Chết để cứu hàng vạn sinh linh
Lăng thờ tướng Võ Tánh hiện nằm tại hẻm 19, đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận,TP.HCM. Có thể nói, trong các võ tướng của chúa Nguyễn Phúc Ánh sau này lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long, không ai tự kết liễu đời mình một cách bi tráng như ông Võ Tánh. Để đến mức tro cốt không còn, hồn phách phiêu diêu, và để tưởng nhớ công ơn, vua đành sai người đúc tượng sáp, xây “mộ gió”, lập lăng thờ.
Theo những nguồn sử liệu, Võ Tánh người gốc Biên Hòa, là một thanh niên dũng mãnh vô song. Ông theo Nguyễn Phúc Ánh từ năm 1788, khi chúa chiếm được Sài Gòn. Năm 1799, chúa Nguyễn cùng Võ Tánh phá được thành Quy Nhơn. Hai tướng Tây Sơn là Lê Văn Thanh và Nguyễn Đại Phát phải mở cửa thành xin hàng. Thành Quy Nhơn được đổi tên là thành Bình Định.
Tướng Võ Tánh cùng quan văn Ngô Tùng Châu về giữ thành,Võ Tánh là võ tướng duy nhất không sinh ra ở Bình Định mà vẫn được dân tại địa phương đưa vào ca dao để tưởng nhớ công ơn. Bởi sự tuẫn tiết của ông đã cứu được hàng vạn sinh linh tại thành Bình Định.
Tháng giêng năm 1800, tướng Trần Quang Diệu cùng Võ Văn Dũng tiến vào Quy Nhơn. Võ Tánh đem quân ra đánh nhưng đại bại phải vào thành cố thủ. Trần Quang Diệu một mặt vây thành, một mặt cho Võ Văn Dũng chặn luôn mặt biển. Nên chúa Nguyễn Ánh đã mấy lần cho thủy binh, lẫn bộ binh đánh ra Quy Nhơn, vẫn không giải cứu được thành Bình Định.
Tháng giêng năm 1801, chúa Nguyễn lại đưa quân ra Quy Nhơn, thủy binh đánh thắng ở giữa biển Thị Nại, nhưng vẫn chưa tháo được vòng vây cho Võ Tánh. Võ Tánh sai nữ tướng Nguyễn Thị Hào mang mật thư đi gặp chúa Nguyễn, khuyên nên bỏ thành Bình Định mà đi đánh chiếm Phú Xuân. Bởi theo tướng Võ Tánh, Tây Sơn đã dồn hết chủ lực vào thành Bình Định, nên lực lượng tại Phú Xuân rất yếu.
Lăng thờ tướng Võ Tánh tại Sài Gòn
Nguyễn Phúc Ánh kéo đại quân ra đánh Phú Xuân và chiếm được thành. Quân nhà Nguyễn còn lại do Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Huỳnh Đức hợp lại, bị quân Tây Sơn đánh bật ra khỏi đất Quy Nhơn.Trần Quang Diệu thừa thắng đánh thành thêm kịch liệt.
Quân trong thành mệt mỏi, lương thực, đạn dược cạn kiệt, Võ Tánh sợ nếu cứ tiếp tục sẽ hại thêm bao sinh linh vô tội liền viết thư cho Trần Quang Diệu, yêu cầu lúc vào thành đừng sát hại quân dân.
Ngô Tùng Châu khuyên Võ Tánh nên bôn tẩu về với chúa Nguyễn nhưng tướng Tánh không nghe, liền nói: “Tôi là võ tướng phải chết theo thành. Ngài là quan văn hãy cố bảo trọng”. Ngô Tùng Châu đáp: “Võ có trung can lẽ đâu văn lại không nghĩa khí”. Sau, quan Ngô Tùng Châu cúi lạy Võ Tánh rồi về dinh tự vẫn bằng thuốc độc.
Võ Tánh sai chất củi khô nơi đài bát giác và rải thuốc súng chung quanh lầu. Ngài quận công thay áo mão ung dung bước lên lầu, rồi truyền châm lửa. Quân lính không nỡ ra tay. Ngài quận công cười đòi hút thuốc, quân lính dâng thuốc.
Tướng Võ Tánh rít một hơi, rồi quăng điếu thuốc xuống, lửa bùng lên, cháy lan cả trong lẫn ngoài. Lầu bát giác bỗng chốc hóa thành ngọn đuốc khổng lồ. Tiếng khóc vang thành. Quản binh Nguyễn Thận hay tin hối hả chạy về, leo lên đài tuẫn tiết cùng tướng Võ Tánh.
“Ai xin gì là ông cho nấy”
Tướng Trần Quang Diệu nhập thành, quân dân đã xếp hàng nghiêm túc, không hoảng loạn, không sợ hãi cũng không huênh hoang. Tất thảy đều khóc thương cho tướng Võ Tánh, và chờ định đoạt từ tướng Trần Quang Diệu.
Cảm kích chí khí của tướng Võ Tánh, Trần Quang Diệu đã quyết cảm hoá quân dân và không giết một mạng nào trong thành. Từ đó, dân Bình Định có câu ca dao được lưu truyền qua bao nhiêu đời, rằng: “Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/ Cảm thương quan Hậu thủ thành 3 năm”.
Sau, chúa Nguyễn Phúc Ánh lên làm vua, cho đắp tượng sáp rồi chôn và lập lăng thờ. Hiện, lăng thờ này vẫn còn nằm tại hẻm 19, đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận.
Tuy thanh vắng, nhưng người dân xung quanh nơi đây kể lại, “lăng ông” vốn rất thiêng, ai “hạp” tới đó xin là hầu như: “Cầu gì ông cho nấy”.
Ông Nguyễn Văn Minh, 60 tuổi, là họa sĩ sơn mài “tá túc” tại lăng tướng Võ Tánh hằng mấy năm nay. Ông Nguyễn Văn Minh kể về một trường hợp “linh ứng” không tài nào giải thích nổi mà chính ông và xưởng sơn mài đóng tại đây đã từng gặp.
Ông Nguyễn Văn Minh tin vào sự linh ứng của lăng tướng Võ Tánh
Theo lời ông Minh, vào khoảng năm 2012, xưởng sơn mài của ông Nam xin ở nhờ tại khu vực sân hát đình của lăng tướng Võ Tánh. Ông Minh nói: “Thời ấy, anh em tụi tui khó khăn lắm, công việc chưa có nhiều. Nhàn rỗi, anh Nam cùng tụi tui ra sơn vẽ lại bình phong tiền, bình phong hậu, quynh thành cho ngôi “mộ gió” của Ông”.
Làm xong, ông Minh cùng đồng nghiệp khấn: “Cầu ông cho chúng con làm ăn may mắn”. Ông Minh tỏ vẻ kiêng dè: “Vậy mà ngay hôm sau, linh ứng thiệt luôn”. Ngay hôm sau, giám đốc trường mầm non quốc tế tọa lạc trên đường Nguyễn Huy Tưởng đã tìm đến tận lăng để thuê các họa sĩ về vẽ trang trí cho trường.
Ông Nguyễn Thành Công, 52 tuổi, cũng là họa sĩ tại đây nói thêm vào: “Lạ một điều, là chúng tôi vẽ bao nhiêu bức tranh ở ngoài mộ gió thì ông giám đốc thuê chúng tôi vẽ bấy nhiêu bức tranh. Chính xác đến từng tấm. Như chúng tôi vẽ hai bức lớn ở bình phong tiền, bình phong hậu, thì trường mầm non kêu chúng tôi trang trí 2 bức lớn ngoài cổng và trong nhà. Chúng tôi vẽ 6 bức nhỏ ở quynh thành bao quanh, thì trường cũng yêu cầu vẽ đúng 6 bức để trang trí xung quanh tường”.
Ông Nguyễn Thành Công - họa sĩ sơn mài hiện đang làm việc tại lăng tướng Võ Tánh
Sự trùng hợp kỳ lạ này, khiến cả nhóm họa sĩ tại lăng Võ Tánh cho rằng “ông” đã linh ứng. Ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ: “Sanh vi tướng, tử vi thần, ông tự thiêu, chết oanh liệt quá nên thiêng là phải rồi. Dẫu chỉ là mộ gió, nhưng ai xin gì là ông cho nấy. Người ta tới đây trả lễ hoài, nhưng tuyệt nhiên không có chuyện ồn ào kinh động chốn linh thiêng”.
Bên trong lăng thờ bày biện theo kiểu cổ xưa
Và cũng có thể, do không xảy ra chuyện mua thần bán thánh, nên “lăng ông” bao nhiêu năm qua vẫn bình yên, thanh vắng và trang nghiêm giữa lòng thành phố xô bồ.
Ông Nguyễn Văn Minh nói thêm: “Tâm linh về những vị khai quốc công thần cũng là một việc hay, giúp người ta nhớ về nguồn cội. Chúng tôi tâm linh nhưng không mê tín, bởi vậy, hơn nửa thế kỷ rồi mà lăng tướng Võ Tánh vẫn trang nghiêm không bị lẫn vào vòng xoáy kiếm tiền của những địa điểm tâm linh tôn giáo như bây giờ”.
Hồ Bá Nguyễn
Chú thích ảnh bìa: Tuy là mộ gió, nhưng ngôi mộ của tướng Võ Tánh mang nhiều huyền tích linh thiêng