàn thiện nốt hai công trình nước sạch ở Thung Mài, Thung Ẳng nữa, thì tha hồ mà tắm rửa. Nhưng mà bây giờ lên Hang Kia, Pà Cò có đường ô tô trải nhựa vào tận xã, về các thôn bản thì có đường trải bê tông rồi, không mấp mô trồi sụt, lép nhép bùn đất như hồi trước nữa!

Lại nói chuyện về cái Trạm Y tế quân-dân ấy, mấy năm đầu hoạt động phải có thầy thuốc quân đội kèm cặp, nay thì đội ngũ y, bác sĩ người Mông sở tại đã có thể đảm nhiệm toàn bộ công việc chuyên môn, khai thác và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị hiện đại trong khám, chữa bệnh. Được như vậy là bởi nhiều năm qua, sự nghiệp y tế và giáo dục ở đây đã được chăm lo và có những tiến bộ vượt bậc. Đến nay, hai xã Hang Kia và Pà Cò đã có hai trường tiểu học, hai trường trung học cơ sở và một trường phổ thông dân tộc nội trú. Con em người Mông ở Hang Kia và Pà Cò được học lên cao ngày càng nhiều. Chỉ 5 năm gần đây, cả hai xã đã có 28 cháu được “đi học xa”, đến nay đã có 15 cháu tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và trung cấp y tế về địa phương công tác. Hiện tại còn 10 cháu đang theo học đại học và cao đẳng ở Hà Nội và TP Hòa Bình…

Nghe chúng tôi nói chuyện học hành, thi cử ở Hang Kia và Pà Cò, Thiếu tá Sùng A Chua, Trợ lý quân khí của Ban CHQS huyện hào hứng khoe: Chỉ nói riêng kỳ thi đại học và cao đẳng hồi tháng 7 vừa qua, riêng bản Pà Cò Lớn của anh đã có hai cháu đỗ vào hai trường đại học khá nổi tiếng. Đó là cháu trai Sùng A Ri, thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và cháu gái Sùng Ý Pằng Rê, thi đỗ Trường Đại học Y Thái Nguyên...

Thiếu tá Sùng A Chua là người Mông, quê ở Pà Cò. Bản thân anh cũng là một minh chứng sinh động cho hiệu quả của chủ trương tạo nguồn cơ sở do Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Còn nhớ ngày ấy, khi dẫn chúng tôi đến thăm lớp tân binh đang dự khóa tạo nguồn tại trường quân sự tỉnh, cố Thiếu tướng Bùi Thanh Điếm-nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình-nói rằng, đây sẽ là những “già làng, trưởng bản” tương lai của các địa bàn vùng sâu, vùng cao. Quả thật, nhiều người trong số họ sau khi được đào tạo, rèn luyện trong môi trường quân đội, hiện nay đang là những cán bộ trụ cột ở các xã, phường trong toàn tỉnh; đặc biệt là những địa bàn khó khăn vùng sâu, vùng cao. Nhiều người tiếp tục con đường binh nghiệp, trở thành cán bộ các cấp trong các đơn vị và cơ quan quân sự địa phương. Riêng ở Ban CHQS huyện Mai Châu này, hiện có nhiều sĩ quan là người Mông ở Hang Kia và Pà Cò như: Trung tá Sùng A Dềnh là Chỉ huy phó về động viên, Thiếu tá Sùng A Chá là Trợ lý tham mưu, Thượng úy Mùa A Sy là Trợ lý chính trị, Thiếu úy Tráng A Xăng là nhân viên tham mưu, Thượng úy Sùng A Phứ hiện đang làm Phó chủ tịch UBND xã Pà Cò…

Xin nói thêm về “anh già làng” đang đeo sao đội mũ Sùng A Phứ, quê ở xã Pà Cò. Sinh năm 1981 nên Sùng A Phứ không may mắn được tham dự các lớp tạo nguồn của Bộ CHQS tỉnh tổ chức vào những năm 90 của thế kỷ trước như thế hệ đàn anh. Nhưng bù lại, tuổi thơ anh được học hành đầy đủ. Năm 2001, anh thi đỗ Học viện Chính trị-Quân sự (nay là Trường Đại học Chính trị) với số điểm khá cao, kết hợp với chính sách ưu tiên tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số. Sau khi tốt nghiệp, anh được điều về công tác ở Sư đoàn dự bị động viên 350, năm sau lại được điều về làm Chính trị viên phó đại đội ở Sư đoàn 395 (Quân khu 3). Cuối năm 2010, Phứ được chuyển về Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình. Sang đầu năm 2011, anh được về Ban CHQS huyện nhà công tác. Tháng 6-2011, Sùng A Phứ được điều động lên Pà Cò làm sĩ quan “cắm bản”, năm sau anh trúng cử HĐND xã Pà Cò khóa 18 và được bầu làm Phó chủ tịch UBND phụ trách văn-xã…

Còn một điều thú vị nữa: Sùng A Phứ là cháu gọi Sùng A Chua là chú ruột. Bởi vậy, khi chúng tôi đề xuất với Ban CHQS huyện của đồng chí Chua đi cùng chúng tôi lên Pà Cò là ai nấy đều hào hứng tán thành. Quả thật, đường lên Pà Cò bây giờ không lầy lội, trồi sụt như ngày nào. Xe chúng tôi bon bon hơn nửa tiếng đồng hồ đã đến trung tâm xã. Khu Trạm Y tế quân-dân năm xưa trơ trọi trên bãi đất hoang, nay đã có thêm trụ sở UBND, văn phòng Đảng ủy, mấy ngôi nhà “cắm bản” của các ban, ngành trên huyện. Hai bên con đường trải nhựa chạy phía trước cổng UBND xã đã xuất hiện những hàng quán đơn sơ bán các thứ nông sản, gia súc… Lại có cả đại lý thu mua ngô, sắn, dong riềng và một khoảnh sân nhà bày bán cây cảnh, hoa rừng nữa. Rõ là trung tâm xã bây giờ đã ra dáng một thị tứ vùng cao, khiến khách miền xuôi có cảm giác tò mò, thích thú…

Tiếp chuyện chúng tôi, cả Chủ tịch UBND xã Sùng A Màng và Xã đội trưởng Sùng A Lư thi nhau khoe về Sùng A Phứ. Tuy được phân công phụ trách khối văn hóa-xã hội, nhưng đồng chí Phứ nêu cao trách nhiệm đảng viên, tham gia tích cực hầu hết các mặt công tác của Đảng ủy và UBND xã. Từ ngày có đồng chí Phứ về chung vai chung sức với lãnh đạo địa phương, phong trào của xã nhà tiến bộ khá đều. Năm 2011, toàn Đảng bộ mới có 7 chi bộ với 98 đảng viên, tức là vẫn còn nhiều xóm, bản “trắng” chi bộ. Hai năm 2012 và 2013, mỗi năm phát triển thêm một chi bộ và gần chục đảng viên. 6 tháng đầu năm 2014, toàn Đảng bộ đã kết nạp thêm 7 đảng viên mới và hiện nay toàn Đảng bộ có 11 chi bộ với 130 đảng viên. Toàn xã hiện nay chỉ còn một chi bộ “ghép” ở bản Pà Cò Con và bản Cang.

Chủ tịch UBND xã Sùng A Màng cho biết thêm: "Về các lĩnh vực văn hóa, thể thao, quốc phòng, an ninh-tức là những lĩnh vực do đồng chí Phứ trực tiếp phụ trách-thì có nhiều cái hay, cái tốt lắm! Ngày xưa ấy à, mỗi kỳ liên hoan, hội thi văn nghệ, thể thao ở cụm xã hay cấp huyện thì Pà Cò đều có tham gia nhưng chẳng mấy khi được giải. Nhưng từ ngày đồng chí Phứ phụ trách, cuộc thi nào Pà Cò mình cũng được giải, bà con thích lắm. Chuyện đồng chí Phứ làm Hội trưởng Hội Khuyến học của xã cũng nhiều việc đáng khen, nó đi hết bản này đến bản khác vận động các cháu bỏ học đến trường. Có trường hợp như Sùng Y Mý ở bản Cang đã lấy vợ, hay Hàng Y Cô cũng ở bản Cang, đã lấy chồng, thế mà nghe lời của Phứ, vẫn cắp sách đi học trở lại. Cái chuyện Phứ vận động bà con giao nộp vũ khí mới tài chứ. Với người Mông thì khẩu súng kíp không chỉ để săn bắn mà còn là người bạn lúc vui buồn. Đưa người chết đi chôn cũng bắn súng, gọi nhau qua vách núi cũng bắn súng, gặp nhau mừng quá cũng bắn súng… Vậy mà nay tục ấy bỏ hẳn, nhiều người lâu nay giấu súng trong nhà không ai biết, cũng tự nguyện giao nộp cho xã… Lại còn chuyện hai đối tượng Hàng A Púa ở bản Pà Cò Con và  Thàng A Chia ở bản Xà Lính trốn lệnh truy nã nhiều năm nay, đồng chí Phứ vận động gia đình thế nào mà năm ngoái, cả hai ra đầu thú, được tòa giảm nhẹ tội cho. Dịp Tết Độc lập vừa rồi, Thàng A Chia đang ở tù, gửi về xã cái thư cảm ơn, mấy lần nhắc tên Sùng A Phứ…".

Được biết, Chủ tịch xã Sùng A Màng trước đây là bộ đội Trung đoàn 2, Sư đoàn 395. Còn Xã đội trưởng Sùng A Lư cũng từng là bộ đội Trung đoàn 584, Sư đoàn 350. Hầu hết cán bộ của xã hiện nay, từ trưởng bản trở lên đều đã từng qua quân ngũ. Tôi nói vui: "Đồng chí Phứ là sĩ quan biệt phái, về đây làm việc với tập thể lãnh đạo xã đều là cựu chiến binh, “chất bộ đội” của xã nhiều thế thì Pà Cò trở thành điểm sáng của mô hình “làng bản văn hóa-quốc phòng” là phải!". Chủ tịch xã hăng hái tán thành:

- Ở Pà Cò còn nhiều cái “chất bộ đội” lắm! Cái Trạm Y tế quân-dân kia là do Quân khu 3 xây tặng từ hơn chục năm trước. Cái cột ăng-ten chót vót kia là của bộ đội Viettel dựng cho bà con mình a-lô mấy năm nay. Bộ đội Viettel còn tặng xã một phòng vi tính có 5 cái máy nối mạng tốc độ cao. Người Mông ở Pà Cò bây giờ đã biết lên mạng đọc cái tin tức và học hỏi cách chăn nuôi, trồng trọt. Đồng chí có muốn lên mạng của Pà Cò không?

Tôi nói với Chủ tịch Sùng A Màng, rằng bây giờ tôi muốn anh dẫn đi thăm mấy mô hình trồng ngô lai, mận tam hoa, chè shan tuyết và những điển hình chăn nuôi bò, lợn bản địa mà tôi đã được nghe dưới tỉnh ngợi khen cái đã. Sáng mai, Chủ tịch xã cho tôi lên mạng để gửi cái bài viết nhiều chuyện hay ở Pà Cò cho Báo Quân đội nhân dân nhé!

Ghi chép của NGUYỄN QUỐC BẢO