Về Hà Nội, đi chơi Chợ Đồng Xuân

Chợ Đồng Xuân cũ.

Nói đến Hà Nội, không thể không nói đến chợ Đồng Xuân. Và ai có dịp về Hà Nội, nếu chưa đi chợ Đồng Xuân thì coi như mới biết một phần Hà Nội mà chưa hiểu về Hà Nội.

Phố Đồng Xuân

Phố Đồng Xuân thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) dài 168m, theo hướng Bắc-Nam, tiếp nối phố Hàng Giấy và thông sang phố Hàng Đường.
 
Trước kia, dãy bên chẵn là đất thôn Nhiễm Trung, dãy bên lẻ là đất phường Đồng Xuân, đều thuộc tổng huyện Thọ Xương. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn Nhiễm Trung hợp nhất với thôn Hoa Đán thành ra thôn mới Phương Trung.
 
Ngày nay, đình Phương Trung là số nhà 18 phố Đồng Xuân thờ Uy Phù Đại Vương (không rõ lai lịch). Tên Đồng Xuân chỉ mới có từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945.
 
Trước đấy, người dân vẫn gọi là phố Hàng Gạo (Rue du Riz) vì lúc bấy giờ, bãi cỏ nơi xây chợ Đồng Xuân là chỗ bà con nông dân gánh gạo tới bán lẻ cho dân phường phố (đậu, ngô, khoai, sắn thì bán ở Hàng Đậu, Hàng Khoai). Mãi sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phố được đổi tên là phố Đồng Xuân.
 
Phố Đồng Xuân tuy ngắn nhưng lại có vị trí buôn bán thuận lợi. Xưa kia, nơi đây có thể coi là một bộ phận của chợ Đồng Xuân, các cửa hàng chuyên bán các hàng khô để nấu cỗ, có nhà làm và bán hương (Tân Mỹ số 14), thuốc lào (Giang ký số 16 và Xuân Hương số 24), vài ba nhà bán thịt quay, một hiệu đại lý cho nhà máy thuốc lá Yên Phụ... Đặc biệt, khoảng năm 1937-1939, số nhà 26 là hiệu sách “Đồng Xuân Thư Quán” bán công khai sách báo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
 
Đoạn phố Đồng Xuân giáp đầu Hàng Đường (bên số chẵn) có nhiều cửa hàng bán đường mứt, làm các loại bánh ngọt truyền thống dân tộc (bánh xu xê vàng, bánh mảnh cộng, bánh gấc đỏ, bánh cốm xanh), oản bột, bánh khảo, những con giống bằng bột nặn, có hàng cắt giấy bán cho người có điện thờ chư vị, trang trí bàn thờ...
 
Bên số chẵn cuối dãy giáp phố Hàng Mã có nhiều nhà buôn có cửa hiệu tương đối lớn, mấy nhà xây liền nhau là Hương Lĩnh (số 80 buôn tơ sợi), Toàn Thịnh (số 84 đóng giày), Đông Mỹ (số 86 sản xuất bánh kẹo), nhà thuốc Tây Pharmacie Tín. Phố Đồng Xuân chỉ có đôi ba cửa hàng của Hoa Kiều, nhà Hà Cự Môn trồng răng giả. nhà Lương Lý bán thực phẩm, đồ hộp, rượu Tây.
 
Những nhà ở phố Đồng Xuân đều được làm từ lâu đời, dáng cũ kỹ, hẹp bề ngang, nhiều nhà còn gác lối chồng diêm. Ngày nay cả phố chủ yếu là bán quần áo, chăn màn đủ loại, đủ kiểu, phục vụ người lớn và trẻ em. Không còn cửa hàng bán bánh kẹo nữa, chỉ có một ngôi nhà giữa phố bên chẵn làm oản bột để cúng lễ và cũng chỉ còn một nhà bán hương trầm nổi tiếng ở chính số nhà 26 phố Đồng Xuân.
 
Chợ Đồng Xuân - Dấu tích văn hóa Thăng Long
 
Chợ Đồng Xuân xuất hiện đầu tiên và có lịch sử lâu dài gắn liền với sự hình thành và phát triển thương mại của đất Thăng Long. Nơi đây không đơn thuần là điểm giao thương, bán buôn lớn nhất Hà Nội mà còn có giá trị văn hóa, tinh thần phản ánh cuộc sống sinh hoạt của người dân Hà Nội xưa.
 
Chợ Đồng Xuân choán quá nửa dãy phố bên lẻ. Nó vốn là “hậu thân” của hai ngôi chợ cổ của Thăng Long xưa là chợ Bạch Mã và chợ Cầu Đông. Chợ trên ở cạnh Đền Bạch Mã (nay là số 76 phố Hàng Buồm). Chợ dưới ở cạnh chùa Cầu Đông (nay là số 38B phố Hàng Đường). Cả hai đều ở bên bờ sông Tô, trên bến dưới thuyền tấp nập.
 
Ca dao cũ có ghi:
 “Vui nhất là chợ Đồng Xuân
 Thức gì cũng có xa gần bán mua
 Giữa chợ có anh hàng dừa
 Hàng cau, hàng quýt, hàng dưa, hàng hồng.”
 
Thực dân Pháp, sau khi chiếm Hà Nội, năm 1889, cho lấp sông Tô Lịch, mở phố xá mới. Chúng dồn chợ Bạch Mã và chợ Cầu Đông tới bãi đất trống ở cạnh đình Đồng Xuân.
 
Ban đầu cho rào bãi đất bằng tre nứa và bắt mọi người vào họp chợ trong hàng rào. Ai có hàng đem vào chợ bán phải đóng thuế ngay ở cổng. Dần dần chợ đông người họp nên mở rộng phạm vi, xây 5 cầu chợ bằng khung sắt, mỗi cầu dành cho một số loại hàng, dài 52m, cao 19m, mái lợp kẽm tôn. Chợ mới này được khánh thành vào năm 1890 và đến năm 1920, chợ được xây lại, rộng hơn và đẹp hơn.
 
Năm 1988, chợ xuống cấp được xây lại thành 3 tầng. Ngày 14/7/1994, chợ bị cháy, phải làm lại toàn bộ, đến năm 1996 mới hoàn thành, chỉ giữ lại 3 cửa, còn cửa đầu phía Nam mở thành lối đi vào phố Cầu Đông, cửa đầu phía Bắc được thay bằng phù điêu diễn tả cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội năm 1947.
 
Ngày nay, chợ Đồng Xuân vẫn phát huy truyền thống phát triển thương mại gắn liền với gìn giữ văn hóa và khai thác du lịch, là một hình mẫu về văn minh thương mại.
 
Chợ Đồng Xuân - Chiến luỹ, pháo đài chống Thực dân Pháp
 
Vào những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946, phố Đồng Xuân là hàng rào phòng ngự phía Tây Bắc của Liên khu I và trở thành điểm chiến đấu ác liệt. Suốt từ đêm 19/12/1946 cho tới đầu tháng 2/1947, thực dân Pháp nhiều lần tấn công vào phố này, nhưng đều bị thất bại.
 
Ngày 14/2/1947, địch lại tập trung một lực lượng lớn để tấn công “Pháo đài chợ” Đồng Xuân, sau khi cho máy bay trút bom, 400 lính Pháp với đầy đủ vũ khí hiện đại, có xe tăng yểm hộ, bắt đầu tiến vào phố Đồng Xuân.
 
Bên ta trấn giữ chợ Đồng Xuân chỉ với 19 chiến sĩ, vũ khí không có gì đáng kể, vì ngoài dao, kiếm, súng trường thì chỉ có 1 khẩu tiểu liên là “hiện đại nhất”. Trong suốt 1 ngày, 19 chiến sĩ đã đánh bật nhiều đợt đánh phá của địch.
 
Cuộc chiến đấu ngày 14/2/1947 tại chợ Đồng Xuân mãi mãi tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Thủ đô Hà Nội. 60 ngày đêm khói lửa, nhân dân Đồng Xuân đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp đến thắng lợi.
 
Năm 2005, nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 995 năm Thăng Long-Hà Nội, thành phố đã dựng bức phù điêu “Hà Nội mùa Đông năm 1946” ngay cạnh chợ Đồng Xuân nhằm tưởng nhớ những chiến sĩ cảm tử của Thủ đô Hà Nội đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ Thủ đô.
 
Đến năm 2003, “Chợ đêm” Đồng Xuân ra đời, vừa đa dạng hóa hoạt động của chợ vừa phục vụ nhu cầu mua sắm vui chơi của khách du lịch. Chợ đêm Đồng Xuân kết nối với tuyến phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân tạo thành chuỗi chợ đêm kéo dài từ bờ hồ Hoàn Kiếm đến chợ Đồng Xuân, thu hút đông đảo người Hà Nội và khách du lịch đến tham quan, mua sắm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark