Phật Giáo Online

Chùa Bút Tháp (Thuận Thành-Bắc Ninh)
Qua tư liệu Hán Nôm

 

butthap.jpg

 


NGUYỄN QUANG HÀ

Sở Văn hóa thông tin Lào Cai

Chùa Bút Tháp thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Chúng tôi giới thiệu ở đây một số vấn đề về lịch sử ngôi chùa này qua tư liệu Hán Nôm.

1. Vị trí địa lý và lịch sử hình thành

Chùa Bút Tháp nằm trên một dải đất có lịch sử lâu đời đặc biệt là nằm trong không gian văn hóa Luy Lâu - trung tâm của Phật giáo trong nhiều thế kỉ. Tuy vậy chúng tôi đã đi khảo sát chùa Bút Tháp nhưng cũng không thấy tư liệu nào chứng tỏ nó có từ thời Trần. Không biết dựa vào đâu mà tác giả L.Bezacier trong tác phẩm Nghệ thuật Việt Nam (L’artvietnamien) xuất bản năm 1944 lại cho rằng chùa Bút Tháp là nơi tu hành của Trạng nguyên Lý Đạo Tái thời Trần(1). Chúng ta đã biết, dưới thời Lý - Trần nhiều nhân vật nổi tiếng đứng ra xây dựng hoặc trụ trì chùa Dâu và chùa Trí Quả như trong Thiền uyển tập anh ghi việc Thiền sư Sùng Phạm (1004-1087) trụ trì ở chùa Pháp Vân, hương Cổ Châu, huyện Long Biên; Thiền sư Thiền Nham (1093-1163) trụ trì ở chùa Trí Quả(2) mà không hề nói đến chùa Bút Tháp. Theo tấm bia Trùng tu Ninh Phúc tự(3) khắc vào năm Quý Mão niên hiệu Thành Thái thứ 5 (1903) do Tổng đốc Hoàng Trọng Phu đứng ra hưng công trùng tu chùa chỉ viết: "Đại để là di tích của thánh hiền để lại, kế tiếp đến đời Lê, hoàng hậu, nhà vua trùng hưng, trải đến nay hơn 300 năm rồi". Như vậy kể từ khi nhà vua, hoàng hậu đứng ra xây dựng qui mô cho đến đầu thế kỉ XX là hơn 300 năm, còn trước đó tuy có thể đã có chùa nhưng chắc còn khá khiêm tốn.

Ngôi chùa này còn có nhiều tên gọi khác nhau. Tương truyền: thuở xưa từng đàn chim Nhạn thường bay về đậu trên tháp đá Ninh Phúc tự - cảnh thiền đất lành chim đậu và tên chùa Nhạn Tháp, xã Nhạn Tháp cũng được hình thành từ đây. Sau này trên các bi kí thời Lê thế kỉ XVII-XVIII đều ghi là Nhạn Tháp.

"Thuận An phủ, Siêu Loại huyện, Nhạn Tháp xã" về sau đến thời Tự Đức (1848-1883) đổi tên chùa là Bút Tháp, còn nhân dân đều gọi là chùa Bút Tháp. Làng Bút Tháp với tên gọi giản dị là chùa Thấp, làng Thấp (với đặc điểm địa hình rất thấp trũng). Ngoài ra chùa Bút Tháp còn có tên gọi khác. Trên tấm bia Sắc kiến Ninh Phúc thiền tự bi kí(4) khắc năm Đinh Hợi năm thứ 5 niên hiệu Phúc Thái (1647) đặt tại chùa ghi "Chùa cổ Ninh Phúc xưa còn có biệt danh là Thiếu Lâm (Ninh Phúc cổ Sát Thiếu Lâm biệt danh)". Và tấm bia Trùng tu Ninh Phúc tự bi niên đại Quý Mão (1903) ghi "Chùa Ninh Phúc có biệt danh là Thiếu Lâm". 

Chùa Bút Tháp tọa lạc trong khuôn viên 10.000m2 bên bờ nam sông Đuống, bên phía bắc sông chạy dài xuống phía đông là các núi Văn Chinh, Long Khám, núi Phật Tích, núi Đông Cứu. Chùa Bút Tháp cách chùa Dâu khoảng 3km, cách làng tranh Đông Hồ nổi tiếng khoảng 7km, cách 20km về phía Tây là kinh thành Thăng Long. Nằm trong một vùng có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nên từ lâu trên tấm bia Sắc kiến Ninh Phúc thiền tự bi kí đã viết: "Hình thế của Siêu Loại liền Tam Đảo, sông dài uốn quanh, giáp Yên Tử một dải, hai bên tả hữu cùng ôm ấp, Phật pháp khó gặp, nhân tâm không thay đổi, đẹp thay thắng cảnh chung đúc khí thiêng, vị của sông Tào Khê, hoa sen nở rộ, hương thơm sực nức đất gò nơi Thiên Trúc (đất Phật)… bậc thiện tín, hướng theo hâm mộ ở nơi tịnh độ".

Hay tấm bia Khánh lưu bi kí(5) niên đại Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714) ghi: "Chùa Ninh Phúc, xã Nhạn Tháp trở thành một chốn thiền lâm đẹp nhất Kinh Bắc, điện vũ nguy nga, tráng lệ". Đến thế kỉ XVII-XVIII, chùa Bút Tháp đã trở thành một ngôi chùa nổi tiếng về qui mô và cảnh đẹp. Được như vậy không thể không kể đến những vị cao tăng từng trụ trì và những người có công xây dựng, như Chuyết Chuyết, Minh Hành, Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc...

2. Những vị Thiền sư nổi tiếng

Người được coi là vị tổ thứ nhất của chùa là thiền sư Chuyết Chuyết. Vào cuối thời Minh (thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII) tình hình chính trị không ổn định, nhiều người Trung Hoa sang nước ta lánh nạn. Có lẽ Chuyết Chuyết cũng sang nước ta trong hoàn cảnh này. Bia Hiển Thụy am, Báo Nghiêm tháp bi minh khắc năm Đinh Hợi niên hiệu Phúc Thái thứ 5 (1647) do đệ tử là Minh Hành lập và Thanh Nguyên cư sĩ Âu Dương Vựng Đăng hiệu Thế Chân soạn. Về nhà sư Chuyết Chuyết, phần đầu ghi: "Phong Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế đại đức thiền sư Chuyết công hòa thượng nhục nhân bồ tát tháp minh (Bài minh tháp Hòa thượng Chuyết Chuyết được phong Minh - Việt Phổ Giác Quảng Tế đại đức thiền sư). Chuyết Chuyết không phải là người vậy. Lại hay thất hiếu quên ơn cha mẹ, họ Thẩm bị diệt kiếp ngũ luân, cho đến nay mới được làm kiếp người. Ngài vượt sông sang gặp vua nước Miên được vua coi là bậc thầy cũng không gọi là quá. Lại nói rằng bậc sĩ đại ngôn mà không có thực, hư danh mà không thể dùng được (…) Đoạn tiếp theo Thiền sư Minh Hành thuật lại "Tôi lấy lòng từ bi thuật lại việc lánh đời đến nước Nam gặp Chuyết Chuyết ở chùa Khán Sơn, thành Thăng Long. Ông nói là cuồng sĩ vậy. Gặp nhau lâu, ông mở ra việc cứu giúp mọi người ở nơi núi sông mà không ngại lại nói rằng có tài vui đùa. Bậc công khanh che chở cả già trẻ, lấy thiên tử làm bạn tốt, coi tiền tài như cỏ rác, vốn không coi trọng tiền tài, ra tay cứu vớt người nghèo đói, cứu người bần hèn, nghĩa khí cao cả thông suốt cổ kim, trải qua các đời có thể gọi là người ngoại hạng mà khí tiết từ bi thì tận thiện rồi. Chuyết Chuyết tự phụ có chí của Liễu Hạ Huệ. Tôi lại chưa tin và cùng ở với nhau mấy tháng (...) Việc giới hành nhẫn nhục như thế, biến hóa khôn lường lại như thế, tôi kính phục ông, ôi ông sống trí tuệ vậy. Tin thật rồi. Nếu không có được nơi sâu thẳm của núi tuyết, mênh mông của biển lớn thì cũng mở ra chân tính cửa Cam lồ. Do đó, nhân duyên cũng không phải là ít, công danh của bậc đại phu như thế, do đó tháp miếu xây 5 tầng vẫn là sự bất hiếu của bậc đệ tử. Tháp xây xong ghi lại lời nói, tế điền đầy đủ, xin tôi bài kí. Tôi kính cẩn viết bài bia và bài minh. Ông là người quận Chương Hải, họ Lý, hiệu Chuyết Chuyết”. Tiếp đó là bài minh dài 26 câu.

Mặt bia sau mang tên Hiến Thụy am hương hỏa điền bi kí cho biết thêm: Tổ sư họ Lý, hiệu Chuyết Chuyết, người Hải Trừng, Mân Chương sinh ngày 22 tháng 2 năm Canh Dần niên hiệu Vạn Lịch đời Minh (1590) nhập định (mất) ngày 15 tháng 7 năm Giáp Thân, niên hiệu Phúc Thái Đại Việt (1644).

Qua tư liệu trên cho biết khá rõ về lai lịch của thiền sư Chuyết Chuyết. Chỉ có điều có chỗ ghi ông họ Thẩm, có chỗ lại ghi là họ Lý. Có lẽ trước đây ở Trung Quốc là họ Thẩm, nhưng sang Đại Việt mới đổi là họ Lý (?) sinh thời từng chu du nhiều nơi như từ Trung Quốc qua nước Miên (Campuchia) rồi mới đến nước ta. Bia cho biết ông là người lánh đời đi tu về sau ốm bệnh mà chết, thọ 54 tuổi(6). Sau này có một số nhà nghiên cứu cho rằng thiền sư Chuyết Công đã hình thành nên một chi phái gọi là phái Lâm tế thiền tông. Tác giả Việt Nam Phật giáo sử lược cho rằng: “Vào khoảng đời vua Lê Hy Tông (1676-1705) ở Bắc lại có phái gọi là phái Liên tông, do một vị vương công nhà họ Trịnh là Lân Giác thiền sư lập ra ở chùa Liên Phái (Bạch Mai, Hà Nội) đồng thời sư Nguyệt Quang cũng là đệ tử của ngài Chính Giác, ngài Chính Giác là đệ tử của ngài Chuyết Công tức là chi phái của phái Lâm tế(7). Thế hệ kế tiếp Thiền sư Chuyết Chuyết trụ trì tại chùa Bút Tháp là Minh Hành thiền sư đã được bi kí ở đây ghi lại khá rõ.

Bia Ninh Phúc thiền tự tam bảo tế tự điền bi. Dòng đầu ghi:"Sắc kiến Tôn Đức tháp khoán thạch". (Về việc quy ước xây tháp Tôn Đức) khắc ngày tốt tháng 11 năm Giáp Dần niên hiệu Đức Nguyên thứ nhất triều Lê (1674) có đoạn: "Thành đẳng Chính Giác đại đức thiền sư, hóa thân bồ tát, pháp danh Minh Hành, hiệu Tại Tại. Ông vốn họ Hà, phủ Kiến Xương, tỉnh Giang Tây từ nước Đại Minh đến kinh đô Đại Việt vào năm Quý Dậu niên hiệu Đức Long thứ 5 (1633), theo thầy Phổ Giác (tức Chuyết Chuyết - TG.) để hành giáo. Năm Giáp Thân Phúc Thái thứ 2 (1644) thụ y bát, làm việc thiện, giới luật rất nghiêm, đạo cao đức trọng (…) nhà sư trụ thế 64 tuổi, viên tịch ngày 25 tháng 3 năm Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ 2 (1659). Sắc cho đệ tử Tì khâu-ni-Sa-di, Sa-di ưu Bà Cơ, Ưu Bà Di, xây bảo tháp an táng xá lị tháng 11 năm Canh Tý (1660) ở chùa Ninh Phúc để truyền tâm ấn muôn vạn năm".

Một tư liệu khác là những dòng chữ khắc trực tiếp vào tháp Tôn Đức (nơi yên nghỉ của thiền sư Minh Hành) khắc năm Giáp Tý niên hiệu Chính Hòa thứ 5 (1684) có đoạn: "Nhị tổ Sắc phong Minh Việt thành Chính Giác đại đức Thiền sư, vốn theo phái Thiền tông, tu chính đạo ở nước Nam". Qua các tư liệu trên, cho chúng ta biết được thiền sư Minh Hành vốn là người Trung Quốc nhưng sang nước ta mới đi tu. Ông sinh năm 1595, mất năm 1659, thọ 64 tuổi. Ông sang Đại Việt từ năm Quý Dậu niên hiệu Đức Long thứ 5 (1633) và theo thầy Phổ Giác (Chuyết Chuyết) khi đó là 38 tuổi. Nhưng phải đến 11 năm sau (năm 1644) khi đã 49 tuổi ông mới chính thức đi tu. Cũng năm này nhà sư Chuyết Chuyết viên tịch và 15 sau đó nhà sư Minh Hành cũng qua đời. Qua đây cho ta hiểu thêm về mối quan hệ giữa ông với nhà sư Chuyết Chuyết và cho ta biết nhà sư Chuyết Chuyết sang Đại Việt vào khoảng những năm đầu thế kỉ XVII (trước năm 1633). Sau khi nhà sư Minh Hành qua đời, chùa Bút Tháp còn có nhiều vị thiền sư khác nối tiếp. Chẳng hạn sau 25 năm sau ngày nhà sư Minh Hành qua đời, vào năm Giáp Tý niên hiệu Chính Hòa thứ 5 (1684) có ghi trên tháp Tôn Đức đệ tứ Tì khâu Sa di hiệu Diệu Tuệ, hiệu Thiện Thiện mua ruộng giao cho xã Nhạn Tháp cày cấy để làm giỗ Minh Hành thiền sư. Đặc biệt là người sống cùng thời với nhà sư Chuyết Chuyết và nhà sư Minh Hành đồng thời cũng là đệ tử trực tiếp của Minh Hành là Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông) tu hành tại chùa, có công lớn xây dựng các công trình kiến trúc.

Viết về bà Trịnh Thị Ngọc Trúc, Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Năm Canh Ngọ niên hiệu Đức Long năm thứ 2 (1630) (Minh Sùng Trinh năm thứ 3), mùa hạ tháng 5, vua lấy con gái của Vương là Trịnh Thị Ngọc Trúc lập làm Hoàng hậu. Trước đây, Ngọc Trúc đã lấy bác họ của vua là Cường Quận công Lê Trụ, sinh được 4 con. Khi ấy Lê Trụ bị giam trong ngục, Vương đem Ngọc Trúc gả cho vua, vua lấy vào cung. Triều thần là bọn Nguyễn Thục, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can. Vua không nghe và nói rằng: Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy. Từ hôm ấy trở đi, trời mưa dầm mấy ngày đêm không ngớt(8).

Chúng ta biết không nhiều về cuộc đời Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. Nhưng qua những tấm bia chùa Bút Tháp sẽ cho chúng ta hiểu thêm về bà. Tháp Ni Châu bên phải tháp Tôn Đức sau chùa, nơi yên nghỉ của bà được xây bằng những phiến đá lớn ghép lại trông thật cổ kính trang nghiêm, trên thân tháp còn ghi nhiều chi tiết về bà. Bia khắc tháng 5 năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) có đoạn:

"Bà tính khí nhu thuận, ngay thẳng, mắt trong thanh tú, thể chất khác thường. Cha bà dạy cho bà sách nhà Phật, tập học điều chương, kế thuật chưa được mấy năm, sách nhà chùa đã bác đạt, văn chương đẹp đẽ, phong phú, thân tuy là nữ mà tài trí sánh ngang với nam nhi quân tử". Tiếp theo sau đó có đoạn: Bà đến cửa thiền mà xuống tóc, bỏ nơi tráng lệ mà ở nơi nhà tranh, đem tiền tài giúp đỡ nhà sư, ở nơi vắng vẻ, lời nói chân thật, mọi người vui vẻ. Chùa Ninh Phúc một chốn Bồ Đề, dựng tháp đá mà thành Phật đạo, há chẳng phải không hạnh phúc hay sao, há chẳng vui sướng hay sao ?".

Qua sách Đại Việt sử ký toàn thư và tư liệu ở tháp Ni Châu cho biết bà Trịnh Thị Ngọc Trúc sinh ra trong một gia đình vương giả, thuở nhỏ đã được học sách Phật, bà đã có hai đời chồng, trước lấy Cường Quận công Lê Trụ vào năm Thận Đức thứ nhất (1600)(9) sau lại bị ép gả cho vua Lê Thần Tông vào năm Canh Ngọ Đức Long thứ 2 (1630) và sau đó ít lâu bà bỏ cung cấm vào chùa Bút Tháp được Thiền sư Chính Giác (Minh Hành) truyền cho y bát đạo tràng. Không biết bà cùng người con gái là Lê Thị Ngọc Duyên chính thức vào chùa Bút Tháp tu từ năm nào. Chỉ biết rằng trên bia Phụng lệnh chỉ bà đã cùng con gái là Lê Thị Ngọc Duyên cúng ruộng thế nghiệp ở huyện Yên Mô (Ninh Bình) vào việc trùng tu chùa(10) năm Phúc Thái thứ 4 (1646) ghi "Chính cung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cùng Đại nguyên soái thống quốc chính Thái thượng sư phụ Thanh Vương (Trịnh Tùng) lãnh chỉ nguyên phụng binh dân các hạng, xã Nhạn Tháp, huyện Siêu Loại các loại thuế làm ruộng ngụ lộc. Nhưng thấy bản xã có chùa Ninh Phúc là cổ tích danh lam, đang được trùng tu lại, nhân đây cho làm tạo lệ để lo hương hỏa cho bản tự. Con gái Trịnh Thị Ngọc Duyên pháp hiệu Diệu Tuệ có ruộng thế nghiệp ở xứ Nhuệ Cổ Lộng, trang Hưng Hiền, huyện Yên Mô làm ruộng hương hỏa và đắp đê quan lộ". Sau 7 năm tiến hành trùng tu, xây dựng lớn đến năm 1647 được hoàn thành. Bia Ninh Phúc thiền tự tam bảo tế tự điền bi niên đại Đinh Hợi Phúc Thái thứ 5 (1647) viết: "Lê triều Hoàng Thái hậu hoằng thiện đàn việt đạo tràng, mẫu chúa Bà kim cương Trịnh thị, đạo hiệu Pháp Tính, tấm lòng đôn hậu, tốt đạo, từ bi, xây dựng lâu đài, điện miếu từ bi, hiếu thảo, đặt mua ruộng phúc giao cho xã Nhạn Tháp trồng cấy truyền cho con cháu muôn đời hương hỏa tế tự thường niên vào ngày rằm, mồng một mỗi tháng, ngày sinh, giỗ, các nạp đèn hương thờ phụng trời phật, sau là thờ bà Trịnh (Trịnh Thị Ngọc Trúc) ruộng đặt ở thôn Ư Bến, Phúc Lâm, Tứ Kỳ, các xã Nhạn Tháp, Đại Trạch, Á Lữ, Đình Tổ (gồm 54) nơi. Năm 1659 nhà sư Minh Hành viên tịch, đến năm sau (1660) bà Trịnh Thị Ngọc Trúc lại đứng lên xây tháp. Trên tháp còn ghi: "Đệ tử Chính cung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đạo hiệu Pháp Tính xây tháp". Tháp đá Tôn Đức của nhà sư Minh Hành do bà Ngọc Trúc xây nhưng đến năm Giáp Tý Chính Hòa thứ 5 (1684) mới khắc chữ Hán chung quanh thân tháp (lúc này bà Ngọc Trúc đã qua đời được ba năm). Trên thân tháp còn viết về công lao của bà và con gái Ngọc Duyên: "Hoàng Thái hậu thực là Bồ tát sống lại. Trưởng Công chúa hiệu Diệu Tuệ được giáo dục trong cung cấm, đức hạnh nổi tiếng ở đời, thuần thục đệ nhất trong cung. Ban đầu Ngọc Duyên chuộng Phật, tuy ở nhà nhưng luôn làm điều nhân, đến tuổi đào yêu (trưởng thành) tâm luôn chuộng điều thiện, thi hành nhân nghĩa, độ chúng sinh năm 26 tuổi, năm 30 tuổi được nhà sư Chính Giác truyền y bát đạo tràng. Ơn trạch của hoàng thái hậu, con gái Diệu Tuệ bèn lấy cái tâm của thánh mẫu ngộ thành đạo của Phật tổ, lấy của cái châu báu tu sửa chùa Ninh Phúc trong ngoài trang nghiêm, bảo tháp làm xong lưu truyền vạn đại".

Hiện tại chùa Bút Tháp còn có phủ thờ để thờ bà cùng các con gái, con trai, vương tôn trong phủ như Chính cung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Trịnh Thị Ngọc Cơ, Quận chúa Lê Thị Duyên, Thái tử Lê Đình Tứ (con bà Ngọc Trúc - con vua Lê Thần Tông). Khác với những pho tượng mang tính chất tượng trưng ước lệ, những pho tượng này đều là tượng bán thân cao khoảng 70cm tương đương với người thực ngoài đời, ngồi xếp bằng tròn, mặc triều phục, tóc dài gọn buông thả ngang lưng, mặc áo dài lộng lẫy, khuôn mặt trang nghiêm, đầy đặn nhưng tươi tắn phúc hậu. Những pho tượng này là hỉnh ảnh cụ thể của những con người thực hết sức sinh động. Qua đây, chúng ta có thể biết được phong cách cũng như trang phục của các bậc vương tôn, quận chúa, hoàng hậu thời Lê - Trịnh thế kỷ XVIII. Những pho tượng này được tạc vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Tạc tượng sau khi bà Trịnh Thị Ngọc Trúc và các con bà mất không lâu, có lẽ khoảng thời gian xây dựng phủ thờ năm 1714. Người đứng ra dựng tượng, xây phủ là các bậc vương tôn trong phủ chúa như Quận công Lê Đĩnh, Chánh đội Lê Trịnh cùng các quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ, Trịnh Thị Ngọc Mai. Bia Khánh lưu bi kí lập năm Giáp Ngọ Vĩnh Thịnh thứ 10 (1724) viết: "Phó Cai đội thị vệ sự thể thái hầu Lê Hội, Phó Cai quản Lại Quận công Lê Đĩnh, Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ, Chánh đội trưởng Đô chỉ huy sứ Ninh Lộc hầu Lê Vịnh, Chánh đội trưởng hiệu điểm Tường Nghĩa hầu Lê Trinh và Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Mai... cùng toàn họ hưng công xây dựng điện vũ nguy nga. Nghĩ đến công đức của Hiển tằng tổ Chính cung Hoàng Thái hậu trinh tĩnh u nhàn, tổ cô sắc phong Bồ tát đoan trang diễm lệ thuộc dòng dõi tôn quí. Có lòng từ bi xây dựng chùa Ninh Phúc, xã Nhạn Tháp trở thành một chốn thiền lâm đẹp nhất Kinh Bắc, công lao xây dựng điện vũ nguy nga, tráng lệ. Có công đức như thế sao không hương hỏa thờ cúng cùng Phật được. Bèn xây dựng một nhà thờ riêng liền vào sau nhà thờ Phật".

Bên trái tháp Tôn Đức là tháp Tâm Hoa cao 3 tầng, dựng năm 1737 về hình thức cũng tương tự như tháp Ni Châu- nơi yên nghỉ của nhà sư pháp hiệu Như Chúc (sinh 1691 mất 1736). Trên thân tháp còn khắc tiểu sử của vị thiền sư này, do sa môn Tính Quảng Thích Điều Điều (soạn): "Nhà sư người Kim Bảng, cha là Nguyễn quý công tự là Lục, mẹ là Đinh thị hiệu Diệu Cung, khi sinh mộng thấy trong rừng trúc mà suất thai. Ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi (1691) cha mất sớm, còn mẹ già tìm đến đất Bắc (Kinh Bắc) nghe chùa Thiên Tâm, Tiêu Sơn có sư trụ trì là lão tăng pháp danh Như Trí rồi cho Như Chúc đến làm đệ tử và nhà sư nhận xuống tóc thụ giới từ đây. Được khoảng 5 năm, nhà sư Như Trí viên tịch. Bà mới đầu trụ trì chùa Chân Khai, Đông Sơn. Đến năm Đinh Mùi lại đến chùa Long Động, núi Yên Tử thuộc tông phái nhà sư Hòa thượng Chính Giác. Nhà sư ứng duyên trụ trì chùa Ninh Phúc (tức Bút Tháp - TG.) được 2,3 năm đến năm Bính Thân thì mất. Giờ Mùi ngày 20 tháng 11 năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) nhà sư nhập định, hưởng thọ 46 tuổi. Bảy ngày làm hỏa đàn, sau các học trò cho nhập tháp đặt ở bên trái tháp Tôn Đức. Tiếp theo là một bài minh dài 32 câu và danh sách 16 học trò, tháp này do học trò của Thiền sư Như Chúc lập nên. Chữ viết trên tháp khá đẹp, phần cuối viết theo lối thảo phóng khoáng nhuần nhuyễn đạt trình độ nghệ thuật cao. Bài kí trên tháp, cho chúng ta biết Thiền sư Như Chúc từng trụ trì nhiều nơi. Tuy ở chùa Bút Tháp trong một thời gian ngắn nhưng bà có công tu tạo chùa vào những năm đầu thế kỉ XVIII.

Trong khoảng một thế kỉ (từ nửa đầu thế kỉ XVII đến nửa đầu thế kỉ XVIII), chùa Bút Tháp đã được xây dựng với qui mô bề thế. Đó là sự đóng góp sức người sức của của nhiều thế hệ, của toàn dân trong đó không thể không kể đến công lao của các vị thiền sư như Chuyết Chuyết, Minh Hành, Như Chúc, Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và nhiều vị vương tôn, quận chúa, quận công trong chính quyền Lê - Trịnh. Sự đóng góp xây dựng của những nhân vật này được ghi lại một cách hệ thống, đầy đủ trên các bi kí và hiện diện bằng những công trình kiến trúc bề thế và qui mô, độc đáo về nghệ thuật.

3. Một số công trình kiến trúc của chùa Bút Tháp

Như trên đã đề cập, chùa Bút Tháp không phải là ngôi chùa có lịch sử hình thành sớm lắm. Có lẽ trước thế kỉ XVII, ít người biết đến ngôi chùa này. Phải đến nửa đầu thế kỉ XVII trở đi chùa mới được xây dựng với qui mô bề thế do các vị thiền sư Chuyết Chuyết, Minh Hành (người Trung Quốc) sang trụ trì trùng tu, xây dựng và có sự đóng góp nhiều tiền của những vị hoàng thái hậu, quận chúa, quận công trong phủ chúa đứng ra hưng công. Vậy về kiến trúc nó có đặc điểm gì khác biệt với các ngôi chùa khác khi có sự góp sức của người thiết kế là người ngoại quốc ? Về phần này chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu sau. Điều dễ nhận ra là ngôi chùa này được xây dựng với nhiều hạng mục công trình, phân làm nhiều phần như: nhà tiền đường, thượng điện, am tích thiện, nhà trung, phủ thờ, hậu đường.

Tổng thể kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc qua tam quan, gác chuông, giữa 2 dãy hành lang (mỗi dãy dài 26 gian) là 7 tòa nhà nối tiếp nhau tổng chiều dài hơn 100m).

Nhà tiền đường, thượng điện dựng bằng gỗ lim bề thế, riêng am tích thiện, gác chuông làm theo kiểu chồng diêm 8 mái. Mái chùa được lợp bằng ngói to bản, các góc là những cột đao cao vút chạm khắc, đắp nổi đầu rồng, lá lật. Trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như bia đá, lư hương, án thờ và đặc biệt là tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay, cao 3,7m, rộng 2m, dày 1.15m là một kiệt tác nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII.

Tiếp theo là nhà thượng điện 5 gian (dài 19m, rộng 10m giống như một bông sen với lan can chạy xung quanh được ghép bằng 26 bức tranh đá, mỗi bức diễn tả những phong cảnh khác nhau như tứ quý, lý ngư hóa long, phượng vũ kỳ lân... gắn kết các bức tranh là cột đá vuông đầu trụ tạo hình búp sen cách điệu.

Nhà tích thiện nối với nhà thượng điện bằng cầu đá cong dài hơn 4m, rộng gần 2m, gồm 3 nhịp, thành cầu dựng 12 bức tranh đá. Đặc biệt trong nhà tích thiện có tòa Cửu phẩm hình hoa sen 9 tầng, cao 7,76m, rộng 1,90m bằng gỗ, còn gọi là Cối kinh. Xung quanh bài trí 32 bức tranh, tám mặt của tầng dưới chạm nổi các cảnh dân gian, tầng trên mô tả sự tích nhà Phật.

Chùa Bút Tháp còn có những ngọn tháp được dựng bằng những phiến đá chồng lên nhau, mặc dù không cần chất kết dính nhưng nó đã tồn tại suốt mấy trăm năm nay. Tháp Báo Nghiêm cao 5 tầng xây bằng đá cao 13m, nơi xá lị của vị Hòa thượng trụ trì đầu tiên (dựng năm 1647); tháp Tôn Đức cao 10m, xá lị của Thiền sư Minh Hành (dựng năm 1660), bên phải là tháp Ni Châu, nơi yên nghỉ của bà Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc - vợ vua Lê Thần Tông; bên trái là tháp Tâm Hoa - nơi xá lị của nhà sư Như Chúc (hai tháp này dựng năm 1739 đều bằng đá và khắc chữ trực tiếp lên tháp). Gần 400 năm nay, kể từ khi có sự trụ trì của các thiền sư nổi tiếng như Chuyết Chuyết, Minh Hành và đặc biệt là có lệnh chỉ xây dựng của Chính cung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc), chùa Bút Tháp đã được xây dựng to đẹp, bề thế. Có thể nói rằng, chỉ trong khoảng gần một thế kỉ (từ nửa đầu thế kỉ XVII đến nửa đầu thế kỉ XVIII) chùa Bút Tháp đã tương đối hoàn thiện như ngày nay với qui mô 120 gian(11). Những thế kỉ sau này chỉ là sửa chữa, tôn tạo thêm mà thôi. Thí dụ bia tháp Tôn Đức còn ghi năm 1739, trụ trì bản tự là Sa môn tự Tính Hài hưng công trang hoàng các tượng, cửu phẩm, đài hoa sen (Cối kinh), hương án và có sự đóng góp của Phương Hoa - con gái Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ, Thái phi Trương Thị Ngọc Chử(12).

Trải qua thời gian dài, đến đầu thế kỉ XX, những công trình này đã xuống cấp, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu cùng các quan trong tỉnh đứng ra trùng tu. Bia Trùng tu Ninh Phúc tự bi viết: Ninh Thái Tổng đốc Hoàng tướng công chiêu hồi phủ lị, nhân qua ngắm cảnh, nhìn cảnh già lam đổ nát cảm thấy bùi ngùi, cổ tích đổi thay bèn cùng các quan cấp phát tiền công, khuyên các quan viên thập phương, thiện nam tín nữ, bắt đầu làm từ ngày 1 tháng 10 năm Quý Mão (1903) đến ngày 15 tháng 3 năm Giáp Thìn (1904) thì hoàn thành. Bia đề tên 17 vị gồm Tổng đốc, Đốc học, Tri huyện, Tri phủ, Bố chánh của các huyện Từ Sơn, Gia Bình, Quế Dương, Lạng Giang, Gia Lâm, Lương Tài, Văn Giang, Thuận Thành, Tiên Du, Yên Phong, Võ Giàng đóng góp 181 đồng (nguyên). Ngoài ra, khách thập phương cúng tiến hơn 500 (nguyên), tổng cộng là hơn 681 (nguyên). Đây là lần trùng tu qui mô và gần nhất với chúng ta ngày nay.

Sau đây là bảng thống kê (theo thứ tự thời gian) các sự kiện diễn ra ở chùa Bút Tháp trong các thế kỉ XVII, XVIII, XIX, đầu thế kỉ XX.


TT

Năm

Sự kiện

Nội dung liên quan

Nguồn tư liệu

1

1633

Minh Hành đến Đại Việt theo thầy Phổ Giác (Chuyết Chuyết)

Thuật lại hành trạng của Thiền sư Minh Hành. Bản xã mua 2 mẫu ruộng giao cho xã Nhạn Tháp làm hương hỏa, ngày giỗ 25/3, làm 10 mâm cỗ chay, 2 mâm hoa quả; 3 ngày tết Nguyên đán dùng 20 đấu gạo.

- Ninh Phúc thiền tự tam bảo tế tự điền bi Phúc Thái 5 (1647)

- Hiến Thụy am hương hỏa điền bi kí (Phúc Thái 5 - 1647)

 

2

1644

Thiền sư Chuyết Chuyết viên tịch (qua đời), Minh Hành thụ giới (đi tu)

Thuật lại hành trạng của nhà sư Chuyết Chuyết và việc xây tháp Báo Nghiêm.

Chính vương phủ Nguyễn Thị Ngọc Am hiệu Pháp Giới cúng ruộng.

- Hiến Thụy am hương hỏa điền bi kí (Phúc Thái 5 - 1647)

- Hiến Thụy am, Báo Nghiêm tháp bi minh (Phúc Thái 5 - 1647)

3

1646

Chính cung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cùng Đại nguyên soái thống quốc trình Thái thượng sư phụ Thanh Vương (Trịnh Tráng) ra lệnh chỉ xây dựng chùa Bút Tháp và cúng ruộng thế nghiệp.

Trịnh Thị Ngọc Trúc cùng con gái Lê Thị Ngọc Duyên cúng ruộng thế nghiệp.

Bia Phụng lệnh chỉ (Phúc Thái 4 - 1647)

4

1647

Bà Trịnh Thị Ngọc Trúc và Cường quận công Lê Trụ đặt ruộng tế điền. Xây tháp Báo Nghiêm (xá lị của Thiền sư Chuyết Chuyết)

Gồm 6 mẫu ruộng lưu làm ruộng tế, hương hỏa. Bia do Thiền sư Minh Hành (soạn)

- Sắc kiến Ninh Phúc thiền tự bi kí (Phúc Thái 5 - 1647)

- Ninh Phúc thiền tự tam bảo tế tự điền bi (Phúc Thái 5 - 1648)

5

1659

Thiền sư Minh Hành qua đời

 

- Ninh Phúc thiền tự tam bảo tế tự điền bi (Đức Nguyên 1 -1674)

- Xem văn khắc đá ở tháp Tôn Đức.

6

1660

Xây tháp của Minh Hành đặt tên là tháp Tôn Đức

 

 

7

1674

Khắc bia trên tháp Tôn Đức

Mua 2 mẫu ruộng giao cho xã làm ruộng hương hỏa, ngày giỗ Minh Hành làm 10 mâm cỗ chay, 2 mâm hoa quả; 3 ngày tết dùng 20 đấu gạo.

Ninh Phúc thiền tự tam bảo tế tự điền bi (Đức Nguyên 1 -1647)

8

1684

Lập tiếp khoán ước trên tháp Tôn Đức

Quy định khoán ước ngày giỗ của Minh Hành. Ca ngợi công đức mẹ con bà Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. Ghi số ruộng cúng 1 mẫu 2 sào, làm hương đăng của một số nhân vật khác

Văn khắc đá ở tháp Tôn Đức

9

1691

Lập am Tích Thiện

Ghi tên hai người lập am

Bia Tích Thiện am (Chính Hòa 12 - 1691)

10

1714

Xây dựng phủ thờ các vị vương tôn họ Lê-Trịnh: Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Trịnh Thị Ngọc Duyên, Thái tử Lê Đình Tứ. Những pho tượng thờ trong phủ được tạc trong khoảng thời gian này.

Ghi việc con cháu họ Trịnh đứng ra xây dựng phủ thờ, ca ngợi công đức các vị tiền bối. Cúng 4 mẫu ruộng

Bia 4 mặt

- Khánh lưu bi kí

- Ninh Phúc thiền tự

- Huệ điền phụng tự

- Sóc vọng tự điền

(Vĩnh Thịnh 10 - 1714)

11

1737

Lập bia ở tháp Ni Châu

Ca ngợi bà Ngọc Trúc, để ra 1 mẫu 3 sào 14 thước làm tế điền

Văn khắc trên tháp Ni Châu (1737)

Dựng tháp khắc chữ lên tháp Tâm Hoa

Thuật lại hành trạng của bà Như Chúc

Văn khắc trên thân tháp Tâm Hoa (1737)

12

1739

Trụ trì bản tự Tính Hài, hưng công trang hoàng các tượng, cửu phẩm liên hoa, hương án, có sự công đức của Thái phi Trương Thị Ngọc Chử, Phương Hoa - con gái lớn của Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ.

 

Văn khắc trên thân tháp Tôn Đức (1739)

13

1815

Đúc chuông chùa Bút Tháp

Ca ngợi cảnh chùa thời Lê, chùa có 120 gian, đến năm 1815 đúc lại chuông và danh sách người cúng tiến

Ninh Phúc tự chung (Gia Long 14 - 1815)

14

1903-

1904

Tổng đốc Ninh - Thái Hoàng Trọng Phu cùng các quan đứng đầu các huyện trong tỉnh đứng ra trùng tu chùa

Bia ghi trải qua hơn 300 năm, chùa đến nay xuống cấp. Khởi công từ tháng 10 năm 1903 đến tháng 3 năm 1904, hết 681 (nguyên)

Trùng tu Ninh Phúc tự bi (Thành Thái 16 - 1904)


Chú thích:

(1) L.Bezacier: L’artvientnamien (Nghệ thuật Việt Nam), Xb năm 1944.

(2) Thiền uyển tập anh (Bản dịch của Ngô Đức Thọ), Nxb. Văn học, 1990, tr.186, 212.

(3) Trùng tu Ninh Phúc tự bi (kích thước 115x58cm) một mặt gắn vào tường, niên đại Thành Thái 5 (1903).

(4) Sắc kiến Ninh Phúc thiền tự bi kí (kích thước 220x110cm) mặt sau mang tên Ninh Phúc thiền tự tam bảo tế tự điền bi. Niên đại Đinh Hợi Phúc Thái 5 (1647).

(5) Khánh lưu bi kí gồm 4 mặt tự bi kí, 3 mặt khác mang tên Ninh Phúc thiền tự bi kí, Huệ điền phụng tựSóc vọng tự điền, niên đại Vĩnh Thịnh 10 (1714)

(6) Chữ trong bia là "Nhục thân bồ tát" theo ngôn ngữ của nhà tu hành thì khi nào bị ốm bệnh mà chết gọi là "Nhục thân", bị cảm đột ngột mà chết gọi là "hóa thân", tự thiêu mà chết gọi là "thiêu thân”.

(7) Mật thể: Việt Nam Phật giáo sử lược, nhà in Minh Đức 1942, tr.176-177.

(8) Đại Việt sử ký toàn thư, quyển XVIII tờ 27a, bản tiếng Việt, Tập III, Nxb. KHXH. H. 1998, tr.229. Xem thêm: Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỉ tục biên, tờ 1a,b, bản tiếng Việt, Tập III, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.307.

(9) Trên tấm bia 4 mặt hiện đặt trong phủ thờ ở chùa Bút Tháp (mặt Sóc vọng tự điền - ruộng cúng ngày mồng một và rằm) có ghi những người được cúng giỗ trong đó có Lê Trụ "Cường Quận công Lê tướng công, tự Vinh Tiến, thụy Vĩnh Tiên phủ quân và các nhân vật khác như:

- Chính cung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, đạo hiệu Pháp Tính.

- Khiêm Quận công Lê tướng công, tự Minh Chính, thụy Phúc Hữu phủ quân.

- Viên tịch Tì-khâu-chân-tuệ thụy Quảng Đạo thiền sư, sắc phong Thánh thiện bồ đề.

(10) Bia Phụng lệnh chỉ (1 mặt) kích thước: 160x30cm, do Tả nội án lại Phương Lộc nam Nguyễn Đắc Thọ (viết).

(11) Ninh Phúc tự chung (dựng năm Gia Long 14 (1815).

(12) Tại chùa Dâu (Bắc Ninh) hiện còn bức tượng Thái phi Trương Thị Ngọc Chử tọa thiền trên tòa sen./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (77) 2006; Tr57-67)

In

Nguyễn Quang Hà (Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (77) 2006; Tr.57-67)


� 2008 -2014  Phật Giáo Online | Homepage