Bạch Mã – Long Đỗ – Sĩ Nhiếp


Bách Việt trùng cửu – nguồn https://bahviet18.com/2019/08/24/bach-ma-long-do-si-nhiep/

Thần Bạch Mã được xếp là vị thần trấn Đông của kinh thành Thăng Long. Sự tích về thần tóm tắt như sau: Xưa Cao Biền sang nước ta xây thành Đại La, thần hiện lên xem, Cao Biền cho là yêu quái nên dùng bùa trấn áp. Thần bèn hiển ứng phá tan bùa yểm. Biền sợ phải quay về Bắc. Sau này Lý Thái tổ dựng đô, thần lại hiển linh chúc mừng, được phong làm Thăng Long Thành hoàng Đại vương. Thời Trần ba lần hoả hoạn mà không cháy đến đền.
Câu đối ở đền Bạch Mã Hà Nội:
馬駕自天來扶李抑高靈蹟古
龍編傳地勝襟蘇帶珥正祠尊
Mã giá tự thiên lai, phù Lý ức Cao linh tích cổ
Long Biên truyền địa thắng, khâm Tô đái Nhĩ chính từ tôn.
Dịch:
Giá ngựa từ trời qua, ngăn Cao giúp Lý dấu thiêng cũ
Long Biên truyền đất tốt, dải Nhĩ vạt Tô tôn chính đền.

Den Bach Ma.jpg


Đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm, Hà Nội.

Tuy nhiên, Bạch Mã là vị thần nào thì hiện không thấy ai giải đáp. Cũng do không xác định được Bạch Mã là ai mà xưa đã từng có lúc đền Bạch Mã ở Thăng Long bị nhận thành nơi thờ tướng Hán Phục Ba là Mã Viện. Sự việc này được Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập bác bỏ như sau:
Đến mùa thu năm Giáp Ngọ, vô tình tôi được kiểm tra sách vở cũ, đọc được Việt điện u linh tập, trong đó ghi chép việc thờ phúc thần ở Việt Nam, mà thần ở chợ phía Đông của Đông Đô là Quảng Lợi vương, xưa hiển linh ở thời Cao Biền nhà Đường và khoảng triều Lý Thái tông. Về sau cứ đến dịp lễ đón xuân, tế trâu cầu phúc, đều tế ở đó. Hỏi thăm người già, thì nói: “Thần trong lúc xây thành, có công giúp dân giúp nước, hiện rõ ràng là con ngựa trắng, anh linh rực rỡ, chẳng gì hơn được! Rồi đặt tượng Mã Nhiếp ở đó, cho nên nay nhiều cầm thú đi qua đền đều chết ngay tức thì. Vì vậy phong làm Bạch Mã Đại vương là như vậy.” Mà khách phương Bắc đi buôn bán ở phương Nam cho lời nói bậy là thực, vơ đất xây tường, tôn sùng và khen thưởng. Lại ngộ nhận hai chữ Bạch Mã, là tướng quân Mã Phục Ba người Đông Hán đi bình đất Giao Châu…
Đoạn sách trên cho thông tin rất quan trọng:
– Thần Bạch Mã có thể là một tướng thời Hán sang nước ta.
– Thần từng được gọi Mã Nhiếp.
Tướng thời Hán mang tên “Nhiếp” thì không phải là Mã Viện. Người làm chủ vùng Giao Châu thời Hán có tên này phải là Sĩ Nhiếp.
Về thần Tô Lịch, cũng là vị Đô thành hoàng của Thăng Long như thần Bạch Mã, các truyện trong Việt điện u linhLĩnh Nam chích quái cho biết: thần họ Tô, tên Lịch, ở đất Long Đỗ, nhà không giàu có lắm, nổi tiếng là người có hiếu, thời Tấn từng được đề cử là người hiếu hạnh, vì thế mà lấy tên Tô Lịch làm tên làng.
Như thế khả năng vị thần này ở vào trước thời Tấn, tức là thời Tam Quốc, tại vùng đất Long Biên (Long Độ). Sĩ Nhiếp cũng chính là nhân vật ở thời kỳ này.
Theo các thư tịch cũ thì thần Bạch Mã còn có tên là thần Long Đỗ hay Long Độ. Sách Trấn Vũ quán lục cho thấy rằng “Long Độ” vốn là tên đất Long Biên vào cuối đời Hùng Vương. Còn Sĩ Nhiếp khi làm Thái thú Giao Châu, cũng được phong tước “Long Độ đình hầu” hay “Long Biên hầu”. Sĩ Nhiếp đóng trị sở ở đất Long Biên. Như vậy Long Độ chính là tên theo chức hầu tước của Sĩ Nhiếp, hay thần Long Đỗ Bạch Mã cũng chính là Sĩ Vương.

Long Do dinh hau.jpg

Dòng chữ “phong Long Độ đình hầu” trên tấm bia thời Lê Vĩnh Thịnh ở đền thờ Sĩ Nhiếp tại Tam Á.

Rất kỳ lạ là ở các đền thờ Sĩ Nhiếp tại Thuận Thành, còn lưu giữ tượng một con ngựa trắng, dùng trong đám rước kiệu thánh vào các ngày lễ hội. Một con ngựa cổ như vậy thấy ở đình Mễ Đậu (Gia Đông, Văn Lâm, Hưng Yên), là nơi thờ Sĩ Vương. Đây là dẫn chứng khác cho thấy thần Bạch Mã cũng là Sĩ Nhiếp.

IMG_8336.JPG


Ngựa trắng ở đình Mễ Đậu.

Ở thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn của Gia Lâm còn có đền riêng thờ thần Bạch Mã. Theo truyện kể ở đây thì đền này mới là đền thờ gốc. Đền Bạch Mã ở Thăng Long được lấy chân nhang từ đây về lập đền mà thờ dưới triều Lý. Điều này cũng hợp lý vì Long Độ chỉ vùng Long Biên, thần Bạch Mã đầu tiên phải ở Long Biên chứ không phải ở trong thành Thăng Long Hà Nội.
Sĩ Nhiếp là người có công trong việc cai quản thành Long Biên – Luy Lâu trong một thời gian dài nên việc ông được phong thần trấn giữ Long Biên (thần Long Đỗ) và là Đô thành hoàng Thăng Long là hợp lý.
Câu đối ở đền Bạch Mã tại Khoan Tế:
駒蹄靈蹟傳江北
龍肚英聲振斗南
Câu đề linh tích truyền giang Bắc 
Long Đỗ anh thanh chấn đẩu Nam.
Dịch:
Sự thiêng vó ngựa truyền sông Bắc
Tiếng tốt rốn rồng động đẩu Nam.

IMG_8513.JPG


Gian tiền tế của đền Bạch Mã ở Khoan Tế.

Liên hệ xa hơn nữa, ở miền Nam Trung Bộ từ Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi,… vị Bạch Mã Thái giám là một vị thần được thờ rất phổ biến, là thành hoàng của nhiều làng xã. Tầm ảnh hưởng xa như vậy về phương Nam cũng đúng với Sĩ Nhiếp, vì Sĩ Nhiếp là con của Sĩ Tứ, vốn là thái thú quận Nhật Nam. Sĩ Nhiếp khi tiếp quản và thành lập Giao Châu đã gồm 7 quận, gồm cả quận Nhật Nam ở phương Nam.
Ảnh hưởng sâu sắc của Sĩ Nhiếp đến vùng đất phương Nam – Lâm Ấp còn được ghi lại bằng đôi câu đối trên cổng đền Sĩ Nhiếp ở Tam Á (Thuận Thành, Bắc Ninh):
豈忠義功神心祁彼何辰此何辰安得六百載遺容能攝林邑
是事業文科舉昔治亦進乱亦進最矩四十年政策拯表交州
Khởi trung nghĩa công thần tâm kì, bỉ hà thì thử hà thì, an đắc lục bách tải di dung năng nhiếp Lâm Ấp. 
Thị sự nghiệp văn khoa cử tích, trị diệc tiến loạn diệc tiến, tối củ tứ thập niên chính sách chửng biểu Giao Châu.
Dịch:
Há tấm lòng công thần trung nghĩa lớn, đây thời nào đấy thời nào, yên ổn sáu trăm năm khoan dung ấy giúp quản Lâm Ấp.
Là thi cử văn khoa sự nghiệp xưa, trị cũng tiến loạn cũng tiến, quy củ bốn mươi thu chính sách kia cứu tỏ Giao Châu.

img_8197.jpg

Mặt trong nghi môn đền Sĩ Nhiếp ở Tam Á.

Cần nói thêm rằng Sĩ Nhiếp là một tu sĩ Bà La Môn, là người khởi xướng hoặc ít nhất cũng là người cho phổ cập Bà La Môn giáo ở đất Việt qua truyện Khâu Đà La – Man Nương và Tứ pháp. Vì vậy, khi Sĩ Nhiếp mất, có thể dân gian đã hình tượng hóa ông bằng một vị thần của Bà La Môn. Vị thần phương Đông có hình tượng là con Ngựa trong Bà La Môn là thần Nhật Thiên, hay thần mặt trời, cưỡi con Hỏa mã. Có thể vì vậy Sĩ Nhiếp khi hiển hóa đã được hình tượng dưới hình ảnh Bạch Mã.