logo
Thứ tư, 10/09/2014 13:22
Đường dây nóng: (04) 38228302 Email : noidung.dko@gmail.com
 
Phóng sự

Dấu xưa huyền bí ở một vùng khảo cổ (09/08/2014)
Những câu chuyện bí ẩn về "cồn vỏ hến”, khu lăng mộ Bà Chúa với những pho tượng giữa đồi hoang, ba cặp rồng đá được xem là dấu tích của Hành cung nhà Trịnh xưa… được phát hiện tại vùng Đa Bút (xã Vĩnh Tân, Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đang được xem là những chứng tích lịch sử quan trọng cần được quan tâm, bảo vệ.



Khu tượng cổ ở đền Bà Chúa

Bí ẩn "cồn vỏ hến”

Từ QL 217, qua cánh đồng chiêm trũng chúng tôi đến khu Đa Bút một ngày mát mẻ. Cùng đi là Trưởng ban văn hoá xã Vĩnh Tân Phạm Trọng Đức. Sau một hồi cuốc bộ, anh chỉ tay xuống khu vực gần đó rồi nói: "Nơi đây thuộc vùng di chỉ khảo cổ Cồn Hến, do tác động của thời gian và không được đầu tư trùng tu bảo vệ nên khu di chỉ không còn nguyên trạng như xưa. Khu di chỉ khảo cổ học Đa Bút được phát hiện đầu tiên vào năm 1926, kết quả khai quật lần đầu phát hiện sự tồn tại của "cồn vỏ hến” với địa tầng sâu 16m, cùng nhiều những vật liệu như: rùi đá, bàn nghền, cuốc đá, chày, đồ gốm…minh chứng rõ niên đại đá mới của di tích”. Cũng theo anh Đức, cho tới bây giờ vẫn chưa có một lý giải chuẩn định nào về sự xuất hiện kỳ lạ của "cồn vỏ hến”. Có người cho rằng, người dân thời kỳ đồ đá ngụ cư bên dòng sông Mã, xuống sông cào hến về ăn rồi đổ ra đó, lâu năm thì tạo thành cồn hến đến ngày nay. Một lý giải khác khẳng định nơi đây xưa là vùng nước mênh mông, trải qua nhiều thế kỷ thì địa tầng được nâng lên, Cồn Hến là do sóng nước đẩy dồn mà thành. Song, lý giải này cũng có nhiều người phản bác vì địa tầng nơi đây rất cao, khu di chỉ thuộc xã vùng cao 135 với nhiều đồi núi, thì nước ở đâu mà dồn lên?

Trong khi đó, lão làng Hà Đức Thiệu (75 tuổi) cũng khẳng định: " Cồn hến nằm ở ven sông dài tới 50m, rộng 32m, dày 15 đến 16m, ngày nay đã không còn nguyên vẹn như xưa, mặc dù  đã có nhiều đoàn khoa học khi về khảo sát, khai quật nhưng cũng không đưa ra được lý giải cuối cùng nào. Tất cả các dẫn giải, tương truyền miệng trong dân gian tới nay vẫn vẫn chỉ là suy đoán, nhận định”.


Đầu rồng đá 

Khu lăng mộ và dấu tích Hành cung xưa

Cùng nằm trong quần thể di tích khảo cổ Đa Bút, cách khu "cồn vỏ hến” không xa, trưởng ban văn hoá Phạm Trọng Đức cùng cụ Thiệu dẫn chúng tôi đến khu lăng mộ bà chúa (thờ Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm)- Khu di tích được công nhận Di tích cấp tỉnh với câu chuyện ly kỳ xoay quanh khu lăng mộ. Cụ Thiệu cho biết, khu lăng mộ bà Chúa - tức khu lăng mộ Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm, một trong những nữ phi được suy tôn là bậc Thánh Mẫu, khi bà mất nơi an nghỉ cuối cùng của bà được chọn là khu vực núi Mông Cù (ngọn núi cao nhất trong các dãy núi nơi đây). Để tránh kẻ gian ác, tiểu nhân, khu lăng mộ của bà được bí mật lập ở 3 nơi khác nhau trên núi. Tuy nhiên, thời điểm năm 1998, có một số người từ những địa phương khác đến cùng với một, hai người làng sau khi nắm bắt được một cuốn gia phả cổ có dấu tích xác định được Khu mộ Bà Chúa nằm lưng chừng núi Mông Cù, có nhiều vàng bạc châu báu, chúng đã bàn tính và tiến hành đào trộm lúc về đêm. 

Kể tiếp câu chuyện của hơn 16 năm về trước, cụ Thiệu không khỏi xót xa: Sáng hôm sau khi bị đào trộm, người dân đã báo cáo lên chính quyền địa phương, lên huyện, rồi bất bình kéo nhau lên núi để bảo vệ những gì còn lại của lăng mộ. Lúc ấy, ông cũng như nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi được chứng kiến tận mắt thi hài của bà vẫn còn nguyên thịt da, tóc đen cùng cả ngàn tấm vải vóc, lụa là được chất xếp ngay ngắn; loại gỗ được dùng để làm quan tài là Gù Hương (loại gỗ rất quý, hiếm, có hương thơm), dày hơn 10cm, bên trong có mạ vàng, bên ngoài được sơn son, hoa văn thiếp vàng, và  một lọ đựng thuốc (xác định là loại thuốc ướp). Lúc này, thi hài của bà Chúa còn nguyên vẹn, thịt da hồng hào, sau đó không khí vào thì dần bị teo lại; những kẻ đào trộm đã lấy đi cánh tay trái của bà…

Nói thêm về khu mộ Bà Chúa, sau khi bị đào trộm dân làng đã đóng góp tiền của cùng các cấp, ngành chức năng đầu tư kinh phí tôn tạo và trùng tu lại tại ngay vị trí cũ. Chiếc quan tài bị đào trộm được mang về khu Đền thờ bà, tạo điều kiện cho người dân trong làng dâng hương, bái lễ những ngày rằm, ngày lễ trong năm để tỏ lòng thành. Tại đây, hiện vẫn còn 12 pho tượng đá, nhiều người cho rằng đấy là những người đã trực tiếp xây dựng khu lăng mộ cho bà, sau khi hoàn thành để giữ bí mật cho lăng mộ đều phải chết; còn theo tài liệu của Sở VHTT Thanh Hoá bấy giờ thì đây là 12 pho tượng vũ sĩ, chia thành hai hàng bảo vệ, nhìn từ 4 phía đều có có một bố cục khác nhau.

Cách đền Thánh Mẫu không xa là khu vực được cho là Hành cung nhà Trịnh xưa, xây dựng trên một khu đồi thoải nhưng bằng phẳng nằm ngay dưới chân núi Mông Cù. Ở đây còn lại vết tích của nền móng xưa với nhiều loại vật liệu cổ như gạch kích thước lớn, ngói mũi hài to bản…hiện vẫn chưa được khai quật. Điều đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ quần thể 6 con rồng đá xanh với kiến trúc được đánh giá là tinh xảo nhất còn lại cho tới bây giờ.

Với những giá trị về mặt lịch sử, khảo cổ, kiến trúc trên, theo bà Đỗ Thị Loan- Phó trưởng phòng Văn hoá huyện Vĩnh Lộc, khu di chỉ khảo cổ hiện vẫn chưa được công nhận là khu di tích; đối với khu đền Bà Chúa và khu Hành cung nhà Trịnh đã được cấp nhận là di tích cấp tỉnh, được xem là một trong những di tích trọng điểm của huyện và nằm trong chiến lược phát triển du lịch thuộc vùng phụ cận di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Sở dĩ khu di tích đền Bà Chúa, khu Hành cung nhà Trịnh còn chưa được chú trọng trùng tu, tôn tạo là bởi nguồn kinh phí hạn hẹp, mỗi năm chỉ được 1 đến 2 khu di tích được trùng tu với số tiền hoạt động 100 đến 150 triệu/ năm/ di tích (tuỳ vào mức độ xuống cấp của từng di tích).

Đình Giang
Gui cho ban be Gửi cho bạn bè print Bản in
Gửi bình luận của bạn
Họ tên:  
Email:  
Nội dung:
Mã an toàn* Ma an toan
Xem các bài viết theo ngày calendar
Các bài mới hơn:
bullet Ở nơi người lớn học vỡ lòng (09/09/2014)
bullet Nơi dòng sông chảy ngược (08/09/2014)
bullet Những người làm phúc... (07/09/2014)
bullet Làng B’râu nơi ngã ba Đông Dương (06/09/2014)
bullet Người đàn bà “vươn mình” ra biển (05/09/2014)
Các bài đã đăng:
bullet Chuyện buồn dưới chân Núi Đót - Bài 2 Ngắc ngoải… những thế hệ (08/08/2014)
bullet Một câu chuyện Nha Trang (06/08/2014)
bullet Gã phiêu dạt tìm hồn cho Gốm (05/08/2014)
bullet Chuyện kể trong thung lũng A Võ (04/08/2014)
bullet Bình yên Cô Tô (02/08/2014)
bullet Chuyện đời người thương binh tên Lộc (21/07/2014)
bullet Thao thức cùng… miền đá (19/07/2014)
bullet “Vua đồ cổ” Hoàng Văn Cường: 70% tài sản hiến tặng cho sự nghiệp giữ gìn biển đảo (12/07/2014)
bullet Những người lạ ở Việt Nam - Bài 3: “Người Thái” nơi chiến địa (09/07/2014)
bullet Những người ở lại Việt Nam - Bài 2: “Giọt máu” hàng binh (08/07/2014)
Xem tiếp >>
Phó Tổng biên tập phụ trách: Nguyễn Quốc Khánh
Thư ký tòa soạn: Hà Trọng Nghĩa
Báo Đại Đoàn Kết
- Giấy phép xuất bản số 270/GP-TTĐT ngày 27/12/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thiết lập trang báo điện tử
- Tòa soạn và trị sự: 66 Bà Triệu - Hà Nội - ĐT: (04) 38228303 - FAX: (04) 38228547 - Email: toasoan@baodaidoanket.com.vn
- Đường dây nóng : (04) 39433164 - (08) 39327989
- Ban đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: 176 Võ Thị Sáu, TP. Hồ Chí Minh - ĐT: (08) 39326703 - FAX: (08) 39326130 - Email: daidoanket2vp@hcm.vnn.vn
Các văn phòng thường trú:
- Thanh Hóa: Đường Hạc Thành, TP. Thanh Hóa. ĐT: (037) 3854310
- Khánh Hòa: A4 chung cư 2, TP. Nha Trang, Khánh Hoà. ĐT/Fax: (058) 3870608
- Cần Thơ: 5A đường 30-4, TP Cần Thơ - ĐT/Fax: (071) 3839444.