Tên thường gọi là đình Hữu Bằng, còn có tên nôm là đình Kẻ Nủa thuộc xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km.
Đình Hữu Bằng toạ lạc ở trên khu đất cao, của đình trông về hướng Tây, phía trước có hồ sen rộng, mùa thu hoa nở đưa nhuỵ hương thơm ngào ngạt vào trong đình. Nhìn tổng thể khu di tích kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm Đại bái và Hậu cung.
Ngôi nhà Đại bái nằm ngang 3 gian 2 dĩ, khoảng cách các gian tương đối rộng. Gian giữa rộng 4,1m, các gian bên rộng 3,45m, chái rộng 3,25m, dĩ rộng 1,6m. Bộ vì đỡ mái làm theo kiểu chồng giường, giá chiêng có 6 hàng chân, khoảng cách từ cột cái đến cột quân là 2m, từ cột quân đến cột hiên là 1,7m. Đường kính cột cái là 50cm, cột quân là 40cm. Cung thờ là toà nhà dọc nối liền với Đại bái, chia làm bốn gian cách đều 2,3m. Theo văn khắc trên câu đầu thì đình Hữu Bằng được xây dựng vào thời Lê năm Chính Hoà 10 (1689) đến triều Nguyễn năm Minh Mệnh 8(1827) trùng tu lớn.
Đình Hữu Bằng bảo lưu nhiều hiện vật điêu khắc gỗ mang phong cách nghệ thuật tiêu biểu ở thế kỷ XVII và thế kỷ XIX. Đáng chú ý là những đầu dư chạm đầu rồng và 4 bức cốn nách ở 2 bộ vì gian giữa chạm người đánh trống, uống rượu, đánh đàn, đấu võ, miêu tả cảnh sinh hoạt hôi hè của người dân Hữu Bằng thuở xưa. Đình Hữu Bằng còn lưu giữ được 27 đạo sắc của các triều vua thời phong kiến cho các vị thành hoàng và 5 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng phong cách điêu khắc nghệ thuật thế kỷ XIX, như bát bửu, xà mâu, cây đèn, quán tẩy… nghệ thuật thời Nguyễn.
Theo thần phả và sắc phong thì đình Hữu Bằng thờ ba vị thành hoàng là:
Đệ nhất vị Nam Hải đại vương.
Đệ nhị Nam Hải đại vương.
Đệ tam Nam Hải đại vương.
Đó là ba vị tướng (Tiền kiếp vốn là Thuỷ thần thờ ở miếu làng Hữu Bằng) có công phù giúp nhà Lê. Trang Hữu Bằng xưa là nơi ba ông chọn làm bản doanh đóng quân bảo vệ bờ cõi sơn hà của đất Đại Việt thời nhà Lê.
Hàng năm, vào ngày 7 tháng giêng âm lịch, làng Hữu Bằng mở hội truyền thống tại Đình, nhân dân nô nức đi chẩy hội để xem và thưởng thức nhiều lớp diễn xướng dân ca nghi thức tế lễ tôn vinh Thành hoàng làng mình thờ.
Kề liền đình là một ngôi nhà thờ đức Khổng Tử gọi là văn chỉ hợp thành một tổng thể khu dích văn hoá truyền thống. Nơi đây hội họp của tầng lớp nho sỹ trong làng. Văn chỉ làm theo kiểu chữ nhị gồm Đại bái 5 gian và Hậu cung 3 gian xây tường hồi bít đốc, mái chẩy lợp ngói mũi mỏng, kiến trúc các bộ vì kèo cầu quá giang bào trơn đóng bén.
Hiện vật đáng quý trong văn chỉ là tấm bia đá ghi tên các vị danh khoa ở làng đỗ đạt trong các kỳ thi.
Nguồn: Cuốn Di tích lịch sử Hà Tây - Sở Văn hóa và thông tin Hà Tây - 1999