Cao Lãnh & Đồng Tháp là vùng đất nằm ở phụ lưu tả ngạn sông Tiền. Trước 1975, từ Sài Gòn đi về miền Tây bằng đường bộ theo quốc lộ số 4, (còn gọi là lộ Đông Dương, nay thành quốc lộ 1), đến bờ sông Tiền, qua bắc Mỹ Thuận (bac=phà), rẽ mặt đến Sa Đéc rồi theo tỉnh lộ 848 đến bắc Cao Lãnh (để trở lại bờ trái sông Tiền), đi tiếp 5 km nửa là vào thị xã Cao Lãnh. Ngày nay, trước khi đến bờ sông Tiền, gặp ngả ba An Hữu, quẹo mặt, theo quốc lộ 30, đi tiếp khoảng 30 km nữa là đến Cao Lãnh (rút ngắn được khoảng 30 km). (1)

“Uống nước nhớ nguồn”: Là con dân Cao Lãnh, trước khi nói về quê hương mình, tôi xin thoáng nhìn về thời ông cha đi mở đất về phương Nam, để nhớ đến công gian khổ của tiền nhân, các vị đã đổ bao mồ hôi, xương máu hầu cải biến một vùng hoang phế thành mảnh đất thuần hóa cho chúng ta được sống ấm no như ngày hôm nay.

Thời đi mở cõi của tiền nhân

Lịch sử đã ghi: Vào năm 1558, theo lời khuyên của cụ Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúa Nguyễn Hoàng xin vào Thuận Hóa.., để từ đó sông Gianh đã chia nước ta thành hai miền: Đàng Ngoài thuộc chúa Trịnh và Đàng Trong thuộc chúa Nguyễn. Để ngăn chống việc đánh phá của chúa Trịnh, một lũy Trường Dục, do Đào Duy Từ trông coi được dựng xây bên bờ sông Gianh. Do Đàng Trong là vùng đất chật hẹp, khí hậu cũng khá khắc nghiệt, cùng lúc phải đánh dẹp sự quấy nhiễu của Chiêm Thành, các chúa Nguyễn cũng nghĩ việc đi mở đất về vùng Thủy Chân Lạp, hầu tạo thêm tài lực, vật lực cho vùng “vạn đại dung thân” của chúa.

Bấy giờ, Chân Lạp gồm Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Chân Lạp chỉ lo phát triển vùng Lục Chân Lạp, còn vùng Thủy Chân Lạp là đất của Champa mà Chân Lạp đã chiếm vào cuối thế kỷ thứ VI, bị bỏ hoang phế, đầy muỗi mòng, rắn rết và thú dữ suốt 10 thế kỷ, chỉ có vài làng nhỏ của người Chân Lạp sinh sống và gần như tách biệt với đất tổ của họ (tức vùng Lục Chân Lạp). Nước Chân Lạp cũng đã qua thời hoàng kim, đang gặp nhiều khó khăn. Bên ngoài, quân Xiêm thường sang quấy phá, bên trong có sự tranh chấp nội bộ trong hoàng tộc. Họ cần có sự giúp đỡ của chúa Nguyễn để ổn định tình hình trong nước và đối đầu với Xiêm La. Năm 1620, vua Chân Lạp là Chey Chetta II xin cầu hôn công chúa Ngọc Vạn, con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Theo lời cố vấn của Đào Duy Từ, chúa đã chấp nhận gả công chúa cho vua Chân Lạp. Dù vua Chey Chetta II đã có hai bà hoàng (người Lào và Chân Lạp), công chúa Ngọc Vạn cũng được tấn phong để trở thành hoàng hậu Ang Cuv. Từ đấy đã có sự liên kết giữa Đàng Trong và Chân Lạp. Được sự trợ gi úp của chúa Nguyễn, hai lần quân Xiêm sang đánh phá Chân Lạp (1621 và 1623) đều bị đẩy lui. Năm 1623, chúa Nguyễn sai sứ thần xin vua Chân Lạp cho dân Việt đến canh tác và buôn bán trong vùng Prei Nokor và Kampong Trabei (Gia Định và Bến Nghé). Chúa đã đưa dân từ Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi) vào đấy. Có thể coi đây là cuộc di dân đông đảo nhất để khai phá đất mới. Năm 1679, một số người Hoa, trung thần nhà Minh, theo Dương Ngạn Địch vào Đàng Trong xin thần phục chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Chúa cho họ vào sinh sống ở vùng cù lao Phố (Đồng Nai), Mỹ Tho (Định Tường) và Cao Lãnh (Cai Lậy). Do bất đồng ngôn ngữ và phong tục, người Chân Lạp tự bỏ đi về Lục Chân Lạp. Năm 1680, toán người Hoa thứ hai theo Mạc Cửu đến vùng Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Quốc lập nghiệp. Lúc ấy, nước Xiêm đang làm bá chủ vùng nầy nên đe dọa Mạc Cửu, Chân Lạp cũng suy yếu, không giúp gì được cho Mạc Cửu, ông sang xin thần phục và dâng những đất nầy cho chúa Nguyễn. Theo chính sách “tàm thực”, dần d ần, người Việt đã đi khai thác khắp cõi phương Nam nầy.

“Như vậy từ năm 1765, toàn vùng Nam Việt ngày nay về tay chúa Nguyễn”(2)
“Sự thực lịch sử đã rõ ràng: Bờ cõi mở mang về phương Nam hoàn toàn do sự tự phát “khẩn hoang lập ấp” vì cuộc sống, chứ không hề có một cuộc chiến tranh nào”(3).

Tìm hiểu địa danh Cao Lãnh và Đồng Tháp: Nguồn gốc địa danh Cao Lãnh

Dưới thời vua Gia Long, triều đình vẫn kêu gọi đồng bào từ miền Bắc và miền Trung đi vào vùng đất mới miền Nam để khẩn hoang. Vào năm Đinh Sửu (1817), có ông bà Đỗ Công Tường, tục danh là Lãnh, từ miền Trung đến lập nghiệp tại làng Mỹ Trà, thuộc phủ Tân Thành (Định Tường). Ông là người chánh trực, hiểu biết nho học, gia tư khá giả nên được cử giữ chức Câu Đương, lo phân xử mọi việc thưa kiện trong làng. Ông bà có lập một vườn quít mà nơi đây bà con trong làng hay tựu lại để trao đổi, mua bán, đông dần thành ngôi chợ nhỏ. Qua năm Canh Thìn (1820), trong làng xảy ra nạn dịch tả làm nhiều người chết, ngôi chợ thưa dần đến không còn nhóm họp nữa! Động lòng trắc ẩn trước thảm cảnh nầy, ông bà lập bàn hương án, khấn nguyện giữa trời, nơi vườn quít, cả hai xin chết thế mạng cho dân làng. Ông bà bắt đầu ăn chay từ ngày mồng 6 tháng 6 năm Canh Thìn ấy, để cầu nguyện cho dân làng thoát khỏi tai ương, thì đến mồng 9 bà thọ bệnh rồi qua đời lúc 10 giờ đêm. Đến hôm sau, ngày mồng 10, ông cũng mất, lúc 2 giờ khuya . Dân làng cùng nhau lo an táng ông bà. Tương truyền rằng, khi chôn cất ông bà xong, thì dân trong làng cũng thoát nạn dịch. Dân chúng tin rằng sự thành tâm khấn nguyện của ông bà đã được trời phật chứng giám. Chợ vườn quít trở lại nhóm họp và để tưởng nhớ công đức của ông bà, ngôi chợ được gọi là chợ “Câu Lãnh”, lấy từ chức “Câu Đương” và tục danh “Lãnh” của ông mà thành. Vùng nầy có nhiều người Hoa sinh sống, họ phát âm từ “Câu” thành “Cao” để dần dần thành “Cao Lãnh” cho đến nay.

Cảm mến ơn đức của ông bà, dân chúng đóng góp công của để dựng ngay nơi hai ngôi mộ của ông bà một miễu thở, từ đó có ban tế tự trông coi tu bổ miễu và cứ đến hai ngày mồng 9 và mồng 10 tháng 6 âm lịch hằng năm, nơi đây làm lễ “Giỗ Ông Bà Chủ Chợ”. Ngoài ra, tin vào sự hiển linh của ông bà, trước khi làm việc gì quan trọng, nhiều bà con cũng đến miễu khấn vái, xin Ông Bà phò hộ. Năm 1936, do địa phương đệ xin, nhà vua sắc phong Ông Đỗ Công Tường là “Dực Bảo Trung Hưng Thành Hoàng Chi Thần”.


Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường (Cao Lãnh)


Tìm hiểu địa danh Đồng Tháp Mười

Về nguồn gốc tên Tháp Mười, có 2 giả thiết:

  1. Tháp có 10 tầng, nên gọi là Tháp Mười.
  2. Tháp được xây dựng sau 9 tháp khác, tức tháp thứ mười, nên gọi Tháp Mười.

Cả 2 giả thiết đều chưa vững lắm vì:

-Giả thiết 1: Văn hóa Óc eo không có kiểu thức làm tháp 10 tầng và thực tế cũng chưa tìm thấy được vết tích gì, kể cả thư tịch, của một tháp 10 tầng.

-Giả thiết 2: Tháp thứ mười, theo những chữ Bắc Phạn (sanscrit) ghi “tên Tháp thứ 10” dưới bệ đá linh phù mà Parmentier đã đọc thấy vào năm 1932, thì cũng chưa xác định lắm vì chưa kiểm chứng lại dòng Bắc Phạn trên và cũng chưa tìm ra dấu vết của 1 trong 9 tháp trước.

Trong thời gian tìm tài liệu để viết bài , tôi nhận được một số bản in (photocopy) do thân nhân từ VN gởi qua, không rõ trích in từ sách nào, cũng xin được ghi ra đây, chúng ta cùng tìm hiểu thêm:

-Trong bài “Đồng Tháp Mười xa xưa”, nhà văn Sơn Nam có ghi (trang 7) như sau: “Tên đất Tháp Mười tự nó là một ẩn số mà mãi tới nay chưa ai giải đáp một cách thỏa đáng. Ngọn tháp thứ mười, do Thiên Hộ Dương dựng lên nhằm canh phòng những cuộc tiến quân của Pháp từ Cần Lố đánh vào? Nếu vậy, quả là tháp canh, kiểu chòi canh thô sơ nhưng nay ta gặp nhiều di chỉ xây gạch và đá. Ngọn tháp, tạm gọi như vậy của vua chúa Khơ-me dựng lên làm trạm xá? Nhưng đây là nơi thờ phụng với cơ ngơi khá rộng. Chưa ai mô tả ngọn tháp mười ấy cụ thể như thế nào? Phải chăng trên đường khẩn hoang mở nước đầu thế kỷ 18, người lưu dân đã gặp nơi đây di tích ngôi tháp cổ, đổ nát, chẳng ai biết do ai xây nên, nhưng có nét đặc trưng là có 10 bậc thang ngắn (kiểu bậc tam cấp) hình dáng như tháp Chàm, rồi đặt tên, sự việc đặt tên nầy có trước khi Thiên Hộ Dương khởi binh, chẳng ai hiểu sơ lược về lịch sử Chân Lạp...” (hết trích).

Và, trong bài “Lịch sử Đồng Tháp Mười (từ thế kỷ XVIII đến 1930”, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, ở phần chú thích số 10, có ghi: “Gần đây, Nguyễn Hữu Hiếu trong Giai thoại dân gian Đồng Tháp Mười, Nxb Đồng Tháp, 1968, tr. 7-10 (Tên gọi Tháp mười) có đặt ra giả thuyết Tháp Mười là bệnh viện thứ 10 trong 102 bệnh viện được xây dựng dưới thời Jayavarman VII. Đây có thể là một giả thuyết mang tính khám phá đối với việc nghiên cứu lịch sử Chân Lạp cổ, song chắc chắn không phù hợp đối với việc tìm hiểu tên gọi Tháp Mười như một yếu tố hiện diện trong hệ thống địa danh Việt Nam hàng trăm năm nay. Những nông dân người Việt thế kỷ XVIII-XIV chắc chắn đã tiếp xúc với Tháp Mười không thông qua con đường tìm hiểu lịch sử Chân Lạp cổ và chắc chắn đã đặt tên cho Tháp Mười không trên cơ sở phát hiện khảo cổ học của Parmentier” (hết trích).

Danh xưng “Tháp Mười” còn thấy được sử dụng trong tài liệu chữ Hán như câu: “tùng Võ Duy Dương thuần Thập Tháp đồn” (theo Võ Duy Dương tuần tiểu đồn Tháp Mười) (4).

Với người Pháp, buổi đầu họ đến đây, vùng này được họ gọi tên “Cánh đồng ngập nước” (Plaine inondée), rồi sau đó gọi tên “Cánh đồng lác” (Plaine des Joncs).

Cao Lãnh & Đồng Tháp, với sự thay đổi ranh giới địa lý qua các thời kỳ

Địa danh “Đồng Tháp Mười” thường dùng gọi tên chỉ chung cho vùng đất bưng rộng lớn nằm cả hai bên biên giới VN & Campuchia mà phía VN chiếm khoảng 8/10, nằm trên 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An ngày nay. Địa danh này còn được dùng để chỉ vùng đất nằm trong tỉnh Đồng Tháp, vì nơi đây có một Gò Tháp, một vùng mà ngày xưa là “chiến khu” của nghĩa quân do Võ Duy Dương lãnh đạo chống Pháp khi chúng đến chiếm quê hương chúng ta.

Trong tinh thần tìm hiểu để học hỏi, tôi xin trình bày bài viết tổng quát những diễn biến của vùng đất nầy, để thấy mối quan hệ của vùng Tháp Mười nói chung và của vùng Cao Lãnh nói riêng, đã có những gì xảy ra.

Thời Gia Định Phủ (1698-1802)

Khi lưu dân vào khá đông, năm 1698, vùng Nông Nại (khắp miền Đông sau này) được đặt làm Gia Định Phủ và có 2 dinh là dinh Trấn Biên (Phước Long-Đồng Nai) và dinh Phiên Trấn (Sài Gòn-Tân Bình). Lúc ấy không rõ đã có người Việt đến sinh sống hay đi lại ở vùng Tháp Mười chưa, nhưng chúa đã cho nhóm người Hoa (nhóm của Dương Địch Ngạn) theo các cửa sông (cửa Soài Rạp, cửa Đại, cửa Tiểu) đến khẩn hoang lập ấp ở Mỹ Tho, Cái Bè, Cao Lãnh, Hồng Ngự...Khi ấy, đất Tháp Mười thuộc huyện Tân Bình, nhưng không rõ có thành lập tổng nào, xã thôn nào chưa.

Năm 1732, chúa cho chia đất Gia Định để lập thêm châu Định Viễn, dinh Long Hồ (còn gọi là dinh Cái Bè). Sau nầy châu Định Viễn chia thành 2 tỉnh Định Tường và Vĩnh Long. Tháp Mười thuộc châu Định Viễn. Cái Bè là cửa ngõ vào Đồng Tháp Mười.

Nắm 1772, chúa cho lấy đất Mỹ Tho lập thành đạo Trường Đồn, đến 1779, nơi nầy thành dinh Trường Đồn và năm 1781 lại thành dinh Trấn Định, mà Đồng Tháp thuộc vùng nầy.

Thời Gia Định Trấn và Gia Định Thành (1802-1832)

Năm 1802, Nguyễn Ánh cho cải Gia Định phủ thành Gia Định trấn, cho quan tổng trấn coi cả 4 dinh và 1 trấn khác là các dinh Phiên Trấn, Trấn Biên, Trấn Định, Vĩnh Trấn và trấn Hà Tiên. Năm 1808, Gia Định trấn thành Gia Định thành, dinh Phiên Trấn thành trấn Phiên An, dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa, dinh Trấn Định thành trấn Định Tường, dinh Vĩnh Trấn thành trấn Vĩnh Thanh. Riêng trấn Hà Tiên giữ danh xưng cũ. Đồng Tháp Mười, bấy giờ, nằm ở trấn Phiên An và trấn Định Tường. Vùng Cao Lãnh-Đồng Tháp thuộc trấn Định Tường.

Thời Nam Kỳ Lục Tỉnh (1832-1862)

Năm 1832, Lê văn Duyệt mất, Gia định thành bị giải thể. Năm trấn thành 6 tỉnh như sau:

  • Trấn Biên Hòa thành tỉnh Biên Hòa.
  • Trấn Phiên An thành tỉnh Phiên An.
  • Trấn Định Tường thành tỉnh Định Tường.
  • Trấn Vĩnh Thanh thành tỉnh Vĩnh Long và tỉnh An Giang.
  • Trấn Hà Tiên thành tỉnh Hà Tiên.
  • Đồng Tháp Mười thuộc 2 tỉnh Phiên An và Định Tường.

Cao Lãnh-Đồng Tháp thuộc tỉnh Định Tường, phủ Kiến An, huyện Kiến Đăng, tổng Kiến Phong (Phong Thạnh), có 11 xã.

Thời Nam Kỳ thuộc Pháp (1862-1945)
  • Ngày 1/9/1858, Pháp đánh Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương chống cự mãnh liệt, Pháp quay vào Nam.
  • Ngày 17/2/1859, Pháp đánh Gia Định, Nguyễn Tri Phương lập đồn Kỳ Hòa chống cự mãi đến 25/2/1861, Pháp mới hạ được đồn Kỳ Hòa.
  • Ngày 12/4/1861, Pháp chiếm Mỹ Tho.
  • Ngày 9/12/1861, Pháp chiếm Biên Hòa.
  • Ngày 5/6/1862, Phan Thanh Giản vâng lịnh triều đình ký hòa ước, nhượng 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Dịnh và Định Tường cho Pháp. Như vậy, Đồng Tháp Mười nằm trong nhượng địa. Nhân dân không khuất phục, đã theo Nguyễn Trung Trực, Trương Định và Nguyễn Duy Dương nổi lên đánh Pháp.

Đất Tháp Mười là chiến khu chống Pháp của nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của Võ Duy Dương. Năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây, chia miền Nam làm 27 hạt (arrondissement hay inspection), do viên tham biện (inspecteur) coi địa hạt tham biện (gọi tắt là hạt tức inspection), lỵ sở là tòa tham biện (tòa bố). Cao Lãnh-Đồng Tháp thuộc hạt Cần Lố. Ngày 8/9/1870, giải thể hạt Cần Lố, chia 4 tổng cùa Cần Lố cho hạt Sa Đéc, Châu Đốc và Cai Lậy (Cái Bè).

Ngày 5/6/1871, toàn miền Nam thu lại còn 18 hạt. Do tài liệu thiếu thốn, tôi không rõ lúc nào thì miền Nam được chia ra thành 21 tỉnh. Lúc nhỏ, khi đi học, chúng ta phải thuộc tên 21 tỉnh nầy, xin ghi lại như sau: 1.Gia (Định), 2.Châu (Đốc), 3.Hà (Tiên), 4.Rạch (Giá), 5.Trà (Vinh), 6.Sa (Đéc), 7.Bến (Tre), 8.Long (Xuyên), 9.Tân (An), 10.Sóc (Trăng), 11.Thủ (Dầu Một), 12.Tây (Ninh), 13.Biên (Hòa), 14.Mỹ (Tho), 15.Bà (Rịa), 16.Chợ (Lớn), 17.Vĩnh (Long), 18.Gò (Công), 19.Cần (Thơ), 20.Bạc (Liêu), 21.Cấp (Cap Saint Jacques tức Vũng Tàu ngày nay).Thời gian nầy, ngoại trừ xuồng nhỏ, những ghe chuyên chở nặng (ghe be, ghe cà vom, ghe cui, ghe chài), trước khi lưu hành phải đăng bộ và vẽ số của tỉnh ở hai bên mũi ghe (sau cặp mắt của ghe), ghe Cao Lãnh mang con số 6, vì Cao Lãnh là một quận của Sa Đéc (Phsar Dek).

Lúc ấy, Pháp chia ba nước Việt, Campuchia và Lào thành 5 xứ, gồm 4 xứ do Pháp bảo hộ (Lào, Campuchia, Bắc kỳ và Trung kỳ), một xứ thuộc địa (Nam kỳ). Nam kỳ thuộc địa là lãnh thổ hải ngoại của Pháp, được có một dân biểu tại quốc hội Pháp. Dân của 5 xứ, muốn qua lại, ngoài giấy thuế thân còn phải có giấy thông hành. Riêng giấy thuế thân, tùy theo thành phần giai cấp trong xã hội mà có giấy nầy với màu thay đổi theo từng năm để “mã tà” xét giấy cho thuận tiện (nhìn giấy, họ biết người ấy giàu hay nghèo, đã đóng thuế thân chưa!).

Sau đệ nhị thế chiến đến nay (1945...)

Ngày 25/3/1945, tại Đông Dương, Nhật đảo chánh Pháp và đến ngày 15/8/1945 Nhật đầu hàng Đồng Minh. Tại Sài Gòn, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất do Cộng Sản lãnh đạo, thành lập Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ vào cuối tháng 8/1945, nhưng sau đó Pháp theo chân Anh vào Nam. Ngày 2/9/1945 Pháp chiếm lại các công sở tại Sài Gòn. Ủy Ban Hành Chánh rút đi và ngày 23/9/1945 tuyên bố Nam Bộ kháng chiến. (“Mùa thu rồi, ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...”.)

Trong khi tại Hà Nội, ngày 19/8/1945, Việt Minh cũng cướp chánh quyền và ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập, với tên gọi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946, Pháp công nhận VNDCCH nằm trong Liên Hiệp Pháp, riêng miền Nam Kỳ thuộc địa vẫn còn do Pháp quản lý. Cuối tháng 5/1946, Nam Kỳ tự trị do bác sĩ Nguyễn văn Thinh thành lập bị toàn quốc phản đối và đưa đến việc bác sĩ quyên sinh (10/11/1946). Ngày 19/12/1946, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. HCM đã “giải tán” đảng Cộng sản (11/1945) nên qui tụ được mọi thành phần yêu nước trong thời kỳ đầu, để rồi họ lần lượt sát hại những người Quốc Gia. Các lãnh tụ Quốc Gia phải chạy sang Hương Cảng, ủng hộ việc cựu hoàng Bảo Đại lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập. Hiệp ước Élysée (8/3/1949) nhìn nhận VN độc lập trong Liên Hiệp Pháp. Ngày 1/7/1949 Quốc Gia Việt Nam chánh thức ra đời, nhưng chủ quyền còn nhiều hạn chế vì tình hình chiến tranh với Việt Minh.

Tình trạng đất nước bấy giờ rất tang thương. Pháp và chánh quyền Quốc Gia VN non trẻ chỉ kiểm soát những khu vực quanh các thành phố. Ở miền Nam, trong rừng núi, ruộng đồng,VM chia làm ba khu để hoạt động: miền Đông là khu 7, miền Tây (Đồng Tháp) là khu 8 và miền Hậu Giang là khu 9. Pháp và quân đội Quốc Gia thiết lập đồn bót dài theo quốc lộ. Tàu Pháp tuần tiểu trên dòng Cửu Long. “Qua sông, bạc đầu”. Do đó,VM đã chia vùng tả ngạn sông Cửu Long thành vùng Long Châu Sa (Long Xuyên-Châu Đốc-Sa Đéc) thuộc khu 8, bên kia, vùng hữu ngạn là vùng Long Châu Hậu (Long Xuyên-Châu Đốc-Hậu Giang tức Cần Thơ) thuộc khu 9. Như tình hình chung cả nước, mọi phần tử yêu nước đều đi kháng chiến, để lần lần cũng bị Cộng Sản loại trừ. Việc xúc động nhất ở miền Nam lúc ấy là việc Đức Giáo Chủ PGHH bị sát hại tại Đốc Vàng (thuộc vùng Cao Lãnh) vào tối 16/4/1947 (5). Lúc bấy giờ, sự thanh toán nhau, gây chết chóc khắp miền Tây. Xác người trôi sông là những hình ảnh hãi hủng nhất. Những người Quốc Gia lần lượt “về thành”.

Ngày 7/5/71954, Pháp thất trận Điện Biên Phủ, đưa đến hội nghị Genève (7/5/1954-20/7/1954). Theo tinh thần hiệp định Genève, Cao Lãnh là một trong những địa điểm để Việt cộng tập kết đi ra Bắc. Ngày 7/7/1954, Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh. Ngày 22/7/1954, thủ tướng Ngô Đình Diệm ra lệnh treo cờ rũ trên toàn Miền Nam (kể từ vĩ tuyến 17 trở vào). Ngày 23/10/1956, ông cho mở cuộc trưng cầu dân ý và ngày 26/10/1956, ông trở thành Tổng Thống của nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Trong thời gian nầy, sắc lệnh 22NV, ký ngày 17/2/1956, thành lập tỉnh Phong Thạnh và đến ngày 22/10/1956, sắc lệnh 143NV đã đổi tên tỉnh nầy thành tỉnh Kiến Phong, gồm 4 quận Cao Lãnh, Hồng Ngự, Thanh Bình và Mỹ An, đến ngày 13/7/1961 có thêm quận Kiến Văn, như vậy, khi ấy Kiến Phong có 5 quận cả thảy, với diện tích 2.621km2, dân số là 405.200 người. Khi trung tá Nguyễn Quốc Hoàng làm tỉnh trưởng, ông đã có kế hoạch dời tỉnh lỵ đến vàm trên của sông Cao Lãnh. Trong khi xây cất những cơ sở mới thì các ty, sở vẫn làm việc tại thị xã Cao Lãnh cho đến khi ông đổi đi và lúc trung tá Đinh văn Phát đến nhậm chức, theo lời thỉnh cầu của dân chúng, tỉnh lỵ được đem trở về Cao Lãnh (nơi vàm trên, trở thành “Trung Tâm Huấn Luyện Trần Quốc Toản”). Năm 1968, Cao Lãnh còn là Biệt khu 44 và tại đây, tư lệnh biệt khu, đại tá Phạm văn Phú đã được vinh thăng chuẩn tướng tại mặt trận vào năm 1969. Sau biến cố 1975, vào tháng 2/1976, Kiến Phong đổi tên là Đồng Tháp gồm có thị xã Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc và các quận Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Cao Lãnh, với diện tích 3.238,1 km2, có dân số là 1.568.100 người (6)

Các nguồn lợi của Cao Lãnh & Đồng Tháp

Cũng như mọi nơi thuộc miền đồng bằng sông Cửu Long, mọi nguồn lợi của Cao Lãnh-Đồng Tháp đều tùy thuộc từ địa hình đến thổ nhưỡng, từ khí hậu đến sông ngòi mà có được:

Đồng Tháp Mười là một bồn trũng, gồm ba nhóm đất: nhóm phù sa cổ nhô cao ở phía bắc, dọc biên giới VN-Campuchia; nhóm đất phù sa ngọt hướng tây bắc-đông nam (Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh). Dãy phù sa ngọt trải rộng không đều, có khi gần bờ (vùng Hồng Ngự), có khi mở rộng cách bờ sông trên 20 km (Cao Lãnh), đó là phù sa bãi bồi; nhóm đất phèn ở Đồng Tháp Mười. Hằng năm vào mùa nước ngập, vùng đất mênh mông nầy có độ dốc thấp nên nước chảy hết sức chậm, Những vùng phù sa chắc, cao dọc tả ngạn sông Tiền từ Hồng Ngự, Cao Lãnh đến Mỹ Tho, Tân An tạo thành một thứ “rào” giữ nước. Khi nước vào, nước đục đậm đặc phù sa, những phù sa hạt thô gặp vật cản lắng xuống trước, tạo cho gờ sông cao dần.Trên đường đi của nước, càng vào sâu, thì nước trong dần vì phù sa gần như để lại hết trên đường vào. Trung bình mỗi năm, phù sa bồi thêm từ 1mm đến 10mm, càng vào sâu thì bồi tích càng mỏng dần. Vì thế, ở ven sông lớn, đất phù sa phủ dày độ 1m5 trên tầng đất sét đã ếm phèn, là vùng dân cư và trồng cây ăn trái, rồi đến đất rẫy và ruộng. Vì lúa cần có lớp phù sa ít nhất là 20cm thì rễ lúa mới bám để lúa phát triển nên vào sâu bên trong, lớp phù sa quá mỏng, chỉ còn là vùng cho lúa trời hay tràm, bàng, lác sống mà thôi.

Nguồn lợi đầu tiên khi cư dân đến đây có được là cá. Theo chu kỳ của mùa nước hằng năm mà cá sinh sôi và lớn lên. Cần phân biệt hai loại cá:

*Cá sông (cá trắng) chỉ sống trên sông vì không chịu được nước có phèn. Mùa nước rút, nước có phèn từ đồng chảy ra sông, các loại cá nầy thường thấy nổi lên chết ở những đoạn kinh trong Đồng Tháp, chỗ gần chảy ra sông Tiền.

*Cá đồng (cá đen) sống được cả trong nước có phèn, vì thế mỗi năm, vào tháng 4, tháng 5, mưa xuống, nước dâng lên, loại cá nầy sinh sôi rồi theo nước đi lần vào ruộng mà sống. Tháng 6, nước tràn bờ cho đến tháng 7, tháng 8 là dâng cao nhất. Đây là lúc cư dân bắt cá trên đồng (giăng lưới hay câu trong ruộng lúa). Xin được kể: Người ta dọn một khoảng trống nhỏ, hẹp, trong ruộng lúa để giăng một miếng lưới độ 1mx5m. Cá rô đồng, khi bơi gặp lưới cản, lùi lại để phóng mạnh tới, thế là vướng lưới, (cá rô bán ở chợ, ta thấy ở đầu cá bị tróc vãy là “cá rô lưới”). Đi câu, chống xuồng vô ruộng, chọn khoảng trống, nước trong vì có phèn, nên chờ thấy cá rô lớn lớn lội vô khoảng trống đó, mình mới bỏ lưỡi câu xuống, chắc chắn cá đó sẽ cắn câu, nếu để lưỡi câu mãi dưới nước thì câu được các cở cá nhỏ, lớn. Khi chống xuồng vô ruộng, chụp cào cào nhảy vô xuồng lúc mình quơ sào để chống xuồng hay mình bắt cào cào đậu trên lá lúa cạnh xuồng, để làm mồi câu. Mỗi con cào cào được chia thành 3 miếng mồi (đầu, thân, đuôi) là ta có thể câu được 3 con cá rô. Đó là chuyện tôi đã làm khi xưa.

Đến khi nước rút, từ tháng 10 đến tháng 12, phần nhiều cá sẽ, theo nước, ra sông. Lúc đó, nhà nước cho đấu giá từng con sông nhỏ.Người trúng thầu có quyền chặn đăng ở hai đầu khúc sông để bắt cá. Khu vực rạch Trà Dư, rạch Hồng Ngự, rạch Sở Thượng, rạch Sở Hạ (“Sở”là tên từ “Sở cá” hay “Sở Thủy Lợi” tức khu vực đánh bắt cá phải đóng thuế), thuộc nhà nước quản lý, cho đấu thầu. Còn lại khoảng 597 rạch nhỏ khác là do địa phương quản lý. Ngoài ra, trong khu vực trũng, cá không ra sông mà tụ xuống những đìa đã đào sẵn. Có những nơi, như vùng Tam Nông, người ta không canh tác mà đào đìa để bắt cá, lợi tức cũng cao, nhưng phải đóng thuế theo qui định như tiền thuế đất hạng nhất.

Còn nhớ, một vị dân biểu thời đệ nhất VNCH, vốn là giáo sư luật khoa, có đề ra một dự án luật “Cấm đánh bắt cá ròng ròng”. Khi dự án luật nầy đưa về khu Đồng Tháp Mười để thăm dò ý dân, liền gặp sự phản đối của bà con vùng Thanh Bình, Hồng Ngự (phản đối dữ dội nhất là vùng Tam Thường: Thường Lạc, Thường Phước, Thường Thới) với lập luận:”Chim trời, cá nước, ai bắt được thì ăn”. Do đó, dự án luật nầy bị xếp lại mà không trình ra quốc hội.

Có rất nhiều cách để bắt cá, như việc nôm cá là vui nhất. Vào mùa khô, khi nước ròng (nước rút) gần cạn rạch, bà con sống ở cùng một con rạch nhỏ đó, sẽ họp nhau, sắp thành vài ba hàng ngang dưới lòng rạch cạn và bắt đầu nôm từ phía đầu rạch vô ngọn rạch. Tiếng nôm chụp xuống nước, tiếng nói cười từ dưới rạch lẫn tiếng reo la của trẻ chạy theo trên hai bờ rạch, tạo nên cảnh hết sức vui ở đồng quê.

Về cá trên sông Tiền, đáng ghi nhận là việc bắt cá linh. Đến mùa nước đổ, người ta tính hướng của dòng nước chảy, đóng đáy gần bờ sông, đón từng đợt cá linh từ miệt Campuchia trôi về. Khi đợt cá vào miệng đáy nhiều quá, chủ đáy phải đánh mõ gọi các xuồng nhỏ ra chở cá “chạy” bán dọc theo các sông rạch nhỏ quanh vùng, nếu không, khi cá nhiều quá, sẽ chèn, làm bể (rách) đụt của đáy. Cá linh vào tháng 7, tháng 8 còn nhỏ thì làm nước mắm, đến tháng 9, tháng 10, cá to béo thì làm mắm. Cá linh nhiều quá và là loại cá mau chết khi ra khỏi nước; cá chết được dùng làm phân bón (cá trộn với tro trấu) cho rẫy trồng thuốc lá. Có lẽ vì thế mà thuốc lá Cao Lãnh được tiếng khen “thuốc ngon”.

Về trồng trọt, như các nơi khác của đồng bằng sông Cửu Long, mọi thứ cây trái, rau quả đều được trồng theo vùng đất ven sông và nhất là ở miệt cồn (cồn Lân, cồn Chài, cồn Trọi...). Sau miệt rẫy, miệt vườn nầy là miệt ruộng cấy. Nơi làm ruộng cấy (nước không ngập sâu) nhà nông nuôi bò để canh tác nhưng vào sâu bên trong Đồng Tháp Mười, miền đất còn thấp, nhà nông phải trồng lúa sạ là những giống lúa có đủ khả năng mọc vươn theo con nước lên: lúa nước nổi. Khoảng 1901, ông Phan văn Vàng, quê ở làng Đa Phước (Châu Đốc) đem giống lúa nổi (riz flotant) có thể vươn theo mực nước lên trong mùa lũ, từ Kratié (Campuchia) về trồng thử và thấy là giống lúa thích hợp cho vùng Đồng Tháp Mười.

Vào cuối mùa khô, khi có vài cơn mưa, nhà nông bèn cày lật đất rồi bừa trở cho đất bể nhỏ ra là sạ lúa (hột lúa đã ngâm nước cho ra mộng). Khi lúa lên độ 0,2m hoặc 0,3m là lúc nước bắt đầu vô đồng (tới mùa nước nổi). Cứ như thế, cây lúa sẽ lớn theo nước lên, (tuy nhiên, thỉnh thoảng có năm, nước dâng mau quá, lúa mọc theo không kịp nước lên thì cũng bị úng thủy mà chết!). Thường thì lúa nổi vươn theo nước mà sống cho đến khi lúa trổ đòng đòng và khi bông lúa sắp chín là nước cũng từ từ rút ra sông. Mùa khô, nông thôn đi vào mùa gặt. Đây là lúc đồng quê rộn rã, vui tươi hẳn lên. Trong mùa gặt, nhà nông dùng lúa thay cho tiền để trả lúc mua hàng. Bấy giờ, trên sông rạch có rất nhiều xuồng bán bánh trái, thức ăn xuôi ngược theo các rạch, gần những đám ruộng đang gặt hay các sân đạp lúa...để “đổi lúa” chở vể nhà.

Sau khi gặt lúa xong, lúa nước nổi có nhiều rạ, đến mùa đốt đồng sẽ cho nhiều than làm phân bón cho mùa lúa sau. Vùng sâu bên trong nầy, nhà nông phải nuôi trâu để canh tác vì trâu mới thích nghi với vùng nước nổi như lội nước lâu, nằm ngủ dưới sình tránh bị muỗi chích (trâu nằm vũng). Khi lên cạn, lớp sình khô đi là “áo giáp” chống muỗi cho trâu. Trâu còn có sức khỏe hơn bò để kéo cày, bừa, cộ và đạp lúa.

Người dân trong vùng sâu nầy, cũng gặp nhiều khó khăn khi nước lên:

*Bà con phải tìm nơi cao, khô ráo để “cầm trâu” trong suốt thời gian nước nổi. Khi sắp đến mùa nước, việc đồng áng coi như đã xong xuôi, chỉ còn chờ lúa trổ bông, trong mỗi xóm, bà con cùng đưa trâu ra vùng ven, gần bờ sông Tiền, dựng lều cho vài người trai trẻ ở lại đó trông coi cả đàn trâu, để trâu có đủ cỏ ăn, có chỗ khô ráo mà sống, chờ đến khi nước rút mới cùng nhau đưa trâu về lại xóm. Câu chuyện đưa trâu đến nơi cao trong mùa nước nổi đã dựng thành phim “Mùa len trâu” (thú thật, lần đầu tôi được biết từ “len trâu” qua phim nầy).

*Cái khó nhất của vùng sâu là lúc có thân nhân qua đời trong mùa nước. Khi đó, bà con đành đem quan tài người thân vào sâu trong đồng để “gác tréo” (dựng giàn cây cao hơn mực nước, đặt áo quan trên giàn đó), chờ bao giờ nước rút mới có thể chôn người thân được.

*Trong đồng sâu còn nạn đỉa và muỗi. Bước chân xuống nước ta phải cẩn thận vì bị đỉa đeo là chuyện “bình thường”. Về đêm, ngủ mùng cũng dễ bị muỗi cắn nếu để tay sát mí mùng, chỉ ngủ nóp là tiện hơn do nóp dày, muỗi chích không qua nóp được, ngủ rất ấm, nhưng dân ở chợ có khi không quen “lật nóp” (dựng nóp đứng lên thành mũi tàu để có khoảng trống cho dễ thở khi nằm ngủ) sẽ rất khó ngủ.

Trong đồng sâu hơn nữa, như đã ghi bên trên, chỉ có loại lúa trời (lúa ma) mọc và chịu nổi nước nhiều phèn. Đây cũng là nơi tràm, bàng, lau sậy mọc. Có nhiều nơi, xác thực vật tích tụ lâu ngày ở chỗ trũng sâu hóa thành than bùn, lớp than nầy cũng giúp việc ếm phèn bên dưới cho cánh đồng. Các nhà địa chất ghi nhận, phải mất 2 ngàn năm và 40 m3 xác bã thực vật mới làm nên 1m3 than bùn, do vậy không thể sử dụng than bùn bừa bãi được, cũng như việc đào kinh, giúp cho việc giao thông trong đồng ruộng thuận lợi nhưng cũng làm mất đi diện tích đất sét đang trùm phủ lớp phèn bên dưới (ếm phèn) khiến cho phèn dậy lên làm hại môi trường canh tác.

Ngoài việc, “dưới cá, trên cơm”, chúng ta thấy người dân nơi đây còn có những thực phẩm khác như ốc gạo, hến, chuột, rắn, rùa, chim chóc. Còn nhớ, trước 1975, các bà đến Cao Lãnh thăm chồng đang làm lính đóng nơi đây, khi ra chợ, rất sợ khi bước đến khu bán chuột, rắn, rùa.

Những chuyện ở đất Cao Lãnh- Tháp Mười:

1. Gò Tháp và những anh hùng chống Pháp:
Gò Tháp

Có thể nói được rằng, từ những chuyện của Gò Tháp mà vùng nầy được quan tâm tìm hiểu từ trước cho đến nay. Đây là một gò đất cao hơn mọi vị trí chung quanh khoảng 4m nên đến nay chưa thấy bị ngập nước. Gò nằm theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, dài non 1km, nơi rộng nhất độ 500m, xưa thuộc làng Mỹ Thọ, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc nay thuộc làng Tân Kiểu, quận Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Đây là nơi trước kia, Thiên Hộ Dương lập căn cứ để đánh Pháp.


Hình tác giả Trần Văn Miêng đứng trước ngôi Tháp.
Tháp Mười (do Đại úy Tuyết cho xây dựng trên Gò Tháp)

Khoảng năm 1957, đại úy Tuyết (Đặng Văn Tuyết?) làm quận trưởng Cao Lãnh, ông đã cho trùng tu mộ Đốc Binh Kiều và cất lên một ngôi tháp 10 tầng tại gò nầy. Đến năm 1958, chúng tôi có đến viếng nơi đây. Theo đường sông, từ Cao Lãnh đi Mỹ Quí, vào kinh Tháp Mười, quẹo mặt đến chợ Mỹ An thì quẹo trái đi vào Gãy Cờ Đen khoảng 5km, là tới ngay Gò Tháp. Cái tháp cao 10 tầng nầy, về sau khi tình hình cuộc chiến sôi động, đã bị VC san bằng (là điều dễ hiểu!). Sau 1975, nơi đây có dựng tượng và cất đền thờ hai vị anh hùng Thiên Hộ Dương & Đốc Binh Kiều, Miếu Bà Chúa Xứ, nằm về phía trước mộ Đốc Binh Kiều...

Thiên Hộ Dương

Đền thờ Thiên Hộ Dương (trên Gò Tháp).


Ông là bộ tướng của Nguyễn Tri Phương, được tôn lên là “thiên hộ”, danh hiệu dành cho người qui tụ được ngàn nhà đi khai hoang. Khi hay tin ông khởi nghĩa, Tự Đức mật chỉ phong ông làm lãnh binh nên còn có tên Lãnh binh Dương. Tổng hành dinh của ông đóng tại Gò Tháp. Pháp muốn vào đó, chỉ có ba hướng, thì ông cho lập ba đồn để chống giữ.

  1. Mặt thứ nhất từ Gò Bắc Chiên đi qua, là đồn Tả.
  2. Mặt thứ hai từ rạch Cần Lố đi vô, là đồn Hữu.
  3. Mặt thứ ba từ Cái Nứa (gần Cái Bè) đi vô, là đồn Tiền.

Ngoài ra còn năm sáu tiền đồn ở xa bên ngoài. Các đồn chánh có khoảng 300 nghĩa quân và tiền đồn có độ 150 nghĩa quân, có trang bị súng trường và súng bắn đá (pierrier).

Nghĩa quân thường đi đánh phá các đồn, chợ phía nam Đồng Tháp Mười. Đáng ghi nhận là việc đốt phá đồn chợ Mỹ Trà vào tối 22/7/1865. Trận chiến đã diễn ra ở khu vực quanh bệnh viện Cao Lãnh, miểu Ông Bà Chủ Chợ, trường Tiểu học Cao Lãnh và Công sở Mỹ Trà. Về sau, nơi đây, Pháp dựng một nhà bia ghi công Phạm Công Khanh, người đã giúp họ chống với nghĩa quân. Do nhà bia, có bóng mát, lại nằm về phía cổng sau của trường Tiểu học Cao Lãnh, nên chúng tôi hay tụ họp ở đó khi chờ trường mở cổng. Sau nầy, công sở Mỹ Trà dời đi nơi khác, nhà bia ấy đã bị san bằng và tượng Thống Linh được dựng lên tại nền công sở (1967).

Việc đánh phá của nghĩa quân làm Pháp lo sợ nên chính đô đốc De Lagrandière, từ đầu năm 1866 đã có kế hoạch tấn công vào Gò Tháp. Từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4/1866, các đồn Hữu,Tiền,Tả lần lượt thất thủ, nhưng nghĩa quân rút khỏi tổng hành dinh an toàn. Thiên Hộ Dương giao quân cho Đốc Binh Kiều để đi cầu viện cùng Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá... Về sau, ông “vẫn tiếp tục hoạt động song không có kết quả, rồi về Trung và có lẽ mang bệnh mà chết”(7).

Đốc Binh Kiều

Ông tên thật là Nguyễn Tấn Kiều, phó tướng của Thiên Hộ Dương. Khi Thiên Hộ Dương đi cầu viện Nguyễn Trung Trực và lúc Pháp đã rút khỏi Gò Tháp, ông thu tàn quân, cùng Thống Linh, Thống Chiếu, Thống Bình trở về Gò Tháp, củng cố lực lượng, tái dựng đồn binh và không còn ở thế phòng thủ thụ động như trước kia.

Nghĩa quân tiến kích Pháp ở Cai Lậy và nhiều nơi khác. Về sau, ngày 6/4/1867, Việt gian đã dẫn đường cho Pháp công hãm Gò Tháp. Đang giao tranh, ông bị thương nặng và hy sinh. Ông được an táng ngay trên Gò Tháp. Nghĩa quân mất chủ tướng phải rút đi và lần lần tan rã. Dân chúng đã lập miếu thờ ông tại Gò Tháp, phía trước mộ ông.



Đền thờ Đốc Binh Kiều



Thống Linh

Ông tên thật là Nguyễn Văn Linh, sinh năm 1815 tại làng Mỹ Ngãi, huyện Kiến Hưng, phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường, nay thuộc quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Lúc Pháp đóng quân tại Vàm Cần Lố hầu chế ngự Thiên Hộ Dương, ông thành lập một lực lượng chống Pháp nên tổng đốc Trần Bá Lộc đem binh đánh dẹp, ông phải rút sâu vào Đồng Tháp và phối hợp cùng Đốc Binh Kiều để chiến đấu.


Tượng Thống Linh


Một hôm, ông về thăm gia đình, bị kẻ xấu báo cho Pháp, nên trên đường trở lại khu chiến, ông bị Pháp bắt tại làng Phong Mỹ. Chúng đưa ông về Mỹ Ngãi giam cầm, lung lạc bằng tình cảm gia đình, bằng quyền chức không thành nên đem ông ra hành quyết tại Mỹ Trà. Đồng bào Mỹ Ngãi đã lập miếu thờ ông cùng Thống Chiếu, Thống Bình. Để tránh tai vách mạch rừng, dân chúng gọi ngôi miếu nầy là nơi thờ Quan Đế.

2. Miễu Trời Sanh và ngôi mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Miễu Trời Sanh

Trên đường từ Cầu đúc Cao Lãnh đi độ 500m, về hướng bến bắc, chúng ta sẽ thấy ở phía bên trái con đường, có 4 cây đa to lớn. Đây là nơi người lớn cấm bọn trẻ chúng tôi không được lai vãng vì cho rằng rất linh thiêng, nếu chơi giỡn, sẽ bị bà quở, bà phạt mà đau ốm. Tuổi trẻ hiếu kỳ, chúng tôi cùng rủ nhau, lén đến đó cho biết. Thật ra, trong các cây lớn nầy, một cây có cái bộng rộng, trong ấy người ta đã kê tấm ván làm bàn thờ với đèn, nhang và cả trái cây để cúng vái mà không phải dựng miếu chi cả, do đó gọi chỗ có sẵn ấy là “Miếu Trời Sanh”. Được biết, ông đạo Có tới đây tu niệm và sau ông, là hòa thượng Thoại dựng kế bên miếu một ngôi chùa lớn tức Hòa Long Tự ngày nay.

Mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc

Trước và sau 1975, có nhiều lời kể khá khác nhau, về nguyên nhân cụ đến sống ở Cao Lãnh. Khi cụ qua đời, cụ được chôn cất tại miếng đất phía sau chùa Hòa Long cùng bao ngôi mộ khác (mả đất). Do cụ là thân sinh của ông Nguyễn Tất Thành tức ông Hồ Chí Minh, nên vào năm 1954, theo tinh thần hiệp định Genève, Cao Lãnh là “địa điểm tập kết”, VC đã sửa ngôi mộ nầy. Mộ được xây lại bằng gạch và được quét vôi trắng (nhưng không có dựng bia). Bà con khuyên đừng léo hánh tới đó, vì có thể bị chánh quyền Quốc Gia hỏi tới hỏi lui, nhưng thú thật, chúng tôi cũng có đến mà chẳng có việc rắc rối nào. Vào những ngày lễ của VC, thì sáng hôm sau, tại ngôi mộ nầy còn dấu tích nhang, đèn cầy đã đốt đêm trước kể cả hoa trái cúng cũng còn đó; có khi, ngôi mộ còn được quét vôi mới. Sau cuộc đổi đời, 30/4/1975, ngôi mộ nầy đã trở thành một lăng:“Lăng Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc”. Các ngôi mộ khác quanh đó đã được di chuyển đi. Nền mộ được mở rộng ra. Ngôi mộ và nền mộ được lót lại bằng đá hoa cương mang từ núi Ngũ Hành (Đà Nẵng) về. Phía trên mộ, có một mái với hình đúc 9 con rồng che phủ và mái nầy giống hình một vỏ sò. Trước mộ là một hồ nước hình ngôi sao năm cánh, trồng sen của các miền Bắc, Trung, Nam, qui tập về; chung quanh mộ là cây kiểng của khắp nơi “kính dâng”. Trong khuôn viên của “lăng”, một ngôi nhà sàn và ao cá, theo bảng ghi chú, là cất theo khuôn mẫu ngôi nhà của ông Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, Hà Nội. Gần hai bên cổng vào lăng là hai nhà tranh, một nhà ghi chú là dựng lại“ ngôi nhà của bà Nguyễn Sinh Sắc”, nhà kia là nhà lưu niệm, để kỷ vật và tranh ảnh của gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc. Bên ngoài cổng ra vào là carpark khá rộng ăn thông ra đường cái. Như vậy, ngày nay, coi như ngôi mộ nầy đã tách khỏi khuôn viên Hòa Long tự, thành một khu riêng biệt.

Gà Cao Lãnh

“Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh (đẹp) bằng gái Nha Mân”.

Theo câu ca tụng trên đây, nghe bảo rằng gái miệt Nha Mân “bảnh” (đẹp), vì khi vua Gia Long tránh quân Tây Sơn, có đến sống ở vùng Nha Mân (Sa Đéc), đến khi vua đi, có một số cung phi mỹ nữ ở lại đây, sinh sống..., nên con gái của vùng nầy nổi tiếng đẹp đẽ, do đó là con cháu của các cung nữ nầy. Đá gà là việc phạm pháp ở Úc châu, nhưng ở VN, là thú chơi phổ biến. Trẻ nhỏ VN thì nuôi gà tre (loại gà rừng, nhỏ con), người lớn thì nuôi gà nòi, để đá với gà khác, là việc bình thường.

Gà nòi Cao Lãnh được tiếng là gà đá hay, (khi đá độ với các gà nòi ở nơi khác, thường thì gà Cao Lãnh thắng). Còn nhớ, miền Nam, có hai nơi nuôi gà nòi nổi tiếng là Hóc Môn (Gia Định) và Cao Lãnh. Gà Hóc Môn đá độ thắng nhờ cặp giò cứng, ra đòn mạnh (gà đá đòn). Gà Cao Lãnh thì hay nhờ cặp cựa gà sắc, nhọn...(gà cựa).Việc nuôi gà cũng lắm công phu và rất phức tạp, phải xem vẩy ở chân gà, cựa ngay hay cong...,phải cho gà quần sương, ăn cỏ, tỉa lông đầu v.v.. Cao Lãnh có giai thoại về ông Lê Quang Hiển (người làng Mỹ Trà) đem gà lên xứ Chùa Tháp để đá với gà của vua Campuchia: Ông Hai (theo cách dân địa phương gọi ông Lê Quang Hiển) là một đại điền chủ của Cao Lãnh. Có lẽ, lúc ấy, do các con của ông học tại trường Chasseloup Laubat (nay là Lê Quí Đôn) Sài Gòn, cùng thời với thái tử Norodom Sihanouk. Đó là ông Lê Quang Nghĩa, sau là giáo sư tại trường Le Myre de Vilers (Nguyễn Đình Chiểu) Mỹ Tho và ông Lê Quang Thanh (cha của Lê Quang Uyển. Ông Uyển là Thống đốc Ngân hàng QGVN cho đến 30/4/1975). Phải c hăng do quen biết của các con ông khi cùng học với con vua (?) và nghe danh gà Cao Lãnh nên ông Hai đã nhiều lần được vua Norodom Suramarit mời lên Nam Vang đá gà. Lần nào, ông Hai mang gà Cao Lãnh lên xứ Chùa Tháp, gà của ông Hai đều thắng gà của vua Miên (cách gọi nước Campuchia vào thời đó).

Tôi cố gắng ghi lại quá trình gian khổ của bao thế hệ ông cha khi đi mở đất về phương Nam, những biến chuyển của vùng đất nầy từ trước cho đến nay và những điều, những việc tôi đã nghe, đã thấy từ sinh quán của mình, với tất cả tâm trạng của người tha thiết hoài hương. Biết rằng, trong khả năng hiểu biết của tôi, có rất nhiều sai sót, tôi rất mong được sự chỉ bảo của các bậc cao minh. Thưa rằng, vào thời nào, ở nơi nào, trong hoàn cảnh nào, quê hương của mỗi người vẫn là nơi thân thương nhất của mình. Ông Lamartine, nhà thơ Pháp, khi nói về sinh quán, đã nhắc đến những bước chân quen, những giọng nói thân thương, những ngọn núi mờ sương thu, những đồi, những con đường mòn, những làn khói tỏa... để rồi thốt lên: “Hởi những vật vô tri, các ngươi có chăng một linh hồn, đã gắn chặt vào hồn chúng tôi và sức mạnh của tình thương?” (8). Còn chúng ta thì ...? Ôi hai chữ “Tự Do” sao mà quá đắt!

Chú thích

(1) Tập Bản Đồ Giao Thông Đường Bộ - nxb Bản Đồ- năm 2004-tr.58.
(2) Tiến sĩ Nguyễn Văn Bon- Cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt - Văn hóa Đồng Nai-Cửu long,Úc châu, số 2- tháng 4/2008-t.67.
(3) Nguyễn Đình Đẩu- Địa lý-Lịch sử Đồng Tháp Mười - sách Địa chí Đồng Tháp Mười-nxb Chính trị QG-1996-t.116.
(4) Cao Tự Thanh - Lịch sử Đồng Tháp Mười, từ tk XVIII đến 1930 - sđd-t.215.
(5) “Ai giết Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ” – Hứa Hoành http//doanket.orgfree.com//tongquat/hphuso.html
(6) Tập Bản Đồ Hành Chánh VN.- Administrative Atlas - nxb Bản Đồ, 2004- bản đồ 61
(7) Nguyễn Đình Đẩu, sđd, tr.152
(8) “Objets inanimés, avez-vous donc une âme
Qui s’attache à notre âme et la force d’aimer?...”
( Lamartine - La terre natale)

Tài liệu tham khảo:

- Nhiều tác giả - Địa Chí Đồng Tháp Mười. - nxb Chính Trị Quốc Gia, 1996
- Trần Quang Hạo - Cao Lãnh đến năm 1954 - tác giả xb.
- Trần Quang Hạo - Cao Lãnh, vùng địa linh nhân kiệt - tác giả xb.
- Nguyễn văn Khậy – Kampuchea Trong Bối Cảnh Chiến Tranh Đông Dương – tác giả xb, 2003.
- Các tập bản đồ VN (hành chánh-giao thông đường bộ) , nxb Bản Đồ, 2004.
- Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long, (Úc châu), số 2 (tháng 4-2008) và số 3 (tháng 6-2009).