Cảnh đẹp vùng trung du Bắc Giang (Phần 1)
Bắc Giang là một vùng có nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử như rừng cấm nguyên sinh Khe Rỗ, khu di tích Suối Mỡ, di tích thành Xương Giang… Nhiều hồ chứa nước lớn tạo nên phong cảnh kỳ vĩ, phát triển được tiềm năng du lịch như hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần.
Bắc Giang là một tỉnh vừa có truyền thống lễ hội văn hoá của đất Kinh Bắc, vừa có hội xuân của các dân tộc ít người.
1. Đình Lỗ Hạnh
Vị trí: Xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.
Là một trong những ngôi đình cổ của vùng Kinh Bắc với tên gọi “Đệ nhất Kinh Bắc”.
Đình Lỗ Hạnh là ngôi đình chung của 5 làng: Chằm, Chúng, Khoát, Chùa và Hạnh, nên còn có tên gọi là đình Cả. Đình được xây dựng vào năm Sùng Khang thứ 11 (1576), thờ Cao Sơn Đại Vương và Phương Dung Tiên Chúa – 2 vị thần có công với nước, với dân thời Vua Hùng.
Ban đầu, đình Lỗ Hạnh chỉ có một tòa đại đình hình chữ “nhất”. Qua nhiều lần tu sửa vào các năm 1694, 1850 và 1910, đình được xây thêm hậu cung và hai dãy tả vu, hữu vu. Nền tòa đại đình dài 23,5m, rộng 12,3m, chiều cao từ xà nóc xuống là 6,6m, từ diềm mái xuống là 2,1m; bao gồm 5 gian, 2 chái với 8 vì kèo, 4 hàng cột chính và 2 hàng cột hiên đỡ dưới các bẩy. Các vì kèo có kết cấu không giống nhau, các vì gian giữa đều theo lối “chồng rường giá chiêng”, các vì gian bên làm theo lối “kẻ chuyền giá chiêng”.
Đình Lỗ Hạnh mang giá trị văn hóa đặc sắc với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo và độc đáo các đề tài rồng, phượng, hươu, hoa lá, cảnh sinh hoạt của con người. Hiện đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: hai bức tranh sơn mài “Bát tiên” ở gian giữa trước cửa hậu cung, đôi nghè gỗ sơn son thếp vàng từ thế kỷ 17, tượng Phương Dung Tiên Chúa cùng bài vị Cao Sơn Đại Vương… đặc biệt là bức chạm tiên gảy đàn đáy – một minh chứng cho sự ra đời và phát triển sớm của ca trù ở nước ta.
Ngày 24/12/1982, đình Lỗ Hạnh đã được Bộ Văn hoá (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.
2. Đình Thổ Hà
Vị trí: Làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Đình thờ Thành hoàng làng Thái thượng lão quân.
Tương truyền, Thái thượng lão quân vốn mang họ Lý tên Đam, là người phương Bắc sống vào thời Vua An Dương Vương. Vì có công giết giặc Xích Quỷ, mở trường dạy học tại làng Thổ Hà nên các triều đại phong kiến đã sắc phong ông làm Thượng Đẳng Thần và Thành Hoàng Thái Thượng, đồng thời cho phép dân làng lập đình thờ phụng.
Đình được khởi dựng từ năm 1686, theo hình chữ Công, trên diện tích 3.000m². Trước đình là dòng sông Cầu thơ mộng; xung quanh là những cây cổ thụ cành lá xum xuê. Sau nhiều lần tu sửa, kiến trúc hiện nay của đình gồm có nhà Tiền tế, Đại đình và Hậu cung.
Nhà Tiền tế có 3 gian 2 chái, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc và bờ dải gắn hình hoa chanh. Bộ khung nhà được kết cấu bởi 4 hàng cột thân nhỏ. Tại gian giữa, vì nóc được làm theo kiểu giá chiêng, vì nách theo kiểu kẻ ngồi dưới, kẻ có bẩy đua ra đỡ mái hiên. Hai gian còn lại, vì nóc được làm theo kiểu chồng rường. Ở hai chái, vì nách cũng được làm theo kiểu chồng rường.
Đại đình có chiều dài 27m, rộng 16m, gồm 5 gian 2 chái. Thành phần chịu lực chính của nhà là 48 chiếc cột, trong đó có 8 cột cái, 16 cột quân và 24 cột hiên. Liên kết ngang của ba gian giữa là các bộ vì nóc, vì nách (vì nóc làm theo kiểu giá chiêng, vì nách làm theo kiểu chồng rường), hai gian còn lại là hai bộ vì lửng và hai chái là bộ vì theo kiểu chồng rường. Dọc theo nhà có ba hàng xà kép là xà thượng, xà trung, xà hạ. Giữa các hàng xà được bưng ván gió. Mái nhà được lợp ngói mũi hài với bốn góc mái uốn cong hình đầu đao và có gắn tượng rồng, phượng, nghê… bằng sành nung. Trên bộ khung mái cũng được chạm trổ tinh vi nhiều cảnh trí sinh động. Nền nhà được lát đá xanh. Bộ cửa võng được thếp vàng và chạm trổ các hoa văn tinh xảo.
Vài nét điêu khắc bên trong đình
Hậu cung gồm 3 gian, được làm theo kiểu “ tường hồi bít đốc”, hai đầu hồi nhà có đắp hình hổ phù; bờ dải làm theo kiểu “long đình”. Đây là lối kiến trúc có niên đại muộn, phổ biến vào cuối thế kỷ 19.
Ngoài nét kiến trúc đặc sắc tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, hiện đình Thổ Hà còn lưu giữ một số câu đối sơn son thiếp vàng, nhiều tấm bia, trong đó điển hình là bia “Thủy tạo đình miếu bi” nói về việc xây dựng đình; “Cung sao sự tích thánh” nói về sự tích Thái thượng lão quân và “Bia sao sắc phong” sao chép lại các đạo sắc phong của các triều đại phong kiến phong tặng cho Thành hoàng làng.
Ngày 13/1/1964, đình Thổ Hà được Bộ Văn hoá – Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
3. Đền Suối Mỡ
Vị trí: Nằm trong khu du lịch Suối Mỡ thuộc địa phận xã Nghĩa Phượng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Đền Suối Mỡ bao gồm đền Hạ, Trung, Thượng, nằm dọc theo dòng suối Mỡ đều thờ Thánh mẫu Thượng ngàn – công chúa Quế Mị Nương, con gái vua Hùng Vương thứ 16.
Theo truyền thuyết, công chúa Quế Mị Nương được nhiều vương tôn, công tử đến cầu hôn nhưng nàng chỉ đam mê du ngoạn, nay đây mai đó, sống với thiên nhiên, hương trời sắc núi. Vào một ngày đầu xuân, nàng cùng đoàn tùy tùng lên núi Huyền Đinh và một cơn gió mạnh đã cuốn nàng bay bổng lên trời, đưa nàng tới khúc Suối Mỡ. Khi đến đây, thấy đất đai cằn cỗi, dân tình khốn khổ đói rách vì hạn hán, công chúa rất đau lòng. Nàng đã dùng 5 đầu ngón chân ấn xuống đá và lạ thay, một dòng nước mát ào ạt chảy ra thành suối – chính là con Suối Mỡ ngày nay – đưa nước tưới cho đồng ruộng. Từ đó đất đai vùng này trở nên màu mỡ, trù phú, đời sống muôn dân ấm no, hạnh phúc.
Ghi nhớ công ơn của nàng, dân làng đặt tên con suối ấy là Suối Mỡ và lập 3 ngôi đền kế tiếp nhau để thờ nàng. Đền Hạ là ngôi đền có quy mô lớn nhất được xây dựng trong khuôn viên rộng rãi, dưới bóng cây cổ thụ sum xuê. Kiến trúc và cách bài trí của ngôi đền này khá tiêu biểu cho đền thờ Mẫu ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ vào thế kỷ 19 – 20. Ðền Trung có khoảng sân rộng để du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi lấy sức lên Ðền Thượng. Ðền Thượng độc đáo ở dạng sơn miếu, có hậu cung là vòm hang, phía bên ngoài do con người xây dựng. Trong hậu cung có đường bậc thang bằng đá dẫn lên đỉnh núi ngắm làng mạc, núi non hùng vĩ.
Đền Suối Mỡ đã được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá vào năm 1998.
4. Cây Dã Hương
Vị trí: Cây Dã Hương thuộc địa phận thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Cây Dã Hương được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1989 và là biểu tượng thiêng của trời đất, của nước non.
Cho đến nay chưa thấy tài liệu nào xác định chính xác cây Dã Hương đại thụ này có từ bao giờ. Tuy nhiên, theo thần phả của làng thì cây Dã Hương đã nhận được sắc phong của vua ban tặng: “quốc chúa đô mộc dã đại vương” (cây dã lớn nhất nước Nam) vào đời vua Lê Cảnh Hưng. Cây cũng được ghi tên, in ảnh trong Từ điển Bách khoa Larousse của Pháp và giới thiệu ảnh tại Hội chợ Marseille năm 1932…
Cây Dã Hương đại thụ có gốc và thân xù xì, tán vươn rợp bóng, uy nghi đứng trên bãi đất khá rộng, ngay sau đình Viễn Sơn cổ kính. Cây cao khoảng 30 mét. Thân cây có chu vi chỗ nhỏ nhất là 8,4 mét, chỗ lớn nhất là 17,4 mét, phải 8 người ôm mới kín. Trải qua một lần bị cháy trong ruột hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, giờ thân cây bị rỗng, 10 người đứng trong thân cây vẫn vừa. Cũng theo lời người quản lý, hiện phần đất bồi tôn cao giữ an toàn cho cây phủ mất gốc cũ có chu vi khoảng 30 mét.
Trẻ em trong làng vui chơi dưới gốc cây Dã Hương
Cây Dã Hương luôn là niềm tự hào của người dân Tiên Lục. Ngàn năm đã qua, cây Dã Hương đã chứng kiến biết bao biến cố ở làng: lễ hội, đình đám; bao thế hệ người dân sinh ra… Dưới tán cây sum suê, đây thường là nơi dừng chân, nghỉ mát, trò chuyện của dân làng. Vào những đêm trăng thanh, lại là nơi hò hẹn của biết bao đôi lứa. Dấu ấn của bao thế hệ người dân thôn Giữa luôn gắn bó với gốc Dã Hương này. Theo các cụ có tuổi trong làng thì cây Dã Hương còn là biểu tượng thiêng của trời đất, của nước non. Cây dã hiên ngang đứng đó, vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết, chứng kiến bao thăng trầm của đất nước. Trong cuốn sách ghi chép của làng, kể từ năm 1945 đến nay, các cành dã to nếu tự nhiên bị gãy là điềm báo liên quan đến các sự kiện lớn của đất nước. Chính vì lẽ đó mà trong tâm thức của người dân địa phương, cây dã luôn là một báu vật thiêng liêng, không thể tách rời xóm làng và quê hương.
Phần gốc của “Cụ cây 1000 năm“
Nằm trong cụm di tích chùa Quang Phúc, đền Tiên Lạc, đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn, cây Dã Hương ngàn năm tuổi đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1989, hiện đang là một điểm du lịch hấp dẫn du khách khi có dịp đến Bắc Giang. Vẻ đẹp của điểm di tích này được tôn thêm bởi ngôi đình Viễn Sơn cổ kính hơn 300 năm tuổi (1705), trầm mặc nép dưới tán cây dã đại thụ, thờ sáu vị Thành Hoàng làng. Hội đình Viễn Sơn diễn ra trong hai ngày 19 và 20/3 âm lịch hàng năm thu hút rất đông khách thập phương đến dự lễ hội, cũng là dịp chiêm ngưỡng cây Dã Hương lớn thứ hai trên thế giới (sau cây dã ở Ấn Độ).
5. Chùa Bổ Đà
Vị trí: Chùa Bổ Đà nằm ở phía bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm Phật giáo của phái Trúc Lâm Tam Tổ.
Có từ thời nhà Lý – thế kỷ 11 và được xây lại vào đầu thế kỷ 18, chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm chùa chính (Tứ Ân Tự) cùng hai đền thờ Đức Thánh Hóa và Thạch Tướng Đại Vương.
Chùa Bổ Đà rất đẹp và u tịch, xung quanh là tường đất bao phủ, phía xa có núi sông bao bọc. Nhiều người vẫn gọi Bổ Đà là chùa đất bởi không gian trong chùa man mác một màu nâu của đất, từ bể nước, tường, gạch cũ rêu phong… Về đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tượng thờ Trúc Lâm Tam Tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị.
Bộ kinh được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, đồng thời cũng là những người xây dựng ra ngôi chùa muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đồng thời là một di vật Phật học đặc biệt để lại cho đời sau. Bộ kinh mang những tư tưởng của hai dòng Phật giáo lớn nhất Châu Á xưa là Ấn Độ và Trung Hoa.
Bộ kinh được xếp trên 8 giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm. Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh dài trung bình 50cm, rộng 25cm và dày khoảng 2,5cm. Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng 250m² để rải các tấm ván kinh ra. Bộ kinh được khắc trên gỗ thị, một loại cây gỗ mọc phổ biến ở vùng rừng núi này. Gỗ thị không những bền mà còn rất nhẹ, đây cũng là một đặc điểm thuận lợi để khắc cũng như vận chuyển kinh.
Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay vẫn còn rất sắc, rõ nét.
Vườn tháp, nét kiến trúc độc đáo của chùa Bổ Đà
Đặc biệt, bộ kinh gỗ này có nói đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông). Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu Đế – 4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật – gồm: Khổ Đế, Nhân Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.
Bộ kinh còn nói đến cõi niết bàn, những vòng luân hồi chuyển kiếp của một đời người, giải thích thế nào là sự tu nhân tích đức, cõi vô vi… Bộ kinh cũng thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dòng Phật giáo thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ.
Sự độc đáo của bộ kinh đặc biệt này đã thu hút hàng nghìn khách thập phương về đây tham quan, tế lễ mỗi năm.
Biên tập bởi HiVietnam.net – Hữu Lộc
Hãy khám phá thêm về miền đất Bắc Giang qua bài viết ẩm thực Bắc Giang.
(Theo Vietnamtourism)
Bài viết liên quan
Ý kiến bạn đọc
Do đó, chúng tôi mong muốn sự chia sẻ, đóng góp ý kiến – tin bài – hình ảnh hoặc những đoạn video của Quý vị, nhằm giúp xây dựng một Cổng thông tin với chất lượng tốt, tin bài phong phú và phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch trong nước và nước ngoài. Chân thành cảm ơn sự cộng tác của Quý vị!