Truyền kỳ về thiền sư không Lộ
23-03-2011 | 15:47(Nguoiduatin.vn) - Sử sách còn ghi lại một trong những đại sư có công phò trợ Lý Công Uẩn lên ngôi vua chính là Thiền sư Không Lộ. Ông đã bỏ nghề chài lưới đi theo đạo phật. Cuộc đời ông là một bí mật còn truyền lại muôn đời sau.
Khi viên tịch, Thiền sư được đưa xá lợi về thờ ở chùa Nghiêm Quang, sau đổi thành chùa Thần Quang Tự (chùa Keo ở Vũ Thư - Thái Bình).
Di tích lịch sử Chùa Keo (Thái Bình)
Ngư dân cao đạo
Ông Tô Văn Thiện, Viện nghiên cứu Phật giáo Việt Nam cho biết: Theo sách Trùng san Thần Quang Tự Phật tổ bản hành thiền uyển ngữ lục tập yếu, Thiền sư Không Lộ đời thứ 9 Thiền phái Vô Ngôn Thông. Sư họ Dương, không biết tên thật là gì quê ở làng Hải Thanh.
Gia đình thiền sư vốn làm nghề chài lưới, đến đời sư nặng khối tình nhân thế, ông bỏ đi theo đạo phật. Từ một ngư phủ ông theo Thiền sư Lôi Hà Trạch xuất gia cùng làm bạn với các thiền sư Giác Hải và Từ Đạo Hạnh.
Phong cách sư thoát tục, ăn mặc thế nào xong thôi, không vướng mắc vật chất thường tình. Sư tập trung cho việc thiền định. Trải bao năm tu hành, ăn cây mặc cỏ quên cả thân mình ông đã đắc đạo.
Dân gian thành kính, tôn sùng những vị đại sư thời ấy. Với họ có một pháp thuật huyền bí, hoá giải được mọi tai ương. Sau khi các đại sư này cùng phò giúp Lý Công Uẩn lên ngôi vua với những bài kệ (sấm ký) thì thân thế của thiền sư càng thêm thần kỳ.
Ngàn năm thân xác vẫn còn nguyên
Sử sách còn ghi lại, ngày 3 tháng 6 năm Hộ Trường Khánh thứ 10 (1119) đời Lý Nhân Tông, Thiền sư Không Lộ viên tịch. Theo các sư tăng thời nay, khi ấy môn đồ của Thiền sư đã làm lễ hoả táng, thu xá lợi Phật, xây tháp thờ ở trước chùa Nghiêm Quang là nơi sư trụ trì.
Lễ hội chùa Keo
Tuy nhiên, cũng có một truyền thuyết dân gian còn được lưu lại nơi chùa Keo (Vũ Thư - Thái Bình) kể rằng trước khi viên tịch, Ngài hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Thánh tượng ngày nay còn lưu giữ trong hậu cung quanh năm khóa kín cửa.
Cứ 12 năm một lần, làng Keo lại cử ra một người hội chủ và bốn viên chấp sự để làm lễ trang hoàng tượng Thánh. Những người này phải ăn chay, mặc quần áo mới, họ rước thánh tượng từ cấm cung ra rồi dùng nước dừa pha tinh bưởi để tắm và tô son lại cho tượng Thánh. Công việc này phải làm theo một nghi thức được quy định rất nghiêm ngặt, những người chấp sự phải tuyệt đối giữ kín những gì đã thấy trong khi trang hoàng tượng Thánh.
Chùa Keo là một cổ tự có gần 1000 năm tuổi. Theo sách Không Lộ Thiền sư ký ngữ lục, năm 1061, Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang tại làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) bên hữu ngạn sông Hồng. Sau khi Thiền sư Không Lộ qua đời, chùa Nghiêm Quang được đổi tên là Thần Quang Tự.
Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần nền chùa và đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng Keo phải bỏ quê cha đất tổ ra đi: Một nửa chuyển về đông Nam hữu ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Hành Thiện (nay thuộc tỉnh Nam Định); một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông Bắc tả ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Thái Bình này.
Đứng soi mình xuống hồ nước phẳng lặng giữa một không gian thoáng đãng, chùa Keo không chỉ lưu giữ nhiều di vật quý giá mà còn chứa đựng những điều huyền bí gắn liền với cuộc đời Thiền sư Không Lộ.
Nơi đây, vẫn còn những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư như một bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà người ta kể lại rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.
Ngàn năm đã trôi qua, dấu tích của Thiền sư Không Lộ vẫn còn lưu lại tại ngôi chùa khi xưa sư trụ trì. Nhiều vị cao tăng ngày nay khẳng định, Thiền sư đã để lại cho hậu thế một tấm lòng bao dung vị tha, dùng ngôn ngữ của bậc giác ngộ để chuyển hoá tâm thức chúng sinh.
Hương Lan - Vương Hà