Vi vu Trúc Lâm thiền tự

Cập nhật, 19:28, Thứ Sáu, 01/02/2013 (GMT+7)

Yên Tử là nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm gắn liền với vị Tổ đầu tiên là Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sau đó, lịch sử của trường phái Phật giáo mang đậm tinh thần Việt này còn được tiếp nối bởi 2 vị Tổ là thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang. Sự tiếp nối và phát triển rực rỡ của dòng thiền Việt ấy đã để lại nhiều công trình kiến trúc Phật giáo và trở thành những di sản văn hóa quý giá của dân tộc.

Đăng Minh bảo tháp tại chùa Côn Sơn
Đăng Minh bảo tháp tại chùa Côn Sơn
May mắn được sinh ra và lớn lên trong một không gian linh thiêng của những ngôi chùa cổ thuộc hệ thống chùa Trúc Lâm, có lẽ cũng vì thế, đối với tôi những ngôi chùa như: Yên Tử, Quỳnh Lâm, Thanh Mai, Côn Sơn, Vĩnh Nghiêm đã là những địa chỉ thân thuộc từ thuở chỉ biết lên chùa để xem hội, đến khi lớn lên phần nào cảm nhận được những giá trị trường tồn ẩn sâu trong những kiến trúc, văn hóa và địa tầng lịch sử.
 
Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm
Ai mà chưa tới thiền tâm chưa thành

Chỉ 2 câu thơ trên đã đủ nói lên một phần phạm vi của hệ thống Trúc Lâm thiền tự. Theo kiến trúc sư Nguyễn Tiến Hiệp, một người am hiểu về kiến trúc phật giáo: “Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã tạo nên trường lực hấp dẫn mạnh mẽ, tạo đà thúc đẩy sự ra đời hàng trăm ngôi chùa lớn. Chỉ riêng thời nhị tổ Pháp Loa đã xây dựng được hàng trăm ngôi chùa, trong đó nổi tiếng với 2 cơ sở Quỳnh Lâm và Báo Ân, Thanh Mai... Về phương diện kiến trúc, Phật giáo nhà Trần tập trung xây dựng cơ sở chùa chiền tịnh viện để phục vụ sự tu học ngày càng đông của chư tăng trong giáo hội Trúc Lâm”.

Yên Tử với Hoa Yên, chùa Đồng... được coi là Kinh đô Phật giáo Việt Nam đã quá quen thuộc với không chỉ những ai thành tâm hướng Phật mà còn cả với du khách bốn phương bởi cảnh quan kỳ vĩ, linh thiêng. Thế nhưng, nói đến các công trình kiến trúc cổ của Thiền phái Trúc Lâm thì phạm vi lại rất rộng lớn, trải dài từ ngả Đông Bắc tới vùng Bắc Giang, Hải Dương và ven theo các dãy núi kỳ vĩ như dải cánh cung Đông Triều hay theo con đường tâm linh từ Yên Tử đến vùng Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng (Bắc Giang).

Có lẽ điểm nhấn của dải kiến trúc này là những công trình gắn với 3 vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, gồm: Yên Tử - Quỳnh Lâm - Thanh Mai - Côn Sơn - Vĩnh Nghiêm. Nếu như Yên Tử gắn liền với những ngày đầu phát tích trường phái Phật giáo Việt Nam thì chùa Quỳnh Lâm từng là một trung tâm Phật giáo quan trọng trong thế kỷ thứ XIV với hoạt động của Pháp Loa Đồng Kiên Cương, vị Tổ thứ 3 của dòng thiền Yên Tử. Ngôi chùa này nằm ở xã Tràng An, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) vốn được biết đến với pho tượng Di lặc bằng đồng cao 6 trượng (20m), từng được coi là “An Nam tứ đại khí” do nhà sư thời Lý là Không Lộ cho đúc và xây dựng.

Giờ đây tuy công trình kỳ vĩ ấy không còn nhưng nhiều di vật có giá trị khác như: Tấm bia đá thời Lý, khánh đá và vườn tháp... vẫn còn. Ngoài những công trình kiến trúc đồ sộ ấy, ngôi chùa này còn được ghi lại trong kinh sách nhà Phật như là một trung tâm truyền kinh, giảng đạo của nhà sư Pháp Loa (vị tổ thứ 2).

Cách đó chừng hơn chục cây số là chùa Thanh Mai và Côn Sơn đều ở huyện Chí Linh (Hải Dương). Chùa Thanh Mai từng là nơi vị Tổ thứ 2 là Pháp Loa truyền kinh, độ pháp và viên tịch. Để vào được chùa Thanh Mai, đi từ QL18 vào chỉ chưa đầy chục cây số. Thế nhưng để lên được chùa thì phải leo qua những con dốc dựng đứng vắt qua 3, 4 quả núi. Chùa Thanh Mai nép mình trên dãy núi Dây Diều, cao nhất vùng Chí Linh. Cũng giống như những ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm, trong chùa, ngoài hệ thống tượng Phật thì phía trước ban thờ bao giờ cũng có tượng của 3 vị Tổ Trúc Lâm mình trắng mặc áo thiền để lộ đôi vai trắng ngần. Trong sự uy nghiêm, thoát tục của những bức tượng Phật tổ và Quan Âm thì sự uy nghiêm của 3 vị Tổ Trúc Lâm dường như có điều gì đó gần gũi với cuộc sống nhân sinh hơn. Điều đó, quả thực cũng tương hợp với triết lý “tu tại tâm”, gắn đạo với đời của Thiền phái này.  

Nằm cùng một dải, cách đó không xa là chùa Côn Sơn. Ngày nay, nhắc đến Côn Sơn người ta thường nghĩ ngay đến danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi mà ít ai biết, ngôi chùa này đã có từ trước khi Nguyễn Trãi về đây dạy học, trí sĩ những năm cuối đời. Trong sử có ghi, năm Hưng Long thứ 12 (1304), nhà sư Pháp Loa cho xây dựng một ngôi chùa nhỏ gọi là Kỳ Lân rồi đến năm 1329, chùa mới được xây dựng mở rộng thành Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự và giao cho Huyền Quang chủ trì. Như vậy có thể thấy, ngay từ thời nhà Trần, Côn Sơn đã là một trong 3 trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm cùng với Yên Tử, Quỳnh Lâm.

Sau khi Huyền Quang mất, vua Trần Minh Tông đã cho xây Đăng Minh bảo tháp. Trong toàn cảnh kiến trúc của chùa Côn Sơn đến nay, ngôi tháp mộ của vị tổ thứ 3 vẫn là điểm nhấn. Bảo tháp nằm ngay sau nhà tổ, trên lối đi lên Thanh hư động và bàn cờ tiên và quay ra giếng ngọc, nơi được coi là hội tụ linh khí của vùng đất này. Đăng Minh bảo tháp được dựng bằng đá xanh, cao 3 tầng, bên trong đặt xá lợi và tượng thiền sư Huyền Quang. Và cũng từ khi tháp mộ được xây lên đến nay, ngày mất của Huyền Quang trở thành Hội xuân Côn Sơn diễn ra từ 16 - 22 tháng Giêng.

Cách Yên Tử khoảng 200 cây số là chùa Vĩnh Nghiêm (thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), nổi tiếng vì kho mộc bản được lưu giữ tại chùa vừa mới được UNESSCO vinh danh là “Di sản ký ức thế giới”. Chùa Vĩnh Nghiêm hiện còn lưu giữ 3.000 mộc bản được khắc để phục vụ đào tạo tăng ni, phật tử của Thiền phái Trúc Lâm. Nơi đây từng được mệnh danh là “Đại danh lam cổ tự”, một trung tâm Phật giáo lớn nhất thời Trần, một chốn Tổ quan trọng của cả 3 vị Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông - Pháp Loa - Huyền Quang). Để tu thành chính quả, cả ba vị đều đến đây tu hành và thành đạo trước khi đến các ngôi chùa khác chủ trì và thuyết pháp.

Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh - Phó Chủ trì chùa Vĩnh Nghiêm, từ khi là một chú tiểu, ông được giao cho việc lau chùi kho mộc bản. Khi ấy, ông như cảm nhận thấy cả một dòng lịch sử cuồn cuộn chảy trong mỗi bản mộc thư. Mỗi lần lau chùi, ông đều ngắm nghía những đường nét tinh xảo thể hiện nghệ thuật điêu khắc tài hoa của những nghệ nhân xưa. Và niềm vui tràn ngập đến với ông khi kho mộc bản đã được vinh danh. Ông bảo: “Đây là bước quan trọng để Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hướng tới danh hiệu di sản văn hóa của toàn nhân loại”. Niềm hy vọng của Đại đức bây giờ là mong muốn cho bộ mộc bản này sớm được dịch sang tiếng Việt để nhiều người biết được những giá trị to lớn của dòng thiền Trúc Lâm, một dòng Phật giáo mang đậm bản sắc Việt Nam.    
 
Tiến Mạnh
 
.
.
.